Sidebar

Thứ Ba
14.05.2024

Tìm hiểu “Giải Nobel” của các tu sĩ Dòng Phanxicô

 

Mẫu số chung của Mẹ Têrêxa, Yasser Arafat, Angela Merkel hay Lech Walesa là gì? Tất cả đều đã nhận “Ngọn đèn hòa bình” được các tu sĩ Dòng Phanxicô Assisi trao hàng năm cho những người hoạt động vì hòa bình.

“Lạy Chúa, xin cho con là khí cụ bình an, để con gieo yêu thương vào nơi hận thù.” Đó là lời cầu nguyện đơn sơ của Thánh Phanxicô Assisi. Trọn đời ngài, ngài luôn tìm cách để mình là một trong các nghệ nhân hòa bình mà Chúa Kitô nói trong Các mối Phúc thật. Cuộc đi tìm này ở cao điểm vào năm 1219 khi Thánh Phanxicô gặp Vua hồi giáo trong bối cảnh của cuộc Thập tự chinh. Dù vua hồi giáo không trở lại, nhưng cuộc gặp này đã đặt nền tảng cho đối thoại liên tôn.

Thánh Phanxicô đã tác động mạnh đến nước Ý và toàn Giáo hội. Năm 1228, chỉ hai năm sau khi ngài qua đời, ngài đã được phong thánh. Ngay cả Đức Gioan-Phaolô II, người được phong thánh nhanh nhất cũng phải chờ bảy năm! Năm 1937, các đô thị Ý tặng Dòng Phanxicô một ngọn đèn lớn được đặt ngay gần mộ Thánh Phanxicô. Giống như ngọn đèn bên cạnh nhà tạm, ngọn đèn này được đốt lên để tôn kính thánh tích của Thánh Phanxicô.

Là những người thừa kế công việc dấn thân cho hòa bình của Thánh Phanxicô, năm 1981 các tu sĩ Dòng Phanxicô Assisi quyết định tặng một giải thưởng cho những người dấn thân vì hòa bình. Thay vì bỏ phiếu, các tu sĩ chọn qua một cuộc “tham vấn” đơn sơ trong cộng đoàn. Qua họ, Chúa Thánh Thần làm công việc của mình…  Các tu sĩ làm một ấn bản nhỏ ngọn đèn theo mẫu ngọn đèn bên mộ Thánh Phanxicô Assisi. Ngọn đèn mang nét tượng trưng: dầu tuợng trưng cho dầu thơm trên vết thương nhân loại, ngọn lửa nhắc sự hiện diện của Chúa giữa các đau khổ. 

Từ chủ nghĩa cộng sản đến cuộc khủng hoảng di dân, một giải thưởng đi vào lịch sử

Người đầu tiên nhận giải là cựu tổng thống Ba Lan Lech Walesa. Khi Âu châu bị chia đôi bởi chủ nghĩa cộng sản, các tu sĩ Dòng Phanxicô thấy nơi người thợ điện, nhà sáng lập Cộng đoàn Đoàn kết này một cách thể hiện tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi. Một dấu hiệu báo trước vì hai năm sau ông nhận giải Nobel hòa bình.

Sau đó giải được phát không đều đặn. Năm 1986, giải được trao cho Đức Dalai-lama, Đức Gioan-Phaolô II và Mẹ Têrêxa. Năm này là năm đánh dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên ở Assisi của các nhà lãnh đạo tôn giáo khác nhau trên thế giới dấn thân hoạt động vì hòa bình. Trực giác của Thánh Phanxicô có một động lực to lớn.

Năm 1990, các tu sĩ Dòng Phanxicô trao giải cho nhà lãnh đạo Palestina Yasser Arafat. Năm năm sau là bà Betty Williams được giải, bà là người đấu tranh hòa bình cho Bắc-Ai Len. Sau đó giải được trao thường xuyên hơn, năm 2008 giải trao cho cựu tổng thống Liên-xô Mikhail Gorbatchev, năm 2009 cho bà Ingrid Betancourt, người bị Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang Cô-lông-bi bắt làm con tin (2009), năm 2011 trao cho Đức Bênêđictô XVI, năm 2013 là tổng thống Israel Shimon Peres, năm 2015 là Đức Phanxicô.

Và gần đây nhất, năm 2018 là bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức. Với giải thưởng này, các tu sĩ Dòng Phanxicô vinh danh cho sự dấn thân “chung sống hòa bình giữa các dân tộc”. Từ đấu tranh tự do ở bức màn sắt Đông Âu đến cuộc khủng hoảng di dân, các người nhận giải tạo nên bức khảm của những người dấn thân làm việc cho hòa bình. Đôi khi các lựa chọn này có tính cách chính trị, nhưng luôn phù hợp với lời kêu gọi và cam kết của các người kế vị ngôi vị Thánh Phêrô.

Ngày 29 tháng 3, giải sẽ được trao cho vua Jordania Abdallah II trong một buổi lễ có sự hiện diện của bà Angela Merkel, thủ tướng nước Đức. Các tu sĩ Dòng Phanxicô chọn đức vua Jordania vì “hành động và các nỗ lực của ông để cổ động cho nhân quyền, sự hòa hợp giữa các tôn giáo (…) và tự do thờ phượng” mà ông muốn đưa vào đất nước mình. Ngoài ra còn vinh danh cho sự tiếp nhận người tị nạn của ông. Nước Jordania đã nhận 1,3 triệu người Syria trên đất mình, cọng thêm nhiều người Irak đã tìm được nơi cư trú ở Jordania, Jordania trở thành mô hình đối thoại liên tôn ở vùng Trung Đông.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

730    30-03-2019