Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Các linh mục không phải là những ông già cổ lỗ sĩ

Dù mang hình ảnh lỗi thời và đáng chê do các lệch lạc của các thế hệ trước nhưng Charles, David, Johan và Jérémy thẳng thắn cởi mở nói về ơn gọi gắn kết họ với Chúa cũng như các nhu cầu bình thường của các tín hữu, về Thánh Kinh về điện thoại thông minh. Đời sống hàng ngày của họ cho thấy đây là ơn dâng hiến trọn vẹn, một cuộc đi tìm hạnh phúc qua Chúa, với những ngày bận rộn đôi khi còn hơn một bác sĩ ở làng quê. Dù có khủng hoảng ơn gọi, nhưng tỷ lệ linh mục đối với con số tín hữu vẫn còn tốt. Để làm linh mục, họ phải học ở chủng viện: trường đào tạo linh mục.

Học ở chủng viện kéo dài sáu năm, mỗi người phải trưởng thành trong dự án sống triệt để của mình, khám phá và thử nghiệm cuộc sống đơn độc như bậc sống độc thân. Việc đào tạo linh mục gồm bốn chiều kích: thiêng liêng, mục vụ, nhân bản (ngoại giao hàng ngày) và tri thức (triết lý và thần học).  Đôi khi có một số người nhận ra mình không đủ chiều kích siêu việt, họ bỏ cuộc hoặc đổi hướng nửa chừng.

David.

Năm nay có 114 linh mục được chịu chức ở Pháp, nhưng hiếm khi những người không phải là tín hữu hiểu làm sao mà đức tin công giáo lại có thể làm cho một số người tận hiến đời mình cho đức tin này khi họ có thể để suốt đời ngồi trước màn hình, xem chương trình Các Thiên thần Truyền hình thực tế từ sáng đến tối giữa hai ngày làm việc trong building nhà hộp.

David, 33 tuổi, linh mục

David.

Từ 17 tuổi David sống với bà ngoại, năm 20 tuổi anh mới đi lễ lần đầu. Mơ làm bác sĩ thú y, đậu tú tài ban khoa học rồi nhận ra Chúa là đam mê duy nhất của mình. Anh lên chương trình để làm linh mục, một cha xứ khuyên anh nên đi làm một thời gian, có kinh nghiệm rồi hẳn xem sau. Anh đi bán giày hai năm rồi anh bỏ cuộc. Cùng ngày hôm đó anh quay về với Chúa: “Con không biết làm linh mục là làm như thế nào nhưng con muốn làm”. Năm 24 tuổi anh vào chủng viện trước khi được đề cử làm việc “thay chủ” ở Seine-Saint-Denis.

David làm linh mục “để được hạnh phúc” dù “theo xã hội, nghề này chẳng tích sự gì: không tiền, không sự nghiệp, không gia đình… và không ở Seine-Saint-Denis”. Bây giờ giáo xứ Montfermeil có bốn linh mục cho một cư dân hỗn hợp. David làm theo theo những gì hợp với anh và không ấn định mình vào một công việc duy nhất như hoạt náo viên, trợ giúp xã hội hay tâm lý gia. Anh ở đây là vì đức tin. Không phải để ru ngủ giáo dân nhưng để thức họ dậy. Tôi hiểu bộ sưu tập phim Star Wars của anh mà các thách thức và cuộc đi tìm đặc biệt có ý nghĩa với anh.

David.

David và các bạn đồng tu cũng đối diện với những người cực đoan hồi giáo, đôi khi những người này lại là cựu tín hữu công giáo đổi qua đạo hồi giáo. Anh xem đây là một bài học cho Giáo hội: “Từ những năm 60, tín hữu kitô thường lơi lỏng trong khi con người cần vào khuôn khổ, và đó là những gì đạo hồi giáo tận căn này đề nghị. Dám đòi hỏi các đồ đệ phải tin vào họ, đó là điều một số người hồi giáo khai thác khi họ nói, “nếu linh mục để cho bạn đi xem đá banh thay vì đi lễ, là vì họ biết họ sai và Chúa của họ yếu”. Với các tín hữu của mình, anh so sánh giáo lý với trường học: “Trẻ con không thích đến trường nhưng phải đến để học, để xây dựng con người mình”.

