Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Chúa Nhật XV TN A_2

SINH LỢI
Mt 13, 1-23

Nét đặc trưng của người Công giáo là sống niềm hy vọng và sống niềm tin vào một tương lại huy hoàng dành cho mình ở cuối cuộc hành trình. Niềm hy vọng mà người Kitô hữu đang mang trong mình hoàn toàn khác với những mơ mộng hão huyền trong một lối sống dễ dãi mà nhiều người vẫn ước mong. Bởi lẽ, niềm hy vọng của người Kitô hữu thôi thúc họ sống trọn vẹn ơn gọi làm người của mình song song với bổn phận làm con Chúa: sống đúng phẩm giá của mình và tôn trọng phẩm giá của người khác. Niềm hy vọng của người tín hữu Chúa Kitô chính là niềm hy vọng của người gieo hạt giống vào mảnh đất tốt mà mình đã ra công dọn dẹp kỹ lưỡng, hết lòng chăm sóc cho hạt giống ấy lớn lên và chờ mùa thu hoạch. Đó là niềm hy vọng rất thực và kết quả hầu như đã rõ ràng.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, Thiên Chúa rất rộng rãi và hào phóng trong việc trao ban Lời hằng sống của Ngài cho con người. Ngài vẫn biết khi ban phát Lời như thế thì sự thất bại rất cao. Nhưng Ngài vẫn hy vọng có những tâm hồn thành tâm thiện chí đón nhận Lời Ngài và hết lòng chăm lo để Lời ấy được lớn mạnh và sinh lợi cho Ngài.

Trong bài đọc một, Tiên tri Isaia cho thấy sức mạnh và công dụng của Lời khi Thiên Chúa sai Lời ấy vào trần gian này. Lời Chúa sẽ hoàn thành sứ mạng ban sự sống cho con người và hoàn tất ý định của Thiên Chúa.

Tâm hồn của mỗi người chúng ta chính là thửa đất mà Thiên Chúa sẽ gieo Lời của Ngài vào đó. Chúng ta tin chắc rằng, không một thửa đất tâm hồn nào của con người hoàn toàn là sỏi đá, hay hoàn toàn gai góc hay hoàn toàn là đất tốt cả.

Nó trở thành sỏi đá là vì chủ của nó không đào xới, không canh tác nó và nhiệt tâm vào việc sử dụng nó cho những mục đích tốt đẹp.

Nó trở thành gai góc cũng tại vì chủ nó không quan tâm đủ và không cương quyết nhổ sạch gai góc khi chúng mới bén rễ vào đó, hoặc đôi khi vì chủ nó đem cỏ và gai góc về trồng.

Nó có trở thành đất tốt thì cũng chính nhờ chủ nó hết lòng cày xới, vun bón và quan tâm đến nó.

Ở trong tội lâu ngày sẽ mất ý thức về tội; để cho dịp tội đến gần ắt sẽ có ngày phạm tội. Không một tội lỗi nào của con người mà không do những lần làm quen với dịp tội. Lương tâm của con người vốn là do Thiên Chúa dựng nên để giúp con người phản tỉnh khi có những sai lầm trong cuộc sống. Nhưng lương tâm ấy sẽ chai lì và lệch lạc nếu không được đào luyện mỗi ngày dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Trước đây Giáo hội Việt Nam còn buộc nhặt việc kiêng thịt ngày thứ sáu. Có một ông giáo dân nọ vào quán ăn trưa. Ông biết quán ăn đó có món cá, nhưng ông thích ăn thịt hơn. Vừa kéo ghế ngồi, ông liền gọi một loạt tên các thứ cá mà ông biết chắc là chẳng bao giờ có: "cho tôi một đĩa cơm cá Sấu!". Chủ quán đáp "không có". Vậy thì một đãi cơm cá Voi đi. Chủ quá cũng vội đáp lại "không có" Thế rồi ông ta tự nhủ: "Lạy Chúa, Chúa biết cho con, con đã làm hết sức, đã gọi nhiều thứ cá mà không có. Thôi con đành phải gọi một đĩa cơm thịt bò để ăn trong ngày thứ sáu kiêng thịt vậy". Cầu nguyện xong, ông ta thi hành liền. Đúng theo sự dàn xếp của lương tâm.

