Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Hiền lành và khiêm nhường.

5.7 Chúa Nhật

Mt 11, 25-30

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

            Trước hiện trạng đời sống con người và thế giới đang ngày càng vắng bóng hiền lành và khiêm nhường, sự hiền lành dễ thương không còn được đánh giá cao, bạo lực được phổ biến và có mặt khắp nơi, trên báo chí cũng như trên phim ảnh và truyền hình, thì lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay về đức hiền lành và khiêm nhường, quả thực rất khó được chấp nhận, nếu không muốn nói là chướng tai và ngược đời.

            Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy về đời sống đức tin và siêu nhiên mà còn dạy cách sống nhân bản. Những ai học theo giáo huấn của Người sẽ trở thành con người sống dễ thương, dễ mến và do đó sẽ thành công trong cuộc đời.

            Thế giới rộng lớn ngày nay là một thế giới chạy theo quy luật “mạnh được yếu thua”, “lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, hoặc “được làm vua thua làm giặc”, gần như là tất yếu và phổ biến.

            Con người ngày nay, nhất là người trẻ, sự dịu dàng hiền lành đang dần vắng bóng, mà thay vào đó là sự cộc cằn, thô lỗ, hay nóng giận và thù hằn. Lòng khiêm nhường lại càng hiếm hoi, khi người trẻ sống theo chủ nghĩa khoe khoang, thích thể hiện, tự phụ, cậy vào tài năng của mình và đề cao cái tôi.

            “Hãy học cùng Thầy vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Hiền lành và khiêm nhường là hai đức tính đặc biệt nhất ở nơi Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Phải chăng đó là một sự khiêm nhường tột cùng của một Thiên Chúa làm người; hạ mình xuống rốt chót mọi người, lãnh nhận cái chết của tên nô lệ bị đóng đinh thập giá.

            Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Ngài không ngừng đi xuống. Từ trời cao Người đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa Người đã hạ mình xuống làm một người bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Và một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.

            Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: Ai muốn làm đầu, thì phải trở nên rốt hết và hầu hạ mọi người. Chính Người, trong suốt cả cuộc đời, đã sống khiêm nhu và trong giờ từ biệt các môn đệ, để ra đi chịu chết, Người đã không ngần ngại quì xuống rửa chân cho các ông, để nêu gương khiêm nhường, đồng thời kèm theo đó là bài học bác ái yêu thương, như lời Người đã phán: Con người đến không phải để được hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

            Sự hiền lành thường đi song song với khiêm tốn. Hiền lành để tha nhân dễ gần chúng ta và khiêm tốn để ta dễ hòa đồng với tha nhân. Tuy hai nhưng là một mục đích. Tạo cơ hội cho chúng ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Kẻ kiêu căng thường phân loại để chơi. Người khiêm nhường thì đối xử mọi người như nhau. Người hiền lành ai cũng muốn tới gần. Kẻ gian ác ai cũng chạy xa. Chúa Giêsu Ngài hiền lành và khiêm nhường nên ai cũng có thể tiếp xúc với Ngài, và Ngài cũng có thể gặp gỡ trao đổi với mọi người. Từ em bé đến người già. Từ người giầu có đến kẻ hèn. Từ người công chính đến tội lỗi.

            Như thế, hiền lành và khiêm nhương không phải là thái độ của kẻ hèn nhát, sẵn sàng chịu khuất phục, nhưng là đức tính của bậc anh hùng, của người đã làm chủ được bản thân mình. Chỉ kẻ khiêm nhường mới có khả năng yêu thương thực sự. Và chỉ kẻ yêu thương thực sự mới thích sống hiền hậu và khiêm nhường.

            Trong cuộc sống hôm nay, đây là hai bài học căn bản, vạch dẫn cho chúng ta con đường vươn tới hoàn thiện, nhưng quả là rất khó để thực hành. Ai trong chúng ta cũng có cái tôi to đùng, thích được người ta nể trọng. Mọi người đều biết rằng, Thập gía là lý tưởng của mọi Kitô hữu và Chúa Giêsu vẫn nhắc đi nhắc lại lời mời gọi của Ngài : “Ai muốn theo tôi hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Biết thế, nhưng thực hành không phải là chuyện giản đơn.

            Còn sự tự cao tự đại thường đi đôi với lòng tàn bạo và bất nhân. Bởi vì kẻ kiêu căng thường bắt mọi người phải khuất phục mình, làm nô lệ cho mình và không ngần ngại dùng bạo lực để đàn áp, chế ngự và tiêu diệt những ai không chịu khuất phục. Và nguy hiểm hơn cả là chính sự tự cao tự phụ ấy đã ngăn cản, đã che mờ đôi mắt làm họ không còn nhận ra Thiên Chúa và những mạc khải của Người.

            Nhân loại chúng ta có quá nhiều những nhà bác học, những nhà hiền triết thông hiểu những điều cao siêu huyền bí. Và trong Giáo Hội chúng ta cũng không thiếu những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng có lẽ chúng ta hơn bao giờ hết lại cần đến thứ ngôn ngữ giản dị nhất, đó là tình thương, một thứ ngôn ngữ có khả năng tuyệt vời để mặc khải chân lý của Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình thương và chỉ có ai yêu thương mới biết Thiên Chúa, còn ai không yêu thương thì không biết Ngài.

            Là con cái của Chúa và là anh chị em của nhau, chúng ta hãy lấy tình thương, lòng hiền hoà mà đối xử với nhau, thay vì tàn nhẫn, xâu xé lẫn nhau. Hãy khiêm tốn phục vụ nhau, thay vì tự tôn, tự phụ mà đè đầu cỡi cổ người khác. Chính tình yêu làm cho con người trở nên đơn sơ, hiền hoà và khiêm tốn. Cũng chính tình yêu làm cho con người sẵn sàng nâng đỡ gánh nặng cho người khác, hơn làm khổ cho người mình yêu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, Đấng là hiện thân của chân lý tình thương lại sống đơn sơ, hiền từ, khiêm tốn và đã mời gọi chúng ta hãy đến học với Ngài.

           

1941    01-07-2020