Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Chúa Nhật III Phục Sinh_2

CHÚA LÀ NGUỒN AN ỦI
Ga 20, 1, 1-9

Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra những u buồn, thất vọng và chán nản của hai môn đệ đi về làng Emaus. Chắc chắn các ông không bao giờ nghĩ mình phải rơi vào tình trạng như ngày hôm nay. Xét cho cùng, chúng ta cũng không thể trách hai môn đệ này được, vì thất vọng cũng là một tâm lý rất thường có ở con người. Khi mà ta hy vọng quá cao về một điều gì, mà điều đó không được thực hiện như lòng mong muốn thì ta lại càng thất vọng. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy họ đặt hy vọng rất nhiều vào Chúa Giêsu. Đối với họ, Ngài là một vị tiên tri có quyền lực trong lời nói và việc làm trước mặt Thiên Chúa và trước mặt toàn dân. Điều lớn nhất nơi họ là đợi đến thời cơ "chín mùi" sẽ được cùng Ngài đứng lên giải phóng Israel, cùng được chia sẻ phần vinh hoa với Người. Nhưng lại không được như họ suy nghĩ và ước mơ. Không những thế, mà Thầy Giêsu còn bị người ta hành hạ và kết án như một tên tử tội. Rồi đã ba ngày trôi qua đang thất vọng thì có những người phụ nữ lại báo tin "người ta đã lấy mất xác Thầy rồi". Còn các môn đệ cũng chỉ thấy mồ trống mà cũng không thấy Thầy đâu. Thế là hết! Bao nhiêu hy vọng đã tiêu tan, họ phải lủi thủi về quê mà trong lòng tràn ngập bao nỗi u phiền và thất vọng.

Dù thế nào đi nữa, thì biến cố thương khó và tử nạn vẫn là mối bận tâm sâu đậm cho hai ông. Mặc dù hai ông thất vọng đến tột độ nhưng vẫn không thể nào không nghĩ tới, khi có cơ hội nhất là "dọc đường các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra" nhân cơ hội này Đức Giêsu đã tháp tùng đi với họ. Trong thời gian đi, tuy họ chưa nhận ra Chúa , nhưng Ngài hiểu tất cả, Ngài thấu suốt tâm can họ, biết họ suy nghĩ những gì và đang dự định làm gì. Có thể nói phương pháp sư phạm của Đức Giêsu rất tâm lý. Ngài chờ đợi con người bộc bạch hết những nỗi băn khoăn, lo âu, sau đó Ngài mới từng bước dẫn họ vào ánh sáng Phục Sinh.

Trước tiên Ngài lấy Kinh Thánh chứng minh, cho họ biết rằng họ không hiểu gì cả về Đấng Kitô. Ngài đã giải thích các biến cố chịu nạn cho họ hiểu. Và nhờ Kinh Thánh mà lòng họ đã được "bừng cháy lên". Nhưng những lời Đức Giêsu dẫn chứng vẫn không thể xoá đi được sự vô tri trong lòng họ, nhưng dù sao thì Lời Chúa cũng làm loé lên trong tâm hồn họ khiến họ nhận ra một ý nghĩa mới cho cuộc đời. Buồn sầu tan biến, tâm hồn họ được tràn đầy niềm hy vọng nhưng mắt họ vẫn chưa mở ra để nhìn "thấy Chúa Phục Sinh" mặc dù lòng họ lúc đó "bừng cháy lên".

Cuối cùng Đức Giêsu phải đưa họ đến cử chỉ quen thuộc thân thương mà khi còn sống Ngài đã từng làm, đó là "cử chỉ bẻ bánh". Khi Người cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ, mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người'.

Tâm trạng thất vọng của hai môn đệ đi làng Emaus hôm nào cũng là tâm trạng của chúng ta; thường hay than trách phàn nàn về số phận mà Thiên Chúa đặt để cho ta, phàn nàn tại sao mình bất hạnh quá, sao mà cực khổ quá. Chúng ta cũng hay ganh tỵ, so sánh đưa đến chán nản thất vọng tại sao người khác không theo Chúa lại giàu sang sung sướng, trong khi tôi ăn ở đàng hoàng tử tế, giữ những điều Giáo Hội dạy, thì lại mất mát thua thiệt, Thiên Chúa đâu sao Ngài không ban thưởng cho tôi? Từ đó đâm ra chán chường quay đầu lại với "Giêrusalem", quay đầu với Giáo Hội và với Chúa. Tương tự như hai môn đệ làng Emaus, chúng ta chỉ có thể hết chán chường khi biết nhìn Thập Giá Đức Giêsu là nguồn cứu độ" không còn đi theo Chúa với tư tưởng thực dụng và lợi ích trần gian nữa. Hơn thế, phải biết chạy đến nguồn an ủi Lời Chúa vì "Lời chúa là ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi" (Tv 119,105), và cũng biết đón nhận Đức Giêsu Phục Sinh qua Bí Tích Thánh Thể, là dấu chỉ sự hiện diện của Người.