Đời sống đức tin của người tín hữu chỉ có thể tăng trưởng về lòng tin, cậy, mến vào Thiên Chúa khi họ biết nỗ lực đáp trả mỗi ngày với lòng tín thác chân thành và một lương tâm ngay lành. Lẽ tất nhiên là khi hết lòng sống theo Lời Chúa, con người sẽ phải chịu nhiều đau khổ và bắt bớ. Nhưng như thánh Phaolô đã nói trong bài đọc 2 hôm nay trong thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô: " Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta" (Rm 8,18). Đó là niềm hy vọng lớn lao nhất của người tín hữu Chúa Kitô. Chúng ta tin tưởng và được khích lệ vì đã có biết bao con người mang trong mình niềm hy vọng để sống niềm tin và họ đã chiến thắng.

Chúng ta đã quá biết về mẫu gương của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, một con người sống niềm hy vọng vào Đức Giêsu trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc sống con người, trong cảnh tù ngục tăm tối và nhơ nhớp. Ngài đã việt: "mỗi cuộc đời là một huyền nhiệm, muôn nghìn nổi gian truân thử thách. Ức triệu lòng dũng cảm kiên cường. Trước gieo trong nước mắt, sau gặt trong hân hoan . . . Ngày ngày con sống và làm cho người khác thích sống như con: sống cầu nguyện, sống thanh bần, sống phó thác, sống dồi dào nội tâm, sống giây phút hiện tại. Có Thánh Thể, có thiên đàng trong con. Tình yêu của Chúa chẳng phai tàn. Ở đâu có Chúa, con không thiếu chi. Ai dũng cảm, hãy bước đi . . . Dưới chân Thánh giá Chúa đang đợi chờ, Chúa trông con ở đó mỗi giờ. Đấy là điểm hẹn dành cho bạn tình".

Sống trong hy vọng, con người sẽ tìm ra một sức mạnh phi thường để vượt qua cách dễ dàng và tự nguyện trước những khó khăn và đau khổ. Bởi lẽ, họ biết việc mình làm, biết kết quả và cùng đích của những gì mình đã lựa chọn. Niềm hy vọng đó tựa như một bà mẹ mang thai. Bà biết rõ những khó khăn và đau đớn khi sinh con, nhưng sau đó là một mầm sống ra đời: đáng yêu và quí giá. Hy vọng đó làm cho bà vui lòng chấp nhận tất cả.

Ước gì mỗi người tín hữu chúng ta hãy biết ra sức làm cho mảnh đất tâm hồn của mình được nên thửa đất tốt: không có sỏi đá của sự cứng lòng và khô khan; không có gai góc của sự tự kiêu, ích kỷ, ghen tị . . . để Lời Chúa được bén rễ sâu trong ta và sinh ra được bông hạt trăm nghìn. Xin Chúa giúp chúng ta có được sức mạnh và niềm hy vọng vững vàng để có thể chiến thắng những khó khăn và gian khó trong đời sống đức tin mỗi ngày. Amen.

SINH HOA KẾT QUẢ
Mt 13,1-23

Toàn bộ thánh ý và sự trọn lành của Thiên Chúa được chất chứa trong Thánh Kinh, là kho tàng thiêng liêng vô tận, là lộ trình rộng mở để dẫn đưa linh hồn đạt đến mức độ thánh thiện cao vời nhất, đến chỗ hoàn toàn và trọn vẹn đồng bộ với thánh ý Thiên Chúa. Lộ trình thiêng liêng này tuỳ vào sự đón nhận của mỗi người, từ đó đưa đến có hạt thì bị cháy bị chết khô, có hạt thì bị chết nghẹt...nhưng cũng có hạt sinh hoa kết quả. Những hạt sinh hoa kết quả này được Đức Giêsu xác định đó là kẻ nghe lời, hiểu và thực hành. Khi đó các hạt sẽ sinh hoa kết quả, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục ...

Nếu xét theo lộ trình thiêng và Lời Chúa hôm nay thì hành vi lắng nghe, đọc, tìm hiểu, và chú giải Thánh Kinh tự chúng vẫn không đủ , mà điểm quan trọng cuối cùng là "Hãy thực thi bằng việc làm''; bằng việc "sinh hoa kết quả ''. Để làm được đều này, tồi thiết tưởng hạt giống Lời Chúa. khi đã gieo vào mảnh đất tâm hồn chúng ta cần phải cho nó:

1. Giai đoạn bén rể

Đức Chúa Giêsu tuyên bố mẹ và anh em ta là những người nghe lời Chúa và đem ra thực hành (luca 8,21) nếu chúng ta không "đem lời chúa ra thực hành'' thì tất cả mãi mãi vẫn là ảo tưởng là xây nhà trên cát. Khi sống như thế chúng ta có khác chi những người biệt phái Pha-ri-sêu thời đức Chúa Giêsu họ lắng nghe hiểu biết Kinh Thánh, nhưng để hạt giống đó trong mảnh đất khô, họ cứ ảo tưởng gom nhiều hạt giống sẽ thu hoạch nhiều. Nhưng họ đã sai lầm vì không biết múc nguồn nước đời sống để tưới lên hạt giống. Cho dù có hàng vạn,hàng tỉ hạt giống mà không có nước, trên mảnh đất khô cằn thì không bén rễ được.

