Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Cả hai được chúc phúc

Có một câu chuyện cổ như thế này: Một ngày kia ông Môsê ngồi bên ngoài nhà, trông có vẻ buồn bã. Tình cờ Chúa đi ngang qua và hỏi, “Này Môsê, tại sao ngươi quá buồn như thế?”

Môsê đáp, “Lậy Chúa, đó là dân của Chúa.” “Dân của ta như thế nào?” Chúa hỏi lại. Ông Môsê trả lời, “Họ cần thức ăn ngon hơn, quần áo tốt hơn, và nhà ở tốt hơn.” Chúa nói, “Chúng ta có thể thay đổi điều đó.”

Trong vòng vài tháng, dân có thức ăn ngon hơn, y phục đẹp hơn, và chỗ ở tốt hơn. Mọi người đều tràn ngập niềm vui.

Một vài tháng sau ông Môsê lại ngồi ở hiên nhà, trông có vẻ buồn bã. Tình cờ Chúa đi ngang qua và hỏi, “Môsê, cái gì vậy? Sao ngươi quá buồn như thế?”

Môsê đáp, “Lậy Chúa, đó là dân của Chúa. Bây giờ họ tận hưởng vui thú đến độ không còn thời giờ cho người tật nguyền, người cô đơn, và người già.

“Và còn nữa, họ không còn ngồi với nhau dưới bầu trời đầy sao vào ban đêm và nói cho nhau nghe về sự tốt lành và thương xót của Ngài nữa.”

Chúa nói, “Môsê, điều đó không tốt. Chúng ta phải làm gì?” Ông Môsê đáp, “Con nghĩ chúng ta phải làm cho họ trở nên nghèo giống như trước.”

Câu chuyện này là một mở đầu rất hay cho bài Phúc Âm hôm nay, trong đó Đức Giêsu nói:

Phúc cho anh chị em là người nghèo, vì nước Thiên Chúa là của anh chị em.

Những lời này nêu lên một câu hỏi. Có phải Chúa Giêsu nói rằng, về phương diện tinh thần, một đời sống nghèo nàn thì thích hợp hơn một đời sống sung túc?

Có phải đó là điểm Chúa Giêsu muốn nói khi Người tuyên bố: “Người giầu vào nước Thiên Chúa thì còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”? (Mc 10:25)

Chúng ta hãy dàn dựng một khung cảnh để trả lời cho câu hỏi đó bằng việc nhận xét rằng cả hai T. Luca và T. Mátthêu đều bắt đầu Bài Giảng Trên Núi với sự đề cập đến người nghèo.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, T. Luca nói, “Phúc cho anh chị em là người nghèo,” trong khi T. Mátthêu nói, “Phúc cho người có tinh thần nghèo khó.” (Mt 5:3)

Vào thời của Đức Giêsu, hầu như dân chúng được chia làm hai thành phần kinh tế: người rất nghèo và người rất giầu. Chỉ có một số ít là giới trung lưu.

Khoảng cách giữa người rất giầu và người rất nghèo được miêu tả sống động trong dụ ngôn của Đức Giêsu về ông Ladarô và phú ông.

Trong dụ ngôn này, phú ông ăn uống thức ăn chọn lọc, trong khi Ladarô ao ước “các mẩu vụn” rơi xuống từ bàn ăn của phú ông.

Các học giả nói rằng trong thời ấy, người ta không dùng dao, nĩa, hay khăn lau. Họ ăn bằng tay.

Người giầu lau tay bằng cách chùi tay vào các miếng bánh. Sau đó họ thả “các mẫu vụn” ấy rơi xuống sàn nhà cho chó ở dưới gầm bàn ăn. (William Barclay, The Gospel of Luke)

Phú ông trong dụ ngôn của Đức Giêsu đã quên đi những gì viết trong sách Lêvi, trong đó Thiên Chúa nói với các chủ đất rằng đất đai là của Chúa và họ chỉ là các tá điền. (25:23)

Vì thế các chủ đất giầu có phải trả lại cho Thiên Chúa một loại “vay mượn” dưới hình thức chia sẻ bánh cho người đói, nơi ở cho người vô gia cư, và quần áo cho người trần trụi. (Is 58:7)

Chính trong khung cảnh lịch sử này mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sự khác biệt trong cách diễn tả của Luca và Mátthêu về phúc thật đầu tiên.

