Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Vì sao họ không chấp nhận làm giám mục?

 

Con số làm chất vấn: gần 30% các linh mục từ chối khi được mời nhận chức vụ giám mục, đó là con số do hồng y Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám mục đưa ra gần đây. Trong bối cảnh này, báo La Croix muốn biết vì sao một số lại chấp nhận lời đề nghị này.

“Đơn giản nhất là ngài cho tôi câu trả lời tích cực của ngài ngay lập tức.” Đức Giám mục Matthieu Rougé đã không mất nhiều thì giờ khi Sứ thần Tòa Thánh tại Pháp hỏi ngài năm 2018, “giáo hoàng đã nghĩ đến ngài” để ngài đứng đầu giáo phận Nanterre (Hauts-de-Seine). Còn một giám mục tương lai khác xin có thì giờ cầu nguyện trước khi nhận lời. Khi đó Sứ thần đưa ngài đến nhà nguyện của tòa sứ thần, đứng trước hai bức tượng, một là bức tượng Truyền Tin và bức kia là lời Chúa kêu gọi Thánh Phêrô, cả hai đều “xin vâng.” Sứ điệp đã rõ ràng.

Đức Giám mục giáo phận Nanterre bình tâm nói tiếp: “Khi tôi không thấy có một cản trở khách quan nào, tôi chấp nhận.” Cũng như vậy với Đức Giám mục Philippe Christory, giám mục giáo phận Chartres (Eure-et-Loir) từ tháng 2 năm 2018, ngài đã trả lời “vâng” với sứ thần sau khi xin suy nghĩ 24 giờ dù ngài biết mình không ngạc nhiên trước lời đề nghị này. Hai vị tiền nhiệm giáo xứ Chúa Ba Ngôi ở Paris của ngài trước đây cũng đã là giám mục. Đức Giám mục Benoỵt Bertrand, giáo phận Mende (Lozère) từ tháng 3 vừa qua, cũng không thấy có “lý do cơ bản nào để nói không”. Ngài cho biết: “Vì thế tôi nhận lời đề nghị này như tiếng Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài mời gọi tôi”.

“Làm thế nào để biết cách quản trị tốt các vụ lạm dụng là một nỗi sợ hãi”

Đức Giám mục Jean-Paul Gusching, giám mục giáo phận Verdun (Meuse) từ năm 2014 cho biết: “Từ khi tôi chịu chức phó tế, tôi luôn chấp nhận những gì Giáo hội đòi hỏi tôi làm. Dù vậy, tôi không có một mong muốn nào để làm giám mục”. Tuy không đặt lại vấn đề về lời khấn chức thánh của mình, một số linh mục từ chối chức vụ giám mục. Theo hồng y Marc Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám mục thì con số này vào khoảng 30%. Tỷ lệ này đã gia tăng gấp ba từ mười năm nay.

Các giám mục đang tại chức khó giải thích về việc từ chối này. Đa số cho rằng có thể do lý do sức khỏe hoặc phải đến một vùng mới mà họ ít biết hoặc không quen thuộc. Đức Giám mục Benoỵt Bertrand cho biết: “Có thể họ sợ một trách nhiệm nặng nề hơn, nhất là phải đứng tuyến đầu trong các vấn đề mà Giáo hội đang trải qua, theo đó họ phải có các quyết định thích ứng”. Đức Giám mục Matthieu Rougé cũng đồng ý: “Làm thế nào để biết cách quản trị tốt các vụ lạm dụng là một nỗi sợ hãi”. Đức Giám mục Philippe Christory tóm tắt: “Một cách chung chung, làm giám mục là một trách vụ nặng nề và ấn tượng, vì rồi cuối cùng giám mục là người có quyết định tối hậu”.

“Tôi có cảm giác tôi không phù hợp”

Dù linh mục là người “tự do” trong quyết định của mình, nhưng Đức Giám mục Jean-Paul Gusching đưa ra một lời giải thích khác: “Chúng ta thấy, đây là vấn đề ở mọi cấp bậc, vấn đề với quyền lực và sự tin tưởng, có thể đó là lý do của một số lời từ chối.” Về phần mình, Đức Giám mục Christory cho biết, nếu xem xét trên các ứng viên tiềm năng thì đôi khi đương sự có một số khó khăn nào đó không nêu rõ lên, chẳng hạn có linh mục phải lo cho cha mẹ mình nên không thể di chuyển.

Nếu họ chấp nhận mũ giám mục thì các linh mục này phải sáng suốt về khả năng của họ trước chức vụ mục vụ mới này. Đức Giám mục Philippe Christory thổ lộ: “Ngay khi đó tôi có cảm nhận tôi không phù hợp”. Đức Giám mục Bertrand cho biết: “Phản ứng đầu tiên của tôi là tin tưởng vào Giáo hội, cùng lúc tôi tự hỏi liệu tôi có ở tầm cao với chức vụ Giáo hội đòi hỏi ở tôi không. Chúng tôi không có đôi đũa thần; chúng tôi cũng là những người nghèo hèn.” Nhưng ngài cũng thích ứng và phải như vậy: “Chúng tôi không ở một mình, chúng tôi biết ơn Chúa ở với chúng tôi”.

Tiếp nhận, kiên nhẫn, khiêm tốn 

Khi chấp nhận, Đức Giám mục Rougé “xúc động mạnh, cùng một lúc vừa e sợ vừa tin tưởng và không phải là không hãi sợ và run rẩy trước tầm quan trọng của nhiệm vụ, của khó khăn trong việc loan báo Tin Mừng và để làm sống lại Giáo hội ngày nay”. Đức Giám mục Gusching cho biết: “Tôi chóng mặt khi đi ra khỏi tòa nhà sứ thần.” Đối với ngài, việc giữ bí mật về tin này trước khi được chính thức loan báo thì thật là khó. Ngài mô tả: “Đó là sáu tuần tôi không làm gì hết, cũng không nhận một lời hứa làm chuyện gì.” Tuy nhiên ngài có thể nói chuyện với cha linh hướng và giám mục của mình và đã giúp “làm sáng tỏ mọi sự trong tâm hồn”. Cũng như các giám mục bạn mình, ngài xác nhận: “Sau năm năm thì cơn chóng mặt cũng qua, nhưng tôi luôn thấy trách vụ này là khó khăn, nó luôn đòi hỏi phải tiếp nhận, kiên nhẫn và khiêm tốn, điều chủ yếu là giám mục không nên ở một mình.” 

Vai trò chủ yếu của tòa sứ thần

Tòa sứ thần đóng vai trò trọng yếu trong việc bổ nhiệm các giám mục. Tòa nhận một danh sách các ứng viên do các giám mục của đất nước sở tại cung cấp. Sứ thần sẽ điều tra rộng rãi về các linh mục này. Sau đó ngài chuyển danh sách ba người về Bộ Giám mục. Bộ chuẩn bị một hồ sơ được các hồng y và giám mục của Bộ xem xét trong buổi họp hàng hai tuần của họ. Các đề nghị này được chuyển lên giáo hoàng, ngài sẽ quyết định đi theo các đề nghị này hay không. Một khi ngài chọn xong, quyết định sẽ được chuyển về tòa sứ thần để loan báo cho đương sự. Dù chức vụ sứ thần Tòa Thánh tại Pháp hiện nay trống ngôi, nhưng thủ tục này vẫn được tiến hành.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

509    31-12-2019