2. Giai đoạn chuyển mình

Có một điều quan trọng khi nghe lời Chúa là phải bắt đầu ngay lập tức,đừng trì hoãn vì hạt giống khi đã vào đất tốt phải chuyển mình ngay. Như thế, lời Chúa sẽ trở thành khí cụ để nâng đỡ đời sống chúng ta và nhờ Lời Chúa, chúng ta được thanh tẩy và có thể sinh hoa kết trái nhiều hơn (Ga 15,2-3). Hiện nay, người tín hữu đang gặp vấn đề cần thiết về việ linh hướng , bởi vì trên thực tế, khó mà tìm nổi một vị linh hướng. Do đó, Khi được hướng dẫn Lời Chúa sẽ đảm cho mọi linh hồn cần thiết một sự hướng dẩn căn bản và không sai lầm. Có thể nói vào những thời điểm đặc biệt, khi phải đưa ra những quyết định nghiêm chỉnh và lựa chọn dứt khoát, chúng ta cần phải có một sự hướng dẫn ngoại thường từ Kinh Thánh. Điều này đã xảy ra nơi thánh AnTôn tu viện trưởnh thánh Phanxicô Assisi... Ngày nay cũng thế , có nhiều tín hữu vẫn cảm nghiệm được Lời Chúa có sức mạnh biến đổi cuộc đời mình .

3. Giai đoạn sinh hoa kết quả

Trong cuộc sống đời thường hay trên phương diện thiêng liêng chúng ta vẫn lớn lên nhờ sự hướng dẫn của Lời Chúa, Sự hướng dẫn này có được lòng khao khát, nhờ suy niệm vào ơn soi sáng của Thánh Thần. Đấng thúc đẩy ta sống lời Chúa một cách thực tiễn. Nhờ lời Chúa thấm vào trong tâm hồn giúp ta biết được thánh ý Chúa và biện phân Thần Khí chì lời Chúa mới có thể giúp "phân biệt tâm tình và ý tưởng của lòng người'' (Dt 4, 12 ) nghĩa là có thể phân biệt được động lực và ý định. Lời Chúa không phải là một tấm gương phản chiếu sự vật; nhưng một tấm gương xuyên suốt lục tìm được cả nội tâm. Con người có thể bị đánh lừa, nhưng Lời Chúa thì không; nếu chúng ta thực tâm để cho Lời Chúa hoạt động không che giấu điều gì, Lời Chúa sẽ thẳng thắn giãi bài động cơ hoạt động của chúng ta: vì vinh danh Chúa hay vì lợi lộc bản thân. Trong khía cạnh này, Lời Chúa thật sự là một thanh gươm hai lưỡi tách biệt những gì thuộc về Thiên Chúa ra khỏi thói buộc của nhân loại .

Nhời Lời Chúa mà nhiều linh hồn đã được lớn lên và biến đổi, như Thánh TêrêSa Hài Đồng đã viết "trong phúc âm, tôi tìm được sự cần thiết cho linh hồn đáng thương của tôi . Mỗi người KiTô hữu đều được Chúa ban cho mãnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng lời Chúa hết khả mình. Và Lời Chúa sẽ "sinh hoa kết quả '' nơi tâm hồn khao khát biết yêu và sống Lời Chúa".