Lạy Chúa! Chúng con sẽ không còn ưu buồn, thất vọng, cũng không còn bơ vơ lạc lõng khi chúng con biết nhận ra Chúa qua những người anh em xung quanh. Nhất là cho chúng con biết tìm nguồn an ủi nơi Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Amen

SAO LẠI THẤT VỌNG?
Ga 20, 1, 1-9

Thánh Luca thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường đi về Emaus. Hai người lữ hành mang nặng tâm trạng chán chường thất vọng. Mọi chuyện bắt đầu từ biến cố Đức Giêsu Nazareth chịu án tử trên thập giá, rồi những lời đồn thổi xung quanh ngôi mộ trống của Ngài. Thất vọng và chán chường đã đưa hai ông đến chỗ hoài nghi: Có phải Thầy là Đức Kitô - Con Thiên Chúa không? Nếu thật thì tại sao Thầy lại chết treo trên thập giá cách ô trọc, nhục nhã như vậy? Chỉ trong đôi ba ngày ngắn ngủi, nhiều biến cố đã xảy ra vượt khỏi trí tưởng của hai ông: Thầy bị bắt, bị đánh đập dã man, bị đóng đinh, rồi xác biến mất... Các biến cố đã xảy ra nhanh quá, dồn dập và choáng ngợp quá, khiến các ông bị khủng hoảng nhiều về niềm tin và hy vọng.

Tâm trạng sầu não của hai môn đệ biểu lộ qua những lời trao đổi với "người khách đồng hành duy nhất": Bao năm vất vả theo Thầy, "nếm mật nằm gai" những mong ngày Thầy tái lập nước Israel, mình sẽ có một chỗ đứng trong xã hội: không là tể tướng thì chí ít cũng là quận công, tổng trấn... Nhưng giờ đây tất cả đã trở thành mây khói. Hai ông đâm ra hoang mang, hoảng sợ rồi vội vã ra khỏi thành, chạy trốn một sự thật quá phũ phàng.

Gặp người khách lạ, hai ông được dịp giãi bày nỗi lòng ngổn ngang của mình. Người khách lạ ân cần lắng nghe, đồng thời giải thích cho hai ông biết cái chết của Đức Giêsu không phải là sự nhục nhã nhưng là con đường để Ngài đi tới vinh quang. Người khách lạ ấy không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu, Ngài hiện diện giữa các môn đệ để củng cố lòng tin của các ông. Chính buồn phiền chán nản đã che mờ đôi mắt và tâm hồn khiến họ không nhận ra được người đồng hành chính là Thầy chí thánh đã phục sinh.

Đời sống đạo của nhiều người trong chúng ta cũng như hai môn đệ nầy: chỉ gắn "mác" (mark) Kitô hữu để hưởng quyền lợi cá nhân hơn sống thật sự là một Kitô hữu. Nhiều người sốt sắng tham gia các sinh hoạt của họ đạo cốt chỉ để được tiếng tốt, hay để được hưởng lợi từ các chương trình phúc lợi của họ đạo. Nhưng khi gặp chuyện trái ý cũng dễ dàng quay lưng lại với cộng đoàn họ đạo. Sống đạo như thế chưa thật sự vững vàng. Người Kitô hữu đích thực, dù gặp phiền muộn hay khổ nhục nào đi nữa, vẫn luôn có thể và phải tỏ ra an vui và tin tưởng.

Hai môn đệ trên đường Emaus là người gần gũi với Chúa Giêsu khi Ngài còn sống. Hai ông thuộc rành rẽ những điều Chúa Giêsu đã báo trước. Nhưng hiểu biết chưa hẳn đã tin. Mắt hai ông chỉ mở ra khi được dự lễ bẻ bánh với Chúa. Chúng ta cũng sẽ chỉ hiểu biết về Chúa chứ không nhận ra được sự hiện diện của Ngài, nếu ta chỉ tìm kiếm những điều hợp với ý mình chứ chưa thật sự sống cùng cộng đoàn Phụng vụ.