“Chúa không nhất thiết trở ngại cho hạnh phúc” –  David

Ngoại giao hàng ngày, David kể đám cưới mà gia đình muốn để bài hát của Céline Dion trong thánh lễ: “Được, đổi lại mình ‘đọc Kinh Lạy Cha’ khi khai mạc dạ vũ”. Anh cố gắng để mọi người có kỷ niệm đẹp ở nhà thờ và chấp nhận các đề nghị có ý nghĩa của giáo dân mà vẫn giữ ý nghĩa của mình về đức tin và nhà thờ. Ý kiến của anh về vấn đề độc thân: “Dù theo Chúa ‘con người sinh ra không phải để ở một mình’. Bậc sống độc thân này sẽ không sống được nếu không có sự trợ giúp của đức tin, nhưng nó có một ý nghĩa hiển nhiên: sự cô đơn giúp mình phát triển một tình yêu cao hơn.” Và vì David cống hiến tất cả bằng tình yêu, anh xem như “đã được yêu”, anh phân biệt rõ rệt giữa lạc thú và hạnh phúc. Trong 10 năm nữa anh sẽ không còn ở giáo xứ Montfermeil nhưng vẫn ở Seine-Saint-Denis, nơi anh sinh ra và lưu luyến nơi này. Khi anh chở tôi về, xe của anh gởi tín hiệu Snoop Dog, anh nói: “Chúa không nhất thiết là một cản trở cho hạnh phúc”. 

Johan, 29 tuổi, cha phó xứ cộng quản

Johan.

Trước khi đi tu, Johan muốn làm thợ bánh và lập gia đình cho đến khi anh bỗng nhận mình có ơn gọi, vừa bất ngờ vừa chắc chắn. Dù mẹ khóc, dù cha xem đây cũng là một nghề (của những người pê-đê và pê-đô, ấu dâm), Johan học xong chứng chỉ làm bánh qua một năm chuẩn bị “Thánh Phaolô”, rồi bốn năm thần học, một năm phụng vụ và hai năm tập sự mục vụ trước khi được thụ phong linh mục ở nhà thờ chính tòa Strasbourg.

“Một trong các kỷ niệm buồn của Johan về gia đình là có gia đình muốn chôn người thân sớm để đi nghỉ hè.” – Johan

Anh Johan được cảm hứng từ hình ảnh thần nghiệm của Marthe Robin, người sống đức tin ‘trên giường’ và một năng lực ‘chưa từng có’: không ăn uống gì cả tuần ngoài bánh thánh, điều mà Johan thú nhận mình không thể làm được. Đối với anh, sứ vụ linh mục là hy vọng, là loan báo tin vui và loan báo Phúc Âm. Để chuẩn bị bài giảng, Johan dựa trên cảm nghiệm của mình và trên các bản văn và các bài giảng bây giờ có trên điện thoại thông minh và máy bảng, quyển sách không còn là vật thiêng của người công giáo. Giáo hội không quên các linh mục tương lai, Giáo hội dự trù có một ứng dụng để gởi trực tiếp các bài cầu nguyện cho các linh mục.

Johan.

Một trong các kỷ niệm buồn của Johan về gia đình là có gia đình muốn chôn người thân sớm để đi nghỉ hè. Tuy nhiên Johan thấy nhiều chuyện tốt hơn là chuyện xấu.

Trong 10 năm nữa, Johan hy vọng còn giữ nhiều năng lực và ứng dụng dù “tóc có bạc”. Trước khi chia tay, anh mời tôi bữa ăn mà anh đã nấu và chúc lành cho cả hai. Anh nói: “Chúng ta không thể làm nghề này mà không có ơn gọi, không có Chúa.” Johan cho biết anh không thích đi máy bay. Dù vậy, trước khi ăn tráng miệng, tôi nghĩ chỗ của anh là ở trên trời.

Charles, 34 tuổi, cha phó xứ cộng quản

Charles.

Không có chiếc cổ trắng và áo sơ-mi đặc biệt của linh mục thì Charles giống như một người bình thường. “Luôn luôn đi trễ” anh đến đúng pin giờ lễ hay đám tang, không bao giờ đến trước, nhưng sau đó tình nguyện ở lại để nói chuyện với giáo dân, uống một ly với họ. Người yêu Chúa Giêsu, các bạn ở chủng viện mô tả lối phụng vụ của anh rất “lôi cuốn”. 