MẢNH ĐẤT TỐT CHO HẠT GIỐNG LỜI CHÚA
Mt 13, 1-23

Anh chị em thân mến,
Trong quyển Lửa Thiêng Tây Nguyên của Lm P. Dourisboure (1825-1885), ghi lại bước đường truyền giáo của các cha Thừa sai Paris cho dân tộc Bahnars, có đoạn ghi: "sống giữa rừng thiêng nước độc, chịu đựng mọi thứ hiểm nguy: dã thú, bệnh tật, rình rập bắt bớ của quan quân triều đình, thái độ e dè đố kỵ của kẻ ngoại giáo cuồng tín...các ngài vẫn vững vàng với tác vụ ngôn sứ và tư tế của mình."... Thực tế các nhà truyền giáo, ngay cả người Việt nữa, không ai chịu đựng nổi ở đây quá 10 năm; có vị chỉ sau mấy tuần lễ đặt chân lên đây, đã mau chóng lìa đời vì không đương cự nổi với hung thần kiết lỵ và sốt rét rừng (chỉ có một mình Cha Dourisboure, được Chúa cho sống đến 35 năm thôi; có lẽ để ngài viết cho xong quyển Lửa thiêng Tây Nguyên) Vậy mà các ngài, lúc đầu từ một nhóm nhỏ lấy cứ điểm là Thị xã Kontum ngày nay, rồi dần lập nên các làng công giáo xung quanh, theo cách thức vết dầu loan. Từ khi mới đến (1848) cho đến năm 1870, đã có mấy làng công giáo với 800 giáo dân. Năm 1927 có 17.700 giáo dân. Ngày 18. 01. 1932, giáo phận Tông tòa Kontum được thiết lập với các tỉnh Kontum, Pleiku, Đaklak và Atâpư (Hạ Lào). Năm 1998, giáo phận Kontum mở Năm Thánh kỷ niệm 150 năm, ngày vị truyền giáo đầu tiên đặt chân lên xứ Thượng . Hiện nay số người công giáo là 203.723 người với 42 linh mục, 194 tu sĩ, 27 chủng sinh và 3.517 giáo lý viên...

Câu chuyện trên cho ta thấy các nhà truyền giáo đã hi sinh biết bao xương máu để gieo Hạt giống tốt trên xứ Thượng. Bù lại, Hạt giống đó không rơi trên đất khô cằn, ngược lại đã rơi trên mảnh đất tốt, đem lại kết quả đáng mơ ước như bài dụ ngôn chúa nhật hôm nay kể.

a/. Chúng ta thử đọc lại bài dụ ngôn với lời cắt nghĩa của Chúa Giêsu:

* Hạt giống rơi bên vệ đường: là kẻ nghe Lời Chúa mà không hiểu, lại bị ma quỉ đến cướp đi hạt giống đã gieo trong lòng anh ta, vì thế hạt giống không sinh kết quả.

* Hạt giống rơi trên đá sỏi - rơi trong bụi gai: Hạt rơi trên sỏi đá: là kẻ khi nghe Lời Chúa, thì vui vẻ đón nhận mà không đâm rễ sâu, nên chỉ nông nỗi nhất thời. Sau này khi gặp chuyện chán nản, sẽ bỏ ngay...Hạt rơi trong bụi gai là kẻ nghe Lời Chúa, nhưng quá bận rộn sự đời, vinh hoa phú quí trần gian vây kín, Hạt giống bị bóp nghẹt nên Lời Chúa không sinh hoa trái được.

* Hạt giống rơi trên đất tốt: là kẻ nghe Lời Chúa và hiểu được, nên sinh hoa kết quả...

b/. Câu chuyện: Thánh nữ Maria Goretti, người Ý, sinh năm 1890, mất năm 1902. Lên 10 tuổi, thánh nữ rước lễ lần đầu với tất cả lòng yêu mến Chúa Giêsu. Ba tháng trước ngày mừng sinh nhật thứ 12, một thanh niên hàng xóm, làm việc trong nhà cô, tên là Alessandro Senerelli đã cố tình hãm hiếp cô. Maria đã từ chối và kháng cự quyết liệt. Chàng thanh niên đã đâm 14 nhát dao vào người thánh nữ. Ngày hôm sau (06. 07. 1902), Maria đã qua đời. Trước khi chết, thánh nữ đã tha thứ cho Alessandro.... Tôi sẵn sàng tha thứ cho anh ta vì tình yêu Chúa Kitô và... tôi muốn hạt giống tình yêu, Chúa muốn tôi gieo nơi anh ta, sẽ đạt kết quả tốt là...anh ta sẽ ở cùng tôi trên Thiên Đàng...

Cũng như thánh nữ Maria Goretti, Hội thánh qua 20 thế kỷ, đã sẵn sàng vâng theo lệnh truyền của Đức Kitô, là đem Hạt giống Lời Chúa gieo rắc khắp mặt đất. Hạt giống đó đã sinh hoa kết quả tốt; hạt được 100; hạt được 80; hạt được 50. Câu chuyện về công cuộc truyền giáo cho người Tây Nguyên Kontum mà chúng ta vừa nghe ở trên, là một bằng chứng hùng hồn về Hạt giống tốt và mảnh đất màu mỡ giúp cho Hạt giống đem lại kết quả đáng mơ ước. Tuy rằng không phải mọi nơi trên trái đất đều được gieo Hạt giống Lời Chúa, nhưng rõ ràng nơi đâu Hạt giống được gieo vãi, thì ở đó Hạt giống đều sinh hoa kết quả. Hơn nữa, nơi đâu Hạt giống được gieo càng khó nhọc, bị bắt bớ, bị âm mưu tiêu diệt, hoặc thấm đẫm máu đào, nơi đó mảnh đất lại mầu mỡ, và dĩ nhiên Hạt giống Lời Chúa càng vươn lên mạnh mẽ, vững vàng hơn...

