Sidebar

Thứ Tư
01.05.2024

Lễ Thánh Gia năm C

  1. Sống Đức Tin Theo Gương Gia Đình Thánh Gia
  2. Lễ Thánh Gia 
  3. Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất C
  4. Công Cha - Nghĩa Mẹ 
  5. Mái Ấm Gia Đình
  6. Gia Đình Là Hội Thánh Thu Nhỏ 
  7. Thánh Gia Mẫu Gương Gia Đình Hạnh Phúc
  8. Con Phải Có Bổn Phận Ơ Nhà Cha Con
  9. Gia Đình Tuyệt Vời
  10. Lễ Thánh Gia Thất
  11. Theo Gương Thánh Gia
  12. Học Được Gì Nơi Thánh Gia
  13. Gia Đình: Trường Đào Tạo Tình Thương Và Niềm Tin
  14. Gia Đình Và Giáo Xứ Là Môi Trường Giúp Chúng Ta Nên Thánh
  15. Gia Đình Hạnh Phúc Tuyệt Vời
  16. Gia Đình - Mái Ấm
  17. Lối Đi Riêng
  18. Điều Răn Thứ I Và IV: Tuy Hai Mà Một
  19. Gia Đình Hạnh Phúc
  20. Một Gia Đình Gương Mẫu Tuyệt Vời
  21. Gia Đình Thiên Chúa
  22. Lễ Thánh Gia Thất
  23. Thánh Gia Lên Đền Thờ

 

SỐNG ĐỨC TIN THEO GƯƠNG GIA ĐÌNH THÁNH GIA
Lc 2, 41 - 52

Gia đình hạnh phúc, ấm êm đó là mơ ước của nhiều người. Cũng vậy, gia đình Công Giáo mong muốn hạnh phúc và người ta thật sự hạnh phúc khi có Chúa hiện diện trong gia đình mình, khi gia đình mình sống theo gương gia đình Thánh Gia.

Ai trong chúng ta cũng muốn sống trong gia đình hạnh phúc. Phải, gia đình chính là cái nôi để con cái phát triển toàn diện. Trong đạo Công giáo gia đình là nơi để con cái được giáo dục trong đức tin, cha mẹ thực thi quyền lợi và nghĩa vụ theo tinh thần gia đình Thánh gia. Trong ngày lễ Thánh Gia hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm, học hỏi và bắt chước gia đình Thánh Gia Nagiareth, nơi đó có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse.

Chắc hẳn ngày nay chúng ta đang chứng kiến và có thể trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng trầm trọng về sống gia đình. Rất nhiều gia đình trong xã hội đang là những gia đình nghèo, nghèo vì thiếu tình thương, què quặt, tan nát vì nạn ly thân, ly dị và phá thai; những gia đình phân tán, chia ly vì chiến tranh, bạo lực và áp bức; những gia đình bất hoà vì nạn thất nghiệp, với đời sống vật chất kinh tế khó khăn eo hẹp hay vì nạn cờ bạc, rượu chè...

Phúc âm hôm nay cho chúng ta thấy mẫu gương gia đình sống đức tin. Đây là một gia đình như bao gia đình khác, nhưng họ đã chu toàn bổn phận của mình là từng thành viên trong gia đình. Đây là một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất. Như thế, chúng ta bắt chước gia đình Thánh gia sống đức tin.

Gia đình sống đức tin là gia đình luôn tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa. Nói cách khác gia đình sống đức tin là gia sống đạo theo ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Gia là một gia đình Thánh vì ngoài sự hiện diện của Chúa Giêsu, gia đình các Ngài còn tuân giữ và sống theo Thánh Ý Chúa, sống gắn bó với Chúa. Các Ngài thể hiện việc sống gắn bó với Chúa qua việc chu toàn lề luật, dâng con vào đền thờ, đi hành hương....(Lc 2, 41).  Nhờ chính việc chu toàn lề luật, siêng năng cầu nguyện và sống gắn bó với Chúa nên các Ngài nhận ra và mau mắn thi hành ý Chúa trong cuộc sống. Gia đình kitô hữu chúng ta ngày nay cũng là một gia đình thánh. Thánh trong việc sống gắn bó với Chúa qua kinh nguyện, trong việc giữ các giới răn và qua việc sống bái ái. 

Gia đình sống đức tin cần được xây dựng trên tình yêu. Nhưng làm sao có tình yêu khi người cha, người mẹ không chu toàn bổn phận của mình cũng như không hết tình thương con cái. Làm sao có được hạnh phúc khi con cái trong gia đình không thảo hiếu với cha mẹ và làm sao có hạnh phúc khi mọi người trong gia đình luôn sống bất hoà với nhau. Gia đình là tế bào của xã hội, là trường dạy đầu tiên, là cơ sở cho cuộc sống xã hội trong tương lai. Nơi gia đình con cái được học hỏi và sống tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc, sống liên đới với tha nhân. Hơn nữa, gia đình Kitô hữu là mảnh đất tốt sống đức tin, biết thờ phượng Chúa cho phải đạo, kính mến cha mẹ, yêu thương tha nhân và biết sống lễ phép, lễ độ, lễ nghĩa. Điều này trong Chương 3 sách Huấn ca đã nhắc lại điều răn thứ tư , dạy con cái phải tin yêu và thảo hiếu với cha mẹ và những lý do luân lý tự nhiên với câu ca dao Việt Nam :

"Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Hãy noi gương Thánh Gia, nơi đó Đức Mẹ và Thánh Giuse yêu thương nhau, cùng hợp sức nuôi dạy Chúa Giêsu. Còn Đức Giêsu thì hằng yêu thương và vâng phục cha mẹ mình. Nhưng trên hết tình yêu của Thánh Gia đặt nền tảng trên tình yêu dành cho Thiên Chúa.

Gia đình sống đức tin khi từng thành viên góp phần của mình vào việc xây dựng gia đình. Mỗi người hãy sống đúng bổn phận của mình trong gia đình. Thánh Giuse là một người cha mẫu mực, khôn ngoan quán xuyến mọi sự trong chức vụ gia trưởng nhưng cũng hết tình phục vụ Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Những người cha trong gia đình hãy biết học đòi nơi mẫu gương ấy. Người làm mẹ cũng hãy học hỏi nơi Mẹ Maria mẫu gương về tình yêu, đức nết na, đức tin, sự phục vụ và khiêm tốn hết lòng. Dù là Mẹ Đấng Cứu Thế nhưng Mẹ Maria đã xưng mình là tôi tớ của Thiên Chúa. Những người con hãy học nơi Chúa Giêsu đức vâng lời, lòng tôn kính biết ơn. Là Thiên Chúa nhưng Người đã chấp nhận trở nên một người con nhỏ nhất trong gia đình hằng vâng phục cha mẹ trong tình yêu.

Thiên Chúa không xa vời, Người hiện diện trong cuộc sống bình thường mỗi ngày của chúng ta, bởi vì Người đã sống giữa con cái loài người, đồng hành với con người và chia sẻ mọi niềm vui, mọi âu lo, khó nhọc của cuộc sống con người. Khi biết nhìn thực tại với đôi mắt của đức tin, thì mọi sự trong thế giới hữu hình đều được biến đổi là điều nói lên sứ điệp Thiên Chúa muốn nhắn gởi chúng ta. Một gia đình trong đó mọi thành phần biết kính sợ Thiên Chúa, biết yêu thương tôn trọng nhau, hy sinh cho nhau, sống cho nhau và sống vì nhau sẽ là một gia đình được tràn đầy phúc lành và sức sống thiêng linh của Thiên Chúa.

Như thế, gia đình sống đức tin khi mỗi người trong gia đình biết noi gương Thánh Gia, sẵn sàng và quảng đại cộng tác với nhau để tạo lập và duy trì tình thương, sự hiệp nhất. Sống đạo bằng cách thực thi ý Chúa trong cuộc sống và thể hiện tình yêu qua việc chu toàn bổn phận của mình, đóng góp vai trò của từng thành viên trong gia đình để quên mình phục vụ người khác trong yêu thương. Nếu gia đình luôn đặt ý Chúa lên trên và đặt tình yêu trong từng việc phục vụ thì mới hy vọng giữ được hạnh phúc gia đình, nhất là khi phải đối phó với những khó khăn ngày càng nhiều trong đời sống hiện nay.

Lạy Thánh Gia Nagiareth, xin giúp từng thành viên trong gia đình chúng con biết sống đạo, sống đức tin  theo tinh thần của Chúa, tìm kiếm và thực thi ý Chúa, chu toàn bổn phận và sống tình yêu thương như Thiên Chúa muốn. Amen.

LỂ THÁNH GIA 
Lc 2, 41-52

Câu kính thánh: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha Con sao?" Chính là câu nói mà Chúa Giêsu đã trả lời cho Đức Mẹ và Thánh Giuse khi tìm được Ngài. Thú thật khi còn bé tôi không thể hiểu được tại sao Đức Giêsu lại nói vậy, có rất nhiều câu nói dễ nghe hơn sao Ngài lại không nói. Cho đến ngày hôm nay tôi mới hiều và càng khâm phục hơn về lời nói rất thâm sâu và co ý nghĩa về sự vâng phục phục tuyệt đối của Đức Giêsu. Thật hay là lúc đó Đức Mẹ và thánh Giuse cũng không hiểu nhưng các ngài cũng không tỏ ra giận, hay khó chịu, mà chấp nhận theo ý con một cách vui lòng. Do đó để hiểu rõ về ý nghĩa của ngày lễ Thánh Gia hôm nay chúng ta hãy nhìn lại hoàn cảnh và tâm tình khi Đức Giêsu lên 12 tuổi.

Vào năm đó Đức Giêsu cũng như các gia đình Do thái khác cùng nhau lên Giêrusalem để mừng lễ vượt qua. Khi trở về được một ngày đàng, Đức Mẹ và thánh Giuse mới biết mình đã lạc mất Chúa Giêsu. Hai ông bà lo buồn trở lại Giêrusalem tìm suốt ba ngày trường mới thấy Đức Giêsu trong đền thánh, Ngài đang cắt nghĩa Kinh Thánh cho những nhà thông luật. Khi gặp Ngài Đức Mẹ nói: "Này con, sao làm như vậy?" Hẳn là câu nói đó như có phần khiển trách. Chúa Giêsu trả lời lại hơi có vẻ ngạc nhiên và che dấu một sự trách cứ nhẹ nhàng. Cha mẹ tìm con làm chi, cha mẹ không biết rằng con không như các trẻ con khác, nhưng con phải ở nhà Cha Con để làm tròn thánh ý Người ư? Làm tròn thánh ý Thiên Chúa đây không chỉ là giảng dạy cho các thầy thông luật, nhưng cũng là sửa soạn cho Đức Mẹ và Thánh Giuse quen chấp nhận hy sinh về tình cảm tự nhiên để chấp nhận sứ mệnh mà Thiên Chúa sẽ trao phó đòi hỏi một sự can đảm và hy sinh. Lúc đầu hai ông bà hơi bỡ ngỡ, nhưng dần dần các ngài nhờ đức tin và sự suy ngắm, nhận biết Chúa Giêsu thật ra không thuộc về mình, vì thế từ lúc này về sau các ngài thêm lòng hy sinh, sẵn sàng chịu sự chia ly với Ngài hơn.

Là cha mẹ Công Giáo chúng ta có sẵn sàng hy tình cảm và lợi lộc đời này để cho con cái chúng ta dâng mình theo tiếng gọi của Chúa làm linh mục, tu sĩ không? Gương Đức Mẹ và thánh Giuse thật là mậu gương cho mọi người chúng ta noi theo. Qua bài Tin Mừng, ta thấy không những Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha, sẵn sàng hy sinh tình cảm gia đình để thánh hóa các thành viên trong gia đình ấy, mà Đức Mẹ và Thánh Giuse cũng sẵn lòng quy phục thánh ý Chúa, cho dù lúc đó hai người vẫn chưa biết thánh ý đó.

Chúa Giêsu chưa bao giờ làm mất lòng Mẹ Người, Ngài hằng tỏ ra vâng phục hết tình. Thế mà nay Chúa lại làm như vậy, chắc chắn phải có lí do. Nhưng Đức Mẹ không hiểu, vì thế lời tự nhiên có vẻ hơi trách móc, khó mà chấp nhận được. Câu trả lời của Chúa tuy giải thích cho Đức Mẹ hiểu nguyên do vì đâu Ngài làm vậy, nhưng vẫn còn giữ cả một huyền nhiệm sâu xa của nó: chính vì cha mẹ biết Con hằng vâng phục cha mẹ, mà trong việc này cha mẹ khỏi lo. Cha mẹ nên biết Cha ở trên trời có những ý định mà mội người chúng ta phải tuân theo. Nếu Chúa nói rõ ý định của Thiên Chúa từ trước thì cha mẹ Ngài không còn lo lắng gì nữa và sẽ ở lại Giêrusalem chờ Ngài. Nhưng Ngài đã không nói và Đức Mẹ nhìn thấy đó là một huyền nhiệm về sứ mệnh của Ngài, Đức Mẹ tạm yên lòng nhưng vẫn không hiểu rõ về vấn đề. Thái độ của Đức Mẹ và thánh Giuse không đòi Chúa cho biết rõ ràng, nhưng sẵn lòng vâng phục trong tối tăm là một tấm gương cao cả cho chúng ta. Kể cà khi: "Ông bà không hiểu lời Chúa nói", nhưng mỗi người đều giữ lời Chúa trong lòng của mình mà suy niệm. Riêng Đức Mẹ người đã hiểu dần dần qua các biến cố lời đã hứa khi thụ thai: "này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền".

Trong cuộc sống gia đình chắc chắn mỗi người chúng ta đều có những ưu tư, sầu khổ, lắm lúc không thể hiểu tại sao hoạn nạn tai ươn luốn đến với mình, tại sao ở hiền mà không gặp lành. Những lúc đó ta hãy noi gương gia đình thánh phục tùng và tuyệt đối vâng theo thánh ý Chúa. Vì Thiên Chúa luôn yêu thường và quan phòng, nếu Ngài để cho ta chịu những bài học đau đớn, đó là vì lợi ích phần hồn của ta và của người khác.

Lạy Chúa trong cuộc sống ai cũng muốn đời mình được êm ả, được như ý mình muốn. Nhưng chính những sở thích đó lại không là Thánh Ý Chúa muốn. Xin cho con biết noi gương gia đình thánh hôm nay để biết hoàn toàn chấp nhận theo ý Chúa. Amen

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT C
Lc 2, 41-52

Biến cố Ngôi Lời Nhập Thể là biến cố quan trọng trong lịch sử nhân loại. Vì thế ngay khi mừng biến cố trọng đại này, Giáo Hội không quên nhắc nhở chúng ta gương mẫu gia đình Thánh Gia. Nơi gia đình này đã cộng tác tích cực trong công trình Cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người.

Giáo hội mời gọi ta chiêm ngắm cảnh Thánh gia chạy trốn bạo vương Hê-rô-đê giữa đêm khuya. Thánh gia đã nhận ra những hiểm nguy đe doạ hạnh phúc gia đình và đã biết cách gìn giữ gia đình bình an qua cơn dông tố. Các bài sách thánh hôm nay trình bày cho ta những bí quyết mà Thánh gia sử dụng để giữ được hạnh phúc gia đình.

Bí quyết thứ nhất đó là nghe Lời Chúa. Thánh Giu-se nghe lệnh Chúa truyền một cách mau mắn và tuyệt đối. Dường như chúng ta thấy lệnh truyền này được ban ra không rõ ràng trong đêm khuya, điều này thật sự không mấy dễ dàng đối với người bình thường; tuy nhiên, khi nghe lệnh truyền trong đêm khuya, Thánh Giuse thức giấc thi hành ngay. Xem chừng lệnh truyền khó khăn nhưng Ngài vẫn mau mắn thi hành. Ðức Ma-ri-a và Chúa Giê-su cũng có một thái độ vâng phục tuyệt đối như thế. Thánh ý Thiên Chúa là tuyệt đối. Lời Chúa dạy là kim chỉ nam. Thiên Chúa chính là người điều khiển gia đình các Ngài. Vì thế, dù gặp nhiều gian nan thử thách, gia đình các Ngài vẫn giữ được hạnh phúc.

Bí quyết thứ hai đó là coi con cái là hồng ân, là báu vật quí nhất Chúa ban cho gia đình . Con cái là hồng ân, là báu vật quí nhất nên các Ngài đã đem hết sức lực ra bảo vệ. Khi có những nguy cơ đe doạ, các Ngài đem con cái chạy trốn tránh xa. Các Ngài sẵn sàng hi sinh tất cả: thời giờ, nhà cửa, tài sản, nghề nghiệp và công việc làm ăn, mong đem con cái đến nơi an toàn. Vì con cái là hồng ân, là báu vật quí nhất Chúa ban cho gia đình nên các Ngài không ngần ngại nâng niu phục vu. Hình ảnh Thánh Giu-se đi bộ dắt lừa cho Ðức Giê-su và Ðức Ma-ri-a là hình ảnh của một người chủ gia đình hết lòng nâng niu phục vụ vợï con. Vì con cái là hồng ân, là báu vật quí nhất Chúa ban cho gia đình nên Ðức Ma-ri-a đã theo dõi con đến cùng, nhẫn nhục đứng bên thập giá chia sớt đau khổ với con.

Bí quyết thứ ba đó là con cái luôn hiếu thảo với cha mẹ. Ðức Giê-su là một người con hiếu thảo. Tin mừng tóm tắt cuộc sống thơ ấu của Người bằng một câu ngắn gọn : "Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các Ngài" (Lc 2, 51). Sự hiếu thảo của Ðức Giê-su được thấy trong tiệc cưới Ca-na. Khi đám cưới thiếu rượu, Ðức Ma-ri-a xin Người giúp. Tuy chưa đến thời điểm, nhưng Ðức Giê-su vẫn làm phép lạ cho nước biến thành rượu để giúp đám cưới theo yêu cầu của Mẹ. Cảm động hơn hết là giây phút cuối đời, khi bị treo trên thập giá, Ðức Giê-su vẫn quan tâm đến Mẹ nên đã gửi gấm nhờ thánh Gio-an, môn đệ yêu quí, chăm sóc Mẹ.

Ngày nay, nhiều gia đình đang trong tình trạng báo động. Từ thời mở cửa, gia đình Việt Nam đã biến chuyển mãnh liệt theo chiều hướng nguy hiểm. Số cặp vợ chồng li dị tăng nhanh một cách đáng sợ. Con cái không còn vâng lời cha mẹ như xưa. Theo đà tiến triển kinh tế, nhiều gia đình trở nên giàu có hơn, nhưng con cái lại bỏ bê học hành, lao vào con đường ăn chơi, vướng vào tệ nạn xã hội, làm cho cha mẹ buồn lòng, gia đình tan nát.

Ðể bảo vệ gia đình trước làn sóng văn minh vật chất hưởng thụ và cá nhân chủ nghĩa, ta hãy học hỏi gương mẫu Thánh gia.

Trước hết, cha mẹ phải coi con cái là hồng ân, là báu vật quí nhất Chúa ban cho gia đình. Báu vật này cần được quan tâm chăm sóc không phải chỉ bằng phương tiện vật chất mà quan trọng hơn, bằng tình thương, sự chăm sóc, dạy dỗ ngay từ khi tuổi còn thơ. Thiết nghĩ sự hiểu biết, cảm thông khi đến tuổi trưởng thành là điều hết sức cần thiết. Dù thành công trong xã hội mà con cái hư hỏng thì vẫn là thất bại cả cuộc đời.

Ðáp lại, phần mình là con cái thì phải có lòng hiếu thảo với cha mẹ. Hiếu thảo là một yếu tố nhân bản cần thiết của con người, nó còn vừa là một đức tính của người có lương tri vừa là một thái độ khôn ngoan của người khiêm tốn. Có lương tri và có sự khôn ngoan, con người mới phát triển toàn vẹn và trở nên hữu ích cho xã hội. Quan trọng hơn nữa, hiếu thảo với cha mẹ là điều răn thứ tư của Thiên Chúa mà người Kitô phải thi hành.

Sau cùng, cả gia đình phải sống theo Lời Chúa dạy. Lời Chúa là nền tảng của gia đình. Sống theo Lời Chúa là xây dựng gia đình trên nền đá vững chắc. Gia đình sống theo Lời Chúa sẽ vững vàng qua mọi bão lốc thời đại.

Gia đình Công giáo sống theo Lời Chúa không những giữ được hạnh phúc cho gia đình mà còn đóng góp vào việc xây dựng xã hội trong hoàn cảnh đạo đức đang xuống cấp hiện nay.

