Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Khuôn mặt của linh mục



Đức Phanxicô để cho người khác ôm quàng mình. Ngài tìm dịp để tiếp xúc với giáo dân, chạm vào giáo dân và để giáo dân chạm vào mình. Hai ngày sau khi ngài được bầu chọn, hình ảnh hồng y Dolan người Mỹ tin tưởng đặt tay mình trên vai ngài ở phòng Clémentine đã làm đã làm cho vài người ở các phòng khách Vatican nhíu mày, nhưng về phần mình, Đức Phanxicô chỉ cười.

Sự gần gũi thể lý là một phần trong cách ngài trao đổi nói chuyện. Về khía cạnh này, ngài có tính cách rất Nam Mỹ mà cũng là Phi châu hay Địa Trung Hải. Ngài không muốn bất động như một pho tượng. Ngay khi giáo dân ôm được ngài trong tay, họ ôm chặt ngài như anh lính người Ý từ Afghanistan về, muốn cảm thấy mình được ở lâu bên cạnh ngài. “Giáo dân đến nhìn Đức Gioan-Phaolô II, đến nghe Đức Bênêđictô XVI và đến ôm Đức Phanxicô”, hồng y Tauran đã nói như vậy.

Ngày 28 tháng 7-2013, ở Rio de Janeiro, ba triệu người trải dài trên bốn cây số ở bãi biển Copacabana để dự thánh lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ. Ngày Noel đầu tiên sau khi được bầu chọn, đã có hơn một triệu rưỡi giáo dân và người đi hành hương về Rôma dự các buổi tiếp kiến chung của ngài ở Quảng trường Thánh Phêrô. Đức Phanxicô không để một khoảng cách nào ngăn cách mình với giáo dân, cũng không giữ một hình thức nghi lễ nào khi giáo dân đến với ngài. Ngài ôm họ, kéo họ về phía mình, để họ ở chung quanh mình. Ngài nói chuyện với giáo dân, nghe họ, nhìn vào mắt họ. Nếu trời mưa, ngài để đầu trần như giáo dân đang đi hành hương.

Ở Buenos Aires, ngài không như vậy. Bây giờ với bộ áo trắng, ngài đã vứt bỏ bộ giáp rụt rè e lệ. “Hồi đó ngài thinh lặng hơn, hướng nội hơn”, linh mục Pepe Di Paola của các khu phố ngạc nhiên. Đã có một cái gì thay đổi nơi ngài. Giám đốc tờ báo văn hóa Criterio ở Argentina, ông Jose Maria Poirier cho biết, “gần như ngài rất buồn, lo âu, trầm mặc, ngài không bao giờ cười.” Ở trụ sở chính Dòng Tên ở Rôma, một vài bạn đồng tu với ngài cho biết, đôi khi ngài tỏ ra cáu kỉnh và khép kín”.

Ở Vatican, người ta nói tân giáo hoàng như có vầng hào quang đặc biệt, trong “trạng thái được ân sủng” như được Đức Chúa Thánh Thần xuống ơn trên người được chọn. Đúng ra, ngay từ buổi gặp đầu tiên với đám đông ở ban công Quảng trường Thánh Phêrô và nhất là sau chuyến tông du Ba Tây, càng ngày càng được giáo dân nồng nhiệt đón nhận nên đã thúc đẩy Jorge Mario Bergoglio  diễn tả một cách cởi mở hơn (chính ngài cũng ngạc nhiên về mình), một tâm tình dịu dàng trìu mến mà ngài xin các linh mục của mình hãy có trong quan hệ của họ với giáo dân.

Đức Phanxicô “dễ gần”. Karol Wojtyla, khi ngài chết giáo dân đã khóc như khóc một người cha, một người ông, người khi đứng trước đám đông đã cho họ có cảm tưởng như ngài đang nói với từng người một, tuy vậy ngài vẫn giữ một quyền uy tối thượng và không bỏ được cương vị của mình khi tiếp xúc cá nhân. Đức Phanxicô bỏ hết tất cả rào chắn. Ngài gần giáo dân như người thân trong gia đình, buông hết mọi khoảng cách nhờ tính chân tình và qua đó, ngài nhắc lại lời dạy của Phúc Âm, rao giảng lòng thương xót và mời giáo dân đừng ngại bày tỏ tình dịu dàng. Trong phòng tiếp kiến, trẻ con có thể chạy đến với ngài khi ngài đang nói chuyện. Như một người ông trong nhà, ngài để cho trẻ con đặt tay lên tóc ngài và không bế trẻ con xuống khi nó lên ngồi trên ghế của mình. Uy quyền duy nhất duy nhất và ngự trị trên Giáo hội, theo ngài, đó là Chúa Kitô và ngài là một môn đệ.