c/. Gợi ý sống và chia sẻ:

Hạt giống Lời Chúa chính là sức sống, nên nếu được gieo vào đất tốt, Hạt giống sẽ lớn lên và phát triển dễ dàng. Có người nói: con người tốt xấu là do số phận, đúng không? Thưa sai. Hạt giống Lời Chúa là sức sống, nhưng lại được gieo vào tâm hồn ta là sỏi đá, là bụi gai, thử hỏi làm sao Hạt giống đó lớn lên và có kết quả được? Là người kitô hữu, ta là mảnh đất loại nào đây? Vệ đường, bụi gai, sỏi đá hay là mảnh đất tốt?

LẮNG NGHE VÀ SỐNG LỜI CHÚA
Mt 13, 1 - 23

Vũ trụ huyền bí bao la là một tiếng nói, là lời mạc khải về Thiên Chúa quyền năng vô biên. Thế nhưng, nhiều người ngày nay khi phải lo đời sống vật chất, phát triển kinh tế đã không để lòng trí mình tìm hiểu vấn đề siêu nhiên. Vì thế người ta dễ mất đi niềm hy vọng khi chỉ bám vào trần thế vốn bất toàn và phù vân này. Trong thế giới bề bộn công việc và đầy những cám dỗ hưởng thụ này, chúng ta cần tập thanh lặng lắng nghe và sống lời Chúa. Chúng ta có thể nhận ra tiếng Chúa nhắc bảo hàng ngày qua Thánh kinh và lương tâm mình.

Hạt giống Lời Chúa được gieo cách rộng rãi. Thời Cựu ước, các tiên tri đã gieo trong lòng mọi người lòng kính sợ Chúa và giáo dục luân lý theo đường lối Chúa chỉ dạy. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mạc khải tất cả những gì cần thiết cho sự sống và phần rỗi của chúng ta. Để được phần rỗi đời đời, phần quan trọng không thể thiếu là tìm hiểu lời Chúa dạy, đọc lại Kinh thánh trong tinh thần học hỏi chân thành và đáp trả tiếng Chúa. Lời Chúa rất phong phú hữu ích cho mọi tâm hồn. Tuy nhiên, việc gieo vãi có kết quả đối với mỗi người khác xa nhau. Có người nghe rồi bỏ qua, có những người thực hành nửa vời, không triệt để, khi hoàn cảnh khó khăn hoặc những lợi lộc vật chất làm lóa mắt thì buông bỏ lời nhiệm mầu và chạy theo những lợi nhuận trần thế. Do đó, vấn đề là biết để đem ra thi hành như người khôn xây nhà trên đá, luôn kiên vững trước mọi thử thách, gian nan và chứng tỏ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Chúng ta hãy chú tâm đem lời Chúa ra thực hành để đạt kết quả tốt đẹp vững bền.

Có những lúc chính tôi cũng không nhớ tới lời Chúa mà chỉ sống theo thói quen của chính mình, hoặc theo cách sống của một số người ...của hàng xóm. Có khi công việc làm ăn bận rộn làm tôi không để thời gian cho Chúa nhiều nhưng xoay theo vòng xoáy của công việc. Rồi một ngày tôi thấy mình xa Chúa quá. Cuộc sống đạo chỉ còn là hình thức hoặc chỉ giữ đạo tối thiểu. Như vậy, tôi chỉ đón nhận Lời Chúa như hạt rơi trên đá sỏi hoặc trong bụi rậm, bị những cám dỗ vật chất làm yếu dần niềm tin yêu Chúa. Tôi quên rằng tất cả cuộc sống tôi là do Chúa ban, sức khỏe để tôi làm việc là do Chúa ban. Nếu tôi không dâng lại cho Chúa với lòng chân thành thì tôi có lỗi với Chúa biết chừng nào. Mỗi tuần tôi có 1 ngày nghỉ nhưng lại dành ưu tiên cho những giải trí khác thay vì ưu tiên đi nhà thờ cầu nguyện, giữ ngày Chúa nhật ! Khi tôi coi trọng những thứ khác và dành ưu tiên cho chúng là tôi đã đặt việc thờ phượng Chúa xuống hàng thứ yếu. Trong khi Chúa mới là chủ đời tôi, của cải tiền bạc không phải là xấu nhưng nhiều khi tôi đề cao nó quá mức theo kiểu thế gian.