Lạy Thánh Gia, xin giúp gia đình chúng con sống theo gương lành của các Ngài. Amen

CÔNG CHA - NGHĨA MẸ 
Lc 2,41- 52

"Công cha như núi Thái Sơn 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra 
Một lòng thờ mẹ kính cha 
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

Câu ca dao này dường như là người Việt nam ai cũng thuộc nằm lòng. Có thể nói bất cứ người Việt nam nào dù sang hay hèn, dù có hay không có địa vị đều ý thức và tôn trọng chữ Hiếu. Đây chình là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam.

Không ai có thể phủ nhận rằng cha mẹ là những người có công lớn trong việc sinh thành và dưỡng dục ta. Lại nữa, trong đức tin ta biết rằng cha mẹ được ơn đồng sáng tạo với Thiên Chúa khi sinh ra ta. Do đó, con người dù thành đạt cách mấy mà không biết hiếu thảo với cha mẹ thì cũng được xem là thấp. Bởi vì, một trong những tiêu chuẩn để đánh giá một con người đó tấm lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ.

Với thân phận làm người, Chúa Giêsu cũng được sinh ra và lớn lên trong gia đình như ta. Người luôn ý thức và chu toàn tốt bổn phận làm con của mình. Phải công nhận gia đình Nagiareth là gia đình hạnh phúc và kiểu mẫu. Dù rằng có thể gia đình này thua sút nhiều mặt.

Trong mười điều răn Đức Chúa Trời sau ba điều về Chúa liền đó là điều dạy phải thảo kính cha mẹ. Rồi hằng năm vào mùng hai Tết âm lịch cũng như cả tháng 11 Giáo hội không ngừng nhắc nhở giáo dân nhớ đến ông bà cha mẹ. Ta không thể nào sống hiếu thảo với Chúa nếu như trước đó ta chưa sống hiếu thảo với cha mẹ.

Không biết đã có bao nhiêu bài hát, ca dao, tục ngữ, bài thơ......ca ngợi công ơn cha mẹ. Tuy nhiên, ngày nay do ảnh hưởng lối sống thực dụng nên có nhiều người dường như xem thường công ơn cha mẹ. Có nhiều kẻ làm con vì quá ích kỷ nên đã bỏ cha mẹ cô đơn, trong khi đó mình dư khả năng để lo cho các ngài. Thật đáng tiếc.

Có câu chuyện kể rằng trong gia đình nọ, ngày kia đứa con thấy cha nó gọt cái gáo dừa mới hỏi cha nó gọt làm chi. Lặng nhìn đứa con hồi lâu ông ta trả lời: "Để cho ông nội mày ăn cơm. Vì lúc này ông nội mày làm bể chén hoài, phí quá!". Đứa con suy nghĩ và không nói gì. Vài ngày sau đó, nó cũng đem gáo dừa khác ra gọt. Tưởng là con cũng đồng tình với mình , người cha hí hởn hỏi: "Bộ mày tính giúp tao lo cho ông nội mày hả?". Đứa con trả lời: "Đâu có, cái này con để dành cho cha. Khi nào cha như ông nội con sẽ cho cha xài". Nghe xong câu trả lời người cha tái mặt......

Như vậy, công ơn cha mẹ không biết làm sao ta có có thể đáp đền cho cân xứng. Dù rằng ta có thành tài cách mấy đi nữa mà không có lòng hiếu thảo cha mẹ thì cũng kể bằng không. Hơn nữa, thái độ của ta với cha mẹ như thế nào thì con cháu sẽ nhìn vào đó để cư xử với ta như vậy.

MÁI ẤM GIA ĐÌNH
Lc 2,41- 52

Sinh ra làm con người ai cũng có một gia đình, có cha, có mẹ, có anh chị em...Thiên Chúa làm người Người cũng chọn cho mình một gia đình. Ngài có cha, có mẹ. Chính gia đình này là mẫu gương cho tất cả mọi gia đình. Vì sao thế ?

Gia đình Nagiareth là Thánh Gia Thất vì gia đình này luôn có Chúa hiện diện. Chính Chúa là trung tâm của đời sống gia đình. Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria luôn xác tín rằng con mình là Thiên Chúa, Thiên Chúa làm người ở với nhân loại. Nên mọi sự trong gia đình đều được sưởi ấm bởi niềm xác tín này. Là Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu không miễn trừ cho mình luật lên Giêrusalem hằng năm và Ngài đã ở lại trong Đền Thờ để làm công việc của Cha Ngài mà Thánh Giuse và Đức Mẹ không biết. Thánh Luca thuật lại việc lạc mất Chúa Giêsu cho ta thấy rõ vai trò của Chúa Giêsu trong gia đình quan trọng như thế nào. Sau ba ngày tìm Con mới gặp lại con trong hoàn cảnh làm cho Đức Mẹ và Thánh Giuse ngạc nhiên sửng sốt. Thánh Giuse và Mẹ Maria mặc dù biết Con mình là Ai nhưng làm sao hiểu được ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Câu trả lời của Chúa Giêsu với Đức Mẹ: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" đây cũng là một mặc khải đòi hỏi Thánh Giuse và Đức Mẹ phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa mặc dù hai ông bà chưa thể hiểu thấu.

Gia đình Kitô hữu chúng ta noi gương gia đình Nagiareth hãy để Chúa Giêsu làm trung tâm đời sống gia đình mình, hãy để Chúa Giêsu nối kết mọi thành viên trong gia đình. Có Chúa Giêsu hiện diện chắc chắn mọi sự sẽ được quan phòng, chăm nom trong tình yêu Thiên Chúa. Có những lúc gia đình chúng ta cũng lạc mất Chúa, mất niềm tin, mất hy vọng... hãy bắt chước Đức Mẹ và Thánh Giuse mau mắn đi tìm Chúa. Việc đi tìm Chúa đòi hỏi gia đình chúng ta phải có sự kiên trì và nhận ra Ngài trong những cảnh huống của cuộc sống. Xưa Thiên Chúa đòi hỏi Thánh Giuse và Đức Mẹ từng bước từng bước nhận ra mặc khải của Thiên Chúa trong cuộc sống của Chúa Giêsu thì nay Chúa cũng đòi hỏi chúng ta nhận ra Ngài, tin tưởng vào Ngài trong cuộc sống với tinh thần vâng phục cho dù ta chưa hiểu, cho dù khó chấp nhận...

Thánh Giuse và Đức Mẹ đã hoàn thành trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là làm cha và làm mẹ Đấng Cứu Thế. Trong bản văn (Lc 2, 41- 52 ) được đọc hôm nay ta không thấy Thánh Giuse nói lên một tiếng nói nào, hình bóng của Thánh Giuse thật mờ nhạt nhưng không vì thế mà ta có thể nói vai trò của Thánh Giuse là không quan trọng. Thánh Giuse là chủ gia đình. Gia đình có vững chắc, có nề nếp hay không là do ở người chủ này. Mười hai tuổi Chúa Giêsu được phép theo người chủ này lên Giêrusalem. Khi lạc mất con Thánh Giuse phải vất vả và tìm kiếm. Người ở người nam thường là thế, lo lắng lắm, vất vả lắm, đau khổ lắm... nhưng ít có khi bộc lộ. Ở đây ta thấy vai trò thầm lặng của Thánh Giuse thật đặc biệt. Thầm lặng dõi tìm con để nhận ra ý Chúa muốn cho cuộc đời mình. Mẹ Maria cũng thế, sau khi gặp Con, nghe câu nói của Con dù Mẹ không hiểu nhưng Mẹ không đòi giải thích hay oán trách nhưng Mẹ suy niệm những lời ấy trong lòng.

Chúa Giêsu đã chọn gia đình là bước khởi đầu cho hành trình bước lên đồi Sọ của Ngài. Ngài đã sống vâng phục cha mẹ Ngài, thánh hóa gia đình và làm cho gia đình có một ý nghĩa đặc biệt là môi trường dưỡng nuôi Con Thiên Chúa làm người. Luca hôm nay cũng cho ta thấy đâu là cùng đích thực sự mà ta phải tiến về và đâu là bổn phận mà ta phải vâng phục "Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?". Hỡi các bậc làm cha mẹ hãy vâng lời Thiên Chúa chăm lo dạy dỗ con cái, hãy yêu thương nâng đỡ chúng. Hỡi những người làm con hãy vâng lời cha mẹ và như thế là vâng phục thánh ý Chúa. Hãy làm tròn bổn phận của mình trong gia đình vì gia đình môi trường để nên thánh, môi trường đã được chính Con Thiên Chúa sống và thánh hóa. Hỡi các gia đình hãy để Thiên Chúa hiện diện trong gia đình, hãy để Chúa làm trung tâm của mọi suy nghĩ , mọi sinh hoạt...khi đó chắc chắn gia đình bạn cũng sẽ là một thánh gia thất.

GIA ĐÌNH LÀ HỘI THÁNH THU NHỎ 
Lc 2, 41 -52

"Chúa Giêsu theo hai ông bà về Nadareth và luôn luôn vâng phụ họ".(Lc 2, 51)

Có một đôi vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Chòm xóm xung quanh rất khen ngợi, và người ta đã bầu chọn họ là gia đình gương mẫu, là gia đình hạnh phúc. Nhà báo đến làm một cuộc phỏng vấn. Họ hỏi người chồng:"nghe nói gia đình của ông bà hạnh phúc nhất vùng này phải không?"Người chồng cười đáp: "khổng hẳn thế, nhưng vợ chồng chúng tôi tự thấy với nhau là có hạnh phúc". "sao ông dám khẳng định như vậy?" "chúng tôi là người công giáo; hơn nữa, tôi chưa thấy vợ tôi nặng lời với tôi khi nào, vì thế, tôi không nở lòng nào đối xử không tốt với bà ấy". Nhà báo bèn đến hỏi người vợ; người vợ trả lời: "vì tôi rất yêu chồng tôi, nên tôi luôn cố gắng nói tốt và làm điều tốt cho chồng tôi". Hóa ra hạnh phúc gia đình được bảo vệ một cách đơn giản như vậy sao? Ngày hôm nay, chúng ta mừng kính một mẫu gương gia đình tuyệt vời: Gia đình Thánh. Hội Thánh đề cao gia đình này có quá đáng không? Đây là điều hôm nay chúng ta cùng suy niệm.

a. Thế giới hôm nay, người ta đặc biệt quan tâm đến gia đình, vì có nhiều nguy cơ làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình, ngay cả gia đình công giáo. Ảnh hưởng văn minh vật chất của xã hội ngày hôm nay, do quá chú trọng giá trị bên ngoài, đã làm cho nhiều gia đình mất phương hướng, không biết sống làm sao, cư xử thế nào.... Thực ra, ngày hôm nay hơn bao giờ hết, con người cần có ánh sáng Lời Chúa để hướng dẫn, nhất là giúp cho các gia đình hiểu ý nghĩa và sứ mạng của mình. Đức Thánh Cha Bênêditô 16 nói: "Con cái có quyền có một gia đình như Thánh Gia thất. Gia đình là nơi lý tưởng để mọi người học biết cho đi và đón nhận tình yêu."

b. Bây giờ chúng ta hãy xem lại bài sách thánh ngày lễ hôm nay: Thư thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côlôssê (3, 12-21): thánh Phaolô dạy:

Hãy sống hiền hòa, nhẫn nại, tha thứ cho nhau, như chính Chúa tha chứ cho anh em. lấy đức bác ái làm nền tảng; đó chính là mối dây liên kết giữa mọi con cái Chúa.

Ước gì ơn bình an, và Lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Trong tâm tình tạ ơn, khi ta làm gì nói gì, cũng đều nhân danh Chúa Giêsu Kitô...

Vợ hãy phục tùng chồng; chồng hãy yêu thương vợ. Con cái hãy yêu thương cha mẹ. Cha mẹ đừng dùng uy quyền kẻo con cái nhác đãm.

Trong thư này, thánh Phaolô đã dạy rất xác đáng bổn phận của các thành viên trong gia đình: lấy đức yêu thương làm nền tảng trong việc đối xử - dùng tính nhẫn nại, tha thứ mà cử xử nhau - trong tất cả mọi sự, mọi người cư xử với nhau nhân danh Chúa. Mọi người khi có sự bình an thật sự của Chúa ở cùng, người ta sẽ dễ dàng tha thứ cho nhau; nhất là làm sao người ta nở cư xử cứng cỏi với nhau?

b. Gia đình Thánh : Trong Phúc âm không ghi được bao nhiêu về cuộc sống của Gia đình Thánh. Dù vậy Hội thánh vẫn coi Gia đình Thánh chính là mẫu gương tuyệt vời về việc thực hiện những lời dạy của thánh Phaolô trên đây. Gia đình Thánh cũng chính là mẫu gương về việc lấy đức ái làm nền tảng cho gia đình, nhất là dùng đức ái làm dây liên kết với nhau.

Mẹ Maria là một Tạo Vật hoàn hảo của Thiên Chúa. Hiểu rõ chân lý này, chúng ta sẽ hiểu được chân lý tiếp theo: Mẹ là như thế đó, làm sao ta có thể hiểu được, nếu Mẹ không sống đức ái? hoặc không đặt nền tảng gia đình trên đức ái? Nói cách khác, vì Mẹ sống trong tình yêu hiệp thông liên lỉ với Con Mẹ, Đức Giêsu Kitô, nên khi ta nói Mẹ lấy đức ái làm nền tảng của gia đình, xem ra điều đó là thừa; vì tình yêu hiệp thông nơi Mẹ chính là hình bóng của tình yêu hiệp thông vĩnh cữu nơi thiên Chúa.

Còn Thánh Giuse nữa, vị thánh đồng trinh và khiêm tốn hết mực, được gọi là tôi trung của Thiên Chúa, làm sao lại không sống trong tình yêu hiệp thông như Mẹ Maria; có chăng mức độ hiệp thông của Thánh Cả không sao so sánh được với Mẹ Maria thôi. Những điều nói trên không phải là những ý niệm tưởng tượng ; đó chính là sự thật thần linh trong Gia đình Thánh. Cũng chính vì lẻ đó mà ta gọi gia đình này là Gia đình Thánh...

c. Gợi ý suy niệm

"gia đình là một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất, vì gia đình là một tế bào xã hội, một Hội thánh thu nhỏ". Câu nói trên không hẳn đúng với hết mọi gia đình, nhưng lại hoàn toàn đúng với gia đình Naareth. Chính vì vậy gia đình Nadareth là gương mẫu, là bài học quí giá cho mọi gia đình công giáo. Bầu khí gia đình là môi trường tốt, để đào tạo con người tốt, người công giáo tốt . Chúng ta nghỉ thế nào? Gia đình chúng ta có sẵn sàng muốn và cố gắng sống theo gương gia đình Nadareth không?

THÁNH GIA MẪU GƯƠNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
Lc 2, 41 - 52

1. LỜI CHÚA: "Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái... Người làm vợ hãy phục tùng chồng. Như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa" (Cl 3,14.18).

2. CÂU CHUYỆN: MỘT CON NGƯỜI CẦU TOÀN:

Theo chuyện cổ Hồi Giáo thì NA-TRÚT-ĐIN là hiện thân của những chàng trai độc thân khó tính. Trong một buổi trà dư tửu hậu, khi bạn bè chất vấn tại sao đến tuổi bốn mươi rồi mà anh vẫn chưa lấy vợ, Na-trút-đin đã tâm sự về tình trạng độc thân bất đắc dĩ của anh như sau:

"Tôi đâu phải là không muốn lấy vợ như các bạn nghĩ: Suốt cả tuổi thanh xuân, tôi đã đi khắp nơi để tìm cho mình một người vợ hoàn hảo như ý muốn. Tại Cai-rô, thủ đô Ai Cập, tôi đã sớm gặp được một thiếu nữ vừa đẹp người lại vừa thông minh. Nàng có đôi mắt bồ câu với con ngươi đen nhánh giống như hai hạt ô-liu. Tôi ưng ý ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên. Nhưng chỉ vài ngày sau, tôi đã khám phá ra rằng: Nàng ta không phải là một cô gái hiền thục như tôi mong muốn. Thế là tôi liền rời bỏ Cai-rô để đến thành Bát-đa Thủ đô nước I-rắc, để tìm kiếm một người vợ lý tưởng, nghĩa là phải vừa đẹp người lại vừa phải thông minh dịu hiền nữa! Tại đây, nhờ Đức Thánh Al-lah phù hộ nên tôi đã sớm gặp được một thiếu nữ hoàn hảo, đúng như lòng hằng mong ước. Nhưng có điều chúng tôi lại bị khắc khẩu mỗi khi nói chuyện: Ít khi chúng tôi cùng chung quan điểm về bất cứ lãnh vực nào. Thế là tôi đành phải âm thầm chia tay với nàng. Từ đó, tôi liên tiếp trải qua nhiều mối tình với nhiều phụ nữ khác nhau. Nhưng người được mặt này thì lại mất mặt kia, được tính tốt này thì lại vướng phải tật xấu nọ. Đến lúc tôi sắp hoàn toàn thất vọng, tưởng như sẽ không thể tìm đâu ra được một người đàn bà hoàn hảo, thì một hôm Đức Thánh Al-lah đã sắp xếp cho tôi gặp được một thiếu nữ siêu tuyệt vời. Có thể nói: Nàng là sự kết hợp rất nhiều đức tính của một người vợ lý tưởng mà tôi hằng mong ước: Nàng vừa đẹp người, thông minh, lại vừa hiền dịu và ân cần tử tế trong giao tiếp... Ngoài ra nàng lại còn hát hay múa giỏi, nấu ăn ngon, cắm hoa đẹp, thêu thùa cắt may thành thạo... Thế nhưng các bạn có biết vì sao cho đến giờ này tôi vẫn là một chàng trai độc thân khó tính không??? Vì khi tôi mạnh dạn ngỏ lời cầu hôn với nàng, thì lập tức tôi đã bị nàng thẳng thừng từ chối, vì nàng cũng đang đi tìm một người đàn ông lý tưởng để lấy làm chồng. Mà theo đánh giá của nàng thì tôi chỉ là một gã đàn ông tầm thường, có quá nhiều thói hư tật xấu, không xứng đáng làm chồng của nàng!".

3. SUY NIỆM:

- THÁNH GIA: MẪU GƯƠNG CỦA GIA ĐÌNH TÍN HỮU: Gia đình là nền tảng của xã hội và là tế bào của Hội thánh! Gia đình có bền vững hạnh phúc thì xã hội mới an vui và Hội thánh mới phát triển. Hôm nay Hội thánh giới thiệu Thánh Gia cho các gia đình tín hữu học tập noi gương: Trong gia đình này có thánh cả Giu-se là một người chồng lý tưởng: hết lòng yêu thương và chu tòan trách nhiệm lo cho vợ con. Còn Đức Ma-ri-a thì nêu gương cho các người làm vợ làm mẹ về tình yêu thương hết mình phục vụ chồng con. Trong gia đình này, trẻ Giê-su chính là người con hiếu thảo, luôn tôn kính vâng lời và làm vui lòng cha mẹ trong gia đình.

- GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC PHẢI TRÊN THUẬN DƯỚI HÒA: Về phạm vi nhân lọai thì thánh Giu-se là người gia trưởng có tinh thần trách nhiệm cao, rồi đến Đức Ma-ri-a là hiền mẫu luôn biết quan tâm chăm sóc cho chồng con và cuối cùng là trẻ Giê-su luôn hiếu thảo thể hiện qua sự vâng lời và luôn làm vui lòng cha mẹ, như Tin Mừng Lu-ca viết: "Sau đó Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài" (Lc 2,51a).

- GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC PHẢI CÓ SỰ BỔ TÚC CHO NHAU: Thiên Chúa đã dựng nên hai người nam nữ tuy khác nhau, nhưng không đối kháng mà còn bổ túc cho nhau. Hai vợ chồng mỗi người đều được Chúa ban những ưu điểm phù hợp với vai trò trong gia đình như sau:

+ Nếu người chồng có sức mạnh ví như là cây cột nhà chống đỡ làm cho gia đình bền vững, thì người vợ là sợi dây yêu thương liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.

+ Nếu người chồng có khả năng kiếm tiền nuôi sống gia đình, thì người vợ là nhà quản lý tài ba biết sắp xếp mọi việc và bảo vệ mái ấm gia đình.

+ Nếu người chồng được ví như vị thuyền trưởng lãnh đạo gia đình, thì người vợ phải là tài công trực tiếp điều khiển bánh lái, phối hợp chặt chẽ với thuyền trưởng để đưa con tàu gia đình đến bến bờ hạnh phúc.

