Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Lời nói cuối

 

Quyển sách

Năm 2006, ký giả Luc Adrian của báo Famille chrétienne (Gia đình Kitô) đến Tarn để làm một phóng sự về trường truyền giáo Tuổi trẻ Ánh sáng. Ông nói với tôi:

– René-Luc, cha còn nhớ trên chuyến bay đi Denver Ngày Thế giới Trẻ năm 1993 không? Cha kể cho tôi nghe câu chuyện trở lại của cha. Cha phải viết một quyển sách về chuyện này, câu chuyện quá cảm động!

– Nhiều người thường kêu tôi viết nhưng tôi lúc nào cũng từ chối. Câu chuyện của tôi liên hệ đến nhiều người trong gia đình, nhất là mẹ tôi. Chúng tôi có một thỏa thuận tinh thần: tôi có thể nói lời chứng, nhưng không xuất bản!

Ký giả Luc Adrian không năn nỉ. Đúng là trong những năm đầu trở lại, tôi làm chứng rất nhiều. Nhưng khi làm chủng sinh, rồi sau đó là linh mục, tôi hiếm khi làm chứng, quan trọng nhất là tôi nói về Chúa Giêsu, chú giải Lời Chúa thay vì nói về mình. Và rồi việc phơi đời sống của mình ra không phải là không có hại, có nguy cơ đưa mình lên hàng đầu trên các phương tiện truyền thông.

Nhưng thật kỳ lạ, việc ký giả báo Gia đình Kitô đề nghị làm tôi suy nghĩ nhiều. Nếu mục sư Nicky Cruz không viết sách, không vác gậy hành hương đi khắp nơi để nói cho mọi người biết việc mình trở lại thì chắc chắn ngày hôm nay tôi không làm linh mục! Có thể bây giờ Chúa Giêsu đòi tôi phải trả những gì tôi đã nhận đây không? Tôi đến nói chuyện với Đức Giám mục Jean Chabbert, cha thiêng liêng của tôi. Trước sự ngạc nhiên của tôi, cha nói:

– Con viết quyển sách này đi, chỉ cho cha mà thôi, cha sẽ không nói với ai.

Tôi bắt đầu viết! Lúc đó tôi có một chút thì giờ vì linh mục Daniel-Ange mời thêm một người mới vào nhóm quản trị trường Tuổi trẻ Ánh sáng. Để Francesco hội nhập dễ dàng, cha giao một số lớn trách nhiệm của tôi cho anh.

Trong vòng vài tháng tôi đưa bản thảo cho cha thiêng liêng đọc. Sau khi đọc xong, cha mời tôi đến và nói:

– Cha nghĩ chứng từ này đúng là đến từ Chúa. Người đọc không thấy con viết để kể chuyện của con nhưng là để nêu cao hành động của Chúa trong đời con. Họ cũng thấy là con có bình an với câu chuyện của mình, con không có chuyện gì để giải quyết với quá khứ của con. Cha nghĩ chứng từ này sẽ giúp cho rất nhiều người. Cha khuyên con nên xuất bản.

Trước khi tiếp xúc với nhà xuất bản, tôi gởi bản thảo đến Đức Giám mục Pierre-Marie Carré của tôi. Ngài gởi lại cho tôi sau khi sửa các lỗi chính tả! Đó cũng như “chuẩn ấn” (imprimatur) ngài cho tôi. Sau đó tôi gởi cho mẹ tôi, cha tôi, các anh chị em của tôi, tôi giải thích nguồn gốc dự tính viết quyển sách này và nói với gia đình:

– Nếu chỉ một người trong gia đình cảm thấy không thoải mái với dự tính này thì tôi sẽ không in! Điều quan trọng là sự bình an và sự hiệp nhất trong gia đình. Còn về bản quyền thì hoàn toàn dành cho các chủng sinh.

Gia đình tôi đọc và tất cả đồng ý cho tôi in. Cả quyển sách họ chỉ bỏ năm hàng.

Tháng 6 năm 2008, quyển sách được xuất bản, tôi dùng tiền lương linh mục để mua tám mươi quyển, tôi gởi cho tất cả các bạn bạn Dòng Camêlô ở Pháp. Tôi viết kèm mấy chữ: “Đối với một linh mục, ‘phù phiếm’ và ‘đặt lên hàng đầu’ là sai. Nhưng ‘làm chứng’ là đúng vì phù hợp với ý Chúa. Vì thế tôi xin các bạn cầu nguyện để quyển sách này mang lại hoa trái và tôi vẫn đơn thuần là người làm chứng.”