Hôm nay, khi nghe lại dụ ngôn này, tôi thấy bổn phận của mình là hồi tâm, xét mình xem mình là loại đất nào, có sinh hoa quả trước mặt Chúa hay chưa. Dân chúng Cựu ước ước ao nghe lời Chúa mà không được nghe, còn chúng con được diễm phúc nghe biết mạc khải rõ ràng nơi Chúa Giêsu. Chúng con sẽ bị dân thờI Cựu ước trách móc về điều này nếu chúng con không hết lòng theo Chúa.

Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã tin tưởng ở chúng con, đã mạc khải những lời nhiệm mầu cho chúng con. Chúng con hứa sẽ ra sức áp dụng lời vàng ngọc của Chúa trong cuộc sống để mai ngày đơm bông kết quả xứng đáng hầu mai sau được hưởng hạnh phúc đời đời vớI Chúa trên Thiên đàng.

LÃI BAO NHIÊU HẠT.
Mt 13, 1 - 23

Đã là một người nông dân, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng phải biết tính toán thế nào cho công việc đồng áng của mình thu hoạch được kết quả nhiều chừng nào tốt chừng ấy và thất thoát càng ít càng hay. Người ta phải tính toán xem một hecta đất phải sử dụng bao nhiêu giống là vừa, bao nhiêu phân là đủ và sẽ thu hoạch được bao nhiêu.... Ai làm nghề nông thì đều phải biết đến việc này.

Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng được nghe hôm nay, Ngài ví mình như một người nông dân gieo giống. Hạt giống của Ngài là hạt giống Lời Chúa. Chắc hẳn Ngài cũng phải tính toán sao cho thu hoạch được nhiều kết quả và lại ít phí tổn. Tiên tri Isaia nói trong bài đọc I nói thay Lời Thiên Chúa như thế này: "Lời Ta, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt được kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta trao phó". Nhưng trong việc thực hiện công việc gieo Tin Mừng chúng ta lại thấy một hành động có vẻ như phung phí của người gieo giống. Hạt rơi trên vệ đường, hạt rơi trên đá sỏi, hạt rơi vào bụi gai, hạt rơi trên đất tốt. Cuối cùng chỉ có một phần tư hạt được trổ sinh hoa trái mà hoa trái lại cũng không đều nhau. Nếu là một công việc đồng áng bình thường thì quả thật vụ mùa này không sinh lãi được bao nhiêu.

Nhìn thấy toàn cảnh của người gieo giống trong dụ ngôn của Chúa Giêsu ta mới thấy được sự rộng rãi của người gieo giống Giêsu. Vẫn biết vệ đường, sỏi đá, bụi gai không thể làm cho hạt giống kết quả nhưng người gieo giống vẫn âm thầm mong đợi một hy vọng nào đó mảnh đất sẽ làm cho hạt giống đâm chồi. Chúa Giêsu gieo Lời Thiên Chúa một cách rộng rãi không lựa chọn một nhóm nào hay một cộng đoàn nào mà Ngài đi tới đâu, thi ân giáng phúc tới đó, ban bình an và gieo vãi Lời Ngài để mong con người đón nhận Lời Ngài mà được ơn cứu độ. Chúa vẫn biết những tâm hồn hời hợt, những tâm hồn chai đá, những tâm hồn vướng bận chuyện nhân gian... nhưng Ngài vẫn rộng rãi thi ân Lời Ngài và hy vọng Lời Ngài biến đổi lòng họ. Người Gieo Giống Giêsu đã làm tất cả để hạt giống Lời Chúa được gieo vãi khắp nơi.

Về phía người đón nhận Lời Chúa, ba phần tư không sinh hoa kết quả, một phần tư còn lại thì kết quả không đều nhau. Nhưng ở đây, ta thấy Chúa Giêsu nói về kết quả với một giọng điệu rất vui vì đã có kết quả để thu hoạch. Người gieo giống như quên tất cả sự khổ nhọc của việc gieo giống, như quên đi mọi phí tổn trong việc gieo giống... Qua đó ta thấy được nỗi vui mừng của Thiên Chúa khi con người đón nhận Lời Ngài. Ngài không đòi hỏi ta phải sinh hoa kết quả như một người nào nhưng là kết quả theo khả năng của ta. Có ba mươi ta sinh ba mươi, có sáu mươi ta sinh sáu mươi....bao nhiêu đó thôi đã làm cho người gieo giống vui mừng rồi.

Trong cuộc sống hiện tại, mỗi người Chúa ban cho khả năng khác nhau và Chúa mời gọi hãy cùng Chúa làm cho những khả năng đó được sinh lời. Lời Chúa là Lời hành động, để sống chứ không chỉ để suy niệm. Xin Chúa cho chúng ta biết đón nhận Lời Ngài làm hành trang trong cuộc sống để chúng ta cũng biết trổ sinh những bông hạt trong ngày mùa của Chúa.