+ Nếu người chồng cần tính nghiêm khắc, thì người vợ lại cần sự dịu dàng, để con cái tuy phải tuân giữ kỷ luật nhưng vẫn cảm thấy dễ chịu ở trong bầu khí yêu thương của gia đình.

+ Nếu người chồng có vai trò giám đốc tổng quát xí nghiệp thì người vợ là giám đốc điều hành lo quản lý mọi việc nhà, chứ không chỉ là người lao công lo giúp việc nhà, như lời cầu của chủ tế trong thánh lễ hôn phối: "Lạy Cha, Cha đã đặt người nữ làm trợ tá bất khả phân ly của người nam khiến họ không phải là hai nhưng chỉ là một xương một thịt ... Xin cho chú rể biết trọn niềm tin tưởng ở vợ mình, nhìn nhận vợ là người bạn bình đẳng và cùng thừa hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Xin cho anh biết luôn yêu thương kính trọng yêu thương vợ như Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh Người".

- GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC PHẢI CÓ CHÚA HIỆN DIỆN: Muốn có hạnh phúc thì gia đình phải có Thiên Chúa là Tình Yêu ngự trị. Tình yêu chính là sợi dây bền chặt liên kết các thành viên lại với nhau. Thứ đến phải có Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường, rồi còn phải có ơn Thánh Thần là sức mạnh giúp hai vợ chồng cùng nhau gìn giữ và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhờ đó vợ chồng sẽ dễ dàng đồng tâm hiệp lực để cùng vượt qua các phong ba thử thách cuộc đời (x Cl 3,12-17), như người đời thường nói: "Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn".

4. THẢO LUẬN: Gia đình hôm nay thường gặp nhiều khó khăn như: Con cái dễ bị hư hỏng vì mắc các thói hư tật xấu, vợ chồng khó giữ trọn được lời thề hứa yêu thương, tôn trọng và trọn đời chung thủy với nhau... Theo bạn đâu là nguyên nhân quan trọng nhất ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và cần phải khắc phục thế nào?

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin nhìn đến những gia đình đang thiếu vắng tình yêu, hay đang thiếu những phương tiện vật chất tối thiểu, những gia đình đang buồn sầu vì vắng tiếng cười trẻ thơ, hay trái lại đang vất vả lo toan vì đàn con nheo nhóc đói khát của ăn vật chất cũng như tinh thần.  Xin nâng đỡ những gia đình đã biến thành hỏa ngục vì dối trá, ích kỷ, kiêu căng, giận hờn khi luôn hành hạ và làm khổ lẫn nhau.

- LẠY CHÚA. Xin nhìn đến những trẻ em đang cần được chăm sóc và yêu thương, những trẻ em đang bị lạm dụng tình dục, đang bị bóc lột tiền bạc và trở thành những món hàng để con buôn trao đổi kiếm lời; Những trẻ em đang lạc lõng bơ vơ và không được đến trường; Những trẻ em bị cuộc đời vùi dập và đang biến dạng trở thành hư hỏng... Xin hãy biến đổi các gia đình tín hữu chúng con. Xin sai Thánh Thần đốt lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mọi thành viên. Xin cho mỗi người chúng con biết luôn chu toàn nhiệm vu xây dựng gia đình cả về tinh thần cũng như vật chất, hầu gia đình chúng con ngày thêm hòa hợp hạnh phúc, là dấu chỉ giúp người đời nhận biết tin yêu Chúa.

X. Xin hiệp cùng Mẹ Maria

Đ. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

LM ĐAN VINH     www.hiephoithanhmau.com

CON PHẢI CÓ BỔN PHẬN Ở NHÀ CHA CON
Lc 2, 41 - 52
Quý vị có ngạc nhiên khi thấy đức Maria và thánh Giuse đi cả ngày đường mà không hề biết Đức Giêsu có đi cùng hay không? Tôi nghe nói có nhiều gia đình đi chơi cùng con cái bằng xe ôtô và dừng lại ở một trạm nghỉ. Khi họ quay lại xe thì giật mình nhận ra một trong những đứa trẻ bị lạc. Ngay lập tức họ bủa ra đi tìm đứa trẻ đó. Nhưng đằng này đức Maria và thánh Giuse đi suốt cả ngày rồi mới biết Đức Giêsu vắng mặt! Đức Maria và thánh Giuse đang bận tâm chuyện gì thế? Họ chỉ có mỗi mình trẻ Giêsu thôi mà!

John Pilch thật hữu ích trong việc tìm hiểu về bối cảnh đời thường và phong tục vào thời Đức Giêsu. (x. "The Cultural World of Jesus: Sunday by Sunday." Collegeville: Liturgical Press, 1997). Ông cho rằng mối tương quan tình cảm mạnh mẽ nhất trong vùng Địa Trung Hải là giữa người mẹ và con trai trưởng. Sự ảnh hưởng của người cha không gây tác động đối với con trai cho đến khi cậu bé đến tuổi dậy thì, khi mà cậu ta "thoát khỏi sự vỗ về của thế giới người nữ để bước vào thế giới hà khắc của đàn ông" (tr. 13).

Trẻ Giêsu đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa thế giới của người mẹ và thế giới của người cha. Trong đoàn người hành hương, họ đi theo từng phái, vì xã hội của họ phân chia khắt khe thế. Vì vậy, thánh Giuse thì nghĩ rằng trẻ Giêsu đang trên đường với đức Maria, còn đức Maria thì lại đinh ninh con mình đang đi cùng Giuse. Thế nên, đức Maria đinh ning rằng trẻ Giêsu đang trên hành trình với cánh đàn ông. Trong khi Giuse thì nghĩ rằng trẻ Giêsu về nhà trong vòng tay yêu thương của những phụ nữ. Cả bậc cha mẹ và các cậu thiếu niên đều thừa nhận sự khó khăn này vì trong cuộc đời họ đều phải kinh qua trong giai đoạn chuyển tiếp ấy.

Khi ông bà tìm thấy đức Giêsu ngồi giữa những người đàn ông và các bậc thầy, Pilch cho rằng đức Maria và thánh Giuse lẽ ra nên tự hào mới phải vì đức Giêsu đã chuyển tiếp thành công gia đoạn phát triển của mình. Nhưng trẻ Giêsu vẫn chưa phải là người trưởng thành và đã không báo cho cha mẹ biết về ý định của mình. Vì thế, đức Maria đã quở trách Người. Trong thế giới khép kín của người Địa Trung Hải thì ứng xử như vậy cũng là phải. Điều đó cho thấy rằng nuôi dạy con trẻ thời của Đức Giêsu cũng không hề dễ dàng gì hơn ngày nay.

Khi tôi viết những điều này thì đám tang của các nạn nhân ở Newtown, Connecticut đang diễn ra. Người ta chỉ có thể mường tượng nỗi kinh hoàng và đau khổ của các bậc cha mẹ của những nạn nhân nhỏ bé này. Thêm vào đó, có những cuộc phỏng vấn với cha mẹ, những người vội vã đến trường nhưng không hề hay biết đứa con nhỏ của họ có nằm trong số các nạn nhân hay không. Những người có con sống sót đã tả lại nỗi sợ hãi, nhẹ nhõm và mừng vui như thế nào khi họ ôm chầm lấy những đứa trẻ được tìm thấy. Những cuộc phỏng vấn này giúp chúng ta cảm nhận phần nào tình cảnh mà cha mẹ của đức Giêsu đã phải trải qua khi cuối cùng họ tìm thấy Người.

Nhưng chúng ta không phải dừng lại ở sự cảm thương của câu chuyện hôm nay. Cũng không cần phải nói lời hay ý đẹp về một "gia đình thánh" lý tưởng. Đó không phải là điều mà thánh sử Luca muốn nhấn mạnh. Nhưng, thánh Luca như muốn trình bày về thân thế của Đức Giêsu. Khởi đầu Tin mừng, thánh Luca cho thấy Đức Giêsu là ai và mục đích của Người là gì. Như chúng ta học biết rằng thánh Luca đang trình bày về Kitô học của ngài.

Trong lịch sử của nhưng nhân vật vĩ đại thường có những câu chuyện đáng phi thường từ thuở thiếu thời. Các câu chuyện cho thấy hình ảnh về sự vĩ đại trong tương lai của một người đã được hiển hiện ngay từ thời niên thiếu. Những gì mà nhân vật nổi tiếng làm thời còn niên thiếu cho thấy trước việc đó được thực hiện sau nàykhi lớn lên.

Hầu như những thông tin của Đức Giêsu vào thời niên thiếu đều không ai biết, đó là "cuộc đời ẩn dật" của Người. Có một vài câu chuyện ngụy thư nói về những mầu nhiệm mà trẻ Giêsu thực hiện. Còn việc cha mẹ "tìm gặp" Đức Giêsu hôm nay là câu chuyện duy nhất nói về thời niên thiếu của Đức Giêsu mà chúng ta biết được. Và việc đó tiên báo trẻ Giêsu sẽ trở thành người như thế nào. Đức Giêsu giải thích rằng: "Cha mẹ không biết là con phải có bổn phận ở nhà Cha con sao?" (từ "biết" ở đây được chia ở chủ từ số nhiều, Đức Giêsu đang nói cho cả Maria và Giuse). Thánh Luca đã làm nổi bật lời tuyên bố của Đức Giêsu. Đó chính là trọng tâm của câu chuyện. "Con phải" là cụm từ mà thánh sử còn dùng cho chỗ khác nữa trong Tin mừng. Đức Giêsu phải bày tỏ ý định của Thiên Chúa cho chúng ta, vì thế có những điều Người "phải" thực hiện. Cụm từ "nhà Cha" củaCon có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, Người phải có "bổn phận" với Thiên Chúa Cha. Thứ hai, "nhà" là bao gồm các thành viên trong đó, các thành viên này làm nên cộng đoàn trong "nhà Cha" của Người.

Những gì đến với độc giả, ngay cả sự hiện diện của cha mẹ của Người, là Đức Giêsu có liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Đó chính là sự ý thức theo Người suốt cuộc đời sứ vụ sau này. Đức Giêsu được sai đến vì một sứ vụ, sứ vụ này sẽ quyết định tất cả những gì Người sẽ nói và sẽ làm. Ngay điểm Tin mừng này cho thấy hai ông bà không "hiểu lời Người vừa nói với họ," kể dân chúng, thậm chí chính các môn đệ của Người cũng không thể hiểu Đức Giêsu là ai và Người muốn nơi họ điều gì. Những môn đệ đón nhận Đức Giêsu trong suốt cuộc đời sứ vụ ở trần gian này trở thành một phần trong "nhà Cha" của Người.

Câu chuyện bắt đầu với một gia đình tuân giữ tập tục hằng năm hành hương Đền Thánh Giêrusalem để tham dự lễ Vượt Qua cùng với những người Dothái khác. Việc nói đến Giêrusalem trong thời gian Lễ Vượt Qua tiên báo hành trình mà Đức Giêsu và các môn đệ của Người sẽ thực hiện sau này. Xuyên suốt Tin mừng, Đức Giêsu sẽ có "bổn phận" trong "nhà Cha" của Người, cho dù điều đó muốn nói đến cái chết của Người. Đức Giêsu chứng tỏ sự khôn ngoan của mình khi còn là một cậu thiếu niên trong Đền thờ và cũng chính Đền thờ là nơi Người sẽ kết thúc sứ vụ giảng dạy của mình (x. Lc 19,41-21,38)

Trong đoạn văn hôm nay còn nhiều gợi ý khác nữa cho toàn bộ trình thuật của Tin mừng. Các bậc thầy đạo đức "kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu". Vì Tin mừng đang trên đà tiến triển, nên nhóm Dothái giáo nhiệt thành chống đối lời giảng dạy của Đức Giêsu. Nhưng dân chúng lại chấp nhận Người và đến Đền Thờ để nghe Người giảng dạy, vì "toàn dân say mê nghe Người" (x. Lc 19,48).

Đức Giêsu không đơn thuần là một cậu bé khôn trước tuổi, sau này lớn lên thành một bậc thầy cuốn hút. Nhưng Người nói về Thiên Chúa, nói thay cho Thiên Chúa với một uy quyền lớn lao còn hơn cả những bậc thầy thông Luật. Nguồn gốc sự khôn ngoan của Đức Giêsu không phải do học hỏi mà có được. Vì Người có một mối quan hệ độc nhất với Thiên Chúa và luôn cư ngụ trong nhà Cha của Người. Nên người giảng dạy và mời gọi những ai nếu chấp nhận bước vào ngôi nhà đó, thì hãy ngồi vào bàn tiệc của sự khôn ngoan để cùng ăn cùng uống bữa tiệc mà Thiên Chúa đã dọn sẵn.

Vì vậy, câu chuyện Tin mừng hôm nay không phải là một chuyện lạ lùng từ thời niên thiếu của Đức Giêsu. Đó là câu chuyện cho biết về Đức Giêsu trong thời niên thiếu của Người, giúp cho ta biết được Đức Giêsu là ai, và Người sẽ cống hiến cuộc đời vì mục đích gì. Tin mừng không chỉ là một sự lựa chọn trong những miêu tả về cuộc đời lịch sử của Đức Giêsu. Mà hơn thế nữa, ngay chính lúc khởi đầu của Tin mừng, đã có một trình thuật về kế hoạch mạc khải của Thiên Chúa nhằm đến ơn cứu độ của chúng ta thông qua Đức Giêsu.

Đức Maria và thánh Giuse đã không hiểu được ẩn ý trong câu trả lời của Đức Giêsu. Còn Đức Giêsu thì lại vâng lời cha mẹ, nhưng cốt chuyện đã mạc khải về mối quan hệ đặc biệt của Đức Giêsu với Chúa Cha. Dần dần, chúng ta biết nhiều hơn nữa về Đức Giêsu và hiểu ra được ý nghĩa trong cuộc đời của Người. Tin mừng theo thánh Luca lại tiến triển theo mỗi Chúa nhật trong suốt năm phụng vụ này, và vì chúng ta cư ngụ trong "nhà Cha" với Đức Giêsu và cư ngụ với nhau, nên chúng ta sẽ đến để biết Thiên Chúa của chúng ta là ai qua Đức Giêsu, và qua Đức Giêsu chúng ta được kêu gọi để đáp trả những gì Người yêu cầu.

Khi đọc Tin mừng Luca và nghe Tin mừng đó lần lượt được công bố trong năm nay, chúng ta sẽ thừa nhận sự nhầm lẫn của mình và nhận thấy thiếu hiểu biết về những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta. Nhưng đã có Đức Maria là mẫu gương của chúng ta vì người đã lắng nghe suốt quá trình mạc khải. Noi gương Đức Maria, chúng ta kiên nhẫn giữ "tất cả điều này" trong lòng với hy vọng rằng: còn nhiều điều nữa sẽ được mạc khải trên hành trình với Đức Giêsu, cũng như đồng hành với các môn đệ của Người đến Giêrusalem để chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua - lễ hiến tế mạng sống mà chính Đức Giêsu sẽ thực hiện.

Cái chết của Đức Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn không phải là hồi kết của câu chuyện. Nhưng vào Ngày Phục Sinh, chúng ta sẽ hiểu đầy đủ hơn Người là ai. Vì vậy, cùng với hai môn đệ tiếp đón người khách lạ trên đường về Emmau, chúng ta cũng sẽ nhận ra Đức Kitô chỗi dậy ở giữa chúng ta, trái tim ta sẽ bừng cháy nhờ Lời của Người, và mắt chúng ta sẽ mở ra khi Người bẻ bánh (x. Lc 24,13-35).

Đức Maria và thánh Giuse đã đi trước chúng ta trên con đường đức tin. Chúng ta cùng với các ngài có mặt ngay từ khởi đầu của câu chuyện. Nhưng ở đây, tình tiết ngắn ngủi này lại là những hạt mầm của toàn bộ Tin mừng. Chúng ta được mời gọi suy tư không ngừng về khoảnh khắc ngắn ngủi đó, bởi vì nó chiếu soi cho ta biết Đức Kitô là ai. Còn thánh Giuse là mẫu gương về một người công chính, cả cuộc đời chỉ biết vâng phục theo lời mời gọi của Thiên Chúa, dù lúc đầu có ý chống lại kế hoạch ấy. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ cùng đi với đức Maria vì người xuất hiện lại trong Tin mừng. Cùng với đức Maria, chúng ta sẽ nhìn thấy và lắng nghe những sự kiện được mạc khải, và cùng tham gia với người khi chúng ta giữ "tất cả điều này" trong lòng.

Câu chuyện Tin mừng này trước hết không nhằm chỉ dạy cho chúng ta về đời sống gia đình Kitô hữu xứng hợp; cũng không phải yêu cầu những đứa trẻ vâng lời cha mẹ. Nhưng, đó là câu chuyện Tin mừng mạc khải cho chúng ta biết về kế hoạch của cứu độ của Thiên Chúa.

Chuyển ngữ: Anh Em HV. Đaminh Gò Vấp
Lm Jude Siciliano, OP

GIA ĐÌNH TUYỆT VỜI
Lc 2, 41 - 52
Thánh Gia là một gia đình gương mẫu tuyệt vời đã nêu gương cho mọi gia đình noi theo bắt chước và sống lý tưởng của đời sống gia đình. Lễ Thánh Gia cũng là một dịp giúp mọi người tự vấn lương tâm xem mình đã sống lý tưởng thực tế của đời sống gia đình như thế nào ! Do đó, hôm nay khi mừng lễ Thánh Gia, chúng ta thử xem lại cách sống của gia đình mình và rồi đem đối chiếu với gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse để xem mình con thiếu gì, cần bổ túc những gì, cần sửa đổi những gì ?

Mừng lễ Thánh Gia trong bối cảnh, chúng ta vừa mừng đại lễ Giáng Sinh. Đây quả thực là cơ hội rất thích hợp, rất thuận lợi để chúng ta soi chiếu gia đình chúng ta với gia đình của Chúa Giêsu. Là Thiên Chúa làm người, Chúa Giêsu đã chọn một gia đình để sinh ra. Sở dĩ, Ngài chọn cách bình thường nhất để sinh ra là để gần gũi con người, gần gũi loài người. Nếu Ngài cứ ở trên cao thì thực ra con người khó lòng gần gũi được Ngài. Do đó, Chúa đã có mẹ, có cha là để hòa đồng với kiếp sống con người.Chúa đã chấp nhận làm người: " Ngôi Lời đã làm người " như thánh Gioan đã viết là để hòa nhập với thế giới con người, ngoại trừ tội lỗi. Thánh Giuse và Đức Mẹ đã tuân theo ý Thiên Chúa để nuôi nấng, dạy dỗ Chúa với tư cách Ngài là con người. Thánh Giuse và Mẹ Maria đã bao bọc, chở che, nuôi dưỡng Chúa với tình yêu bao la. Gia đình của Chúa Giêsu là gia đình đại thánh vì cả Ba Đấng luôn tuân hành ý của Thiên Chúa. Gia đình của Chúa Giêsu cũng như mọi gia đình trần thế luôn sống trọn vẹn về tình yêu phu phụ, về sự cộng tác, về sự hiếu thảo, về sự hy sinh và về niềm tin tưởng sâu xa, tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Gia đình của Chúa Giêsu luôn sống trên thuận dưới hòa, luôn sống hài hòa giữa nhau và sống hòa hợp, bác ái với mọi người. Gia đình thánh lại luôn nêu gương về đời sống lao động, về tình liên đới, về sự hiệp nhất yêu thương và về sự quảng đại, về sự chia sẻ. Gia đình thánh khác với những gia đình khác về sứ mạng Thiên Chúa trao ban là nuôi dưỡng Đấng Cứu Thế và chỉ cho mọi người, mọi gia đình hay chân trời mới của Thiên Chúa và kế hoạch yêu thương cứu rỗi của Thiên Chúa.

Nét đẹp tuyệt hảo của Gia đình thánh là giá trị cao sâu của gia đình bởi vì chính Chúa đã nâng gia đình lên bậc bí tích. Gia đình của Chúa đã nêu cao giá trị tuyệt vời của gia đình. Bởi vì gia đình là ân huệ Chúa trao ban cho mọi gia đình. Bản tính của Chúa là tình yêu như thánh Gioan đã định nghĩa Chúa là tình yêu. Chính khi được sinh ra trong tình yêu mà Chúa Giêsu đã được lớn lên nhờ sự săn sóc đầy tình mẫu tử của Đức Mẹ và sự bảo vệ trung thành tuyệt đối của thánh Giuse. Sống trong gia đình thánh, Chúa Giêsu đã lớn lên đầy khôn ngoan và đầy Thánh Thần của Thiên Chúa.