Ngài không muốn bị xa cách giáo dân vì hàng rào nghi thức. Ngài bao dung với các cảnh vệ Vatican mà ngài quý trọng lòng trung tín của họ nhưng ngài không muốn có họ. “Tôi không cần người canh gác cho tôi, tôi không phải là không có bảo vệ”, mấy ngày đầu ngài tuyên bố như vậy. Ngay  hôm sau ngày bầu chọn, ngài đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện, ngài yêu cầu Đền thờ vẫn mở cửa cho giáo dân và để cho khách hành hương vào cầu nguyện. Ngài để trên bàn thờ một bó hoa, như một cha xứ làng quê. Khi đi Rio de Janeiro về, ngài đặt một trái banh và một áo T-shirt lên bàn thờ: những món quà tạ ơn chưa từng có giáo hoàng nào làm!

“Quả tim chúng ta cần được xúc động, hãy để cho tâm hồn mình được sưởi ấm bởi tình dịu dàng của Chúa; chúng ta cần được Chúa vuốt ve,” Đức Phanxicô nói vào ngày lễ Giáng sinh 2013. Kỳ thuật của ngài ở cách ngài khơi dậy các ao ước sâu đậm, ẩn giấu trong chốn mật thiết nhất của hàng triệu tín hữu. Ngay trước khi Bergoglio xuất hiện ở ban công ngày 13 tháng 3 lịch sử, Giáo hội Công giáo đã lan tỏa giấc mơ có một “Phanxicô”. Một thời gian trước mật nghị, tên Phanxicô đã bắt đầu luân lưu. Một số lớn tín hữu quá nghi ngờ Giáo hội, một Giáo hội họ xem như bà mẹ ghẻ xa cách, họ sốt ruột chờ một hình ảnh Giáo hội như hình ảnh Phanxicô. Khi Đức Phanxicô đến Đaxi tháng 10-2013, một băng rôn đón ngài được trìu mến chăng lên với hàng chữ: “1266-2013: Phanxicô, chúng tôi nhớ Phanxicô!”

Trong những giây phút hạnh phúc sáng tạo, các nghệ sĩ là những nhà tiên tri. Họ nắm được tinh thần thời đại và tâm hồn của quần chúng. Hoàn toàn tình cờ, chỉ sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, một nghệ sĩ Công giáo, ông Ermanno Olmi xuất bản Thư gởi một Giáo hội đã quên Chúa Giêsu. Ông mô tả một Giáo hội chính thức như một bà “mẹ lơ đãng, thích những buổi lễ hào nhoáng”, bám vào của cải phù du, bị lung lay vì những vụ tai tiếng và những mánh khóe, quên đi mùa xuân Công đồng Vatican II. “Chúng ta đã học gì và chúng ta đã quên người thánh nghèo Đaxi rồi phải không?” ông Olmi hỏi. Có phải bạn, Giáo hội Công giáo, căn nhà mở ra không những cho các tín hữu vâng lời nhưng cũng mở ra cho những người đi tìm Chúa trong tự do, đã vượt ra ngoài các nghi ngờ của họ không?” Ông bàn đến các chủ đề mà chính xác sẽ là các chủ đề đấu tranh của Giáo hoàng Phanxicô tương lai. Ông Olmi van nài: “Giáo hội, chứng tỏ cho chúng tôi thấy là Giáo hội còn có một tấm lòng đối với người yếu đuối, những người còn đông hơn nữa và họ không đến thế gian này để chết.”

Hai năm trước, ở Đại hội Điện ảnh Cannes, Nanni Moretti, nhà thực hiện phim, người có một nền văn hóa giáo dân, trình bày hình ảnh một giáo hoàng vừa mới được bầu nhưng không muốn cai trị một Giáo hội mà ngài không nhận ra nó. Diễn viên chính là Michel Piccoli giống Đức Phanxicô một cách kỳ lạ, giống cả ở cách đưa bàn tay mặt lên một cách rụt rè, nhân vật đóng vai giáo hoàng không muốn làm giáo hoàng này tuyên bố trong cuốn phim, “lúc này Giáo hội cần một người hướng dẫn vững mạnh để mang trọng trách của những công việc thay đổi to lớn, tìm cách gặp gỡ với tất cả mọi người, người có tình thương và thấu hiểu với tất cả mọi người…” Với rất nhiều tín hữu vô danh, khi hỏi họ thế nào là đức tin họ có trong lòng, họ sẽ trả lời như cô mụ đã trả lời ở Quảng trường Thánh Phêrô hồi thời Đức Bênêđictô XVI: “Đối với tôi, Chúa Giêsu trước hết là lòng thương xót.”

Đức Phanxicô ở cùng tầng sóng với đại đa số người Công giáo. Đến mức ngài đã khẳng định, mục tử phải có “mùi chiên”, đàn chiên nhận ra người chăn mình qua mùi của mình. Quan hệ hỗ tương này có một cái gì thuộc bản năng. Và đây là cách Đức Phanxicô mô tả sứ vụ của mình sau những tháng đầu tiên ở chức vụ: “Tôi thấy một cách rõ ràng, điều Giáo hội cần ngày hôm nay là khả năng săn sóc các vết thương và sưởi ấm tâm hồn tín hữu, gần gũi và chung sống với họ. Tôi thấy Giáo hội như một bệnh viện ở thôn quê sau cuộc chiến. Sẽ vô ích khi hỏi một thương bệnh binh đang bị thương nặng xem lượng đường, lượng mỡ trong máu của họ có cao không! Chúng ta phải săn sóc vết thương trước. Sau đó chúng ta mới làm các việc khác sau. Săn sóc các vết thương, săn sóc các vết thương… Phải bắt đầu từ thấp.”