Từ đó khi đi đâu làm chứng, ở Pháp hay ở các nước trên thế giới, tôi đều xin ban tổ chức các nơi gởi chương trình buổi nói chuyện cho Dòng Camêlô gần nhất ở đó. Các nữ tu Dòng chiêm niệm như ông Môsê trên núi Sinai: khi ông giương tay giữ vững, dân Israel sẽ thắng kẻ thù. Khi ông buông tay, dân Israel sẽ gặp khó khăn. Tôi tin chắc, khi các nữ tu chiêm niệm của chúng tôi tiếp tục cầu nguyện, chúng tôi sẽ được ơn và được bảo trợ trên con đường truyền giáo của mình.

Tháng 6 năm 2008, quyển sách của tôi được bán ở tiệm sách. Năm đầu tiên chúng tôi bán trên 10 000 quyển và từ đó quyển sách được tái bản liên tục. Sách được dịch ra tiếng Đại Hàn, tiếng Tiệp. Các thứ tiếng khác cũng đang được dịch. Gần như mỗi ngày tôi đều nhận như của độc giả cho biết họ rất xúc động khi đọc. Tôi cũng rất cảm động khi liên lạc được với ba thanh niên trẻ, nhờ đọc lời chứng của tôi, các anh đã vào chủng viện. Tôi luôn để các bạn trên bàn thờ để Chúa Giêsu tiếp tục chăm sóc họ. 

Từ trường Tuổi trẻ Ánh sáng đến giáo xứ 

Vài tuần trước khi quyển sách ra đời, linh mục Daniel-Ange muốn nói chuyện với tôi. Cha hỏi tôi về chỗ đứng của tôi trong trường Tuổi trẻ Ánh sáng. Tôi đã ở bảy năm trong trường và tôi học được rất nhiều ở đó. Ngoài việc huấn luyện các bạn trẻ trong công việc truyền giáo, đó là lý do chính tôi ở bên cạnh cha Daniel-Ange, cha cũng mang một khía cạnh thần nghiệm, rất cách biệt với thế giới bên ngoài. Tuổi trẻ sống theo linh đạo của Dòng Biển Đức đã tác động đến cha rất mạnh, cha có ơn đặc biệt giúp cho các bạn trẻ tiếp xúc được với nét đẹp của phụng vụ. Là môn đệ đích thực của Thánh Phanxicô Axixi, cha tôn trọng tinh thần khó nghèo.

Dù sự hợp tác của chúng tôi rất phong phú nhưng tôi cũng nhận ra, chúng tôi khác nhau trên một số quan điểm. Linh mục Daniel-Ange phải nghĩ đến tương lai công việc của cha, vì thế dĩ nhiên cha cần có những người gắn kết sâu đậm với đặc sủng của cha. Tôi cố gắng để thấm vào tinh thần đặc biệt của trường Tuổi trẻ Ánh sáng, nhưng đúng tôi là người chuộng thể thao hơn là một đan sĩ. Và tôi có lối sống của các linh mục địa phận hơn là tu sĩ Dòng. Linh mục Daniel-Ange không muốn đi ngược lại với bản chất tự nhiên của tôi, cha nói cha không muốn tôi đi bên cạnh ơn gọi riêng của tôi.

Tôi hiểu các câu hỏi của cha và tôi chấp nhận, dù đối với tôi rời trường Tuổi trẻ Ánh sáng là một chuyện rất đau lòng, vì tôi rất thích đào tạo cho các bạn trẻ trên con đường truyền giáo. Tôi đến trường trong tinh thần phục vụ, tôi rời trường trong tinh thần tích cực: tất cả những gì tôi đã học ở đây trong bảy năm vừa qua. Tôi vẫn giữ liên lạc với linh mục Daniel-Ange, cũng như Thánh Phaolô và ông Banabê khi họ xa nhau, để mỗi người đi truyền giáo riêng theo phần của mình.

Bây giờ tôi phải làm gì? Đâu là chương trình tiếp tục của Chúa cho công việc truyền giáo của tôi? Trở về cộng đoàn mà tôi đã rời bảy năm trước đây? Không phải là không thể được. Đi xứ? Tại sao không, nhưng sau khi đã sống đời sống huynh đệ trong các công việc này, bây giờ tôi có thích ứng được với đời sống cô đơn không? Và khi trông coi giáo xứ, tôi có tiếp tục đi giảng bên ngoài được không?

