Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Khuôn mặt của linh mục - tt

Tính thẳng thắn của ngài diễn tả trong cách ngài tố cáo nạn tham nhũng của Giáo hội, ngài không núp sau những câu nói lòng vòng. Ngài không thích các giáo sĩ không ở tầm cao với sứ vụ của mình, họ đánh mất con người của họ khi chạy theo của cải vật chất. Tôi đau lòng khi thấy một linh mục hay một nữ tu đi chiếc xe sang tọng đời mới nhất: chuyện không thể được! Ngài tuyên bố với một nhóm các tuyển sinh và chủng sinh trong một buổi tiếp kiến. […] Tôi nghĩ chiếc xe là cần thiết vì cần phải đi làm việc, phải di chuyển đây đó… nhưng nên dùng chiếc xe khiêm tốn nhất! Và nếu con thích chiếc xe đẹp này thì con nên nghĩ đến các trẻ em đang chết đói.” Và đôi khi ngài nói như quất vào mặt: “Và nó làm cho người khác tởm các con khi họ thấy các con ở trong số các linh mục, các nữ tu không chân chính này!”

Sự giản dị không có nghĩa là Đức Phanxicô phải sống với những người mang bộ mặt u ám của mùa chay, những bộ mặt “ớt cay” như ngài gọi họ. Ngài hay lặp lại, không có thánh thiện trong sự buồn bã. Nếu một chủng sinh hay một nữ tập sinh có bộ mặt buồn bã thì có một cái gì nơi họ đã không suông sẻ. Ở Đaxi, ngài giải thích cho các nữ tu kín, rằng chiêm nghiệm phải dẫn đến vui vẻ, tình nhân loại và nụ cười. Nhưng không phải nụ cười của một cô tiếp viên! Một nụ cười từ tâm hồn. Rồi ngài giễu các nữ tu: khổ cho ai có thái độ thiêng liêng một cách quá đáng. Đối với họ, ngài lặp lại lời của Thánh Têrêxa nói: “Cho họ một miếng bifteck”…

Người ta cũng có thể biết người qua các phim họ thích. Phim Đức Phanxicô thích là phim “Bữa tiệc của Babette” (Festin de Babette), câu chuyện của một cô người Pháp lạc vào một ngôi làng Đan Mạch hẻo lánh, sùng đạo và bủn xỉn. Một ngày nọ, từ Paris người ta loan báo cô trúng xổ số 10 000 quan, cô tiêu toàn bộ số tiền để đãi cộng đồng một bữa ăn Pháp. Một niềm vui lớn cho cả làng được ăn ngon – rùa, cút, cavia rượu, sâm banh, trái cây, đồ ăn tráng miệng – nhưng có một nhóm người cả nam lẫn nữ chống đối vì sợ tội, sợ ngày Phán xét cuối cùng, não lòng vì hận thù, khủng khiếp khi nghĩ đến lạc thú.

Dần dần nhờ mùi thức ăn, các khuôn mặt được biến đổi, tinh thần ăn uống cùng mâm được thông thoáng. Được giải thoát, họ hé thấy được một cuộc sống mà họ chưa bao giờ hình dung. “Lòng thương xót và sự thật gặp nhau, thẳng thắn và hạnh phúc choàng nhau, một trong những người ngồi ăn kết luận. Vì Chúa không đặt điều kiện. Phải chờ với lòng tiếp tục và đón nhận với lòng biết ơn.” Bergoglio tin vào niềm vui của ơn huệ, tin vào đức tin như một đời sống vui vẻ dưới dấu chỉ của Phúc Âm, không bị tra tấn bởi một Chúa cảnh sát.

Trong một buổi tiếp kiến, một bà mẹ người Tây Ban Nha thì thầm vào tai ngài: “Cám ơn cha đã là một Giêsu mới cho thế gian.” Đức Phanxicô đỏ mặt vài giây, rồi ngài phá lên cười: “Nhưng cha là con quỷ!” Lòng nhân của Bergoglio bao gồm tất cả các kinh nghiệm quá khứ của ngài. Với Đức Gioan-Phaolô II, ngài là giáo hoàng duy nhất đã phải làm việc. Lên 13, ngài đã làm việc trong xưởng may bít tất, rồi ngài làm ở phòng thí nghiệm hóa học. “Tôi là người đuổi những kẻ say rượu” ra khỏi quán nhảy, ngài thố lộ trước các giáo dân của giáo xứ San Cirillo Alessandrino vùng ngoại ô Rôma làm cho họ rất ngạc nhiên.