Giá trị là nết đẹp của gia đình. Nên, mọi gia đình hãy bảo vệ, giữ gìn và làm thăng tiến gia đình của mình trong sự tác động của Chúa Thánh Thần và sự khôn ngoan Thiên Chúa tặng ban cho mỗi người, và mỗi gia đình. Hãy làm cho mọi gia đình được hạnh phúc khi các gia đình noi gương bắt chước gia đình thánh Giuse. Chân Phước Gioan Phaolô II khi về thăm quê hương Ba Lan đã làm hai cử chỉ rất ấn tượng là thăm mộ song thân của mình và cử hành lễ hôn phối, kỷ niệm hôn phối cho các đôi hôn nhân được 10 năm, 25 năm hoặc 50 năm. Ngài làm hai cử chỉ đó để nói lên ý nghĩa cao quí của các gia đình. Cây tốt sinh trái tốt. Gia đình là nền tảng của Xã hội và Giáo Hội. Bảo vệ gia đình và thăng tiến gia đình là bổn phận của mọi người vì đó là hồng ân cao quí của Chúa tặng ban cho mọi người.

Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI trong ngày lễ Thánh Gia đã nói: " Tình yêu và sự âm yếm, sự sẵn lòng và niềm tin tưởng, sự kiên nhẫn và lòng tận tụy kín đáo đã hiện diện trong ngôi nhà của Đức Maria và Thánh cả Giuse. Ngày hôm nay, chúng ta hãy tạ ơn Chúa cho tất cả những gia đình hạnh phúc, và chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả những gia đình đang gặp khó khăn, để họ có thể tìm được sự đón tiếp, giúp đỡ và an ủi ".

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mọi gia đình sự thuận hòa yêu thương, sự bình an thật sự để cha mẹ, con cái, cháu chắt luôn sống trong sự kính sợ Chúa và quảng đại, chia sẻ, tha thứ, cảm thông với nhau. Amen.

ầu nguyện, sống còn của gia đình

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

LỄ THÁNH GIA THẤT
Lc 2, 41 - 52
Khi các bài ca của thiên thần ngưng bặt,
Khi những chòm sao trên nền trời Bêlem lặng khuất,
Khi ba vua đã trở lại quê nhà,
Khi các mục đồng cùng đoàn vật đã rút lui,
Thì bấy giờ, công việc Giáng Sinh lại bắt đầu
để tìm kiếm những gì đã mất,
để hàn gắn những gì đổ gãy,
để các tâm hồn được chữa lành,
để các nước được dựng xây trên công lý và hoà bình...
và để nhân loại được sống trong một nền văn minh mới, văn minh tình thương Kitô.

Vậy mà tất cả ấy lại được bắt đầu từ một mái ấm, từ một gia đình, gia đình Nazareth mà chúng ta quen gọi là gia đình Thánh Gia.

Như bao gia đình khác, Thánh Gia cũng đã trải qua những ngày nắng ấm, những chiều giông bão; cả những khoảnh khắc an vui lẫn những phút giây bồi hồi; nhiều lúc rộn rã tiếng cười, bao lần sùi sụt tiếng khóc.

Thử nhìn lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy của đôi bạn trẻ Giuse - Maria. Từ phút truyền tin, từ buổi đón nhau về cho đến ngày sinh con giữa đồng không mông quạnh, hay khi phải ẵm con đỏ hỏn làm khách trọ quê người..., Thánh Gia phải đương đầu với bao thử thách. Thử thách bên ngoài do hoàn cảnh, thử thách bên trong như câu chuyện Tin Mừng chúng ta vừa nghe, "Con ơi, sao con làm thế, này cha con và mẹ phải lo lắng tìm con?". "Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc nhà Cha con sao?". Đó là cả một thử thách, một hiểu lầm. Ngước nhìn lên hang đá, bóng thánh giá đã thấp thoáng ở đó.

Ấy thế, kính thưa Anh Chị em,

Gia đình ấy vẫn là một gia đình hạnh phúc nhất trần gian, gia đình ấy vẫn trở nên thước ngọc khuôn vàng cho mọi gia đình trong nhân loại. Đó là một gia đình kính sợ Thiên Chúa, một gia đình cầu nguyện, một gia đình mà con cái là tất cả của cha mẹ và cha mẹ là tất cả của con cái. Ở đó, cha mẹ là cả một bầu trời cho con cái và con cái là cả một bầu trời của cha mẹ.

Ở đó, có một người cha chăm chỉ làm việc, một người mẹ ít nói nhưng cầu nguyện nhiều và cả hai cùng ra sức làm gương tốt để nuôi dạy và giáo dục trẻ Giêsu. Ở đó, người con Giêsu hằng vâng lời tùng phục cha mẹ mình.

Trước bao khủng hoảng của cuộc sống hôm nay, nền đạo đức luân lý gia đình đang hấp hối, không ít gia đình đang đối diện bên bờ vực đổ vỡ. Đời sống vật chất của một xã hội tiêu thụ và hưởng thụ đang chực nuốt chửng cái giá trị đạo đức truyền thống của gia đình. Cha mẹ ít có thời giờ cho nhau, chẳng có thời giờ để ở với con cái. Chưa bao giờ mà con cái vuột mất khỏi tầm tay cha mẹ như hôm nay. Cha mẹ mất con ngay khi con đang ở trong nhà. Gương lành gương tốt đang trở nên một cái gì xa xỉ và hiếm hoi. Đó là chưa nói đến gương mù gương xấu nhan nhản trên báo chí, trên phim ảnh...

Hỡi những người làm cha làm mẹ, cả những người làm con, hãy nhìn lên Thánh Gia. Hãy chiêm ngắm Giuse, Maria và trẻ Giêsu: những tấm gương ngời sáng của một người cha, một người mẹ và một người con hết lòng vì gia đình. Hãy làm sống lại truyền thống gia phong Á Đông của cha ông.

Chuyện kể về một người chuyên nuôi cá cảnh. Một hôm, trong kỳ hè, khi đang dạo chơi trước các quầy hàng dọc theo bờ biển, anh thấy một con cá ngũ sắc tuyệt đẹp trong một chậu thủy tinh ở quầy. Đó là một con cá nước mặn xinh xắn mà anh chưa từng thấy, anh quyết định mua về. Về đến nhà, anh ra sức chăm sóc nó và áp dụng những phương pháp tốt nhất của một nhà chuyên môn.

Trước hết, anh đặt cá vào chậu nước mặn, cá lội tung tăng trong môi trường quen thuộc. Thế nhưng, một tuần sau, với sáng kiến, anh thêm vào một ít nước ngọt, mỗi ngày một ít. Cứ thế, anh tăng dần nước ngọt cho đến khi chú cá quen hẳn với môi trường mới. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục luyện cá. Mỗi ngày, anh bắt đầu đổ vào chậu một ít bùn, và cứ thế, sau nhiều tháng, lượng bùn được tăng lên cho đến khi con cá quen hẳn với việc ngày ngày nằm trên mặt bùn đớp mồi như một loài bò sát. Chưa hết, anh tập cho cá ra khỏi chậu và lẽo đẽo theo anh như một con cún cưng. Anh đã thành công, vì mỗi lần anh đi đâu, con cá màu ngoan ngoãn theo sau. Cho đến một ngày kia, chuyện đã xảy ra khi anh có việc sang nhà bạn, có chú cá cùng đi. Lúc trở về, trời đổ mưa, anh phải chạy thật nhanh và quên mất chú cá. Sực nhớ, anh quay lại tìm, nhưng chẳng thấy đâu cho đến khi gặp một vũng nước trên đường, thì hỡi ôi, chú cá yêu quý của anh nằm chết trong đó vì nó không biết bơi.

Câu chuyện khiến chúng ta rùng mình sởn ốc khi nhớ đến trách nhiệm và bổn phận của một người làm cha làm mẹ trong việc giáo dục và làm gương sáng cho con cái. Vì "nửa cuộc đời còn lại của một con người được hình thành từ những thói quen có được từ nửa cuộc đời trước đó". Thói quen cầu nguyện, thói quen đạo đức, thói quen lễ phép, thói quen dùng thời giờ, thói quen học hành, thói quen dùng tiền..., nghĩa là giáo dục thế nào, kết quả thể ấy.

Muốn được như thế, gia đình chúng ta phải là một gia đình mà Thiên Chúa phải chiếm địa vị tối thượng tuyệt đối trong bậc thang các giá trị. "Không ai hơn Chúa, không chi bằng Chúa, Chúa trên hết, Chúa trước hết". Bởi lẽ, gia đình được dựng xây và phát xuất từ gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu Thiên Chúa không chiếm địa vị độc tôn tối thượng, mọi trật tự sẽ đảo lộn. Có Chúa, gia đình sẽ là một gia đình cầu nguyện. Nhưng để trở nên một gia đình cầu nguyện, để nuôi dưỡng đời sống đức tin, phải lưu ý đến ba hình thức cầu nguyện:

1. Trước hết là hình thức cầu nguyện riêng tư, cá nhân. Mỗi người trong gia đình cầu nguyện riêng với Chúa. Đời sống đức tin phải được đặt nền tảng trên việc trải nghiệm cá nhân với Chúa. Một trong những món quà quý báu nhất mà cha mẹ có thể ban tặng cho con cái là tập tành dạy dỗ và làm cho chúng biết yêu thích cùng thưởng thức những giây phút cầu nguyện một mình. Không cách nào để thực hiện điều đó tốt hơn là dùng chính những gương sáng cầu nguyện của mình.

2. Hình thức thứ hai của việc cầu nguyện trong gia đình là cầu nguyện chung: kinh nguyện gia đình. Kinh nghiệm cho thấy, các gia đình bỏ kinh, bỏ cơm chung... là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt. Có hình ảnh nào dễ thương hơn khi mọi người được lắng nghe Lời Chúa trong những giây phút này. Hãy để Chúa Thánh Thần dạy dỗ mỗi khi đêm về nhiều hơn thay vì cả nhà ngồi chầu trước con quái vật một mắt để nghe con người dạy bảo.

Thống Tướng Douglas MacArthur, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ Quân Đội Philippines thập niên 1930, người đã để lại một câu nói bất hủ: "In war, there is no substitute for victory", "Trong chiến tranh, không có gì thay thế được chiến thắng". Vậy mà trong tiểu sử của ông còn có một câu nói bất hủ hơn: "Tôi là một quân nhân chuyên nghiệp, tôi hãnh diện về điều ấy. Nhưng tôi còn hãnh diện hơn, hãnh diện hơn rất nhiều vì được làm một người cha...và niềm hy vọng của tôi là: Khi tôi đã về bên kia thế giới, thì con tôi vẫn nhớ đến tôi không phải với những hình ảnh ở trận chiến mà là những hình ảnh ở nhà tôi, khi tôi cùng đọc với nó những lời kinh thường đọc hằng ngày: "Lạy Cha chúng con ở trên trời...".

3. Cuối cùng, cầu nguyện với cộng đoàn, Nhà Thờ phải là ngôi nhà thứ hai của mỗi gia đình. Ở đó, cùng với cộng đoàn, mỗi người thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các Bí Tích cùng những sinh hoạt không thể thiếu khác với cộng đoàn dân Chúa.

Lễ Thánh Gia hôm nay là dịp để chúng ta tự vấn về việc cầu nguyện trong gia đình của mình. Cầu nguyện có phải là một phần sống chết của gia đình tôi không? Cụ thể hơn là chúng ta - cha mẹ, con trai, con gái - đã góp phần và làm gương sáng vào đời sống cầu nguyện trong gia đình thế nào?

Để kết thúc, chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện với Nguyên Soái Douglas McArthur khi ông đang ở chiến trường Philippines trong những ngày mở đầu cuộc chiến Thái Bình Dương.

"Lạy Cha, xin ban cho đứa con của con đủ sức mạnh để biết được lúc nào nó yếu đuối, đủ dũng cảm để đối diện với chính mình khi nó cảm thấy sợ hãi... Xin đừng để cho đứa con của con chỉ biết ước muốn mà không dám hành động... Xin đừng để nó đi vào con đường dễ dãi tiện nghi, nhưng hãy hướng dẫn nó đi vào con đường bắt buộc nó phải cố gắng vượt qua những khó khăn thử thách.

Xin hãy tập cho nó đứng vững trong bão tố, nhưng lại biết thông cảm với những ai gục ngã.

Xin hãy ban cho đứa con của con có một trái tim trong sạch, có một mục đích cao cả, biết tự chủ lấy mình trước khi muốn làm chủ người khác, biết lo lắng cho tương lai mà không bao giờ quên quá khứ.

Và khi Chúa đã ban cho nó tất cả những điều ấy, xin cũng hãy ban cho nó có đủ tính hài hước để có thể luôn nghiêm nghị nhưng không bao giờ nghiêm nghị một cách quá đáng.

Như vậy, là cha nó, con dám tự nhủ rằng, con đã không sống một cách vô ích".

Mừng kính Thánh Gia hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho các bậc làm cha mẹ luôn ý thức tầm quan trọng của việc hình thành những chiếc khuôn giáo dục nhân cách, đạo đức cho con cái. Xin cho mọi thành phần trong gia đình luôn biết làm gương sáng cho nhau, gương sáng cầu nguyện, gương sáng yêu thương quên mình. Ở đó, tình yêu, chứng tá hùng hồn nhất của Tin Mừng luôn được hâm nóng và toả sáng cho mọi người chung quanh. Nguyện xin Thánh Gia luôn che chở, cầu bầu và ban bình an cho gia đình Anh Chị em trong Mùa Giáng Sinh hồng ân này và suốt cả Năm Mới, Amen.
Lm. Minh Anh
(Tham khảo thêm New Sunday & Holy Day Liturgies by Flor McCarthy)

THEO GƯƠNG THÁNH GIA
Lc 2, 41 - 52

Lẽ tự nhiên, ai ai cũng mong muốn cho gia đình mình được ấm êm hạnh phúc.
Trong thực tế, không ít người thường than phiền về cuộc sống gia đình của mình.
Ý thức sự bất toàn nơi con người, các tín hữu hướng về Thánh Gia khẩn xin gương sáng của Thánh Gia chiếu soi, nâng đỡ gia đình sống: Tin mừng - Gia-đình - Làm việc

I. TIN MỪNG

Là con, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chọn Thánh Gia để nhập thể vào trần gian. Người chính là Tin Mừng, là ơn cứu độ, cho toàn thể nhân loại. Nơi Thánh Gia, Người đã xuất hiện "cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương" và đã sử dụng những phương thế: khung cảnh, địa điểm, phong tục, ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo ... để mặc khải chính mình cho thế gian.

Là chủ của Thánh Gia, thánh Giu-se, người công chính luôn tìm kiếm thánh ý Chúa: vâng theo lời thiên thần đón Trinh Nữ Ma-ri-a về làm vợ, theo luật tôn giáo dâng con vào đền thờ, tránh bạo vương Hê-rô-đê đang đêm đưa con trốn sang Ai cập, khi vua Hê-rô-đê chết chuyển gia đình hồi hương về Na-da-rét, thi hành bổn phận thờ phượng hàng năm đưa gia đình lên thành Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua.

Là hiền mẫu, Mẹ Ma-ri-a xin vâng như lời thiên thần truyền lãnh nhận nhiệm vụ cưu mang con Thiên Chúa nhập thể làm người, vội vã lên miền núi phục vụ bà chị họ, sinh con trong cảnh khó khăn, chăm lo phục vụ gia đình, suy gẫm lời Chúa và những kỷ niệm được Chúa ban cho.

Như vậy, từng thành viên trong Thánh Gia đều là tin mừng cho nhau và cho muôn người, cùng dắt dìu nhau trong ân sủng và tình thương của Thiên Chúa.

Ước mong mọi thành viên trong các gia đình trần thế hôm nay cũng trở nên tin mừng cho bản thân và cho nhau, cùng giúp nhau sống tình yêu thương hầu trở nên ánh sáng tin mừng cho muôn người.

II. GIA ĐÌNH

Tự bản chất, con người là một sinh vật xã hội, luôn sống cùng và sống với nhau. Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội tốt.
Gia đình chính là nơi đầu tiên để người ta học biết các giao tiếp xã hội. Bài học đầu đời luôn bắt đầu từ gia đình "học ăn học nói, học gói học mở". Thầy cô giáo đầu tiên của mỗi người là chính người cha, người mẹ.
Như bao gia đình, Thánh Gia chính là một xã hội thu nhỏ, một Hội Thánh tại gia. Nơi ấy, Con Thiên Chúa được sinh ra làm người, được bắt đầu bập bẹ những tiếng nói nhân loại, được dạy dỗ để trở nên một người giữa mọi người.

Thánh Gia tuy nghèo hèn khắc khổ nhưng sáng ngời, chan chứa yêu thương hòa điệu với mọi người:
- Hàng ngày, Thánh Gia chia sẻ cuộc sống với khoảng năm mươi gia đình gắn bó với nhau nơi làng quê Na-da-rét hẻo lánh.
- Hàng năm, Thánh Gia cùng với bà con thân thích, bạn bè thân hữu dắt dìu nhau trẩy hội lên đền Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt Qua.
- Đến mùa cưới, Thánh Gia cũng đi dự tiệc cưới để chia sẻ niềm vui với mọi người.
- Đến chân thập giá, Thánh Gia cũng không lẻ loi một mình, bởi dưới chân thập giá, cùng hiện diện với Mẹ Ma-ri-a còn có một số người nữa.
Thánh Gia đã sống hòa điệu với cuộc đời, đã đồng hành với mọi người trên từng bước đường của cuộc sống.
Gương Thánh Gia như đang mời gọi các gia đình hãy tái khám phá ý nghĩa và giá trị của gia đình, đồng thời ý thức vai trò nền tảng của gia đình trong trật tự xã hội. Nhờ vậy, các gia đình sẽ nghiêm túc thực hiện việc huấn luyện tại gia thể hiện qua việc: chỉ bảo cho nhau những ứng xử tích cực trong gia đình và với mọi người, giúp nhau vượt ra khỏi sự ích kỷ, hẹp hòi đóng khung khép kín của bản thân và gia đình mình để chia sẻ sự sống cho nhau và cho những người xung quanh, cùng nâng đỡ nhau xây dựng thế giới chan chứa yêu thương...

III. LÀM VIỆC

Sóng gió hiểm nguy đã qua, từ nơi đất khách quê người Ai-cập Thánh Gia đã hồi hương về làng quê Na-da-rét.
Tại đây, thánh Giu-se dùng nghề thợ mộc mưu sinh, kiếm tìm miếng cơm manh áo cho gia đình.
Mẹ Ma-ri-a tần tảo sớm hôm, chăm lo cho những sinh hoạt của cả nhà.
Trẻ Giê-su học nghề của cha nuôi để tìm kiếm sinh nhai. Rõ ràng, trong thân phận con người, Đức Giê-su đã có những trải nghiệm cụ thể. Từ trải nghiệm ấy, từng lời giảng dạy của Người đều chất chứa những hình tượng, những kinh nghiệm từ thiên nhiên từ sự quan sát cuộc sống...

Như vậy, Thánh Gia đã sống giữa những người đồng hương nghèo khổ bằng đôi tay lao động chân chính của mình.

Ngày nay, rất nhiều nơi, người ta than phiền về tình trạng nhiều người chẳng làm việc gì mà việc gì cũng xen vào, than phiền về tình trạng nhiều người chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàn, hậu quả là tham nhũng, gian xảo, dối trá...than phiền về tình trạng người trẻ lạm dụng những tiện ích nên không biết đến giá trị của lao động, giá trị của những đồng tiền mồ hôi nước mắt, nên đã vô cảm đòi hỏi hưởng thụ quá đáng...

Ước mong gương lao động của Thánh Gia chiếu soi các gia đình, thúc đẩy mọi thành viên trong gia đình ý thức giá trị của lao động, hầu rèn luyện bản thân và đóng góp phần mình trong việc cộng tác với Chúa tiếp tục tạo dựng vũ trụ tốt đẹp, cộng tác với nhau xây dựng thế giới văn minh tình thương.

KẾT: Lúc này, tương quan nhiều gia đình lỏng lẻo và tình thân nhiều gia đình đang bị đe dọa bởi nhiều lý do.
Khát khao hạnh phúc cho gia đình, người tín hữu tìm về với Thánh Gia để học sống: Tin Mừng yêu thương, tình thân gia đình, cộng tác làm việc.
Nguyện xin gương Thánh Gia tỏa sáng trong các gia đình, cùng giúp nhau chia sẻ niềm vui và hạnh phúc.