Tôi trình bày các câu hỏi này với Đức Giám mục Carré. Ngài đề nghị tôi làm cha phó giáo xứ Gaillac, bên cạnh cha xứ trẻ Paul de Cassagnac, người tôi hợp ngay lập tức.

Đức Giám mục cũng cho tôi dành một phần ba thì giờ để đáp ứng các lời mời đi giảng sau khi quyển sách của tôi được xuất bản.

Năm đầu tiên ở giáo xứ Gaillac thật tốt đẹp, dù đầu óc tôi luôn nghĩ đến các bạn truyền giáo trẻ trên núi. Năm sau thì có thay đổi. Linh mục Paul de Cassagnac được cử làm cha quản nhiệm nhà thờ chính tòa Albi. Cha bỏ tôi vào va-li đi theo cha. Tôi làm cha phó cho cha Cassagnac từ năm 2009 đến năm 2013.

Tôi tiếp tục công việc truyền giáo bên ngoài, lời mời đi giảng càng ngày càng tăng, cả ở Pháp lẫn ở nước ngoài: Thụy Sĩ, Bỉ, Senegal, Liban, Guadalup, Tchequia… May là Chúa đặt trên đường đi của tôi cô thư ký giỏi giang Laurence, cô lo tất cả những chuyện này cho tôi!

Đức Giám mục còn giao cho tôi trọng trách lo mục vụ giới trẻ cho toàn thành phố Albi. Để tạo một bầu khí năng động mới, tôi cảm hứng sáng kiến của nhóm Glorious ở Lyon: thành lập “Trung tâm Albi”, tôi tổ chức một buổi hòa nhạc ca ngợi hàng tháng, chèn vào đó là bài giảng của tôi. Tất cả được lên chương trình như được Chúa sắp đặt. Các nhạc sĩ trẻ nhưng tất cả đều có một trình độ đáng nể: Anthony phần basse, Matthieu chơi trống, Simon và Pierre đàn ghi-ta,  Béatrice hát và đàn phím, Nicolas và Olivier hát. Tài năng của nghệ sĩ sẽ không nổi bật nếu không có phần âm thanh và ánh sáng hỗ trợ. Hai bạn nhà nghề Benoit và Julien đảm nhận phần kỹ thuật ‘không tính tiền’: thật không thể tưởng tượng! Trong vòng ba năm, mỗi tháng chúng tôi quy tụ từ 150 đến 300 bạn trẻ, đó là chuyện phi thường cho một thành phố nhỏ như thành phố Albi. Bruno, một bạn trẻ mê video đề nghị thâu các bài giảng của tôi và đăng trên Youtube. Các bài giảng nho nhỏ cho các bạn trẻ được chia sẻ rộng rãi, bây giờ kênh có hơn 100 000 lượt xem.

Còn về thể thao thì tôi ghi tên vào đội bóng chày VZAG ở Gaillac, tôi tiếp tục chơi khi tôi ở thành phố Albi. Thời gian này là thời gian phong phú cả về công việc truyền giáo lẫn tình bạn. Nhưng kể từ khi tôi rời trường Tuổi trẻ Ánh sáng, tôi có cảm tưởng như tôi không ở trọn vào vị trí của mình. 

Lời kêu gọi của linh mục Hugues 

Tháng 6 năm 2010, Đức Giám mục Carré rời Albi để về Montpellier, ngài được đề cử làm Tổng Giám mục ở đó. Giám mục Jean Legrez thay ngài ở giáo phận Albi. Vài tháng sau, một cuộc gặp đã làm đời tôi bước qua một bước nhảy mới. Tôi gặp linh mục Hugues de Solage ở nhà hưu dưỡng các linh mục. Ngài 86 tuổi, cao lớn, mảnh khảnh, lưng còng theo chiếc gậy. Ngài có lòng kính mến Đức Mẹ sâu đậm. Cha hỏi tôi:

– René-Luc, cha vừa đọc sách của con! Điều làm cha xúc động nhất là thấy khi con ở tuổi vị thành niên con đã có kinh nghiệm rao giảng Tin Mừng cho người trẻ bằng người trẻ. Vì thế cha không hiểu tại sao con không ở lại trường Tuổi trẻ Ánh sáng?

Tôi cười và trả lời cha:

– Cũng hơi rắc rối một chút cha Hugues ạ, nhưng dù sao đây đúng là trường dạy rao giảng Tin Mừng, con có cảm tưởng con sinh ra để làm việc này!