17 tuổi, Bergoglio đã có vị hôn thê, ngài nhảy điệu milonga và tango. Một điệu không vô vị như người ta nhảy ở Âu châu, điệu tango Argentina rất gợi cảm. Wojtyla cũng học nhảy luân vũ (valse) như các thanh niên trẻ thích nhảy của các gia đình đàng hoàng sống giữa hai thời thế chiến. Theo ông Eresto Sabato, “một tâm tư buồn khi nhảy, tay người đàn ông đặt quanh hông người đàn bà, tay người đàn bà đặt trên vai người đàn ông, đôi chân hùng dũng, đôi tay dìu bước chân, đôi hông nhún nhảy, rắn lại… mời gọi và từ biệt, cô đơn và thuốc chữa của nó.”

Đối với ngài, điều quan trọng khi chọn lựa đời sống tu trì là phải bám sâu vào quyết định riêng đó của mình. Một người đàn bà ở giáo xứ San Cirillo hỏi ngài: “Con phải làm gì khi cháu của con muốn đi tu dòng Phan Sinh?”. Cầu nguyện để cháu kiên trì đeo đuổi quyết tâm của mình, Đức Phanxicô trả lời, “nhưng phải có can đảm đi lui nếu thấy đó không phải là con đường của mình.”

Đức Phanxicô thích diễn tả bằng dụ ngôn. Vào buổi Kinh Truyền Tin đầu tiên của mình, ngài kể ngài gặp một bà trên 80 tuổi, bà đoan chắc: “Thiên Chúa tha thứ tất cả.” “Nhưng làm sao bà biết thưa bà?” ngài hỏi bà. “Nếu Chúa không tha thứ thì không còn ai ỏ trên thế gian này.” Đức Phanxicô dùng những câu chuyện như thế này để lật lại mô hình một Giáo hội ngồi trên ngai phán xét, xem giáo dân là những người bị buộc tội. “Thiên Chúa tha thứ không mệt mỏi […]. Chỉ có chúng ta mới mệt mỏi! Chúng ta không muốn được tha thứ! […]. Chúa, ngài tha thứ không biết mệt.”

Thiên Chúa là người cha nhân hậu, ngài có một lòng kiên nhẫn vô bờ. Không một ai được nản lòng. Tiếng gọi đi theo lòng dịu dàng kèm theo lòng dịu dàng đối với tha nhân. Tín hữu Kitô khi xin Chúa điều gì thì cũng phải sẵn sàng mở lòng ra cho người khác. “Chắc chắn giáo dân ngày nay cần Lời Chúa nhưng họ cũng cần chúng ta làm chứng cho lòng thương xót, lòng dịu dàng của Chúa, Đấng sưởi ấm tâm hồn, Đấng khơi lên hy vọng và hướng về điều thiện”, ngài đã khẳng định như thế trong một thánh lễ ngày chúa nhật. Không được có quả tim chai cứng.

Luôn luôn qua hình ảnh, ngài xin các bề trên các Dòng đừng đào tạo chỉ duy nhất dựa trên giáo điều và luật lệ. “Đào tạo phải là một công việc thủ công, không phải là công việc của một cảnh sát. Chúng ta phải đào tạo quả tim. Nói cách khác, chúng ta phải tạo ra những quái vật nhỏ. Và những quái vật nhỏ này hình thành dân Chúa. Điều này làm cho tôi nổi da gà.”