Chúng ta còn gặp nhiều phiền muộn, chán nản trong đời sống đức tin là vì chúng ta chưa thật sự sống với những thăng trầm của cộng đoàn họ đạo. Chỉ khi ta gắn bó cuộc đời mình với sức sống của họ đạo, của Giáo Hội; ta mới nhận được đức tin và niềm hy vọng vững vàng. Chính khi đó, gương mặt Đức Kitô Phục Sinh mới chiếu toả cho chính chúng ta và cho mọi người như đã chiếu toả trong nhà trọ làng Emaus.

ĐƯỜNG ĐỨC TIN
Lc 24,13-35

Truyện kể rằng: Thánh giáo phụ Sarapio một lần hành hương đến Rôma, ngài đến thăm một nữ ẩn tu và hỏi chị: "Tại sao chị ngồi yên ở đây?" Chị trả lời: "Không, tôi đâu có ngồi yên, tôi đang đi trên đường cơ mà." Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus. Đường Emmaus là đường đức tin, đường thấy Chúa của hai môn đệ. Hai môn đệ có được đức tin và gặp được Chúa nhờ Lời Chúa và Thánh Thể Chúa.

Lời Chúa soi sáng lòng tin họ: Hai môn đệ đã không tin Chúa sống lại qua lời chứng của các Tông Đồ và các phụ nữ nên đã rời bỏ cộng đoàn các Tông Đồ, rời bỏ các Tông Đồ là rời bỏ đức tin. Hai người buồn rầu đi bên nhau nói về Thầy mình: "Một Người đầy uy thế trong lời nói, việc làm trước mặt Thiên Chúa và toàn dân" nhưng lại chết thê thảm, nhục nhã. Ước mơ công hầu khanh tướng - bên tả bên hữu của hai ông tan bi?n, giờ chỉ còn là thất vọng. Vì hai ông vẫn xem Chúa Giêsu là Vua chính trị sẽ giải phóng Israel. Chúa Giêsu tiến lên và xin được đồng hành với họ, chứng tỏ Chúa Giêsu đi phía sau hai ông, đang đi tìm hai ông, nhưng mắt hai ông "bị ngăn cản", lòng hai ông thì u tối nên không nhận ra Ngài. Ngay cả đến khi Chúa Giêsu giải thích Thánh Kinh: từ Môsê đến các ngôn sứ và nói: "Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang sao?", dù lúc đó lòng họ "đã bừng cháy lên" nhưng vẫn không thấy Chúa. Chính Lời Chúa Giêsu đã làm cho lòng họ bừng cháy lên, tại sao họ vẫn chưa nhận ra Ngài? Thưa: vì Chúa chưa cho họ thấy. Chúa Giêsu chưa mở trí, chưa mở mắt đức tin thì họ không thể thấy Chúa dù Ngài đang đi bên cạnh họ. Đường đức tin của hai môn đệ còn phải nhờ đến Thánh Thể.

Thánh Thể mở trí, mở mắt đức tin họ: Họ nài ép Chúa Giêsu ở lại, dùng bữa tối, ngủ lại để dưỡng sức đi tiếp cuộc hành trình. Tinh thần hiếu khách và lòng bác ái của hai môn đệ với Người Khách dường như xa lạ này là cơ hội cho Chúa ở lại với họ và Ngài đã mở trí, mở mắt đức tin và khơi niềm tin cho họ bằng cử chỉ quen thuộc mà khi còn sống Chúa Giêsu vẫn thường làm cho các môn đệ: "Cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, và trao cho họ". Tức thì hai ông nhận ngay ra Chúa Giêsu, nhưng Ngài lại biến mất. Vì khi Phục Sinh, Chúa Giêsu không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Như thế, chỉ khi Chúa Giêsu cho họ thấy họ mới có thể thấy. Gặp được Chúa Giêsu, niềm tin đã thôi thúc họ trở về đoàn tụ với các Tông Đồ. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện nơi Lời Chúa và Thánh Thể đã làm thay đổi cuộc đời họ: từ con người u tối thành con người đầy niềm tin, làm cho đường xa hoá gần, tối thành sáng, nghi an thành bình an, từ những con người tuyệt vọng thành tràn đầy hy vọng và có lẽ sống.