– Vậy thì tại sao con không thành lập một trường ở thành phố Albi này?

– Cha Hugues, cha không nghĩ là ở Pháp đã có hai trường, một ở Paray-le-Monial và trường kia là Tuổi trẻ Ánh sáng ở Tarn, chỉ cách Albi 50 cây số. Mở thêm một trường gần nhau như vậy thì vô lý cha ạ. Và nhất là con chưa hề nghĩ mình sẽ xây một cái gì!

Cha Hugues gật đầu và rời đi, vẻ đăm chiêu. Hai hôm sau, ngày 13 tháng 9 cha gọi cho tôi, nói tôi đến thăm cha. Khi tôi đến gần cha, cha cầm trên tay mẫu giấy trên đó có những chữ viết bé xíu. Hai mắt dán vào mẫu giấy, cha nói với tôi:

– Được, có thể con cho cha là người điên, nhưng ở tuổi cha, con biết đó, cha cóc cần ai nghĩ gì về cha. Từ khi cha gặp con hai hôm trước, cha đọc lại quyển sách của con thêm một lần nữa, cha tin chắc Chúa Giêsu đã gọi con, Chúa dùng tài năng của con để phục vụ cho trường truyền giáo. Chính con nói: “Con có cảm tưởng con sinh ra để làm việc này!” Và cha thường nghe linh mục Daniel-Ange tiếc là không có thêm trường dạy truyền giáo ở Pháp. Cha hiểu là con không thể làm một trường ở vùng Tarn vì như thế sẽ quá gần trường Tuổi trẻ Ánh sáng. Vậy con sẽ có thể làm ở đâu…

Tôi choáng váng. Tôi ngờ vực, tôi nhìn cha Hugues đang đọc trên tờ giấy của mình danh sách các nơi mà cha nghĩ có thể thành lập trường: Marseille, Toulouse… Tôi không thấy những chuyện ngài đang nói dính líu đến tôi, tôi xem tình trạng này là siêu hiện thực, bỗng ngài nói với tôi:

– Một khả năng khác: con có thể thành lập trường này ở thành phố sinh viên Montpellier to lớn này. Đức Giám mục Carré, cựu giám mục của chúng ta đang làm Tổng Giám mục ở đây. Ngài biết rõ con. Và ngài biết trường sẽ phát triển như thế nào vì ngài là giám mục của Tuổi trẻ Ánh sáng trong vòng mười năm!

Chính những lời này đã đi thẳng vào trái tim tôi! Như một chuyện tất nhiên! Khi nghe những lời này, tôi hình dung ngay một ngôi trường truyền giáo theo khuôn mẫu của giáo phận. Tôi khám phá kiểu trường này ở Sydney trong lần tôi đi giảng ở Úc năm 2007. Trực giác ban đầu cũng giống ở Paray-le-Monial và ở Tuổi trẻ Ánh sáng: đón nhận các bạn trẻ trong vòng một năm trời, đào tạo họ để họ trở thành tông đồ cho người trẻ. Nhưng sau đó tôi thấy ở Sydney có hai đặc nét chủ yếu làm cho trường của họ có tính cách giáo phận. Trước hết là vị trí: khác với trường Paray-le-Monial và trường Tuổi trẻ Ánh sáng ở một nơi cách biệt, trường ở Sydney nằm ở trung tâm của một đô thị lớn. Kế đó là nơi thực hiện công việc truyền giáo: các trường Paray-le-Monial và Tuổi trẻ Ánh sáng đáp ứng với mọi nhu cầu ở nước Pháp và ở cả nước ngoài, trong khi trường ở Sydney chỉ tập trung vào thành phố và vào giáo phận. Như thế trường của giáo phận sẽ bám rễ và tham gia vào việc mục vụ địa phương.

Khi tôi từ Sydney về, tôi đã rất say sưa với những gì tôi thấy ở đó. Tôi nói với cha Hugues:

– Nếu con thành lập một trường như vậy, con sẽ làm trường theo mô hình giáo phận và với Đức Giám mục Carré.

– Cha có thể gọi cho ngài?

– Ơ ơ… xin cha chờ! Xin cha để con nói chuyện với cha linh hướng của con trước!

Và như thế một giai đoạn mới của cuộc đời tôi lên đường. Cha linh hướng của tôi mạnh mẽ khuyến khích tôi đi trên con đường này. Tôi gặp Đức Giám mục Carré và Đức Giám mục Legrez. Chúng tôi dành phương tiện cho mình và để thì giờ (hai năm) để biết xem liệu trực giác này có đến từ Chúa không.