Lm. Jb Nguyễn Minh Phương, C.Ss.R

HỌC ĐƯỢC GÌ NƠI THÁNH GIA
Lc 2, 41 - 52
Tôi thấy trong các gia đình công giáo rất thường trưng ảnh tượng Thánh Gia trên bàn thờ, và đó là điều đáng mừng. Nhưng nhiều khi tôi tự hỏi, họ học được điều gì nơi cái gia đình 'siêu phàm' đó? Đối với nhiều người đó chỉ là một sự tôn thờ, tôn thờ một biểu tượng gần gũi với đời mình để dễ nhận được điều cầu được ước thấy. Nhưng cũng có nhiều người nói với tôi là họ (được dạy) coi Thánh Gia là một mẫu gương để họ noi theo bắt chước. Nhưng bắt chước điều gì mới được chứ? Những 'công dung ngôn hạnh', những cần cù đảm đang, những trên thuận dưới hòa... tôi đâu có thấy phúc âm ghi nhận chỗ nào đâu. Những điều này trong sách Huấn Ca của Cựu Ước (tư tưởng hao hao như sách Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi... và có lẽ mỗi dân tộc đều có một vài tác phẩm tương tự) đã có dư thừa và còn phong phú hơn cả Phúc âm nữa. Lời Chúa của lễ Thánh Gia hôm nay cũng chỉ trích dẫn trong bài Tin Mừng câu chuyện về 'trẻ Giê-su vị thành niên bị thất lạc trong đền thờ Giê-ru-sa-lem', một giai thoại chẳng liên quan gì tới các nội dung luân lý giáo điều về gia đình.

Giai thoại hiếm hoi được ghi nhận trong thời gian thật dài khi trẻ Giê-su còn chung sống trong gia đình mình, giai thoại được Maria ghi vào ký ức để suy đi nhẩm lại, có vẻ gì đó tiêu cực, nếu xét theo các tiêu chí luân lý thông thường: Trẻ Giê-su đã làm phiền lòng chính cha mẹ mình. "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Như thế thì trong đời sống của Thánh Gia đâu phải mọi sự đều trôi chảy, đều êm thắm, đều lý tưởng... để có thể trở thành mẫu gương luân lý tiết hạnh của mọi thời đại. Tôi chắc rằng Thánh Gia cũng có những diễn biến cuộc sống (tạo nên những hỷ, nộ, ái, ố) giống như mọi gia đình bình thường khác thôi. Tuy nhiên Thánh Gia đã có một điều gì đó rất khác, rất phi thường: vì đó là gia đình đầu tiên đã học biết (Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói) sống những diễn biến bình thường đó trong một tinh thần Tin Mừng thực sự. Trẻ Giê-su đã đưa ra hướng giải đáp cho vấn nạn chính đáng và thông thường của đời sống gia đình: khi có những mất lòng nhau vì nhiều nguyên nhân, khách quan hay chủ quan: hãy lo 'bổn phận ở nhà của Cha'. Bổn phận ở nhà của Cha là gì nhỉ? Chẳng lẽ chỉ đơn thuần là ở lại trong đền thờ? Chỉ mình Giê-su đấng từ trời xuống mới biết; và Ngài đã mạc khải qua chính cuộc sống và cái chết của Ngài về cái bổn phận chưa ai từng biết đó. Thánh Gioan (mà lịch phụng vụ hôm nay 27/12 nói là không cử hành lễ kính) đã dần dần học biết được cái bổn phận căn bản đó. Và một khi đã học được, vì là người môn đệ được tựa đầu vào ngực Chúa, ngài đã mạnh mẽ thốt lên: "Anh em hãy thương yêu nhau vì tinh yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa...Tinh yêu cốt ở điều này... chính Người đã yêu thương chúng ta và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta... Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau" (1Ga 4, 7-16). Thánh Gia, và mọi gia đình công giáo, đều phải học bài học này. Cả Giu-se cũng phải học, cả Maria nữa. Bài học yêu thương tha thứ cho nhau vì biết rằng Thiên Chúa đã tha thứ yêu thương trước thì ai cũng phải học, đơn giản vì ai cũng có thể bực dọc hay phật lòng (cho dầu bực dọc có lý do chính đáng). Và bài học này không dễ hiểu được đâu, chưa nói đến thực hành, vì nó không dựa trên lý luận hay hợp lý, nó không công bằng chút nào. Chỗ dựa duy nhất của nó là niềm tin vào Đức Ki-tô Giê-su, vào sự điên rồ hay ngu xuẩn của Thập giá. Kể cả Giu-se và Maria cũng thấy khó khăn như thế "Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói... Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng". Như vậy Thánh Gia thật gần với đời thường, vì là nơi niềm tin tìm được cách biểu lộ cách chân thực nhất và cũng bị thách thức nhiều nhất. Chính trong các gia đình (kể cả các gia đình tu sĩ), nơi chung sống những con người bất toàn, bất hòa hay bực dọc sẽ vẫn là chuyện cơm bữa, thì tình yêu thương xót và tha thứ (phát xuất từ Thiên Chúa) sẽ có dịp cất lên tiếng nói mãnh liệt nhất.

Lạy Chúa, xin cho con hằng biết chiêm ngưỡng Thánh Gia như nơi đã học và đã cố gắng sống bổn phận vĩ đại nhất của Thiên Chúa Tình Yêu. Xin cho con không chỉ biết tôn thờ suy tôn, mà còn biết đồng hành với Thánh Gia trong tiến trình sống niềm tin. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB

GIA ĐÌNH: TRƯỜNG ĐÀO TẠO TÌNH THƯƠNG VÀ NIỀM TIN
Lc 2, 41 - 52

Đất nước chúng ta đã mở cửa cho nền kinh tế thị trường phát triển, đã gia nhập Tổ chức Thương Mại thế giới ( WTO ). Thế là bao tập đoàn doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt đi vào đầu tư, kinh doanh, hợp tác trong các ngành nghề, không chỉ trong lãnh vực kinh tế mà cả trong lãnh vực văn hóa, giáo dục... Cửa mở thì gió vào. Dĩ nhiên ai ai cũng muốn đón gió lành, khí trong sạch, thế nhưng gió độc, khí ô nhiễm dù không mong cũng lùa vào và nhiều khi nhiều hơn cả lượng gió lành, khí sạch.

"Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng". Ngạn ngữ người xưa vẫn diễn tả đúng cái hiện thực hôm nay. Các cơn gió độc, cái bầu khí ô nhiễm luôn có sức lôi cuốn con người, nhất là các thế hệ trẻ, khi chưa đủ đầy nhân cách hay bản lãnh. Một trong những hậu quả nhãn tiền, đó là nền tảng gia đình đang lung lay và có nguy cơ bị băng hoại. Không phải vì sự trịch thượng của người Đông phương thích xét nét và phê bình lối sống Âu - Mỷ, trời Tây mà ngay cả các nhà đạo đức của những quốc gia phát triển ấy cũng từng nhìn nhận và phân tích hiện tượng xuống dốc của các giá trị nền tảng xã hội, cách riêng là sự thánh thiêng và bền vững của gia đình tại đất nước họ. Bác sĩ Benjamin Spack, trong cuốn sách "Nghệ thuật làm cha mẹ", một trong những cuốn sách bán chạy nhất ( best beller ) ở nước Mỷ đã phân tích tình trạng sa sút gia đạo với các nguyên nhân như sau: ( x. Tuần báo CG và Dt số 1134 trang 20-21 )

1.Vì thích độc lập, thích sống riêng rẽ, nên các gia đình trẻ mất sự hổ trợ, mất bầu khí đùm bọc yêu thương của cha mẹ, anh chị em.

2.Cuộc sống sinh kế, nghề nghiệp thiếu ổn định khiến cho các gia đình hay thay đổi chỗ ở làm mất tình làng nghĩa xóm ( bà con xa không bằng láng giềng gần ).

3.Cũng do kế mưu sinh mà cả cha lẫn mẹ đều bôn ba chuyện cơm áo gạo tiền một cách tất bật và thế là thiếu thời giờ dành cho nhau và dành cho con cái.

4.Nạn ly hôn ngày càng phổ biến làm ảnh hưởng rất tai hại trên con cái, trên sự thánh thiêng của đời hôn nhân gia đình. Đây là một sự thật khó chối cãi.

5.Óc thượng tôn của cải, lấy vật chất làm thước đo giá trị đã làm cho con người thiếu niềm tin vào các giá trị tinh thần mà đạo hiếu là một trong những số phận hẩm hiu ấy.

Chúa Nhật tiếp ngay sau lễ Giáng Sinh, Giáo hội liền mời gọi chúng ta hướng cái nhìn vào Gia đình Thánh: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Hẳn nhiên Giáo hội ý thức tầm quan trọng của gia đình vốn được ví là tế bào của xã hội. Không gì hơn hãy nhìn vào Ba Đấng của Thánh gia để học cách củng cố gia đạo, xây dựng cái nền tảng của xã hội đúng như thánh ý Chúa tự ban đầu buổi sáng tạo, khi Người dựng nên loài người có nam có nữ và cho họ chung sống thành gia đình ( x. St 1,27-28 ).

1. Gia đình: trường huấn luyện con tim: Vì yêu thương hai trái tim chung nhịp đập tìm đến nhau và kết duyên vợ chồng. Tình yêu ấy trổ sinh hoa trái là các đứa con.

Con nằm giữa cha, con nằm giữa mẹ.
Cuộc đời nằm giữa yêu thương
. ( Tế Hanh )

Thi sĩ Tế Hanh diễn tả một hình ảnh rất thân quen mà mãi luôn chan chứa nét tình. Nhìn vào máng cỏ: một Hài nhi Giêsu bé bỏng nằm giữa mẹ cha. Tình yêu là thế đó. Các thành viên luôn sống vì nhau và cho nhau. Không hề kể công và cũng chẳng tiếc tình, đó là tình nghĩa phu thê, là tình mẹ tình cha. Có thể nói gia đình là mái trường đào luyện tình yêu thương cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Vì yêu Maria, Giuse đã không muốn làm bất cứ sự gì xấu cho người mình yêu, dù có thể làm theo luật. Trước sự kiện Maria thụ thai và khi chưa hiểu sự thể thì Giuse đã chọn con đường âm thầm rút lui và dĩ nhiên là sẽ chịu tiếng xấu cho riêng mình. Khi đã được sứ thần tỏ bày qua giấc mộng, thì Ngài đã mau mắn đón Maria và Hài Nhi trong dạ về chung sống ( x. Mt 1,18-25 ). Chính trong gia đình, chúng ta sẽ học biết rằng đã thương thì không hề tiếc, đã yêu thì không hề tính toán, so đo, đã yêu là yêu đến cùng.

2. Gia đình: trường đào tạo niềm tin: Đã yêu thì hẳn nhiên sẽ dẫn đến sự tin cậy. Tin tưởng, tín nhiệm nhau là một trong những biẻu hiện của tình yêu chân thực. Khi nhận lời sứ thần truyền tin là mang thai do bởi phép Chúa Thánh Thần, chắc chắn Maria không chỉ tin vào quyền năng của Thiên Chúa mà còn tin vào tình yêu của Giuse, người bạn đã đính hôn. Tin cậy ở Giuse, dù đã gần đến ngày mãn nguyệt khai hoa thế mà vẫn lên đường về quê Bêlem khai nhân hộ khẩu. Tin cậy ở Giuse, dù con thơ còn quá bé, thế mà phải lặn lội lánh nạn sang Ai Cập rồi sau đó lại trở về, Maria theo chân Giuse không một lời than vãn. Dù luật không buộc, thế mà Maria vẫn theo chân Giuse và con trai đủ tuổi mười hai lên Giêrusalem dự lễ hằng năm. Đức tin là hồng ân Chúa ban nhưng lại được trao ban qua nhiều cách thế. Một trong những cách thế phổ biến và hữu hiệu đó là gương sáng cũng như sự dạy bảo của mẹ cha.

Tin mừng làm chứng cho ta hay rằng nhân cách của Chúa Giêsu mang đậm dấu ấn của Maria và Giuse, những người theo lệnh truyền là phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu ( x.Mt 1,21; Lc 1,31 ). Cũng thế, sự trưởng thành trong đức tin của con trẻ cũng có sự góp phần đáng kể của hai ông bà. Sau khi tìm được con trong đền thờ, trước câu trả lời của con: Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao ?" ( Lc 2,49 ), thì dù không hiểu, hai ông bà vẫn im lặng đón nhận. Chúng ta có thể khẳng định rằng đã có sự tin cậy giữa con trẻ với hai ông bà. Khi sinh thời, đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu thường nhấn mạnh đến lòng tin như là điều kiện ắt có để có thể đón nhận Người cũng như hồng Người ban tặng.

"Ba là cây nến hồng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba cây nến lung linh." Một ca từ của nhạc sĩ Ngọc Lễ nói về sự tốt đẹp và thánh thiêng của đời gia đình đã từng được xã hội Việt Nam vinh danh trong một chương trình tất niên đón xuân mới trên truyền hình. Ba cây nến cháy lửa tình yêu. Ba cây nến thắp sáng niềm tin. Hai tiếng gia đình thật thiết thân và ấm tình. Hai tiếng gia đình cần phải ưu ái và gìn giữ. Con Thiên Chúa đã chào đời, làm người từ mái ấm gia đình. Xin Thánh Gia che chở, phù trì các gia đình để với niềm tin và tình yêu, con người mọi thời được lớn lên thành người, thành người con Chúa.

Lm. Guse Nguyễn Văn Nghĩa

GIA ĐÌNH VÀ GIÁO XỨ LÀ MÔI TRƯỜNG GIÚP CHÚNG TA NÊN THÁNH
Lc 2, 41 - 52

Thời Giáo Hội tiên khởi có những truyền thuyết về tuổi thiếu niên của Chúa Giêsu, và những việc kỳ lạ Chúa đã làm. Những chuyện đó không thuật lại như trong các phúc âm. Các thánh sử không chú trọng mấy đến những câu chuyện trước những năm Chúa Giêsu ra đi giảng đạo. Những câu chuyện ấy chắc cũng dễ thương, nhưng bốn thánh sử viết phúc âm không chú trọng đến thời thơ ấu và thiếu niên, trái lại họ chỉ chú trọng đến sứ vụ, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu mà thôi.

Thánh Luca trong phúc âm ngày hôm nay nói về chuyện lúc Chúa Giêsu 12 tuổi ở trong đền thánh. Còn những chuyện khác thường được nghe kể trong thời Giáo Hội tiên khởi về thời thiếu niên của Chúa Giêsu không có gì hấp dẫn. Đoạn phúc âm hôm nay có ý nhấn mạnh lời Chúa Giêsu nói: "Cha mẹ không biết là Con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" Đó là một việc rất quan trọng nổi bật trong câu chuyện này. Đó là biểu hiện đầu tiên chứng tỏ Chúa Giêsu biết sứ vụ của Ngài trong tương lai.

Đời sống của Chúa Giêsu chứng tỏ lý do Chúa Cha gọi Ngài xuống trần gian: Ngài "phải" thi hành sứ vụ đó. Trong phúc âm có chỗ, Chúa Giêsu nói "Tôi còn "phải" loan báo Tin Mừng" (Lc 4:43). Rồi khi Chúa Giêsu quay mặt nhìn về Thành Jerusalem, Chúa nói với các môn đệ: "Con Người "phải" chịu nhiều đau khổ... bị giết" (Lc 9:22; 17:25). Bài phúc âm hôm nay chỉ rõ bước đầu tiên Chúa Giêsu ra khỏi nơi ấm cúng với cha mẹ trong gia đình để tiến về thập giá, nơi mà Chúa "phải" thực hiện sứ vụ của Chúa Cha giao cho Ngài. Trên đường tiến về thập giá, Chúa Giêsu sẽ gặp đau khổ và thất vọng vì sự quay lưng của dân chúng, và Ngài sẽ mời gọi các môn đệ tiếp bước Ngài thi hành sứ vụ này.

Trong lúc ấy, Đức Maria, môn đệ gương mẫu của con Mẹ, và của chúng ta ghi nhớ tất cả những lời nói và sự việc xảy ra trong đời Chúa Giêsu, và kiên nhẫn chờ đợi ... "riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng".

Những bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy, mặc dù còn trong mùa Giáng Sinh, chúng ta bắt đầu dấn bước vào sứ mệnh của Chúa Giêsu, và chúng ta bắt đầu hiểu về sứ vụ của Ngài. Nhưng Ngài vẫn trở về sống với cha mẹ trong gia đình, vâng lời cha mẹ và "ngày càng khôn lớn". Chúng ta cảm thấy có hai gương giáo dục trong đời sống của Chúa Giêsu: đời sống thường ngày và tôn giáo. Thánh Luca nói "hàng năm cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đến Jerusalem mừng lễ Vượt Qua". Cha mẹ Ngài là người Do Thái đạo đức, nên giáo dục con trọng tôn giáo mình. Và nhờ dịp đó mà Chúa Giêsu ở lại Đền Thánh. Đó có phải là việc đạo đức do cha mẹ dạy cho Chúa Giêsu không?

Nhưng hôm nay không nói đến việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ. Chưa đến lúc. Hôm nay chỉ nói đến Chúa Giêsu cảm thấy sứ mệnh của mình đã đụng chạm đến gia đình. Khi Chúa Giêsu nói với cha mẹ: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" Trung thành với gia đình là một điều rất quan trọng. Gia đình ban cho chúng ta một tư cách trong cộng đoàn. Hôm nay Chúa Giêsu tuyên xưng lòng trung thành của Ngài với Cha Ngài trên trời, và vì thế Ngài phải xa cha mẹ, bà con hay cộng đoàn để ra đi rao giảng tin mừng, và lập một gia đình, một cộng đoàn mới.

Khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài, Ngài mời gọi các môn đệ hãy bỏ tất cả để theo Ngài. Những người đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, họ không những từ bỏ của cả mà còn từ bỏ cả gia đình họ nữa. Và họ sống với Chúa Giêsu thành một gia đình mới. Và bài đọc thứ nhì ngày hôm nay nói "hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa..." Chúa Giêsu và các môn đệ làm thành một gia đình mới, anh em với nhau "con của Thiên Chúa". Chúa Giêsu không đòi hỏi các môn đệ những gì khác ngoài những việc Ngài đã làm. Bắt đầu từ lúc 12 tuổi Ngài đã xa cha mẹ để lo việc Cha Ngài trên trời.

Trong phúc âm chúng ta thấy cha mẹ Chúa Giêsu "tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ vừa đặt câu hỏi. Ai nghe câu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu". Nhưng ngạc nhiên chưa đủ, nếu họ không thay đổi lối sống của họ và dấn thân theo Chúa Giêsu.

Và bây giờ cũng vậy. Dân chúng sẽ ngạc nhiên về Chúa Giêsu. Họ sẽ kính trọng đời sống hòa bình, những lời giảng dạy sâu sắc, những việc làm lớn lao, nhưng họ vẫn còn đứng xa xa nhìn. Chưa muốn bước tới một bước nữa để làm môn đệ của Chúa Giêsu: đó là một việc làm của đức tin và sẽ thay đổi mọi lối sống của họ. Anh chị em có thể khâm phục một người nào để xin chữ ký, nhưng chưa chắc phải khăn gói theo người đó. Vì thế với Chúa Giêsu cũng vậy. Khâm phục Ngài thôi là chưa đủ.

Thánh Luca tường thuật việc Chúa Giêsu ở trong Đền Thờ cũng có thể là một thí dụ về những người đi tìm Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngồi giữa các thầy dạy, nghe, đặt câu hỏi và trả lời. Ai trong chúng ta lại không có câu hỏi về đức tin? Điều này không làm chúng ta cảm thấy mình kém đức tin. Đây là dịp giúp chúng ta không nên sợ vì hay thắc mắc, hoặc hay có ý kiến. Đôi khi tôi gặp những người có được đức tin nhờ thời thơ ấu họ đã học giáo lý ở các lớp nhỏ. Vì thế, thảo luận và đặt câu hỏi về đức tin có thể giúp họ trưởng thành hơn trong đức tin, và làm họ nên anh em trong gia đình mới của Chúa Giêsu.

Chúng ta thường tìm cơ hội học thêm về nghề nghiệp để cầu tiến. Nhưng có nhiều người không nghĩ phải tìm hiểu thêm về đức tin. Họ chỉ nghĩ đến việc đi lễ ngày chủ nhật, đọc kinh trước khi ăn và kinh hàng ngày là đủ. Có phải chúng ta sợ vì chúng ta có câu hỏi về đức tin không? Có nhiều giáo xứ tổ chức lớp học kinh thánh, hay lớp giáo lý cho người lớn. Nếu chúng ta dự những lớp đó, chúng ta sẽ cảm thấy đức tin của chúng ta mạnh mẽ hơn. Đây là một dịp để các giáo lý viên giúp đở giáo dân trong những dịp đó. Nhờ đó khuyến khích các nhà sách đạo bán những sách giáo lý cho người lớn.