Trong thời buổi mà cơn khủng hoảng kinh tế và hiện sinh giày vò toàn thế giới, một phần Phương Tay cũng không thoát khỏi cảnh nghèo, lời kêu gọi của quả tim được mọi người đón nhận, họ đồng loạt tán thành. Một cuộc thăm dò đầu năm 2014 của hãng Eurispes cho biết, ở Ý có 87 % dân số ủng hộ. Ngày hôm sau ngài được bầu chọn, cuộc thăm dò Demopolis cho biết 95 % người Công giáo thuận với Đức giáo hoàng. Các đặc tính đã làm cho ngài được mến chuộng là tính đơn giản của ngài (72 %), tính nói chuyện tự phát (67 %), quan tâm đến những người yếu đuối nhất (65 %); 58 % tín hữu tin rằng, nhờ ngài mà Giáo hội sẽ được canh tân.

Báo Time đã chọn ngài là nhân vật của năm 2013, một vinh dự mà chỉ có hai giáo hoàng, Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II được. “Không những ngài làm thay đổi lời mà còn làm thay đổi cả nhạc […]. Rất hiếm khi một nhân vật mới nổi trên diễn đàn quốc tế mà thu hút được sự chú ý của cả người trẻ lẫn người già, người có đạo cũng như người vô thần trong một thời gian ngắn như vậy”, bà Nancy Gibbs, giải thích một nhận xét được thịnh hành ở Mỹ thời Đức Gioan-Phaolô II. Lúc đó người ta nói “ca sĩ” Wojtyla làm cho giới trẻ hài lòng, nhưng không phải bài hát của ngài, không phải giáo điều ngài giảng.

Đối với Đức Phanxicô thì lại là một chuyện khác. Nhạc thì dứt khoát là khác. Ở Mỹ, xứ có rất nhiều tôn giáo, tổng cộng sự ủng hộ ngày lên đến 79 % nơi những người Công giáo và 58 % trong toàn thể dân chúng.

71 % người Nga, đa số là chính thống hoặc vô thần mong ngài đến thăm. Ở Trung quốc, khoảng năm mươi đại diện giới truyền thông đại chúng, các hiệp hội ký giả, các đại diện ngoại giao đoàn đều  chỉ định ngài là nhân vật thứ ba của năm Diễn đàn Báo chí Quốc tế Trung quốc (China International Press Forum. Trong nước Trung quốc cộng sản, một nhân vật tôn giáo thường không có trong danh sách này.

Ở Rôma, các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư là một biến cố lớn kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Ngay từ tối hôm trước, nhiều nẽo đường dẫn đến quảng trường bị hàng rào chận lại, còn đến đúng ngày thứ tư thì đóng hẳn con đường Conciliazione. Giáo hoàng đi xe mui trần, không có kính chống đạn, đôi khi ngài rời quảng trường và đi “vào” nước Ý. Người lớn trẻ con reo hò “Phanxicô, Phanxicô” trong hy vọng sờ được ngài. Họ tặng cho ngài khăn quàng, nước uống, họ sờ vào chiếc mũ trắng của ngài. Khi nghe kêu tên mình, ngài quay lại, nghiêng mình ra khỏi xe, bắt tay chào nếu ngài gặp bạn cũ, ngài hay xuống xe của mình. Ngài được báo cho biết một bà ngồi xe lăn bị rớt chiếc ví tay, ngài cúi xuống lượm và tế nhị để trên đầu gối bà.

Các khán giả xem vô tuyến nhớ hình ảnh xe của ngài ở Rio de Janeiro bị chận, bị đám đông vây quanh khi vừa ra khỏi phi trường. Hàng ngàn người vượt rào cản của ban bảo vệ, những người gan nhất thò tay qua cửa xe nơi Đức Phanxicô đang ngồi cười. Ba ngày sau, ngày 25 tháng 7-2013, ngài viếng thăm khu phố nghèo Varginha ở Rio, ngài bỏ xe và đi bộ dưới mưa trên con đường bùn lầy của khu phố nghèo này. Ngài cầu nguyện trong nhà nguyện dành riêng để dâng kính Đức Mẹ, ngài gõ cửa căn nhà số 81 và như một cha xứ, ngài đi vào căn nhà lụp xụp của ông Manoel Jose và bà Maria Luisa de Penha. Họ nói chuyện và cầu nguyện với nhau. Ngài ban phép lành và hôn tất cả các trẻ con trong nhà, kể cả đứa mới sinh. “Tôi muốn gõ cửa từng nhà, chào họ, xin họ một ly nước mát uống, uống cà phê phin với nhau chứ  không uống nước cachaca (một loại rượu mía), ngài nói chuyện ở sân đá banh của khu vực. Và mọi người biết là đúng như vậy.