Ngày 15 tháng 4 năm 2012, công việc phân định này xém bị ngưng vĩnh viễn. Khổ thay, tôi trở về với đam mê tuổi trẻ của mình: xe mô-tô. Sáng chúa nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh, chúa nhật Lòng thương xót Chúa, tôi phóng lên chiếc xe BMW 800 GS của tôi và tôi ngừng ở Saintes-Maries-de-la-Mer để dâng thánh lễ. Buổi chiều tôi cùng với người bạn cũng mê mô-tô đi một vòng ở phía Salon. Bỗng nhiên tay ga càng lúc càng nặng. Tôi hụt một khúc quanh và bung lên 30 mét chiều dài, 6 mét chiều cao, bay lên các ngọn cây. Bể phổi, gãy tay gãy chân và nhất là bể xương chậu, bị cắt làm đôi “rối loạn khớp xương chậu và vùng chậu trái bị bung ra”. Tình trạng có thể nặng hơn. Chúa đã thương xót đến tôi.

Tôi ở bệnh viện sáu tháng, ba tháng với các thanh sắt gắn vào bụng. Tôi nằm bất động trên lưng, bị cấm đứng dậy và ngồi dậy cũng không được. Khi ra bệnh viện, tôi bị di chứng vùng chậu bị may lại, dây thần kinh L5 bị chèn liên tục làm cho tôi bị đau lúc nặng, lúc nhẹ ở chân trái. Chân trái này đã chống đỡ nhiều ít cho chiếc đầu gối đã bị thương trong một tai nạn trước.

Tôi không còn chạy được, cũng không còn đá banh, chơi bóng chày. Đó là một ‘tang tóc’ tôi phải chịu, nhưng tôi làm hết sức để có thể sinh hoạt theo điều kiện sức khỏe mới của tôi.

Trong thử thách này, tôi cảm động trước tấm lòng của bao nhiêu người đã cầu nguyện cho tôi được lành. Khi ở bệnh viện tôi nhận hàng trăm thư từ và e-mail của những người tôi không quen biết. Giáo hội đúng là một gia đình lớn và mọi người đều thương các linh mục!

Một năm sau tai nạn, tháng 4 năm năm 2013 tôi đi linh thao ở Lyon. Linh mục Dòng Tên hướng dẫn linh thao là người dày kinh nghiệm. Sau kỳ tĩnh tâm, sau khi phân định

: Chúa dường như kêu gọi tôi thành lập một trường truyền giáo ở giáo phận Montpellier. Đức Giám mục Legrez và Đức Giám mục Carré đều đồng ý, tôi rời Albi và bây giờ tôi về lại vùng Midi.

CapMissio

Tôi biết rất ít về thành phố Montpellier vì cả tuổi thơ của tôi, tôi ở vùng Nîmes và Camargue. Trên thực tế, Montpellier là phối hợp tuyệt vời giữa cả hai vùng: vừa có đặc nét của một thành phố lớn vùng Địa Trung Hải, nhưng khi ra khỏi thành phố đi về vùng biển là phong cảnh mang nét vùng Camargue với vùng hồ ao và các con hồng hạc. Khi đó tôi mới thấy tôi đã gắn bó như thế nào với cội nguồn của mình và tôi hạnh phúc khi tìm lại nó.

Khi tôi giới thiệu với Đức Giám mục Carré về dự án trường theo khuôn mẫu của Sydney, tôi giải thích cho ngài biết, lý tưởng là ngôi trường gắn bó chặt chẽ với giáo xứ của sinh viên và mái ấm của các sinh viên. Tôi không biết lúc đó ngài cũng vừa chọn giáo xứ Thánh Bernadette ở ngay trung tâm các đại học để giáo xứ này trở thành giáo xứ sinh viên của thành phố Montpellier. Tôi cũng không biết cha xứ Strumia cũng đang cùng với Đức Giám mục suy nghĩ để xây một mái ấm cho các sinh viên trong miếng đất giáo xứ.