Bài đọc thứ nhất và bài phúc âm hôm nay chú trọng đến Đền Thờ và nói đến hai người con sinh một cách đặc biệt. Samuel và Chúa Giêsu là hai con người có sứ mệnh của Thiên Chúa. Bà Hanna đã lớn tuổi, rồi mới có con. Sau khi con bà Hanna lớn lên, thì bà dẫn con vào đền thờ để hầu hạ Chúa như bà đã hứa. Trẻ Samuel nghe tiếng Chúa gọi trong Đền Thờ, rồi sau đó trở thành một ngôn sứ, ra đi giảng lời Chúa.

Cả hai thiếu niên, Samuel và Giêsu, mặc dù đã được gọi lúc còn niên thiếu, họ vẫn còn đợi thời gian sau mới ra đi thi hành sứ vụ. Samuel làm việc trong Đền Thờ, và Giêsu ở trong gia đình ("Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadaret"). Hai bài trên chỉ rõ hai nơi giáo dục, huấn luyện: Đền Thờ và gia đình. Đó là hai nơi giúp thiếu niên "ngày càng khôn lớn", và được huấn luyện để sau phục vụ Thiên Chúa.

Lễ này có thể làm cho một ít gia đình buồn. Không phải gia đình nào cũng bình an êm lắng đâu, nhiều gia đình đã phải dành cả đời cố gắng để vượt qua những đau đớn. Nên có nhiều người nhớ lại thời thơ ấu mà sinh đau lòng. Có nhiều gia đình tuy không thánh thiện mấy, nhưng cũng có những điều tốt đẹp để hảnh diện. Nhưng đối với những người khác, trong ngày lễ Thánh Gia này; lại gợi nhớ lại những nổi đau riêng. Có nhiều gia đình vẫn còn cảnh hục hặc giữa anh chị em, cấu xé nhau vì tiền bạc, của cải, ma túy, bạo lực v.v... Trên 80% trẻ em bị ngược đải hành hạ như tù nhân. 1/3 bé gái, và 20% bé trai bị lạm dụng tình dục trong suốt thời thơ ấu. Hầu hết các kẻ bạo hành tình dục là thành viên của gia đình hoặc người thân quen trong gia đình. Đây không phải là những ý tưởng đẹp đẽ gì. Điều này như là một câu chuyện cảnh báo cho những cha giảng thuyết nên để ý đến những hoàn cảnh sống hiện nay của các gia đình.
Lm. Jude Siciliano, OP
FX Trọng Yên, OP - chuyển ngữ

GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC TUYỆT VỜI
Lc 2, 41 - 52
Nói về gia đình Thánh Gia không ai có thể so bì được bởi vì gia đình này là một gia đình đại thánh. Chúa Giêsu dù là Chúa nhưng Ngài luôn vâng phục và tôn kính Cha Mẹ của Ngài. Thánh Giuse luôn yêu thương Chúa Giêsu và tôn trọng Mẹ Maria. Còn Mẹ Maria lúc nào cũng hoàn thành trách nhiệm cao vời của một người vơ, người Mẹ trong gia đình. Gia đình Thánh gia luôn trên thuận dưới hòa, với tất cả tình thương và tôn trọng lẫn nhau.

Ngày nay, trên thế giới nhiều gia đình bị lung lay, đổ vỡ vì nền tảng gia đình bị phá hoại bằng nhiều cách. Nhiều người coi gia đình là trò chơi. Ưng thì ở mà chán thì bỏ. Do đó, câu nói: " Gia đình là nền tảng của xã hội " không được họ chấp nhận. Nên, nhiều cảnh cha mẹ ly dị làm con cái đau khổ vì chúng không được giáo dục, mất tình thương của cha mẹ. Ngược với nhiều gia đình tan nát vì sống thiếu nền tảng, thiếu đạo đức. Giáo Hội đưa ra mẫu gương Thánh Gia: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse để cho mọi gia đình noi gương bắt chước. Gia đình Thánh Gia là một gia đình hạnh phúc tuyệt vời. Bởi vì ba vị đều là đại thánh. Nơi đâu có trật tự, nơi đó có an bình hạnh phúc. Nơi đâu có Chúa hiện diện, nơi đó có tình thương và có Thiên Đàng. Gia đình Thánh Gia luôn giữ cái trật tự quí hóa của gia đình, luôn biết vai trò và địa vị của mình. Do đó, gia đình Thánh Gia là gia đình hạnh phúc. Điều tạo nên hạnh phúc nơi gia đình thánh là thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu luôn biết cầu nguyện. Chính việc cầu nguyện đã làm cho gia đình thánh luôn tỏa hương thơm ngát, qua đó, mọi người luôn nhìn thấy sự đầm ấm, yêu thương chân thành nơi gia đình thánh. Dù Gia Đình Thánh cũng có những lo toan tất bật trong gia đình, nhưng tất cả những điều đó, những việc đó đều được giải quyết một cách ổn thỏa do ba vị thánh đều sống phó thác và cầu nguyện.Phải theo dõi những biến cố xẩy ra nơi gia đình thánh, chúng ta mới cảm nghiệm sâu xa sự tin tưởng, phó thác của gia đình thánh nơi Thiên Chúa như thế nào. Việc Mẹ Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần, lúc đầu thánh Giuse chưa hiểu cũng gây biết bao phiền muộn cho Ngài, tuy nhiên, khi được thiên thần cho biết ý định của Thiên Chúa, thánh Giuse đã vâng theo và hoàn toàn tin tưởng nơi người bạn đời của mình là Maria. Việc đem Chúa Giêsu trốn qua đất Ai Cập cũng được thánh Giuse quyết định tuyệt vời và Mẹ Maria đã hạnh phúc ẵm con trong đêm cùng với thánh Giuse đi qua Ai Cập để tránh sự tàn sát của vua Hêrôđê. Rồi khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem lúc 12 tuổi, thánh Giuse và Mẹ Maria lo buồn vì lạc mất con, khi tìm được con thì thánh Giuse và Mẹ Maria chỉ biết vâng lời Thiên Chúa vì rằng Chúa Giêsu đang làm việc cho Chúa Cha. Tất cả những việc đó, tất cả những sự cố ấy như chỉ ra rằng thánh Giuse và Mẹ Maria cũng có những lo âu như mọi gia đình, tuy nhiên Maria và thánh Giuse đã luôn giải quyết những thử thách, những khó khăn dưới ánh sáng Tin Mừng. Sở dĩ, gia đình Thánh Gia luôn giữ được sự êm ấm, hiệp nhất, hòa thuận vì Gia Đình Thánh luôn có Chúa hiện diện. Chính vì thế, gia đình Thánh Gia đã sống thương yêu, đạo đức, thánh thiện. Tin Mừng hôm nay cũng cho biết:đủ ngày đầy tháng, thánh Giuse và Mẹ Maria đã đem Chúa Giêsu dâng cho Thiên Chúa trong đền thánh theo tập tục người Do Thái và cũng làm lễ tảy uế người mẹ theo thói tục đạo đức của người Do Thái. Gia đình Thánh Gia đã giữ lòng đạo đức để nêu gương cho mọi gia đình biết tôn trọng luật lệ của Chúa và Giáo Hội. Có lòng đạo đức, có thánh thiện, gia đình vợ chồng, con cái mới biết cảm thông, nhịn nhục, yêu thương, tha thứ cho nhau được và con cái mới biết hiếu thảo với Cha Mẹ được. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đã viết: " Anh em hãy có đức từ bi nhân hậu vv...".Những đức tính ấy nói lên mối giây ràng buộc trong gia đình và làm cho gia đình vững bền.

Gia đình Thánh Gia quả là mẫu gương tuyệt hảo, hoàn thiện, mẫu mực nhất để mọi gia đình noi theo, bắt chước. Bởi vì Gia Đình Thánh là một gia đình chan chứa yêu thương, một gia đình trong đó mỗi người vì mọi người, chỉ biết sống cho người khác và cho Thiên Chúa. Gia Đình Nagiarét là một gia đình như bao nhiêu gia đình khác, nhưng tình gia đình Nagiarét là một tình siêu nhiên, thánh thiện vì mọi người đều sống cho nhau, sống cho Thiên Chúa và chu toàn bổn phận vì lòng yêu mến Chúa.

Hướng về gia đình Thánh Gia, mỗi gia đình chúng con chân thành xin Chúa thứ tha, vì biết bao nhiêu lần chúng con đã không chu toàn bổn phận làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ, làm anh, làm chị trong gia đình.

Chúng con đã nhiều lần lỗi đức thương yêu trong gia đình, vì một chút nóng giận, một chút hiểu lầm, một chút nghi ngờ bóng gió đã gây nên bao sóng gió trong gia đình chúng con. Nhìn vào mẫu gương gia đình Thánh Gia, xin giúp chúng con ý thức bổn phận phải xây dựng mỗi gia đình công giáo thành một tổ ấm tràn đầy yêu thương, biết hy sinh quên mình và sống cho nhau.

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện như Douglas Mac Arthur: " Xin hãy ban cho đứa con trai ( con gái ) của con có một trái tim trong sạch, có một mục đích cao cả, biết tự chủ lấy mình trước khi muốn làm chủ người khác, biết lo lắng cho tương lai mà không bao giờ quên quá khứ ".

" Và khi Chúa đã ban cho nó tất cả những điều ấy, xin Chúa hãy ban cho nó có đủ tính khôi hài để nó có thể luôn luôn nghiêm nghị nhưng không bao giờ nghiêm nghị một cách quá đáng.

Như vậy, là cha nó, con dám tự nhủ rằng con đã không sống một cách vô ích ".

Lạy Chúa Giêsu, xin chúc phúc cho mọi gia đình chúng con và xin cho gia đình chúng con luôn biết sống mẫu gương gia đình Nagiarét của Chúa. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 GIA ĐÌNH - MÁI ẤM
Lc 2, 41 - 52

Không có nơi nào thuận tiện cho bằng gia đình, để xây dựng một tổ ấm gồm những người yêu thương nhau. Nơi gia đình, vợ chồng yêu thương nhau và sẵn sàng bỏ tất cả để chung sống với nhau, để có thể lo cho nhau một cách trọn vẹn. Con cái do cha mẹ sinh ra, cha mẹ yêu thương con cái. Con cái thảo hiếu với cha mẹ vì được sinh ra nuôi nấng yêu thương và dạy dỗ. Nếu những người trong một gia đình không yêu thương nhau, thì họ còn tìm đâu ra một môi trường thuận lợi yêu thương như vậy nữa!

Thực tế cho thấy có những cặp vợ chồng sống với nhau không vì yêu thương; có những người con không được yêu thương ngay từ trong dạ mẹ và không được sinh ra; có những người được sinh ra, nhưng không được nhìn nhận như con, và không được cha mẹ nuôi nấng yêu thương cưng chiều; có những người con được sinh ra, được nuôi nấng nhưng không được yêu thương chăm sóc nên đã bỏ nhà đi hoang. Có những người cảm thấy gia đình không còn là mái ấm nhưng lại là hỏa ngục; và như vậy, có những em bỏ nhà sống bụi đời, và cho rằng thà như vậy còn hạnh phúc hơn ở trong "hỏa ngục trần gian". Người con rất đau khổ khi thấy cha mẹ mình không yêu thương nhau: gây gỗ và dùng bạo lực với nhau.

Nếu gia đình gồm những người có tương quan máu mủ ruột thịt mà không yêu thương nhau, không tạo nổi một mái ấm nơi đó những thành viên trong gia đình cảm thấy được yêu thương săn sóc, thì làm sao xã hội gồm những người khác nhau, không có tương quan máu mủ, lại có thể yêu thương nhau cho được! Tạo một gia đình yêu thương hạnh phúc, đó là điều khó nhưng cũng vẫn khả thi. Tạo một gia đình hạnh phúc thì dễ hơn tạo một xã hội an ninh hạnh phúc; tạo một gia đình hạnh phúc thì dễ hơn tạo một thế giới hòa bình yêu thương nhau.

Nếu mình không kiếm chế mình, nếu mình để cho những đam mê và những xu hướng xấu ảnh hưởng quá mạnh trên mình, để rối ngay cả mình cũng không chấp nhận chính mình, thì làm sao người khác có thể chấp nhận mình, cho dù người đó là người thân trong gia đình? "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Để có thể có một gia đình hạnh phúc, mỗi người trong gia đình phải tập làm chủ chính mình. Tu thân, là điều mỗi người phải cố gắng hằng ngày, để vươn tới mức hoàn hảo hơn.

Mỗi thành viên trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nghĩa là, quan tâm đến nhau với những nhu cầu của nhau, đến những bận tâm của nhau. Nếu mỗi người trong gia đình, và ngay cả trong một đơn vị, biết quan tâm đến nhau, săn sóc cho nhau, hy sinh cho nhau, thì đời sống của mỗi thành viên trong đơn vị đó sẽ mỗi ngày một triển nở và hạnh phúc hơn.

Vợ diễn tả ý Thiên Chúa cho chồng; chồng diễn tả ý của Thiên Chúa cho vợ; con cái diễn tả ý của Thiên Chúa cho cha mẹ; cha mẹ diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho con cái. Có người vợ người chồng nào không muốn người bạn đời của mình triển nở hạnh phúc? Có người cha người mẹ nào không yêu thương con cái, không muốn điều tốt nhất cho con cái, không tìm cách làm điều tuyệt nhất cho con cái mình? Nếu người chồng người vợ có một tật xấu, thì người chồng người vợ người con cũng mong ước người đó bỏ thói hư tật xấu đó. Thiên Chúa cũng muốn điều đó. Ý của Thiên Chúa được diễn tả qua những người thân yêu trong gia đình.

Mỗi người hãy cố gắng diễn tả ý của Thiên Chúa cho những người trong gia đình mình. Mỗi người trong gia đình hãy cố gắng diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho những phần tử khác trong gia đình. Cha mẹ được trao trách nhiệm yêu thương chăm sóc dạy dỗ con cái nhân danh Thiên Chúa. Con cái phải vâng phục cha mẹ, vì cha mẹ đại diện Thiên Chúa yêu thương mình, muốn điều tốt lành cho mình, dạy dỗ mình trở nên những người tốt nhất theo ý Thiên Chúa.

Mỗi người trong gia đình hãy sống tốt, để trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho người khác. Đừng ảo tưởng: nếu ta không xây dựng được một gia đình hạnh phúc, thì không thể xây dựng một xã hội hạnh phúc được. Ta cũng chẳng có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc, nếu mỗi người không tự tu thân sửa mình mỗi ngày. Hãy biến gia đình thành thiên đường hạ giới. Nếu không làm gia đình mình thành một mái ấm thân thương, thì mình cũng chẳng có thể xây dựng được một cộng đoàn nào thoải mái và hạnh phúc thật sự được. Nếu ta không tu sửa chính mình mỗi ngày, thì cũng chẳng có thể sống tốt với người khác, cũng không thể xây dựng một gia đình hạnh phúc được, cũng không thể xây dựng một cộng đoàn hạnh phúc thật sự được.

LM Phạm Thanh Liêm, S.J

LỐI ĐI RIÊNG
Lc 2, 41 - 52
Trước hết, bài Tin Mừng hôm nay tường trình những sự thể như sau :
Sau khi ngày lễ chấm dứt, cha mẹ và trẻ Giêsu trên đường từ Giê-ru-sa-lem trở về nhà đã không cùng đi chung với nhau, nhưng mỗi người chọn một lối đi riêng. Và sau đó, không phải cậu con lên 12 tuổi đi tìm cha mẹ, nhưng là cha mẹ đi tìm kiếm cậu !

Câu trả lời của trẻ Giêsu trước lời trách móc của mẹ mình, xem ra bất cẩn : « Tại sao cha mẹ đi tìm con ? Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà cha của con sao ? »

Ðiều ngạc nhiên ở đây là đã không xảy ra chuyện cãi cọ giằng co giữa hai bên. Trái lại, trẻ Giêsu ngoan ngoãn « hằng vâng phục các ngài » (Lc 2,51), chứ không hề tỏ ra bất kính. Còn cha mẹ Người - hai ông bà Giuse và Maria - cũng không nhắc đi nhắc lại hay đưa ra phân tích mổ xẻ sự việc đã xảy ra.

Chắc chắn là đã có những khó khăn xảy ra. Nhưng với những khó khăn, người ta cũng vẫn có thể sống chung với nhau được, miễn là mọi thành viên trong gia đình đều biết tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Ðó chính là điều đã làm cho một gia đình đơn sơ Na-da-rét thành một thánh gia thất !

Lời đầu tiên mà các bản Tin Mừng đã tường thuật lại từ miệng trẻ Giêsu, là một lời hết sức tự tín : « Tại sao cha mẹ đi tìm con ? Cha mẹ không biết rằng con phải ở nhà cha của con sao ? » Lời nói này biểu lộ sự tự lập của trẻ Giêsu khỏi tất cả mọi ràng buộc nhân loại. Nói đúng hơn, vì sứ mệnh Thiên Sai của mình, Ðức Giêsu không ràng buộc gắn bó với cha mẹ mình như là điều tiên quyết, nhưng là với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha của Người và sứ mệnh của Người là chu toàn mọi ý định của Thiên Chúa.

Cuộc đời Ðức Giêsu được gắn liền với chữ « phải », và chữ « phải » đó định đoạt cuộc sống và mọi hoạt động của Người. Thí dụ :

Người phải ở nhà Cha của Người;
« Thầy cũng phải loan báo tin Mừng của Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa » (Lc 4,43);
« Con Người phải chịu nhiều đau khổ » (Lc 9,22);
« Phải chăng Ðấng Messia không phải chịu tất cả những điều đó, để đạt tới được sự vinh quang của Người » (Lc 24,26); v.v...

Chữ « phải » đó được đặt nền tảng trên thánh ý Thiên Chúa, mà Ðức Giêsu cảm thấy có bổn phận phải chu toàn. Ðối với Ðức Giêsu, không có gì quan trọng hơn thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, việc chu toàn thánh ý Thiên Chúa chính là lối đi riêng của Người, và không có bất cứ lý do ngoại tại nào có thể ngăn cản hay làm lạc hướng được !

Trong cuộc hành hương về giáo đô Giê-ru-sa-lem, Ðức Giêsu phải ở nhà Cha Người. Người phải ở nơi mà Danh Thiên Chúa được tôn kính và Lời của Thiên Chúa được công bố. Trong cuộc hành hương của mình, Ðức Giêsu đã tìm kiếm và đã gặp được Thiên Chúa, Cha của Người.

Qua thái độ rõ ràng và dứt khoát của mình đối với Thiên Chúa, trẻ mười hai tuổi Giêsu đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ và tự xấu hổ. Tại sao chúng ta lại không định hướng đời chúng ta về cùng Thiên Chúa một cách hoàn toàn và trọn vẹn như Người ?

Ðức Giêsu đã tìm được lối đi riêng cho mình và qua đó Người cũng đã tìm gặp được ý nghĩa đích thực của đời mình, đó là khi Người hoàn toàn sống một cuộc sống vì Thiên Chúa và cho Thiên Chúa.

Ðối với chúng ta cũng thế, chúng ta không còn có sự lựa chọn nào khác, khi đi tìm kiếm cho mình một lối đi riêng. Vì thế, Thiên Chúa phải luôn luôn là đề tài và nội dung của cuộc sống chúng ta !

Ðiều « phải » của cuộc sống chúng ta hệ tại việc chúng ta phải tự lập và trưởng thành. Thiên Chúa muốn mỗi người trong chúng ta là một nhân vị cá biệt, độc lập và bất tráo đổi. Người đã trao ban cho mỗi người trong chúng ta những ơn huệ và những bổn phận riêng biệt.

Ðứa trẻ có bổn phận phải lớn lên và trưởng thành cả hai mặt : tâm-sinh lý. Các bậc cha mẹ có bổn phận phải là những nhà giáo dục tốt, để giúp đỡ con cái trong suốt tiến trình trở thành tự lập của chúng.

Người thanh niên có bổn phận phải học hỏi và phải tập tự nắm lấy định mệnh của mình, nghĩa là : Có tư duy riêng, có những quyết định và lựa chọn riêng với đầy đủ ý thức trách nhiệm; nói tắt, có cuộc sống tự lập. Vì thế, người thanh niên sẽ thiếu sót bổn phận của mình cách trầm trọng và qua đó sẽ làm mất định hướng cho cuộc đời mình, nếu chỉ bán bíu và lệ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Tiến trình tự nhiên và bình thường của cuộc sống con người là « sinh ra, lớn lên, trưởng thành và sống đời tự lập ! » Ngoài tiến trình đó ra là không bình thường, là thiếu sót, là lệch lạc !