Chính yếu Luca hướng Phúc Âm của mình về những người rất nghèo trong thời của ông, nhất là người Kitô Hữu dân ngoại bị tước đoạt. Họ muốn biết sự giảng dậy của Đức Giêsu được áp dụng thế nào vào người rất nghèo của xã hội, tỉ như người xin ăn Ladarô.

Với họ, Đức Giêsu nói, “Phúc cho anh chị em là người nghèo.” Học giả Kinh Thánh Raymond Brown vội vàng nhận xét ngay rằng, tuy nhiên, phúc lành này không áp dụng cho những người nghèo mà nguyền rủa Thiên Chúa vì sự nghèo nàn của họ và gây chiến với người giầu.

Đúng hơn, với biết bao người “không có gì” trong xã hội, họ ở thế kẹt, như ông Ladarô, nhưng biết dùng sự nghèo nàn của mình như một phương tiện để được đến gần Thiên Chúa hơn. Điều đó đưa chúng ta trở về câu chuyện mở đầu giữa ông Môsê và Đức Chúa.

Câu chuyện đó không nói rằng sự nghèo nàn thì thích hợp hơn sự sung túc, nói về tinh thần. Đúng hơn, nó đưa ra cùng một điểm mà Đức Giêsu thường nói đến trong cuộc đời của Người, đó là, khi người ta được nếm thử sự sung túc của đời sống thì thật khó để họ vào Nước Trời. Như Eddie Arcaro có nói, “Một khi được ngủ trong quần áo lụa, thật khó để thức giấc.”

Và điều đó đưa chúng ta đến Phúc Âm của Mátthêu và câu, “Phúc cho người có tinh thần nghèo khó.” Chính yếu Mátthêu hướng Phúc Âm của mình đến mọi người Do Thái thời bấy giờ, kể cả người giầu. Nhận xét về câu “tinh thần nghèo khó” của Mátthêu, học giả Kinh Thánh Raymond Brown viết:

Trong linh đạo của các mối phúc thật của Mátthêu, Kitô Giáo có một chỗ cho những ai sống thoải mái ở thế giới này nếu họ duy trì được tinh thần không bám víu vào của cải và đừng để của cải làm chết nghẹt sức sống của lời Chúa. (“The Beattitudes According to St. Luke”)

Vậy, nói tóm, “tinh thần nghèo khó” của Mátthêu là những người dùng của cải như một phương tiện hay dụng cụ để được lôi kéo đến gần Chúa hơn, cũng như “người nghèo” của Luca thì dùng sự nghèo nàn của mình như một phương tiện hay dụng cụ để được lôi kéo đến gần Chúa hơn.

Chúng ta hãy kết thúc với một câu chuyện mà nó nhắc nhở chúng ta rằng “người nghèo” và “người có tinh thần nghèo khó” đừng bao giờ mất hướng đi khi theo Chúa Giêsu.

Conway Twitty là một ca sĩ nổi tiếng về nhạc dân ca. Trong tự truyện của ông có kể:

Một nhà truyền giáo trở về nhà sau gần cả một cuộc đời để dạy bảo dân chúng trong một vùng nghèo nàn ở Trung Cộng.

Cùng trên chuyến tầu ấy là một ca sĩ, ông trở về nhà sau hai tuần đi hát. Hàng ngàn người đứng chờ ở bến tầu để chào đón và được gặp ca sĩ này. Không một ai có mặt để đón tiếp nhà truyền giáo.

“Chúa ơi,” nhà truyền giáo than thở, “con đã cho Ngài cả cuộc đời con và ông ta chỉ cho Ngài có 14 ngày. Nhưng hàng ngàn người đón chờ ông trở về, còn con thì chẳng có ai thèm chào đón.”

Chúa đáp, “Con ơi, con chưa về đến nhà đâu.” (The Conway Twitty Story: An Authorized Biography) 

Lm. Mark Link, S.J.

 

1237    16-02-2019