GIEO VÀ GẶT
Mt 13, 1 - 23

1. Lý thuyết "nhân" và "duyên" 

Dụ ngôn gieo giống của Đức Giê-su khiến người ta nghĩ đến thuyết nhân duyên của Phật giáo. Muốn có được cây lúa, điều tối quan trọng là phải có hạt giống lúa, đó chính là "nhân" để có "quả" là cây lúa. Nhưng hạt lúa không thể nảy mầm và phát triển nếu không có những điều kiện thuận lợi như: đất tốt, nước, nhiệt độ, ánh sáng, hoặc phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, v. v… Những điều kiện ấy gọi là "duyên". Nếu những điều kiện để phát triển ấy hết sức thuận lợi mà không có hạt giống lúa thì cũng không bao giờ có được cây lúa. Như vậy, phải hội đủ "nhân" và "duyên" thì mới có thể sinh ra "quả" mong muốn. 

2. Nhân nào quả nấy

Điều quan trọng nhất để có "quả" mà ta mong muốn, là ta phải có "nhân" tương ứng với "qua". Muốn có quả sầu riêng, ta phải dùng hạt sầu riêng để trồng, không thể trồng hạt mít mà ra cây hay trái sầu riêng được. Muốn có trái sầu riêng thơm, ngon, to, ta không chỉ cần trồng hạt sầu riêng, mà còn phải trồng loại hạt sầu riêng thật tốt. Hạt tốt mới sinh ra trái tốt được. Đức Giê-su cũng đã từng nói về luật nhân quả này: "Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt" (Mt 7,16-18).

Vậy muốn đạt được mục đích, ta phải xác định mục đích của ta - tức "quả" mà ta muốn vun trồng - là gì? Sau đó phải tìm "nhân" hay hạt giống thích hợp, và cuối cùng là phải tạo "duyên" hay điều kiện thuận lợi. Đối với người Ki-tô hữu, mục đích cuối cùng của con người chính là Thiên Chúa, cũng là sự sống đời đời, là hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu. Muốn đạt được, ta cần phải xác định thật rõ mục đích ấy cho suốt cả đời mình. Nếu "quả" là sự sống đời đời hay hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu, thì "nhân" hay hạt giống phát sinh ra "quả" ấy là gì?

3. "Nhân" hay hạt giống sinh ra "quả" sự sống đời đời

Muốn biết "nhân" sinh ra "qua" sự sống đời đời là gì, ta hãy nghe Đức Giê-su nói. Một trong những "nhân" quan trọng dẫn đến sự sống đời đời là mến Chúa yêu người: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ? - Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình" (Lc 10,25.27). Có người đã làm được những điều ấy, thì Đức Giê-su đòi hỏi hỏi họ theo Ngài: "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ? - Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" (Mt 19,16.21; x. Mc 10,17.21).

Ngoài ra còn phải tin vào Đức Giê-su: "Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16), và vâng nghe lời Ngài: "Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời" (Ga 5,24), vì lời của Ngài là lời hằng sống: "Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68). Nhờ tin và vâng nghe lời Ngài mà ta nhận biết Chúa Cha, nguồn gốc của sự sống đời đời: "Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô" (Ga 17,3).

Sau khi tin Đức Giê-su và nhận biết Chúa Cha, sự sống đời đời đòi hỏi ta sống hết mình cho niềm tin ấy, nghĩa là sống yêu thương và xả thân: "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời" (Ga 12,25).

Ngoài ra, để có sự sống đời đời, chúng ta cần được nuôi dưỡng bằng chính máu thịt của Đức Giê-su: "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời" (Ga 6,54). Nghĩa là càng ngày ta càng phải tiêm nhiễm tính chất yêu thương của Đức Giê-su vào người, dần dần thay thế chất "tôi" bằng chất "Ngài", nói khác đi là được Giê-su hóa, hay biến thành Giê-su để cuối cùng nên giống Ngài hoàn toàn.

Làm như thế, Đức Giê-su sẽ trở thành một nguồn nước trường sinh đem sự sống đời đời cho ta, đồng thời cũng biến chính ta thành nơi mang mạch nước đem lại sự sống cho những người chung quanh: "Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời" (Ga 4,14).