“Cuối cùng chính khoa học giúp tôi tìm thấy được đức tin” – Charles

Charles luôn cảm thấy mình là một kitô hữu, luôn được bao quanh bởi hai người anh là kỹ sư, người cha là kỹ thuật viên cơ khí, người mẹ là giáo sư toán. Năm anh 22 tuổi, khi cùng cầu nguyện với các sinh viên, anh có kinh nghiệm tình yêu của Chúa. Ba năm sau anh quyết định theo Chúa và làm linh mục. Sau hai năm học ở Trung tâm Tài liệu và Thông tin ở Vinci, tháng 8 anh cho biết mình sẽ vào chủng viện vào mùa tựu trường tháng 9. Dù nhóm vẫn còn thắc mắc, nhưng tình bạn vẫn còn, các đồng nghiệp của anh có mặt trong ngày chịu chức của anh. Từ đó, cùng với người bạn kỹ sư, một bạn khác là triết gia, họ là ba sinh viên trong nhóm cầu nguyện để vào dòng. Không có chuyện tình cờ và “cuối cùng khoa học đã giúp anh tìm được đức tin”.

Charles.

Charles là công chức ăn lương của Nhà nước theo thỏa hiệp được Bonaparte ký năm 1801 – thỏa hiệp Concordat. Ở Pháp các giáo sĩ sống nhờ tiền của giáo xứ và địa phận. Họ nhận 1400 âu kim mỗi tháng, nuôi ở một mình hay chung với nhiều người ở giáo xứ. Charles chủ trương một tôn giáo cởi mở, anh có chân trong phong trào liên tôn giáo “cùng tồn tại” quy tụ các bạn trẻ kitô giáo, hồi giáo, do thái giáo. Dù vậy, cũng như nhiều linh mục khác, anh lấy làm tiếc khi thấy giáo dân xem nhà thờ như một nơi đa năng: “Tôi muốn nhạc này cho lễ cưới, tôi muốn có các quả bóng, tôi muốn có cùng bài hát của ông cha xứ này trên Youtube.”

Charles sống bậc sống độc thân của mình như một tinh thần luôn sẵn sàng và trung tín trong lời cầu nguyện. “Khi mình yêu Chúa và Giáo hội thì cũng như mình chọn cô này thay vì cô khác. Đối với tôi, đó là lựa chọn hoàn hảo nhất.” Anh cười rộ khi một cô bạn nói: “Khi nào bạn chán độc thân thì gọi tôi!” Anh cho biết, từ khi có các cáo buộc chống Giáo hội, anh cẩn thận không để các cháu của mình ngồi trên chân. Để thêm sức, Charles chơi video trực tuyến, đạp xe đạp hay đi quá giang để… nghỉ hè.

Jérémy, 29 tuổi, cha phó

Chức thánh của Jérémy là chuyện tự nhiên sau tuổi thơ sống gắn bó với giáo xứ. Khi còn nhỏ anh ở trong ban giúp lễ, rồi trong ban đọc sách, anh vào chủng viện năm 21 tuổi. Trước khi đáp trả ơn gọi, anh học môn thiết kế đồ họa, bây giờ môn này vẫn còn hữu ích cho anh trong các công việc của giáo xứ.

Trong thời gian học ở chủng viện, anh có một năm kinh nghiệm sâu đậm với các cha Dòng Phanxicô ở Marốc. Về lại Alsace, anh làm lễ mở tay, tín hữu có thói quen phủ hoa trên đường từ nhà anh đến nhà thờ. Anh thích nói chuyện với giáo dân hay những người không tin khi có dịp gặp. Anh mến các thiện nguyện viên cùng làm việc với anh, họ là đội ngũ làm việc tích cực cho nhà thờ. Đối với anh cũng như đối với các linh mục hiện nay, “Chúa là một thực tại trải nghiệm, riêng tư và không thể truyền đạt”. Không phải là “giáo dân ngày chúa nhật” như diễn viên Belmondo đả kích trong phim linh mục Leon Morin.

Jérémy thích chạm trán với thế giới bên ngoài và dòng đời, từ trong nôi đến trong quan tài. Một hướng dẫn hiếm hoi giúp anh tương đối hóa một vài vấn đề. Chẳng hạn về bậc sống độc thân: “Lập gia đình hay không lập gia đình, đời sống là khó khăn! Mọi đời sống đều có các từ bỏ, hình thức từ bỏ này không phải chỉ riêng cho linh mục: giống như người mẹ nuôi dạy con mình, bà không ở trong sự ràng buộc phá hủy, không có gì là chịu đựng”.

Trong 10 năm nữa, Jérémy sẽ có thể là cha xứ và biết rằng sẽ có ít linh mục. Nhiều người sẽ về hưu hoặc qua đời. Hình ảnh Giáo hội sẽ thay đổi và sẽ có các thách thức mới, các phương pháp thích ứng để tháp tùng tín hữu. Jérémy dính với chiếc xe đời cũ Citroen DS loại xe sưu tập, tôi từ giã anh để anh chuẩn bị bài giảng cho một đám tang anh sẽ cử hành trong một giờ nữa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

796    20-12-2018