Tin mừng hôm nay mang ý nghĩa thâm sâu: Đường đức tin của hai môn đệ cũng là đường đức tin của mỗi người chúng ta. Tác giả chỉ tên một môn đệ là Clêôpát. Theo Cha Perrot, người không nêu tên đó chính là mỗi người trong chúng ta. Chúa cũng đang mời gọi ta hãy tin vào Thánh Kinh và Thánh Thể. Lời Chúa và Thánh Thể có chiếm chỗ quan trọng nhất của đời tôi không? Mỗi khi nghe Lời Chúa, lòng tôi có "bừng sáng lên", tôi có nghe được chính Chúa đang nói với tôi để rồi tôi biết yêu mến Lời Chúa bằng việc năng đọc và suy niệm Lời Chúa như Đức Maria xưa không? Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu nhưng tôi có năng chuẩn bị tâm hồn mỗi khi đến tham dự Thánh Lễ để rước Ngài, và viếng Thánh Thể? Chúa còn mời gọi ta nh?n ra sự hiện diện của Ngài trong thế giới vật chất và con người. Người Kitô hữu là người có Chúa và phải thấy Chúa trong mọi biến cố, mọi sự của cuộc sống hằng ngày. Xin mượn lời bài hát của linh mục Thái Nguyên để nói lên khát khao gặp Chúa: "Chúa ơi cho con nhìn thấy, bước Ngài đang đến trong đời con, dưới ngàn hình dong dáng vẻ, Chúa vẫn hiện diện, lặng lẽ trong đời, như tấm bánh nơi nhà tạm đơn sơ, như nơi những kẻ đói nghèo bơ vơ. Chúa hẹn gặp con, Chúa chờ đợi con qua bao biến cố buồn vui, qua những lo toan đời thường, qua ngàn sầu thương vấn vương. Ước gì con trông thấy Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, ước chi con không bỏ rơi cơ hội đến trong từng ngày để được gặp Chúa trên muôn nẻo đời". Đúng vậy, phải xin Chúa để ta mới có thể thấy được Chúa vì chỉ khi Chúa cho thấy ta mới có thể thấy. Khi ta thấy Chúa hiện diện trong những thử thách, nghịch cảnh để ta dễ dàng đón nhận trong vui tươi và bình an. Nhưng phải thực sự nhìn nhận rằng mỗi khi ta gặp sóng gió, khó khăn, khó khăn ta thường chán nản thất vọng, chán nản vì ta không thấy Chúa, nhưng Chúa vẫn đang đi sau ta, đi bên ta, đồng hành với ta vì mắt ta bị ngăn cản bởi sự yếu tin, lòng u tối. Khi ta gây bất hoà trong gia đình; mất lòng với khu xóm; chia rẽ trong cộng đoàn, giáo xứ, rời bỏ Giáo Hội, là ta đã bỏ đức tin, bỏ Chúa. Nếu khi đau yếu thể xác chúng ta biết tìm đến bác sĩ để được tư vấn, khám và chữa trị. Vậy tại sao khi tâm hồn và đức tin ta bị chao đảo sao ta không tìm đến Lời Chúa và Thánh Thể Chúa là linh dược để được chữa lành, nâng đỡ bổ dưỡng đức tin, chính nơi đây là điểm hẹn mà Chúa Giêsu đang chờ ta. Thánh lễ là cuộc gặp gỡ sinh động của Thiên Chúa với con người.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đang quy tụ chúng con đến bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, để cảm nếm hồng ân là sự hiện diện của Ngài, để được huấn luyện trong trường học của Ngài và để không ngừng sống cách ý thức hơn mối hiệp nhất với Ngài trong đường đức tin. Amen

 CON ĐƯỜNG
Lc 24, 13-35

Bài Phúc âm hôm nay (Lc 24, 13-35) kể lại câu chuyện hai môn đệ trên đường về Emmaus được gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta không thể không nhắc đến hai con đường. Con đường đó là con đường của con người và con đường của Thiên Chúa.

Con đường của con người

Lúc đầu, khi rời Emmaus lên đường theo Chúa Giêsu, hai môn đệ mang nhiều hoài bão và mơ ước về tương lai. Theo Thầy Giêsu, giống như những môn đệ khác, hai môn đệ này đã trao vào tay Chúa Giêsu tương lai của mình, trong đó đặt hết hy vọng nơi Thầy Giêsu. Một mai khi Chúa thành công, thì họ sẽ được ngồi bên tả và bên hữu Chúa, họ sẽ được nắm giữ những vai trò, những chức vụ quan trọng trong triều đình, trong vương quốc của Chúa. Tưởng chừng thành công nắm trong tầm tay. Thế nhưng Đấng Messia mình đặt hết hy vọng giờ đây đã chết. Thầy chết, trò tản mất. Thua to, mất trắng. Mộng đẹp không thành. Một tương lai tưởng chừng như huy hoàng sáng lạng giờ là một màu xám đen... Bây giờ trở về quê, tâm hồn của họ chất đầy buồn phiền, chán nản và thất vọng. Cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu trên thập gía làm tiêu tan niềm hy vọng của họ. Trở về quê đồng nghĩa bắt đầu lại cuộc đời từ vạch xuất phát, bắt đầu từ điềm số 0. Thật ngán ngẫm lắm chứ!

