Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Cửa chuồng ở đâu ?


"Hình ảnh mục tử nhân lành làm nổi bật mối tương giao
và sự hiến thân của Chúa Giêsu cho mỗi người chúng ta."

Vào thời Chúa Giêsu, khi màn đêm buông xuống, các mục tử lùa đàn chiên của họ vào chuồng. Nếu ở gần làng, họ sẽ lùa chúng vào cái chuồng công cộng, còn nếu ở xa làng, thì họ sẽ lùa chúng vào một cái chuồng ở ngoài đồng hoặc đôi khi trong một cái hang. Các mục tử làm thế là để che chở bầy chiên khỏi sương đêm lạnh lẽo và khỏi lũ thú rừng. Trong bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu ám chỉ đến cả hai loại chuồng trên.

Phần đầu bài Phúc âm, Ngài ám chỉ đến loại chuồng làng công cộng, đặc biệt nhắc đến lúc sáng sớm, khi người mục tử đến chuồng làng công cộng nhận bầy của mình để dẫn chúng đi ăn cỏ suốt ngày, Chúa Giêsu nói: "Người giữ cửa sẽ mở cửa cho anh ta; chiên anh sẽ nghe tiếng anh khi anh gọi tên từng con một và dẫn chúng ra. Khi mang chúng ra rồi, anh đi phía trước, lũ chiên đi theo anh vì chúng nhận biết giọng nói của anh"

Phần sau của bài Phúc âm, Chúa Giêsu ám chỉ đến loại chuồng ở ngoài đồng đặc biệt Ngài nói đến lối vào chật hẹp trong chồng mà bầy chiên phải đi qua. Chúa Giêsu nói: "Ta là cửa chuồng chiên... Ai bước qua Ta mà vào thì sẽ được cứu: người ấy sẽ vào, và ra, rồi tìm được đồng cỏ" Trong cuốn sách nhan đề The Holy Land (đất thánh). John Kellman mô tả một cái chuồng chiên ngoài đồng như sau: nó có một bức từơng bằng đá chung quanh cao khoảng bốn bộ (cỡ 1m4) và một lối vào. Kellman kể rằng ngày nọ một du khách Thánh Ðịa đã trông thấy một cái chuồng chiên ngòai đồng gần Hebron. Anh du khách hỏi người mục tử đang ngồi cạnh đó: "Cửa chuồng của anh ở đâu? Người mục tử liền đáp: "Tôi chính là cửa chuồng". Ðoạn người mục tử kể cho du khách nghe anh ta nằm chặn ngang lối vào chật hẹp đó. không có chú chiên nào có thể bỏ chuồng đi ra, và cũng chẳng có con thú rừng nào có thể đi vào mà không bước qua mình anh ta.

Có hai điều nổi bật trong câu chuyện dễ thương này. Thứ nhất là tính cách duy nhất ngày càng tăng lên giữa người mục tử và bầy súc vật của anh. Phần lớn đàn chiên được nuôi để lấy len. Một mục tử phải hiện diện với bầy chiên của mình 365 ngày một năm, và thường là đủ 24 giờ một ngày. Người mục tử phải biết rõ chiên mình đến mức phải biết con nào có móng mềm, con nào đau vì ăn bậy, con nào hay bỏ bầy chạy rông... Thứ hai là sự hiến thân sâu sắc của người mục tử cho bầy chiên, thậm chí liều mạng sống cho chúng.

Chính trong bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn điều Chúa Giêsu mường tượng trong tâm trí khi Ngài nói: "Ta là mục tử nhân lành" (Ga 10: 11). Chúa Giêsu muốn nói rằng, mối tương giao và sự hiến thân của Ngài cho chúng ta tương tự như mối tương giao và sự hiến thân của người mục tử cho bầy chiên mình. giống như người mục tử. Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta 365 ngày mỗi năm, 24 giờ mỗi ngày. Ngài đã từng nói với các môn đệ: "Ta sẽ luôn ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28: 20).