Phanxicô đau khổ vì không thể nào muốn đi đâu thì đi. Wojtyla cần một khoảng không gian thiên nhiên, Bergoglio khát khao muốn được tiếp xúc với giáo dân. “Biết bao nhiêu lần tôi muốn đi trên những con đường ở Rôma, vì ở Buenos Aires tôi rất thích đi ra đường […]”, ngài thú nhận với các ký giả. Ngài dứt khoát không muốn mình bị cô lập dù ở trong lồng vàng! Nỗi ám ảnh này thể hiện nơi thánh lễ buổi sáng, ngài không muốn dâng thánh lễ một mình ở Nhà nguyện Thánh Mácta mà dâng thánh lễ trước một nhóm tín hữu. Các bài giảng hàng ngày, qua đó ngài thường đưa ra những tín hiệu quan trọng, là dịp để ngài đối thoại mỗi ngày với thế giới bên ngoài.

Ngài làm giảm ước muốn trao đổi của mình bằng cách viết và điện thoại. Ngài bấm số, hỏi tổng đài Vatican, tự giới thiệu mình với nhân viên. Ngài gọi cho người bán báo ở Buenos Aires để cắt báo, gọi cho người thợ đóng giày để đùa với ông là ngài sẽ không mang giày đỏ, ngài gọi cho cô bán hàng của một tiệm sách, cho một nhóm tù nhân mà ngài giữ liên lạc. Lần đầu tiên, người giữ điện thoại đã trả lời cho ngài: “Nếu ngài là giáo hoàng thì tôi là Napoleon!”

Đức Phanxicô cần ở chung quanh những tiếng nói không ở trong nghi thức, những tiếng nói của cuộc sống bình nhật. Ngài trả lời cho rất nhiều tin nhắn gởi đến ngài. Ngài trả lời cho cha mẹ của Andrea Ferri, một nhân viên tiệm xăng ở Pesaro bị giết trong một vụ tống tiền giết người, ngài gọi cho một cô gái mang thai bị bỏ rơi, một em bé gởi cho ngài bức tranh em vẽ, một người đàn bà bị hiếp, một linh mục, một cặp vợ chồng có hai đứa con bị bệnh, một người từng nghiện ma túy ở Argentina (Chào Corvo, con khỏe không?), bà mẹ của cô Elisa Claps, sinh viên ở Potenza, bị mất tích trong vòng 16 năm và xác cô được tìm thấy năm 2010 dưới mái nhà của một nhà thờ. Đó là cách ngài cảm thấy mình được là linh mục, tiếp tục làm cha xứ của đường phố. “Cám ơn Đức Thánh Cha”, bà mẹ của Elisa nói với ngài, bà bị tổn thương vì sự  im lặng quá lâu của linh mục Mimi Sabia, người có trách nhiệm ở nhà thờ Chúa Ba Ngôi, nơi xác của con bà được tìm thấy. “Đức Thánh Cha đã làm cho chúng con tin vào Giáo hội.”

Ở Vatican và trong hàng ngũ giáo sĩ trên thế giới toàn cầu, tầm mức hài lòng sâu đậm của giáo dân mến chuộng Đức giáo hoàng đã dội lại trên toàn Giáo hội. Nhưng trong hành lang thì dấy lên tâm trạng bực mình với cách Đức Phanxicô mỗi ngày mỗi làm tổn thương hình ảnh giáo hoàng, một hình ảnh tối thượng không được đụng chạm đến của Giáo hội Công giáo. Họ nói, Đức Phanxicô có cách làm cho mình “được mến chuộng” quá. Cũng một cáo buộc này người ta đã cáo buộc Đức Gioan XXIII cách đây 50 năm, họ chế giễu một ông già nhà quê so với giáo hoàng uy nghi trang trọng Piô XII.