Theo Đức Giê-su, đó là những "nhân" sẽ sinh ra "qua" là sự sống đời đời. Vì thế, muốn được sống đời đời, tức sống hạnh phúc đích thực, chúng ta phải gieo những "nhân" ấy chứ không phải những "nhân" khác. Muốn có sự sống đời đời mà lại gieo những hạt nhân khác với những "nhân" ấy, thì chẳng khác gì muốn trồng lúa mà lại dùng hạt bắp hay hạt cỏ. Hiện nay, biết bao người muốn có sự sống đời đời nhưng lại đang gieo những hạt giống khác với những hạt giống mà Đức Giê-su đã chỉ bảo: chẳng hạn cố gắng giữ cho thật kỹ những thói quen hay tập tục tôn giáo nào đấy, những nghi thức, những buổi cầu kinh… Thế thì thật là "công dã tràng"! Bạn có phải là hạng người đó không?

4. "Duyên" hay những điều kiện để "nhân" thành "quả"

Những "nhân" vừa kể là tối cần thiết để phát triển thành "quả" sự sống đời đời. Nhưng để phát triển thành quả, cần phải có những điều kiện hay hoàn cảnh thuận lợi.

Đức Giê-su đã đưa ra một số những hoàn cảnh khác nhau:

- "Có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất": Có những người đã trồng đúng hạt giống của sự sống đời đời, nghĩa là đã nhất quyết sống yêu thương, sống tinh thần của Đức Giê-su. Nhưng rất tiếc lòng ham danh, lợi, quyền và những vui thú trần gian, hoặc có những lý thuyết trần tục hấp dẫn họ quá mạnh, lôi cuốn họ vào con đường hưởng thụ cá nhân, ích kỷ, khiến họ từ bỏ việc sống theo tinh thần Đức Giê-su.

- "Có những hạt rơi vào nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô": Đây là những người đã khởi sự sống tinh thần yêu thương của Đức Giê-su một thời gian, nhưng vì chưa quyết tâm dứt khoát và sâu xa, chưa xác tín vào con đường theo Chúa, nên khi bị thử thách bởi nghịch cảnh, đã không bền đỗ, đã từ bỏ con đường mình đang theo.

- "Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt": Đây là những người quyết tâm theo Chúa đến cùng, nhưng đồng thời cũng theo đuổi một số đam mê trần tục. Tới một lúc nào đó có sự xung đột giữa hai con đường khiến họ phải dứt khoát chọn một. Lúc đó họ bị con đường trần tục hấp dẫn hơn khiến họ từ bỏ con đường theo Chúa.

- "Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục": Đây là những người quyết tâm theo Chúa đến cùng, lại biết củng cố quyết tâm đó mỗi ngày bằng suy tư lời Chúa, cầu nguyện, từ bỏ mình, hy sinh cho tha nhân. Nhờ đó họ luôn trung thành với tinh thần của Đức Giê-su, bất chấp những khó khăn nghịch cảnh, những cám dỗ của trần thế. Nếu có sa ngã, họ vẫn chỗi dậy được để tiếp tục con đường. Tùy theo cao độ quyết tâm và mức độ củng cố quyết tâm ấy mà họ đạt tới những mức độ thánh thiện và bản lãnh nội tâm khác nhau. Tuy họ đều đạt được sự sống đời đời hay hạnh phúc đích thực một cách tràn đầy, nhưng dung lượng hạnh phúc ấy khác nhau. Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng minh họa sự khác nhau này bằng những bình chứa có dung lượng khác nhau, cái 1 lít, cái 10, cái 100, cái 1000 lít… Cái nào cũng đầy tràn chất lỏng đến nỗi không thể chứa thêm được nữa. Nghĩa là số lượng hạnh phúc đích thực có thể khác nhau rất xa, nhưng ai cũng đều ở mức độ tràn đầy tối đa (100%).

Như vậy, đọc bài Tin Mừng này, ta hãy xác định cho thật rõ mình phải gieo "nhân" nào vào tâm hồn ta để có sự sống đời đời, và sau đó phải tạo "duyên" tức biến tâm hồn ta thành thửa đất tốt bằng cách nào để "nhân" đó phát triển thành "qua". Điều tối quan trọng là đừng gieo lầm "nhân" kẻo uổng công tu tập hay giữ đạo cả đời một cách sai lạc.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha chính là "nhân", là nguồn gốc phát sinh sự sống đời đời ở trong con. Xin Cha hãy càng ngày càng lớn lên và tác động hữu hiệu trong tâm hồn con. Muốn thế, con phải làm cho "cái tôi" của con ngày càng nhỏ đi. Xin cho con biết sống tinh thần tự hủy để Cha hay Tình Yêu có điều kiện thuận lợi lớn lên trong con. Đó cũng chính là sự sống đời đời hay hạnh phúc đích thực của con. Amen

John Nguyễn

1943    07-07-2011 06:12:01