Có thể nói đoạn đường thăng trầm này biểu tượng cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, những người lữ khách đang tiến bước về quê trời. Chúng ta cũng từng gặp những giai đoạn bão táp trong đời khi đi theo Chúa, khi mà đức tin chúng ta bị dao động do những tác động ngoại tại và cả trong nội tâm thiêng liêng của mình. Trong những giai đoạn giông bão này, rất có thể do ảnh hưởng đời sống vật chất: cơm áo gạo tiền...rất có thể do ảnh hưởng do sự thiếu trưởng thành trong đời sống đức tin của chúng ta, chẳng hạn chúng ta nghĩ lại: đi Lễ hoài mà thấy có được gì đâu? Theo Chúa thì thiệt thòi, thua lỗ, bỏ dở công việc làm ăn, không thể gian lận, không thể lường gạt,....Từ những suy nghĩ đó, chúng ta bị lôi kéo theo những trào lưu thế tục hiện đại, tưởng chừng tích cực, tưởng chừng nó có thể giúp chúng ta bước lên vinh quang...Tệ hại hơn chúng ta bị cám dỗ và phạm tội thất vọng đối với Giáo Hội, chống lại Giáo Hội, thậm chí còn đã từ bỏ Giáo Hội, không còn nhiệt tình và hăng say theo Chúa và nghe lời Giáo Hội nữa. Kết quả chúng ta nhận được là con số 0. Con đường con người là như thế đó. Nếu chỉ dừng lại tại đó, coi chừng có thể chúng ta sẽ chết trong suy nghĩ ấu trĩ của chính mình.

Con đường  của Thiên Chúa.

Thiên Chúa có đường lối của Ngài. Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng trên nẻo đường cong. Trong phần sau câu chuyện trên đường Emmaus cho thấy điều đó. Các môn đệ muốn theo Chúa trên đường vinh quang nhưng Thiên Chúa thì đi con đường khác với suy nghĩ của các môn đệ. Chúa Giêsu phải chết rồi mới sống lại vinh quang. Thầy Giêsu đang hiện diện thật sự ngay bên cạnh họ. Thầy Giêsu đã giúp họ nhận ra Ngài. Thầy Giêsu đàm đạo, giải thích Thánh Kinh cho họ hiểu ý nghĩa của khổ nạn: "Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát trở thành điểm khởi đầu của những lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, đau buồn giờ đã nhuốm mầm niềm vui hạnh phúc. Thầy Giêsu ăn uống với họ: "Người cần bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông" (Mt 24,30). Họ đã nhận ra Người. Sự hiện diện của Ngài đã làm cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa, đêm tối trở thành ánh sáng.  Nhờ Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, hai môn đệ đã tìm thấy ý nghĩa của biến cố. Họ đã quay trở lại Giêrusalem nơi cuộc khổ nạn và cái chết bi đát đã xẩy ra và can đảm đối diện với nó bằng đức tin và niềm hy vọng. Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể "làm thành một hành vi phụng tự duy nhất" của Giáo Hội (Sacrosanctum Concilium, 56). Người hướng dẫn ta qua Lời Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh (Dei Verbum, đoạn 21, 25), và trở nên nguồn sức mạnh nuôi dưỡng linh hồn ta trong Bí tích Thánh Thể.

Hai môn đệ về lại Giêrusalem với một trách nhiệm cần phải chia sẻ những gì họ đã có được. Điều mà họ phải loan báo chính là con đường của Thiên Chúa, con đường của niềm vui, hy vọng, niềm tin và tình yêu. Trong đêm tối người ta khó tin có mặt trời nhưng sự thực mặt trời vẫn luôn có đó. Trong đau khổ, người ta khó tin có Thiên Chúa, nhưng thực sự Thiên Chúa vẫn có đó. Vì Đức Kitô đã sống lại và đang đồng hành với chúng ta. Thiếu tình yêu của Đấng phục sinh khiến chúng ta có thể khó thấy con đường của Thiên Chúa, làm cho chúng ta dễ dàng ham vinh quang và địa vị xã hội, mặc dù có phải chà đạp lên kẻ khác. Thiếu tình yêu của Đấng phục sinh khiến chúng ta khó có thể thấy con đường của Thiên Chúa, sẽ làm chúng ta có thể ham tiền tài. Khi đó, chúng ta vật lộn, nai lưng ra để tìm tiền kiếm bạc, cho dù có phải vùi dập bản thân, gia đình và hành động bất công với những người chung quanh. Thiếu tình yêu của Đấng phục sinh khiến chúng ta có thể ham thích những vui thú phần xác. Chúng ta không còn ham thích sống đời đạo đức, dễ dàng bỏ Chúa, sẵn sàng bỏ Hội Thánh. Vì chúng ta không nhận ra con đường của Thiên Chúa.