Trên một vài tờ báo xuất hiện nhanh chóng những bài chỉ trích nuôi dưỡng một lòng hận thù nơi những người bảo thủ nhất của Giáo triều. Ký giả Giuliano Ferrara, báo II Foglio, cáo buộc Đức Phanxicô tỏ ra quá “dịu dàng”, quá mức tác hại của việc phá thai, không hiểu toàn cầu hóa và sự mở rộng ra các thị trường bảo đảm cho “giải phóng và tự do” của khối thế giới thứ ba. Marcello Veneziani nêu ra cơ nguy ngài trở thành một kiểu “biếm họa”, nhà xã hội học Gianfranco Morra thì khép ngài không đồng điệu với Vatican, tố cáo cách ngài nói chuyện toàn “phiên bản bình dân”.

Nhà văn Công giáo Vittorio Messori, người đã phỏng vấn Đức Ratzinger và Wojtyla, châm biếm lời kêu gọi cho người nghèo của giáo hoàng. “Giáo hội nghèo là chuyện dại dột: Chúa Giêsu không chết đói […]. Ngài có một kho dự trữ tài chánh, và ngay cả ông Judas Iscariote, người thủ quỹ cũng đã phản bội ngài.” Cái áo của Đức Giêsu cũng có giá trị, “những người lính bốc thăm vì chiếc áo này đắt tiền. […] Chúa Giêsu mặc áo hiệu Armani”. Ngay từ những tháng đầu tiên, Messori đã châm nọc độc rất vi tế trên đài truyền hình. “Giáo hoàng ít nói thì tốt hơn. Một vài cuộc phỏng vấn trên máy bay, một vài câu nói bộc phát có thể tạo ra những diễn giải sai lầm.” Đến lúc phải quay về với “tiết độ”.

Quyết định của Đức Phanxicô không cử hành thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh ở Đền thờ Saint-Jean-de-Latran và rửa chân ở một nhà tù của thiếu niên phạm pháp ở Casal di Marmo đã gây phiền hà cho những người bảo thủ. Nhưng việc ngài rửa chân cho hai phụ nữ là việc đã làm cho những người bảo thủ bực mình nhất. Một vết nhơ cho truyền thống thiêng liêng. Nhưng rửa chân cho một phụ nữ Hồi giáo là chuyện quá sức chịu đựng của họ. Làm sao một tín hữu Hồi giáo lại đại diện cho một trong mười hai tông đồ của Buổi Tiệc Ly?, các giám chức theo truyền thống xưa ở Dinh Tông Tòa đã than phiền như trên. “Ở Buenos Aires, hồng y Bergoglio cũng rửa chân cho phụ nữ trong nghi thức này. Nên chúng tôi đề nghị nên có sự hiện diện của phụ nữ. Sau một vài kháng cự, rốt cuộc Vatican chấp nhận”, cha tuyên úy Gaetano Greco của nhà tù giải thích. Tình tiết này cho thấy sợi dây có tính bản năng giữa chức giáo hoàng và mục vụ linh mục là một tiếp xúc trực tiếp nhất với đời sống hàng ngày.

Với mười hai trẻ vị thành niên – Công giáo, Chính thống và Hồi giáo – Đức Phanxicô nói một cách giản dị: “Bây giờ chúng ta làm nghi thức rửa chân. Mỗi người chúng ta nghĩ: tôi thật sự sẵn sàng giúp đỡ và phục vụ người khác không? Chỉ cần nghĩ đến điều này và đây là dấu chỉ tình yêu mến của Chúa Giêsu.” Đức Phanxicô nói về Chúa Giêsu nhưng ngài không ngần ngại khuyến khích tín hữu các tôn giáo khác sống theo đức tin của mình. Ở Lampedusa – nơi ngài đến sau khi có bảy người tị nạn bị chết vì đắm tàu và hàng chục người khác bị mắc vào lồng nuôi cá-, Đức Phanxicô đã chúc cho khoảng năm mươi người tị nạn Hồi giáo, rằng mùa chay ramadan mang đến cho họ các “hoa trái thiêng liêng”.