Do đó, người thanh niên sẽ bỏ lỡ đời mình, nếu anh chỉ biết làm theo điều người khác làm; nếu anh chỉ nhắm mắt chạy theo người khác từng bước trên đường đời.

Mỗi người chỉ tìm gặp được con đường riêng của mình, nếu người đó biết khám phá ra được các ân huệ mà Thiên Chúa đã ban riêng cho mình để mang lại hạnh phúc và sự cứu rỗi cho mọi người.

Một điều vô cùng quan trọng và có tính cách quyết định là việc ý thức được rằng chúng ta có bổn phận phải chu toàn thánh ý Thiên Chúa trên hết mọi sự, trên tất cả mọi mệnh lệnh, mọi chương trình và ý muốn nhân loại.

Nhưng ai tìm cách bước đi trên con đường đời của mình một cách đầy đủ ý thức và nghiêm chỉnh như thế, thường sẽ phải đối mặt với những va chạm và đụng độ : với môi trường sống, với những người hữu trách và cả với chính mình nữa. Tuy nhiên, trong cuộc sống mọi sự được đan kết và gắn bó chặt chẽ với nhau, chứ không hoàn toàn sòng phẳng rõ ràng, để có thể nói được rằng đây là con đường duy nhất khả dĩ đối với tôi, ngoài ra không có con đường nào khác nữa. Nhưng điều đó cũng không phủ nhận là trong suốt dòng thời gian, người ta thường cảm nhận được rằng Thiên Chúa đã tiền định cho mỗi người một điều hoàn toàn riêng biệt. Ðiều quan trọng là mỗi ngày và trong mỗi hoàn cảnh phải luôn luôn biết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Ðó chính là điều kiện để vượt thắng được những thử thách trên bước đường đời và để đạt tới được mục đích. Và qua gương sống của mình, trẻ mười hai tuổi Giêsu sẽ đỡ nâng và truyền sức mạnh cho chúng ta để có thể hiên thực được điều đó. Amen

LM Nguyễn Hữu Thy

ĐIỀU RĂN THỨ I VÀ IV: TUY HAI MÀ MỘT
Lc 2, 41 - 52
Theo thánh sử Luca, thời thơ ấu của Chúa Giêsu có cả thảy hai chuyến hành trình lên Giêrusalem. Lần thứ nhất khi Chúa được 40 ngày tuổi và lần này lúc Chúa được 12 tuổi như là thời điểm đánh dấu việc kết thúc giai đoạn tuổi thơ của Chúa. Chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của bài tin mừng mà giáo hội muốn gửi đến trong ngày lễ Thánh Gia Thất.

Theo luật Dothái giáo, mọi nam nhân khi đến tuổi trưởng thành theo luật định, phải hành hương về Giêrusalem mỗi năm ba lần. Đó là vào những dịp như đại lễ Vượt qua, lễ Ngũ tuần và lễ Lều (x. Xh 23, 14-17; 34, 22-23; Đnl 16,16). Như thế, gia đình Thánh Gia Thất luôn luôn trung thành tuân giữ lề luật này.

Chúng ta biết là những cư dân sống xa Giêrusalem, khi muốn về dự lễ, thường họ tổ chức thành từng đoàn để việc hành hương được diễn ra thuận tiện. Trong việc tổ chức đó, thường họ quy định đi sao thì đi nhưng khi đến một địa điểm nào đó đã ấn định thì sẽ dừng lại để nghỉ ngơi. Chính vì thế chúng ta mới thấy việc cha mẹ Chúa Giêsu khi đến nơi đã ấn định, các ngài tìm trong đoàn hành hương không thấy Chúa, nên đã vội vã chạy về Giêrusalem kiếm tìm.

Sau ba ngày tìm kiếm- một con số không chỉ mang tính tượng trưng mà còn là một sự tiên báo về thời gian Chúa chịu chết và sống lại sau này- cha mẹ mới tìm ra Người. Tuy nhiên, phần nào đó chúng ta cũng thấy được vào những dịp đại lễ, hầu hết mọi người đều dồn về Giêrusalem dự lễ nên việc tìm một cậu bé 12 tuổi không phải là việc dễ.

Khi tìm ra Chúa Giêsu, hai ông bà thấy rằng hoá ra người con mà hai ông bà lặn lội, lo lắng tìm kiếm ròng rã mấy ngày trời không phải tụ tập với chúng bạn để phá phách, để nghịch gợm, nhưng là đang ngồi giữa các Rabbi để nghe giảng dạy. Trả lời cho lời mắng nhẹ nhàng của Mẹ, câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu hướng về Cha của Người. Câu trả lời của Chúa Giêsu sự thực là một lời nhằm giải thích cho điều răn đã lưu truyền từ lâu trong lịch sử dân Dothái dưới thời Môsê. Nếu Mẹ Maria dựa vào điều răn thứ tư -thảo kính cha mẹ, để mắng nhẹ người con yêu dấu của mình, thì câu trả lời của Chúa Giêsu lại ngầm ý bao hàm không chỉ tôn thờ Thiên Chúa mà cả thảo kính cha mẹ nữa. Thật vậy, "bổn phận trong nhà Cha" mà Chúa Giêsu nói đến trước hết đó chính là việc tôn thờ Thiên Chúa là Cha -điều răn thứ nhất; kế đến, đó còn là việc chỉ đến người cha mà Chúa Giêsu là người con có bổn phận thảo kính mến yêu -điều răn thứ tư. Như thế, đối với Chúa Giêsu, điều răn thứ tư cũng đồng thời là điều răn thứ nhất mà lề luật truyền dạy phải kính yêu Thiên Chúa như Cha. Sở dĩ cha mẹ Chúa Giêsu không hiểu được điều này là vì chính Chúa Giêsu đã xem việc thảo kính cha mẹ (điều răn thứ tư) với việc tôn thờ Thiên Chúa (điều răn thứ nhất) "tuy hai mà một". Thật thế, chúng ta không thể nói đến việc tôn thờ Thiên Chúa, đến việc chu toàn luật Thiên Chúa mà lại lơ là bổn phận thảo kính cha mẹ hoặc ngược lại. Cả hai đều đan quyện vào nhau làm nên một mối dây liên kết không thể tách rời cả trong việc tôn thờ Thiên Chúa lẫn việc thảo kính cha mẹ.

Chúa Giêsu trải qua thời gian sống nơi trần thế dưới sự dạy dỗ và hướng dẫn của thánh Cả Giuse và Mẹ Maria như để tham dự tất cả vào tiến trình ơn gọi làm người; nhờ đó Ngài mới thánh hóa tất cả những gì là thực tại của con người nhằm cứu độ con người. Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy trong đời sống gia đình, nhiệm vụ thiết yếu của mỗi người không chỉ nhằm vào việc bổn phận của con cái là yêu thương, chăm sóc, vâng lời cha mẹ và bổn phận của cha mẹ là hướng dẫn, dạy dỗ con cái nên người,... mà đó còn là việc tất cả mọi thành phần trong gia đình đều phải quy hướng về Thiên Chúa để thực thi thánh ý Người. Đây là điều rất quan trọng. Vì nếu sống trong thánh ý Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng chấp nhận những gì đi ngược lại với những gì thuộc bản tính con người, nhiều khi đó là những đau khổ của chính mình hay của những người thân thuộc.

Mừng lễ Thánh Gia Thất, chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta chiêm ngưỡng mầu gương gia đình Thánh trong đó Thánh Cả Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu là những mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo; đồng thời chúng ta cũng tri ân Chúa đã ân ban cho chúng ta có được những người cha người mẹ dấu yêu, suốt một đời lam lũ hy sinh nuôi dạy con cái nên người. Xin Chúa qua lời bầu cử của Thánh Gia Thất, thương ban cho các bậc làm cha làm mẹ cũng như mọi gia đình trên thế giới này biết yêu thương nhau, cùng nhau mưu cầu thiện ích cho nhau ngõ hầu xã hội nhờ đó trở nên thánh thiện, công bình và bác ái hơn.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
Lc 2, 41 - 52
Trước đây, có nhiều người tưởng lầm rằng : nói đến ơn kêu gọi nên thánh là nói đến giới tu hành, còn đời sống hôn nhân và gia đình chẳng qua chỉ là một lối đi tầm thường. Không phải như vậy, ngày nay không ai quan niệm như thế nữa. Đời sống hôn nhân và gia đình thì thông thường chứ không tầm thường. Hơn nữa, phải nói là nó rất cao quý, đáng cho loài người cúi đầu cảm phục và biết ơn. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã nói rõ : "Ơn gọi nên thánh là ơn gọi chung của mọi Ki-tô hữu và hôn nhân là phương tiện để con người triển nở và đáp lại lời mời gọi nên thánh. Lấy nhau là để giúp nhau trưởng thành trong tình yêu Chúa. Lấy nhau là để cùng nhau và nhờ nhau mà nên thánh. Nhiệm vụ trần thế quan trọng nhất của mỗi người giáo dân chính là thánh hóa gia đình mình". Lễ Thánh Gia là một dịp tốt để chúng ta nhìn lại mẫu gương cao quý và hoàn hảo của Thánh Gia, đồng thời suy nghĩ và kiểm điểm lại gia đình của chúng ta.

Thiên Chúa làm người cứu chuộc nhân loại đã chọn gia đình làm nơi sinh trưởng. Chúa Cứu Thế là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, thuộc gia đình lao động ở Na-da-rét. Ngài đã sống âm thầm trong gia đình và vâng phục cha mẹ trong 30 năm. Như thế, để mở đầu công cuộc cứu chuộc, Thiên Chúa đã ban cho thế gian một mẫu gương gia đình cao quý và hoàn hảo nhất do Thiên Chúa thiết lập. Người ta có thể tìm thấy nơi gia đình tuyệt vời này một tấm gương trọn hảo cho các gia đình. Đó là gia đình Na-da-rét, nơi mà Chúa Cứu Thế đã sống ẩn dật với Mẹ đồng trinh Maria và cha nuôi thánh đức Giuse. Các Ngài đã chu toàn trách vụ làm cha mẹ đối với Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu cũng hết lòng hiếu thảo đối với các ngài.

Gia đình thánh này đã trở thành gương mẫu về mọi nhân đức cho các gia đình. Tất cả mọi nhân đức, mọi đức tính người ta đều thấy có nơi gia đình thánh này, như tương thân tương ái, lễ giáo thánh thiện, hiếu thảo trọn vẹn. Các người cha chắc chắn tìm học được nơi thánh Giuse một mẫu mực khôn ngoan, quán xuyến và tiên liệu trong chức vụ làm cha và gia trưởng của gia đình. Các bà mẹ tìm thấy nơi Mẹ Maria một tấm gương chói sáng về tình yêu, đức nết na, đức tin trọn hảo, hết lòng tùng phục và khiêm tốn. Những người con học được với Chúa Giêsu đức vâng lời, lòng tôn kính, biết ơn và bắt chước cha mẹ trong việc mến Chúa yêu người. Những người quý phái hãy học với gia đình hoàng tộc này về đức tiết kiệm, phong độ và danh giá trong mọi cơn thử thách. Những người giàu có hãy học cùng gia đình này tìm kiếm nước trời trước, mộ mến các nhân đức hơn là của cải trần gian. Những người lao động nghèo khó hãy vui mừng và hãnh diện vì những vất vả nghèo hèn của mình đã được Thánh Gia chia sẻ; những lo âu về cuộc sống hằng ngày đã được Thánh Gia hiểu biết và thông cảm. Thánh Giuse đã phải lao lực mới kiếm đủ cơm bánh nuôi vợ con. Những bàn tay của Chúa Giêsu đã phải cực nhọc với những dụng cụ thợ mộc. Những trằn trọc, thao thức, lo âu hòa trong mồ hôi của Mẹ Maria để dọn những tấm bánh ngon, những manh áo lành cho chồng con. Tóm lại, người ta không thể tìm đâu được gương mẫu gia đình hoàn hảo cho các gia đình bằng Thánh Gia. Hoặc như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói : "Thánh Gia Na-da-rét là trường dạy cho người chồng, người vợ, người cha, người mẹ và con cái biết sống đúng địa vị, chức năng và nhiệm vụ của mình trong gia đình".

Nhìn về chúng ta, chắc chắn ai trong chúng ta cũng mong muốn có được một gia đình hạnh phúc, trong đó vợ chồng, cha mẹ, con cái vui sống đầm ấm, yêu thương chan hòa. Những mẫu gia đình như thế giống như trái chín treo trên cành cao, muốn hái được chúng ta cần phải không ngừng vươn lên. Nói rõ hơn, muốn có được một gia đình êm ấm và vững chắc, mọi người trong gia đình phải dùng trí óc, con tim và đôi tay để cùng nhau xây dựng, nhất là phải biết tôn trọng nhau và thánh hóa lẫn nhau, đồng thời biết hy sinh cho nhau. người ta thường nói : "Muốn cho đàn gà tranh nhau, hãy rải thóc cho chúng ăn. Còn muốn cho hai người đoàn kết với nhau, hãy bắt họ kéo chung một khúc gỗ". Một gia đình mà mọi người càng cộng tác với nhau thì càng thương nhau. Cũng như người cha, người mẹ nào càng cực khổ vì con, càng yêu con hơn thì con cái cũng thương cha mẹ nhiều hơn. Cũng thế, đôi vợ chồng nào càng hy sinh cho nhau lại càng yêu nhau đậm đà.

Trái lại, nếu trong gia đình thiếu sự cởi mở, cảm thông, tương trợ lẫn nhau, thì bầu khí gia đình trở nên tẻ nhạt, nặng nề, căng thẳng, mỗi người trở nên ít nói, thích sống riêng tư, khiến gia đình thành một nơi buồn chán, xa lạ, trong khi ở những môi trường khác, họ lại hoạt động vui vẻ và tích cực hơn. Không thể kéo dài tình trạng gia đình mãi như vậy. Mỗi người trong gia đình phải góp một phần làm thay đổi bầu không khí đó. Cha mẹ chịu khó lắng nghe con cái một chút và cảm thông với những khó khăn và suy tư của chúng. Con cái cũng chịu khó nhìn về thế hệ trước để dung hòa với cha mẹ. Anh chị em hãy thân nhau hơn, thương nhau hơn, để cùng dẫn dắt nhau, đỡ trách nhiệm cho cha mẹ. Muốn thế, đòi hỏi mỗi người trong gia đình một sự nhẫn nại, chịu khó hiểu nhau và hy sinh cho nhau. Yêu nhau tất nhiên phải chịu khổ vì nhau, và ngược lại, càng hy sinh chịu khổ gánh vác cho nhau, tình thương lại càng thắm thiết sâu xa hơn.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

MỘT GIA ĐÌNH GƯƠNG MẪU TUYỆT VỜI
Lc 2, 41 - 52
Chúa Giêsu đã chọn một gia đình để sinh ra. Bởi vì Ngài muốn cảm thông với kiếp người, với thân phận làm người. Ngài có thể từ trời xuống hoặc giáng trần như một vị tiên, nhưng Chúa Giêsu đã không làm như thế, Ngài đã như mọi người, có một gia đình và sinh ra theo cách thông thường của con người. Gia đình của Chúa Giêsu là gia đình Nagiarét trong đó Mẹ Maria và thánh cả Giêsu đã giữ một vai trò rất đặc biệt: dưỡng nuôi và làm cho Chúa lớn lên trong bầu khí ấm cúng của gia đình.

Gia đình Nagiarét trong đó Mẹ Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu đã sống hạnh phúc và tuyệt đối thánh thiện. Gia đình Thánh Gia luôn sống trên thuận dưới hòa. Đâu có hòa thuận, trật tự đấy có hòa bình và an vui. Gia đình Thánh Gia luôn luôn có Chúa hiện diện, nơi đâu có Chúa nơi đó có thuận hòa, có Thiên Đàng, có sự thánh thiện, đạo đức. Xét theo tự nhiên, thánh Giuse là gia trưởng, là người lớn nhất trong gia đình, rồi đến Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, Chúa Giêsu lại là người lớn nhất vì Người là Thiên Chúa, rồi đến Đức Mẹ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, thánh cả Giuse giữ vai trò thứ ba trong gia đình thánh. Tuy nhiên, cả ba Đấng luôn sống trong phạm vi vai trò Thiên Chúa định liệu. Do đó, cả ba Đấng đều sống rất hạnh phúc với cương vị của mình. Ađam và Evà đã làm cho đời sống gia đình bị tàn lụi, tan rã và mất hạnh phúc. Chúa Giêsu đã đến nâng cao đời sống gia đình và làm cho gia đình có một ý nghĩa đặc biệt. Từ lúc sinh ra, cho tới khi lên đường rao giảng nước trời. Chúa Giêsu đã sống hết mình vì gia đình. Học nghề thợ mộc nơi thánh Giuse, Chúa Giêsu đã cần cù lao động để giúp đỡ cha mẹ và thăng hoa cuộc sống gia đình. Đời sống của gia đình Thánh Gia tràn đầy nhân đức. Ba Đấng đã sống hoàn toàn cho Chúa và cho nhau. Các Ngài luôn làm theo thánh ý Thiên Chúa Cha. Nếu xét về mặt tự nhiên, Chúa Giêsu là Đấng dựng nên thánh Giuse và Đức Mẹ, Ngài có toàn quyền, nhưng Ngằi đã thực hiện đúng điều Thiên Chúa Cha muốn:" Hãy thảo kính Cha Mẹ ". Chúa Giêsu luôn yêu, kính Cha Mẹ của Ngài. Do đó, khi lên 12 tuổi thánh Giuse và Mẹ Maria lên Giêrusalem cùng với Chúa Giêsu để ăn lễ Vượt Qua theo tục lệ của người Do Thái. Khi trở về, giữa đàng, hai Đấng đã không thấy Chúa Giêsu, các Ngài tưởng rằng Chúa Giêsu đi với những người họ hàng và những người thân quen. Nhưng, đúng không phải như hai đấng nghĩ. Chúa Giêsu đã ở lại đền thờ để trao đổi với những nhà thông thái, những tiến sĩ luật về những việc có liên quan đến đạo giáo.Hai Đấng đã trở lại Giêrusalem để tìm Chúa Giêsu. Sau ba ngày đàng, thánh Giuse và Mẹ Maria mới tìm gặp Chúa Giêsu trong đền thánh. Mẹ Maria và thánh Giuse quả thực đã rất lo lắng vì Chúa Giêsu con yêu quí của ông bà đã lạc và đã được tìm thấy. Nỗi buồn, nỗi lo âu muốn trách móc của hai Cha Mẹ đã biến thành sự sống siêu nhiên: ". Cha Mẹ không biết con còn có bổn phận ở nhà của Cha con sao ? Mẹ Maria và thánh Giuse đã từ từ nhận ra điều cao sâu, bí nhiệm đó. Sau đó, Tin Mừng Luca viết tiếp:" Người đi xuống cùng với Cha Mẹ, trở về Nagiarét và ở đó, Chúa Giêsu hằng vâng phục hai ông bà ". Rõ ràng, Chúa Giêsu đã sống hết mình với giới răn thứ tư là thảo kính cha mẹ. Vâng, Luca đã cho thấy một cách rõ nét và nổi bật giữa hai tình yêu của Chúa Giêsu: "tình yêu đối với Thiên Chúa Cha và tình yêu đối cha mẹ trần thế của Ngài ".