Từ kinh nghiệm của hai môn đệ ấy, xem lại bản thân chúng ta. Chúng ta nhìn nhận rằng: Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng ta, Chúa có con đường riêng dành cho chúng ta nhưng chúng ta vẫn không ra Ngài. Ngài ngự trong lòng chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, ý muốn của Ngài trong lương tâm ngay chính; Ngài cùng bước đi với chúng ta nơi tha nhân, nơi những anh em nghèo đói, bệnh tật, Ngài thật sự hiện diện nơi những người thiếu ánh sáng Tin mừng niềm tin và hy vọng. Con đường của Thiên Chúa thật bình thường và cũng thật kỳ diệu biết bao. Hãy mở lòng ra thì chúng ta sẽ nhận ra Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, giữa những nghịch cảnh phong ba cuộc đời này, xin cho chúng con luôn xác tín Chúa luôn hiện diện và quan phòng chăm sóc chúng con, để chúng con sống bình an, tin tưởng và vui tươi theo Chúa. Cho chúng con dễ dàng nhận ra Chúa đang hiện diện và mời gọi chúng con tiếp đón Chúa nơi tha nhân.  Amen

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
 Lc 24:13-35 

Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô là việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa trong Kinh thánh. Đây là chủ đề xuyên suốt phụng vụ của ngày Chúa Nhật 3 Phục Sinh. Đức Giêsu phục sinh, cùng đồng hành với hai môn đệ trên đường về Emmau, "bắt đầu từ Môsê và tất cả các ngôn sứ giải thích cho họ những gì liên quan đến Người trong tất cả sách thánh" (Tin Mừng) 

Về phần Phêrô, trong bài giảng đầu tiên cho người do thái tại Giêrusalem đã trích những lời của ngôn sứ Gioen, tiên báo sự sống lại của Đức Kitô: "Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát (Bài đọc 1) 

Sau cùng, thư thứ nhất của Thánh Phêrô cũng đề cập đến vấn đề này như là kế hoạch từ đời đời của Thiên Chúa: "Đức Kitô, Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người chỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào thiên Chúa." (Bài đọc 2) 

Sứ Điệp Niềm Tin 

Theo Thánh Augustinô, Tân Ước được ẩn chứa trong Cựu Ước, do đó có sự tiếp nối mạc khải của Thiên Chúa trong suốt lịch sử cứu độ. Chính Đức Giêsu cũng đã giải thích cho các môn đệ đi làng Emmau điều mà Môsê (Ngũ Kinh) và các ngôn sứ đã nói về sự phục sinh của Người. Những bản văn Thánh Kinh nào Đức Giêsu đã dùng để giải thích cho hai môn đệ đang vỡ mộng, đang mù mờ trước mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh? Không thấy Thánh Luca đề cập đến. Tuy nhiên, đọc Cựu Ước, ta có thể kể ra một số đoạn như sau: Đnl 32,39 trong đó Thiên Chúa tự mạc khải như Đấng "cầm quyền sinh tử"; Am 9,2: "Chúng có chui xuống tận âm ty, tay Ta cũng kéo chúng lên khỏi đó"; Tv 16,10: " Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ" và nhất là lời sứ ngôn Gioen 3,1-5 mà Thánh Phêrô đã trích dẫn khi giảng cho dân cư tại Giêrusalem (Bài đọc 1). 

Thêm vào đó còn một số đoạn khác bàn về việc Thiên Chúa cho hồi sinh dân Ítrean (Os 6,1; Ez 37,1-14; Is 53) Gần với Tân Ước, ta còn có lời ngôn sứ Đanien (12,2): "Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy." Sau cùng và trên hết phải kể đến những bản văn trong sách Maccabê, Thiên Chúa Đấng tạo dựng nên ta, cũng là Đấng ban lại cho ta sự sống (2Mcb 7, 9;11;22; 14,46). Cùng với tính liên tục, ta cũng cần nhấn mạnh đến sự vượt trội của Tân Ước trên Cựu ước, và bước tiến đi từ hình ảnh về sự phục sinh đến thực tế cụ thể xảy ra nơi Đức Giêsu Kitô, hoa quả đầu mùa và là bảo đảm cho sự sống lại của chúng ta. Cũng có nhiều điểm giống với những bản văn Cựu ước, tuy nhiên vẫn có những khác biệt to lớn vượt mọi điều mong chờ và mọi lời tiên báo của các ngôn sứ. 