Đức Phanxicô không thích đi đây đó. Lampedusa là chuyến đi đầu tiên ngoài Rôma của ngài. Ngài dâng thánh lễ trên một sân thể thao nhỏ, từ chiếc tàu làm bàn thờ. Chén thánh bằng gỗ làm bằng ván tàu bị đắm. Đức Phanxicô làm lễ nhưng không có trưởng ban nghi lễ. Khi giảng, ngài cầm máy vi âm như thời ngài làm giám mục ở Argentina. “Chào mừng người giữa người”, một panô viết trên một căn nhà. Chua cay hơn, có người nói: “Giáo hoàng giảng hy vọng, các chính trị gia hưởng lợi.” Hoặc họ hứa những lời hứa vô liêm sĩ. Trong lần viếng thăm năm 2011, cựu Thủ tướng Berlusconi đã loan báo miễn thuế, phát triển ngành du lịch, tạo một vùng táo bạo làm sòng bài, sân golf…

Ở Lampedusa, Đức Phanxicô dùng một ngôn ngữ thô tháp. “Tôi cảm thấy là tôi phải đến đây cầu nguyện nhưng cũng để khơi dậy lương tâm của chúng ta để những gì xảy ra không còn lặp lại nữa”, ngài nói trong thánh lễ. Với giọng trầm hơn, ngài nói thêm: “Xin anh chị em…” Bài giảng này là một trong những bài giảng cảm động nhất trong triều giáo hoàng của ngài. “Rất nhiều người trong chúng ta, kể cả tôi, chúng ta mất định hướng, chúng ta không còn quan tâm đến thế giới mình đang sống […]. ai là người có trách nhiệm với máu của các anh chị em này? Không ai. Tất cả chúng ta đều trả lời: không phải tôi, tôi không ở đây […]. Nhưng Thiên Chúa đòi hỏi mỗi chúng ta: “Đâu là máu của anh em con đã kêu lên đến Ta?” […] Chúng ta đã đánh mất ý nghĩa của tình huynh đệ có trách nhiệm.” Đức Phanxicô mô tả một thế giới mà mỗi người khép kín trong ảo tưởng của mình, trong “bọt xà phòng”, dung dưỡng tính dửng dưng đối với người khác, thậm chí còn “toàn cầu hóa sự dửng dưng”.

Đức Phanxicô mời gọi chúng ta phải khóc cho sự hung ác đang lan tràn trên khắp thế giới, “cũng như cho những người vô danh có những quyết định về mặt xã hội-kinh tế dẫn đến các thảm trạng như thảm trạng ngày hôm nay”.

Do bản năng hướng dẫn, các chuyến đi của ngài luôn đến những nơi đau khổ. Ở Axixi, thành phố ngài chưa bao giờ đến, ngài bắt đầu cuộc hành hương từ sáng sớm và sau đó là đến Viện Serafico để thăm người khuyết tật. Trong vòng một giờ, ngài ôm, ngài hôn, ngài siết trong lòng hàng trăm người khuyết tật. Những người trẻ, người già với thể xác đau đớn, những người “không nói, không nghe, không đi bầu”, những người bị xã hội quên, bà chủ tịch Francesca Di Maolo của viện đã phải than lên.

Đức giáo hoàng, mũ bị lật ngược, đi qua đi lại giữa những người bệnh, ngừng trước mỗi người. Họ bị co giật, cơ thể khép kín trong chứng tự kỷ, mắt nhắm nghiền, đầu đung đưa như đưa võng. Đức Phanxicô có đôi bàn tay biết nói. Bàn tay ngài cầm những cánh tay đưa ra, xoa tóc, vuốt má, ôm vai, làm dấu thánh giá trên trán. Ngừng lại ở một em bé bị tự kỷ, Đức Phanxicô kiên nhẫn đi theo từng cử chỉ của em bé trai, vỗ vỗ một cách máy móc lên lòng bàn tay của ngài. Mười lăm phút trôi qua, căn phòng bắt đầu vang lên không ngớt những tiếng hú, những tiếng rên, những tiếng làu nhàu. Đức Phanxicô đi chầm chậm từ ghế này qua ghế kia. Khi ngài không thể nói được, ngài gần gũi họ từ cơ thể này qua cơ thể kia.

 

Marta An Nguyễn dịch

517    03-09-2018