Một cách tự nhiên, hai suy nghĩ của chúng tôi phù với nhau. Khi đến đây tôi nghĩ giám mục sẽ giao cho tôi một tòa nhà cũ của giáo phận rồi sơn quét lại làm trường học, nhưng không phải vậy. Các tòa nhà này hoặc nó không ở địa điểm tốt, hoặc sửa lại theo đúng tiêu chuẩn còn tốn kém hơn xây cái mới. Vì thế Đức Giám mục quyết định xây một tòa nhà mới để đón một mặt là mười hai sinh viên truyền giáo của trường truyền giáo giáo phận CapMissio và mặt kia là sáu bạn trẻ của mái ấm sinh viên Thánh Bernadette. Nếu vì một lý do nào đó mà trường truyền giáo phải đóng cửa thì tòa nhà cũng có thể dùng làm mái ấm bình thường cho khoảng hai mươi sinh viên của giáo xứ.

Vào thời điểm mà Giáo hội thường có khuynh hướng co cụm lại để duy trì lâu nhất có thể trước cơn khủng hoảng ơn gọi và thế tục hóa, thì một dự án truyền giáo cho người trẻ là cả một chuyện táo bạo! Một chuyện táo bạo được Đức Phanxicô khuyến khích đi ra khỏi tường thành của mình để đến các vùng ngoại vi. Tông huấn Niềm vui Tin Mừng đầu tiên của ngài là một chương trình tuyệt vời cho những gì chúng tôi sống với các trường truyền giáo đã có và sắp có.

Đức Giám mục Carré bổ nhiệm tôi làm cha phó giáo xứ Thánh Bernadette bên cạnh cha xứ Strumia. Tôi tiếp tục dùng một phần ba thì giờ để thực hiện các sứ mạng bên ngoài của tôi, tôi tích cực chuẩn bị cho ngày khai trương trường CapMissio được dự trù vào tháng 9 năm 2015.

Tôi xúc động và ngạc nhiên trước bao nhiêu người nâng đỡ chúng tôi trong dự án này: người bạn trẻ, các cặp vợ chồng, các linh mục, các tu sĩ giáo dân, mỗi người mang hòn đá của mình đến đóng góp theo khả năng của họ. Chúng tôi tìm được một cặp vợ chồng sẽ ở bên cạnh tôi để điều khiển trường: anh chị Yann và Églantine, họ có năm đứa con. Và Chúa Quan phòng chăm sóc chúng tôi: tiền giúp đỡ vào chầm chậm nhưng chắc giúp chúng tôi trong các chi phí xây cất và điều hành. Tôi không thể kê ra hết tất cả ân nhân, nhưng tôi đặc biệt biết ơn cô Mireille và cô Colette đã tích cực hỗ trợ chúng tôi ngay từ giờ phút đầu. Đúng y như lời của Chúa: Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho! 

Hai “nháy mắt của Chúa”

Hai “nháy mắt của Chúa” ở phần kết: Gần đây tôi mới được biết dinh thể thao của thành phố Montpellier nơi tôi đến nghe chứng từ của mục sư Nicky Cruz lại ở trên phần đất giáo xứ mới của tôi, cách nhà xứ mấy trăm mét. Chính đó là nơi mọi sự bắt đầu ngày 19 tháng 3 năm 1980. Và chính đó là nơi ba mươi lăm năm sau tôi trở lại để sống cuộc phiêu lưu CapMissio.

Và rồi các bạn có để ý giáo xứ mới của tôi có tên Thánh Bernadette không? Đúng, Bernadette, vị thánh mà cha tôi đến cầu nguyện để xin tìm được tôi, và ông hãnh diện đeo trên cổ tượng Thánh Bernadette. Cũng trước Thánh Bernadette ở hang đá Đức Mẹ Lộ Đức mà tôi đã quỳ gối xuống để tận hiến đời mình cho Chúa Giêsu. Hang đá giáo xứ được xây lớn như hang ở Lộ Đức!

Chỉ là sự trùng hợp tình cờ hay nháy mắt của Chúa Quan phòng?

Đức Chúa Thánh Thần như ngọn gió, không ai biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu, chúng ta chỉ cần giương buồm ra để đón, chắc chắn Ngài không bao giờ làm mình hết ngạc nhiên!

Marta An Nguyễn dịch

 

Lời cám ơn

Tôi xin cám ơn cha mẹ và các anh chị em tôi đã tin tưởng ở tôi. Tôi xin cám ơn cha thiêng liêng của tôi, Đức Giám mục Jean Chabbert, giám mục danh dự của giáo phận Perpignan và Đức Giám mục Pierre-Marie Carré, Tổng Giám mục giáo phận Montpellier đã nâng đỡ tôi.

 

Các liên hệ với Linh mục René-Luc:

 

Liên hệ với Linh mục René-Luc trên các trang mạng xã hội:

Trang blog: www.dieuenpleincceur.com

617    26-02-2019