Mầu nhiệm phục sinh đã được ẩn giấu trong cung lòng Chúa Cha, Đấng trong Cựu Ước, chỉ dọi chiếu một ít tia sáng để khơi dậy và nuôi dưỡng niềm hy vọng. Còn trong Tân Ước, Chúa Cha không mạc khải lòng mình bằng lời nhưng bằng hành động làm cho Đức Giêsu Kitô chỗi dậy từ cõi chết. Mạc khải về việc Đức Kitô sống lại thật bất ngờ và đáng khâm phục vượt trên mọi suy tưởng của con người. Mầu nhiệm này thật ấn tượng, vượt mọi năng lực lý trí và vượt cả cựu ước dù vẫn có sự tiếp nối và trở thành một kỳ chướng cho người do thái và cả những kẻ không tin. Nhưng đối với ta là những kẻ tin, đó la quyền năng và ý định của Thiên Chúa (1 Cor 2, 1-5) 

Gợi ý Mục Vụ 

Các bài đọc ngày Chúa Nhật hôm nay là dịp giúp các tín hữu hiểu biết hơn về việc Thiên Chúa mạc khải tiệm tiến các mầu nhiệm. Mỗi mầu nhiệm kitô giáo đều có một lich sử, như bài đọc hai cho thấy, bắt nguồn ngay trước cả cuộc sáng tạo và tiếp tục qua nhiều thế kỷ chuẩn bị cho mạc khải viên mãn nơi Đức Giêsu Kitô. Đây không phải là một lịch sử trần tục điều khiển do những thế lực đen tối như kiểu các thần thoại. Và cũng chẳng phải là một sự phát triển dần dần của những khả năng lý trí và tri thức của con người vươn tới những lãnh vực siêu vượt của tri thức. 

Nhưng đây là lịch sử tôn giáo, biểu lộ một khoa sư phạm tuyệt vời của Thiên Chúa đối với dân của Ngài. Đây là tình thương của Chúa Cha dành cho con cái của Ngài, một tình thương tự hạ cho ngang tầm với thân phận giới hạn và bất toàn của con người, để con người nhận ra được ánh sáng của các mầu nhiệm, đặc biệt là mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu Kitô. 

Từ quan điểm này, Cựu Ước đã là bước khởi đầu mạc khải cho các mầu nhiệm kitô giáo. Đó là cơ hội thuận lợi mời gọi và cổ vũ người tín hữu đọc và suy gẫm Cựu Ước, nhưng phải luôn luôn được soi sáng nhờ mạc khải viên mãn mà Đức Giêsu mang lại. Đối với các bạn trẻ và người trưởng thành, phụng vụ trong các tuần lễ mùa Phục sinh là bài giáo lý với trọng tâm về sự sống lại, giải thích lịch sử tiệm tiến của mầu nhiệm này nhờ các bài đọc và suy tư dựa trên một ít bản văn Cựu Ước. 

Đồng thời cũng là dịp rất tốt cho tín hữu đọc Cựu Ước bằng "đôi mắt kitô hữu", và suy niệm, cầu nguyện bằng "lòng trí kitô hữu" dựa trên các thánh vịnh hoặc nhiều bản văn hay khác của Kinh Thánh do thái giáo. Tất cả những điều đó mời gọi ta cảm tạ Thiên Chúa vì mạc khải tròn đầy nơi Đức Kitô về việc sống lại, và xin Ngài mở lòng trí các tín hữu do thái giáo đón nhận mạc khải viên mãn.

Lm Phêrô Phạm Ngọc Lê

GẶP CHÚA SỐNG LẠI
Lc 24,13-35

Đối với con mắt trần gian của chúng ta thì chết thật là buồn thảm, thật là chán nản, vì chết là hết, chết thì không còn gì nữa trong trần gian này. Sự nghiệp của một người thường chấm dứt khi người ấy nhắm mắt xuôi tay. Giả như sự nghiệp của người ấy có vĩ đại, công trình của người ấy có lớn lao và quan trọng, thì may ra còn để lại ảnh hưởng nào đó cho những người kế tiếp. Nhưng khi chết như một tên trộm cướp, một tên đại gian ác, vỏn vẹn chỉ có dăm ba người thân thích dám có mặt lúc bị hành hình, thì thực không còn gì mà tin tưởng nữa. Đó là trường hợp của Chúa Giêsu. Thập giá đã kết liễu cuộc đời đầy hứa hẹn của Chúa, thập giá đã chôn vùi mọi hy vọng và tin tưởng trong lòng những người theo Chúa, mọi sự đã sụp đổ và tiêu tan hoàn toàn.

Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, sau khi Chúa chết, tâm trạng của các ông là như thế. Nhưng thực sự chưa hẳn thế, biết đâu Chúa đã sống lại thật như Ngài đã nhiều lần tuyên bố trước đây ? Nhất là sáng sớm hôm nay, ngày Chúa nhật đầu tiên sau khi Chúa chết, mấy người phụ nữ đến viếng mộ Chúa, họ không thấy xác Chúa, và họ quả quyết Chúa đã hiện ra với họ. Đó là những điều đang làm các môn đệ của Chúa băn khoăn suy nghĩ. Cụ thể là hai môn đệ mà bài Tin Mừng kể lại, hai ông không hiểu ra sao nữa, thôi đành tạm rời Giêrusalem về quê cũ, rồi sau sẽ hay, nhưng trên đường về làng Em-mau, Chúa Giêsu hiện ra cùng đồng hành với hai ông và trò chuyện với hai ông. 

Nhưng hai ông chưa nhận ra đó là Chúa Giêsu phục sinh mà chỉ tưởng là một người bộ hành nào đó tình cờ gặp trên đường, nên các ông mời ghé lại quán bên đường dùng cơm và tiếp tục câu chuyện. Vào quán, khi dùng bữa, Chúa Giêsu phải dùng đến những cử chỉ quen thuộc, cầm lấy bánh, nói lời chúc tụng Thiên Chúa, bẻ ra, trao cho hai ông, lúc ấy hai ông mới nhận ra Ngài. Vừa nhận ra thì Chúa Giêsu "tàng hình" đã biến mất. Các ông vui mừng quá, quay trở lại Giêrusalem để báo cho các bạn khác biết : Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi. 

Câu chuyện hai môn đệ đi về làng Em-mau cũng là câu chuyện của hết thảy chúng ta, của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng đi theo Chúa Giêsu, cũng đã tin tưởng vào Ngài. Trong biết bao ngày tháng chúng ta đã nghe những lời Chúa giảng dạy, nhưng cũng như các môn đệ, nhiều khi chúng ta chán nản, vì điều chúng ta trông mong, điều chúng ta cầu xin, mặc dầu rất thiết thân, nhưng cầu mãi, trông hoài mà vẫn chưa được, có khi chúng ta cảm thấy thất vọng, Chúa Giêsu mà chúng ta tin tưởng, xem ra không thắng nổi cuộc thử thách : chúng ta đau, chúng ta chán, chúng ta buồn, chúng ta khổ, đủ thứ cả, thế mà nghe giảng, cầu nguyện cũng không làm cho chúng ta hy vọng gì hơn, giống như hai môn đệ nói : "Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en, nhưng việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi", hai ông đợi đến ngày thứ ba thì đâm ra thất vọng. Cũng thế, chúng ta đợi, chúng ta chờ, có khi đã hơn ba ngày, ba tuần, ba tháng, ba năm mà vẫn không thấy gì, chúng ta đâm ra thất vọng, chán nản, phàn nàn, kêu trách Chúa, thậm chí có người còn ra điều kiện với Chúa hoặc bỏ Chúa.

Nhưng thế nào chăng nữa chúng ta hãy bắt chước hai môn đệ này, hai ông đã thưa với Chúa : "Xin Ngài ở lại với chúng tôi". Dù hoàn cảnh ra sao, chúng ta cũng hãy xin Chúa : Xin Chúa luôn ở lại với chúng con trên đường đời đầy chông gai và gian khổ này. Xin Chúa ở lại với chúng con trong cái thế giới nhiều hận thù và ghen ghét, còn muốn đóng đinh Chúa nữa này. Xin Chúa lưu lại đây với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu "hồi sinh" và "biết chết" như những kẻ thừa kế của nước trời. 

Chúng ta cần phải biết nhạy cảm ngạc nhiên trước mỗi bất ngờ Chúa gửa đến, để trước hết chúng ta cất tiếng ngợi khen cảm tạ Chúa, cũng như khám phá được điều Chúa muốn và rồi đến lượt chúng ta cũng trở thành những bất ngờ cho anh em, trong mục đích hướng lòng họ về với Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Và như vậy, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chúng ta không bao giờ chán nản thất vọng, buồn phiền, vì biết rằng Chúa luôn có những bất ngờ cho chúng ta, vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Cha nhân từ thương yêu chúng ta vô cùng. 

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP. (nguồn sưu tầm vietcatholic.org)

1585    05-05-2011 20:41:40