Nhìn vào hang đá máng cỏ, chúng ta có cảm nghiệm sâu xa, cả ba Đấng: Giêsu, Maria và Giuse đều im lặng. Cái im lặng nhiệm mầu và linh thiêng. Một sự im lặng thánh mà chỉ trong sự chiêm niệm thẩm sâu, Chúng ta mới nhận ra mẫu gương tuyệt vời của gia đình Thánh Gia. Một gia đình luôn sống trong sự tôn trọng, hòa hợp và yêu thương lẫn nhau. Gia đình này là mẫu gương cho mọi gia đình ở trần thế như lời Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã nói trong một bài giảng ở Valencia:" Con cái có quyền có được một gia đình như Thánh Gia. Gia đình là nơi lý tưởng để mỗi người học cho đi và đón nhận tình yêu". Thánh Gia là nơi lý tưởng nẩy sinh mọi gia đình Kitô hữu. Chúa Giêsu luôn tôn kính, mến yêu và thảo hiếu với cha mẹ như Ngài tôn kính Thiên chúa Cha và tỏ tình con thảo đối với Cha của Ngài. Mẹ Maria luôn sống đúng vai trò người Mẹ đạo đức, thánh thiện, lắng nghe và thực thi lời Chúa. Thánh cả Giuse luôn nắm vai trò nồng cốt, cột trụ trong gia đình nhưng lúc nào Người cũng kính trọng Chúa Giêsu và yêu mến Đức Mẹ. Dưới lăng kính tự nhiên, gia đình Thánh Gia nghèo thật, nhưng trước mặt Thiên Chúa, gia đình Thánh Gia lại giầu có hơn mọi gia đình trần thế. Gia đình của Thánh Gia có đầy mọi nhân đức như yêu thương, bác ái; đạo đức, phó thác, cần cù lao động và nhiều nhân đức tuyệt vời khác. Do đó, gia đình Thánh Gia quả là cái nôi tỏa sáng để mọi gia đình Kitô hữu noi gương bắt chước.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết trong số 18 của THVGĐ :" Gia đình được thiết lập do tình yêu thương và được sinh động cũng do tình yêu thương, là một cộng đồng các Ngôi vị, đôi bạn là nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của nó là trung thành sống thực tại, của sự hiệp thông trong một cố gắng bền bỉ, nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các Ngôi vị. ".

Gia đình Thánh Gia là một gia đình đầy ắp tình yêu thương. Mỗi gia đình công giáo chúng ta cũng được kêu mời sống tình yêu của Chúa và biểu lộ tình yêu của Chúa cho mọi người.

Lạy chúa Giêsu, xin cho mọi gia đình Kitô hữu chúng con luôn noi gương bắt chước gia đình Thánh Gia mà sống yêu thương, hiệp nhất và bác ái.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

GIA ĐÌNH THIÊN CHÚA
Lc 2, 41 - 52
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhằm tuyên dương đời sống Gia Đình Thánh. Thật vậy, ngay từ bài đọc I, trích sách Samuel (1 Sam.1,20-28) nói lên sự thánh thiện của hai ông bà Anna và Elquanna. Tuy ông bà đã già không có con, bà Anna đã cầu nguyện trong nước mắt, nài xin Thiên Chúa cất sự tủi hổ cho bà. Thế nhưng khi Chúa cho một mụn con, ông bà đã không giữ lấy cho mình mà sẵn sàng tiến dâng cho Thiên Chúa. Đến bài Tin Mừng, thánh Luca diễn tả Đức Maria và Thánh Giuse luôn luôn dạy con trẻ Giêsu những lề luật Thiên Chúa, tuân giữ cặn kẽ và làm nhiều hơn luật buộc : Dâng con - đem con đi lễ đền thờ....(Lc.2,41-52) và thánh Gioan trong bài đọc II đã nhắc nhở các Kitô hữu hãy ý thức mình đang sống trong gia đình Giáo Hội, có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em, nên hãy thực hiện giới luật yêu thương (1 Ga,3,21-24)

Chúa Giêsu con Thiên Chúa làm người, chỉ sống vỏn vẹn có ba mươi ba năm trần thế, nhưng lại chọn ba mươi năm để sống trong một mái gia đình. Có cha là thánh Giuse có mẹ là Đức Maria và có bà con thân thuộc là Gioan, Giacôbê....đồng thời phải lao động vất vả hàng ngày với nghề thợ mộc. Đời sống gia đình đã chiếm 9/10 cuộc đời của Chúa. Người làm thế để đề cao mái ấm gia đình, để thánh hóa gia đình và cho chúng ta thấy giá trị của việc lao động. Người không chọn sinh ra trong một gia đình giầu có nhưng chọn gia đình nghèo, để biến công việc tay chân thành hiến lễ dâng lên Thiên Chúa, kết hợp với đời mình thành của lễ hy tế.

Gia đình là trường dạy người Kitô hữu trở thành những thợ gặt lành nghề cho Hội Thánh, trở thành những công dân tốt cho xã hội. Như gia đình Thánh Gia đã đào tạo nên một Đấng Messia chuẩn bị cho công cuộc cứu chuộc. Gia đình Nazareth là chuẩn mực cho mọi gia đình. Thánh Giuse sáng ngời về đức tin mạnh mẽ và niềm trông cậy. Ngài tận tình yêu thương chăm sóc Chúa Giêsu và Mẹ Người. Ngài xứng đáng là một gia trưởng hoàn hảo đã hoàn thành sứ mạng cách xuất sắc. Đức Maria, gương mẫu cho các bà mẹ, nêu cao tinh thần phó thác - chìm đắm trong cầu nguyện trước mọi biến cố xẩy ra cho Mẹ cũng như cho Chúa Giêsu - chu toàn nhiệm vụ của người mẹ, của người nội trợ. Tám chữ vàng mà người đời vẫn thường đề cao và trao tặng những người phụ nữ Việt Nam anh hùng thì nơi Mẹ trổi vượt trên tất cả. Còn Chúa Giêsu không chê vào đâu được trong vai trò làm con trong gia đình Nazareth và con Thiên Chúa " Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng".(Mc.1,11)

Mái ấm Nazareth là mái ấm tình thương, chan hòa bầu khí yêu thương, đạo hạnh và hạnh phúc. Gia đình Nazareth giống như gia đình chúng ta cũng phải lao động, cũng phải thi hành nghĩa vụ tôn giáo và xã hội, cũng có những sóng gió như bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe kể về việc lạc mất con. Thế nhưng gia đình này vẫn đầy ắp yêu thương, vẫn đong đầy hạnh phúc vì luôn chấp nhận thánh ý Chúa và thực thi trong tin yêu, phó thác. Gia đình Kitô hữu chúng ta muốn có hạnh phúc thì mỗi người hãy sống đúng cương vị của mình : làm chồng làm cha, làm vợ làm mẹ, làm con như lời khuyên của Thánh Phaolộ tông đồ dân ngoại " Hỡi các người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đùng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa" ( Cl.3,18-20)

Lạy Chúa, xin cho gia đình nhân loại biết noi gương gia đình Nazareth, để các bậc cha mẹ tìm được niềm vui và sự nhẫn nại trong việc giáo dục con cái. Cho họ luôn ý thức trách nhiệm phải xây dựng gia đình trên nền tảng tình thương và trung thành phụng sự Chúa. Nhờ đó mọi gia đình thực sự là cái nôi thánh thiện của Giáo Hội, và giúp cho con người được hưởng hạnh phúc, ấm no, thịnh vượng và an bình.

Sr Mai An Linh OP

LỄ THÁNH GIA THẤT
Lc 2, 41 - 52

Gia đình là nền tảng xã hội. Gia đình bền vững thì xã hội mới vững bền. Tuy nhiên chúng ta đang sống trong một thời đại mà cơ chế gia đình đang bị lung lay. Một MC của một chương trình văn nghệ thời danh đã đọc một bức thư của một khán thính giả về dấu hiệu sự phản bội của người chồng và người phụ nữ đó kết luận : khi cầm giấy ly dị trên tay là như thấy thiên đàng.

Theo một thống kê đứng đắn thì tỉ số li dị của những người giữ đạo đàng hoàng là 1.7 phần nghìn. Cha Peyton một linh mục thời danh đã nói rõ : family prays, family stays : có nghĩa là khi có đời sống cầu nguyện thì gia đình sẽ vững bền.

Hôn nhân là một bí tích có nghĩa Chúa ban ơn đặc biệt cho vợ chồng để họ có thể yêu nhau và trung thành với nhau. Được bao nhiêu cặp vợ chồng khi có nguy hiểm li dị đã cầu nguyện để xin ơn trợ giúp hay là họ đã để cho tự ái và cơn nóng giận nhất thời lôi kéo đến những chuyện mà cả hai người không muốn xảy ra. Những thiếu niên phạm pháp hay có vấn đề đều do những gia đình cha mẹ không thương yêu nhau hay là đồng sàng dị mộng hay là giả vờ đóng kịch làm cha làm mẹ.

Nhìn vào gia đình Nazareth chúng ta thấy có những nhân đức về đời sống gia đình mà vợ chồng cần học hỏi. Trước hết theo Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khi ngài viếng Nazareth đó là bài học của sự im lặng. Nói cụ thể hơn là sự bớt lời, kìm hãm những lời nói thô bỉ xúc phạm đến nhau : Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa không đời nào khê. Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Im lặng còn có nghĩa chỉ nói những lời an bình yêu thương mang lại hạnh phúc. Có nhà tâm lý Việt nam kia cho rằng có ít là ba câu nói trong gia đình mang lại hạnh phúc nhưng người Việt nam ít nói nhất đó là câu nói : cám ơn, xin lỗi và khen tặng. Hình như người chồng cho rằng vợ phục vụ mình là bổn phận không cần phải cám ơn. Họ đâu có biết câu cám ơn đầu ngày hay khi nhận được sự phục vụ hay giúp đỡ là ánh sáng và niềm vui cho người phối ngẫu trong cả ngày sống. Có những người chồng hay cha còn quan niệm mình không bao giờ phải xin lỗi ai và vợ con phải xin lỗi mình. Và được bao nhiêu người cha Việt nam khi thấy con và vợ làm được cái gì mà biết khen tặng thực sự hay họ đã đổi họ thành họ Chê của người chàm ? hay người Tây Ban Nha?

Im lặng còn có nghĩa trong mọi trường hợp phải dẹp bỏ những tình cảm lố lăng trong tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa và tuân thủ. Yêu nhau có nghĩa là cảm thông có cùng ý nghĩ và cùng tần số yêu thương ? Yêu nhau còn có nghĩa là cùng nhìn về một hướng chính là Thiên Chúa là hạnh phúc của con cái. Thánh Giuse và Mẹ Maria làm mọi chuyện cho Chúa Giêsu. Vợ chồng cũng phải làm mọi việc cho Thiên Chúa và con cái là món quà Chúa ban.

Hiện nay nhiều vợ chồng công giáo còn cho con cái là cái nợ đời nên yêu con mà hình như là yêu mình và chỉ muốn con làm theo ý kiến độc đoán của mình không cần biết con có hạnh phúc hay không. Họ yêu con vì họ chứ không phải vì con cái. Và những người con cái chỉ cần bắt chước Chúa Giêsu : và người vâng lời các Đấng ấy là đủ vì cá không ăn muối cá ươn con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư. Con hư vì con không muốn tuân thủ những giáo huấn của cha mẹ. Có thể con cái học cao có bằng cấp hơn cha mẹ, nhưng Chúa cho cha mẹ kinh nghiệm và ơn sủng cần thiết cho việc giáo dục con. Cha mẹ đừng mặc cảm không dám dậy con mà hãy can đảm nhận lãnh trách nhiệm Thiên Chúa đã ban. Và con cái đừng quên rằng bằng cấp không mang lại sự khôn ngoan trong cuộc đời mà chính là cuộc sống và kinh nghiệm. Cái học thực tế là cái học tạo nên con người và cuộc sống có ý nghĩa đích thực chứ không phải mớ kiến thức chuyên môn để kiếm tiền qua ngày.

Hãy cầu nguyện và im lặng gia đình sẽ hạnh phúc. Và yêu thương nhau giữa vợ chồng con cái chính là chìa khoá của việc giáo dục. Khi con cái vợ chồng biết rõ vợ chồng con cái yêu thương nhau thì sự an toàn sẽ làm cho mọi người thăng tiến và hạnh phúc trong gia đình. Hãy nghe lời thánh tiến sĩ Augustinô : Yêu thương nhau đi rồi muốn làm gì thì làm : Ama et fac quod vis. Aimes et fais ce que tu veux.

Lm. Augustine Nguyễn Huy Tưởng

THÁNH GIA LÊN ĐỀN THỜ
Lc 2, 41 - 52
Đoạn Tin Mừng này đã cho chúng ta thấy Con Thiên Chúa đã sống mầu nhiệm nhập thể như thế nào. Khi chấp nhận làm người Do Thái, Ngôi Lời đã chấp nhận những luật lệ của Do Thái Giáo. Ngài đã chịu cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh, và Ngài cũng được đặt tên trong cùng ngày. Như thế Con Thiên Chúa đã thành người Do Thái. Ngài cũng có một tên như mọi người, tên Ngài là Giêsu. Ngoài ra, vì Đức Giêsu là con đầu lòng nên Ngài thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2). Cha mẹ Ngài phải chuộc con bằng cách nộp cho tư tế một số bạc (Ds 3,47-48). Ở đây thánh Luca không nói đến chuyện chuộc con, nhưng lại nói đến chuyện dâng Hài Nhi cho Chúa. Thực ra dâng con không phải là điều mà luật Môsê bó buộc phải làm, nhưng là do lòng sốt sắng. Sa-mu-en ngày xưa cũng được dâng như vậy (1S 1,22).

Chúng ta nhìn ngắm Đức Maria lên Đền Thờ để dâng lễ vật. Theo sách Lêvi 12,2-8, người phụ nữ sinh con trai bị coi là nhơ trong 40 ngày, còn sinh con gái thì bị nhơ 80 ngày. Trong thời gian đó, bà phải ở nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền Thờ. Sau thời gian đã định trên, bà phải đem đến cho tư tế Đền Thờ một con chiên một tuổi để làm lễ toàn thiêu và một con chim gáy hay một bồ câu non để làm lễ tạ tội. Nếu bà không đủ tiền mua chiên thì phải dâng một cặp bồ câu non hay là một đôi chim gáy. Đức Maria đã dâng lễ vật của người nghèo (c.24).

Ngày nay chúng ta có thể thấy những luật trên đây là khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận. Nhưng Con Thiên Chúa đã đón lấy tất cả chỉ vì Ngài muốn là người và là người Do Thái. Ngài được cắt bì như dấu chỉ kết ước với Gia-vê, dù Ngài vẫn luôn là một với Gia-vê. Ngài được dâng cho Thiên Chúa dù Ngài đã thuộc trọn về Thiên Chúa. Thánh Luca muốn cho chúng ta thấy thánh Giuse và Mẹ Maria là những ngườ giữ Luật Chúa một cách nghiêm túc vì lòng nhiệt thành và yêu mến. Bốn lần Luca nói đến Luật, Luật Chúa hay Luật Môsê (cc.22.23.24và 27). Luật biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa và chi phối đời sống người tín hữu Do Thái. Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Maria, Đấng mà chúng ta tuyên xưng là người sinh hạ Con Thiên Chúa, lại chịu thanh tẩy khi sinh con như những người phụ nữ khác.

Cần phải có Thánh Thần mới nhận ra mầu nhiệm lớn lao đang toả sáng nơi Hài Nhi bé nhỏ, con của một đôi vợ chồng nghèo. Si-mê-on là người có Thánh Thần ở trên, ông được thúc đẩy lên Đền Thờ để gặp Đấng mà ông suốt đời ngóng đợi (cc.25-27). Nhờ Thánh Thần soi sáng, ông nhận ra Hài Nhi nghèo hèn chính là Đức Kitô. Ông bồng Ngài trong vòng tay, môi bật lên lời chúc tụng. Ông hạnh phúc và mãn nguyện vì đã được thấy Đấng là ơn cứu chuộc cho muôn dân, là ánh sáng cho dân ngoại, là vinh quang cho dân tộc Ít-ra-en (cc.29-32). Để nhận ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động hàng ngày cũng cần có một đời sống đạo đức, gắn bó với Chúa và không để mình bị mê hoặc bởi tạo vật. Ông Si-mê-on là người công chính và mộ đạo. Còn bà nữ tiên tri Anna là một goá phụ, đã phụng thờ Chúa đêm ngày trong chay tịnh và cầu nguyện. Cuộc gặp gỡ Chúa tưởng như tình cờ, nhưng có thể đó là kết quả của một sự chờ đợi và chuẩn bị dài lâu.

Gia Đình Của Ngôi Lời Làm Người

Khi làm người, Ngôi Lời đã sống trong một gia đình, có mẹ, có cha. Tuy thánh Giuse và Đức Maria không có tương quan xác thịt vợ chồng, nhưng tình yêu lại không bao giờ thiếu dưới mái nhà Na-da-rét. Chúng ta không biết nhiều về đời sống của Thánh Gia, nhưng trong các Tin Mừng thời thơ ấu theo thánh Mát-thêu và Lu-ca, chúng ta luôn luôn thấy Hai Đấng ở bên nhau trong mọi biến cố vui buồn. Chính thánh Giuse đã đưa Đức Maria đi Bêlem để đăng ký. Đoạn đường không phải là ngắn và dễ dàng đối với một phụ nữ đã gần ngày sinh nở. Chắc chắn cả hai đã phải bối rối và lo âu khi không tìm được một quán trọ ấm áp cho Hài Nhi chào đời. Thánh Giuse cũng cùng đi với Đức Maria lên Đền Thờ như trong đoạn Tin Mừng trên đây. Chúng ta cũng không quên việc thánh Giuse hộ tống Hài Nhi và Đức Mẹ trốn sang Aicập, sau đó lại đưa về Na-da-rét sinh sống ở đó. Một kỷ niệm khó quên là lần Đức Giêsu ở lại Đền Thờ khi Ngài 12 tuổi. Những ngày dài tìm kiếm trong lo âu và nước mắt của hai ông bà, và cả niềm vui khi gặp lại được con. Cuộc sống của Thánh Gia không phải là luôn luôn phẳng lặng, cũng có lúc tưởng chừng như có thể tan vỡ (Mt 1,18-19). Chúng ta thường nghĩ một người sống trọn vẹn cho Chúa thế nào cũng được hưởng một cuộc đời êm ả và tràn đầy may mắn. Xét theo cái nhìn của người đời thì Mẹ Maria đã gặp những khổ đau và bất hạnh. Bất hạnh lớn nhất là phải chứng kiến Con mình bị treo trên thập giá giữa tuổi đời dang dở. Cuộc sống không sao tránh khỏi những hy sinh và mất mát, những bực bội và lo âu. Điều quan trọng là nắm lấy tay Chúa và cầm lấy tay nhau để có nghị lực mà vượt qua trong bình an thanh thản.

Chúng ta không rõ công việc hàng ngày của Đức Maria. Chắc Mẹ đã lo việc may vá, bếp núc và đội nước từ giếng về nhà. Một việc khác quan trọng hơn của Mẹ là cầu nguyện. Mẹ thấy mình đang sống bên một Mầu Nhiệm và chính đời hôn nhân của Mẹ cũng là một mầu nhiệm. Chính vì thế, Mẹ đắm mình trong cầu nguyện, các biến cố trở nên lời nói kín đáo của Thiên Chúa mà Mẹ thích "giữ kỹ và hằng suy niêm trong lòng" (Lc 2,50). Đời sống thiêng liêng của Mẹ là không ngừng tìm hiểu về Đức Giêsu và chấp nhận để cho Con ra đi hiến thân phụng sự Thiên Chúa.

Thánh Giuse là người đứng mũi chịu sào cho cuộc sống của cả gia đình. Nói đến cuộc sống là nói đến cái ăn, cái mặc, và những nhu cầu thúc bách khác. Thời nào cũng có những khó khăn riêng. Ông thợ mộc Giuse phải vất vả để lo sao cho gia đình mình sống được. Lao động nghiêm túc để phục vụ cho gia đình: đó là con đường nên thánh của Giuse.

Bầu khí của tổ ấm ở Na-da-rét là bầu khí yêu thương, cầu nguyện và cần cù lao động. Đức Giêsu đã lớn lên về mọi mặt nhờ bầu khí này. Động từ lớn lên cho ta thấy Con Thiên Chúa đã muốn đồng hành với con người. Ngài không phải là một thần đồng, cũng không phải là một Phủ Đổng Thiên Vương. Ngài lớn lên từ từ trong thời gian, thời gian là ánh mặt trời làm trái xanh được chín. Không hấp tấp hối hả, nhưng cũng không dậm chân tại chỗ. Hôm nay của Ngài vẫn liên tục với hôm qua, nhưng lại vượt hôm qua. Có những điều phải bỏ lại để đón nhận những điều mới. Hài Nhi Giêsu đã đi một chặng đường hơn 30 năm để trở thành một ông Giêsu trưởng thành và chính chắn, sẵn sàng đón nhận sứ mạng. Cường tráng, khôn ngoan và đầy tràn ân sủng: đó là sự triển nở hài hoà của Đức Giêsu. Chúng ta cám ơn Đức Mẹ và thánh Giuse đã cho thế giới một Đức Giêsu biết yêu thương, biết say mê cầu nguyện và lao động không mệt mỏi cho hạnh phúc của nhân loại và Nước Cha.

Linh Mục Augustinô SJ

(Nguồn vietcatholic.org)

7350    29-12-2012 19:34:05