Giống như người mục tử, Chúa Giêsu cũng biết rõ mỗi người chúng ta một cách thân mật sâu xa. Ngài biết ai trong chúng ta yếu kém về đức tin, ai trong chúng ta thường dễ ngã lòng, ai trong chúng ta thường hay bỏ bầy đi rông. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn luôn ở đó để giúp đỡ chúng ta. Và nếu lỡ chúng ta bỏ bầy đi rông thì Ngài sẽ bỏ lại 99 con chiên để đi kiếm chúng ta. Ðiều Thiên Chúa nói với dân riêng Ngài qua miệng tiên tri Isaia, cũng chính là điều Chúa Giêsu đích thân nói với mỗi người chúng ta : "Ðừng sợ, Ta gọi ngươi bằng tên... Người rất quí báu đối với Ta... Ðừng sợ! này đây Ta ở với ngươi" (Isaac newton 43: 1, 4-5).

Bài Phúc âm hôm nay đặc biệt thích hợp cho ngày các bà mẹ. Giống như người mục tử, giống như Chúa Giêsu, một bà mẹ luôn có mối tương giao gần gũi sâu sắc với bầy con hoặc gia đình mình. Không có gì mà bà mẹ không làm để bảo vệ cho bầy con khỏi cơn nguy hiểm. Và bà sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào để tìm kiếm đứa con lầm đường lạc lối. Tình yêu của một bà mẹ dành cho gia đình vẫn hoạt động ngay cả khi tự thân bà không thể bảo vệ cho bầy con của bà nữa.

Có câu chuyện thật dễ thương trong cuốn tự thuật của Jimmy Cagney, nam diễn viên nổi tiếng ở HollyWood. Câu chuyện xảy ra vào thời tuổi trẻ của Cagney khi mẹ ông đang nằm trên giường chờ chết. Chung quanh giường có 4 cậu con trai đều mang tên Cagney và cô em gái duy nhất của họ là Jeannie. Vì bị nhồi máu cơ tim, bà Cagney không nói được nữa. Sau khi lần lượt bá cổ cả năm đứa con, bà liền giơ cánh tay phải, cánh tay duy nhất còn hoạt động đựơc lên. Jimmy mô tả những gì xảy ra sau đó:

"Mẹ tôi dùng ngón tay chỉ Harry rồi chỉ vào ngón trỏ của bàn tay vô dụng của bà, sau đó chỉ tôi rồi chỉ vào ngón giữa, rồi chỉ Eddie rồi chỉ vào ngón áp út, chỉ Bill rồi chỉ vào ngón út, chỉ Jeannien rồi chỉ vào ngón cái. Ðoạn bà cầm ngón cái để vào giữa lòng bàn tay, rồi áp chặt ngón cái dưới bốn ngón kia tụm lại. Sau đó bà dùng bàn tay còn khỏe vỗ nhẹ lên nắm đấm bàn tay trái" (James Cagney).

Jimmy nói rằng cử chỉ của mẹ ông thật tuyệt vời. Mọi người đều biết ý nghĩa của cử chỉ ấy tức bốn anh em có bổn phận che chở cho bé Jeannie sau khi mẹ họ qua đời. đó là một cử chỉ đẹp và đầy ý nghĩa mà không lời nào có thể diễn tả hay hơn.

Tôi vui mừng vì chúng ta có ngày dành riêng cho các bà mẹ để nhắc nhở chúng ta về bản chất của người mẹ và để nhắc nhở các bà mẹ về sứ vụ mà Chúa kêu gọi họ.

Tôi vui mừng vì ngày các bà mẹ trùng hợp với Chúa nhật hôm nay với những lời Chúa Giêsu nói về người mục tử. Bởi vì sự thân mật và sự hiến thân trọn vẹn của một bà mẹ cho gia đình mình là một phản ảnh hoàn hảo sự thân mật và hiến thân trọn vẹn của người mục tử cho bầy súc vật của anh. Và hơn tất cả, tình thân và sự hiến thân cho gia đình của một bà mẹ phản ảnh hoàn hảo tình thân mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta.

Vì thế, chúng ta hãy hân hoan vui mừng và cầu xin cho ngày hôm nay sẽ kéo các thành viên trong gia đình gần lại với nhau hơn, đồng thời quí chuộng lẫn nhau hơn, đặc biệt đối với bà mẹ của họ.

Cha Mark Link, S.J.

1145    04-05-2017