Có một cái gì như báo hiệu trước, chỉ bốn ngày trước khi bầu chọn Đức Bergoglio, Giáo hội vẫn còn cho cảm tưởng là một Giáo hội của siêu hình, trên tất cả mọi sự, là đại diện của một thể chế Công giáo Ý – lạc hậu trong sự nhấn mạnh trên giáo điều và bảo vệ hàng giáo sĩ – vẫn cố nài: “Đối với Olmi, Giáo hội chỉ có thể mạnh nếu Giáo hội tạo ra được sự gần gũi, tương trợ và cùng đồng hành. Giáo hội Chữ Thập Đỏ của thế giới, gần với những đau khổ mới cũng như cũ của con người”, giám mục Alberto Carrara viết một cách phẫn nộ, ngài là đại diện Hội đồng Giám mục địa phận Bergamo phụ trách vấn đề văn hóa. Không, ngài phản kháng lại, “viễn cảnh đức tin là một chuyện khác!”

 

Đức Phanxicô công bố một Giáo hội không để mình “khép kín trong những giới luật nhỏ”, không níu lại “một cách quá độ vào sự ‘chắc ăn’ của giáo điều”, không biến đổi tôn giáo thành ý thức hệ nhưng tập trung trên sự loan báo thiết yếu này: “Chúa Giêsu Kitô đã cứu bạn!” Đức Phanxicô nêu rõ một Giáo hội “mẹ và mục tử”: “Tôi có một xác quyết về giáo điều: […] Thiên Chúa ở trong đời sống của mỗi người. Dù cho cuộc sống của người đó có tệ hại như thế nào, bị phả hủy bằng các thói xấu, ma túy hay cái gì khác, nhưng Thiên Chúa vẫn ở trong đời họ. Chúng ta có thể và chúng ta phải tìm Chúa trong mọi đời sống của con người.”Lý do của sự nhất trí phi thường mà Đức Phanxicô hưởng được là ở trong thông điệp này. “Cám ơn, cám ơn”, là tiếng đám đông hô lên ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày lễ nhậm chức của ngài. “Cám ơn” thay vì “Giáo hoàng muôn năm”. Cám ơn vì cách nói, cách trình bày, cách thể hiện. Trong số những tín hữu đơn sơ, người ta nghe những câu nói bộc phát từ bản năng. “Con thấy không, mình có một giáo hoàng”, một bà mẹ lớn tuổi nói với con gái mình. “Chúng ta có một giáo hoàng làm cho mình hiểu”, lời nói nghe ở các trạm xe điện ngầm ở Rôma sáng hôm sau ngài được bầu chọn. “Bây giờ giáo hoàng sẽ đưa quý vị vào hàng ngủ”, bà mẹ của một đức ông trong hội đồng Giám mục Ý kêu lên. Cha phó giáo xứ Anagni, linh mục Alberto Ponzi kể lại, các giáo dân bắt đầu nói khích các linh mục bằng cách lặp lại lời Đức Phanxicô: “Giáo hoàng đã nói, giáo hoàng đã nói…”. Cũng một hiện tượng này ở những địa phận khác, xứ khác. Những người thuộc nhóm bất khả tri lưu ý đến Đức Phanxicô khi đài truyền hình loan tin liên hệ đến ngài. Họ là những người không bao giờ quan tâm đến Giáo hội và những người lãnh đạo của Giáo hội.

Một câu được nghe trong nhiều bối cảnh khác nhau có thể tóm gọn được tinh thần của đám đông: “Tôi không vô thần cũng không giữ đạo. Tôi xa Giáo hội nhưng Đức Phanxicô đem tôi về gần với Giáo hội.” Marco Tarquinio, giám đốc tờ báo Avvenire của các giám mục chứng kiến: “Một độc giả viết cho chúng tôi, họ không cầu nguyện từ đã rất lâu. Bây giờ mỗi ngày họ cầu nguyện cho Đức Phanxicô. Giáo hoàng đã sưởi ấm tâm hồn của các tín hữu, ngài chạm đến tâm hồn của những người cự lại, đến được với những người ở xa nhất.” Điều đã làm cho ngài gần được với quần chúng đó là sự chân thành của ngài trong những thiếu sót riêng của ngài: “Dù là giáo hoàng, ngài cũng xưng tội mỗi hai tuần vì ngài cũng là người có tội! Cha giải tội nghe tôi xưng tội, ngài khuyên tôi và giải tội cho tôi vì tất cả chúng ta đều cần ơn tha thứ này!” Các giáo hoàng khác cũng xem mình là người có tội nhưng cách nói mang tính lý thuyết thiêng liêng hơn. Nơi môi miệng Đức Phanxicô, đây là lời thú nhận đích thực, ngài bỏ hết mọi bệ thờ.

655    03-09-2018