Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Lòng Chạnh Thương Của Chúa

LÒNG CHẠNH THƯƠNG CỦA CHÚA

Am 7, 12-15; Ep , 3-14; Mc 6, 30-34

          Trang Tin Mừng rất ngắn và rất quen thuộc của Thánh Maccô đã đi vào lòng người. Trang Tin Mừng tuy rất ngắn đó nhưng đã

          Cảm ơn tác giả đã vẽ bức hình Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tác giả cảm được tình yêu của Chúa Giêsu nơi con tim và đặc biệt ánh mắt của Chúa Giêsu. Bức ảnh đó có cái hay nhìn ảnh Thánh Tâm đó bất cứ góc cạnh nào ta cũng bắt gặp ánh mắt của Chúa như là Chúa đang nhìn ta vậy.

          Ánh mắt của Chúa Giêsu như muốn nói lên cả con người, cả cuộc đời, cả tấm lòng của Chúa Giêsu hay nói cách khác nói lên vai trò của Chúa Giêsu. Vai trò của Chúa Giêsu đó là Ngài đến trong trần gian này để cứu trần gian khỏi vũng bùn của tội lỗi, khỏi cái vòng tục lụy của trần gian.

          Tấm lòng chạnh thương của Chúa Giêsu đã có đó trong cuộc đời của Ngài, bắt đầu từ lần đầu tiên xuất hiện công khai trước công chúng.

          Chắc có lẽ, chúng ta nhớ hình ảnh của một Đấng vô tội, Con Chiên Thiên Chúa lặng lẽ bước xuống dòng nước sông Giođan dìm mình trong đám tội nhân ngày hôm đó để nhận phép rửa của Gioan đủ để nói lên lòng chạnh thương nhân loại tội lỗi rồi.

          Và, kế đến, trong bữa tiệc cưới Cana, ta bắt gặp hai ánh mắt nhìn nhau, hai cõi lòng nhìn nhau, hai con tim gặp nhau đó là mẹ và con. Mẹ Maria nhìn thấy tiệc cưới hết rượu và Mẹ đã ngỏ lời với con Mẹ là Chúa Giêsu cùng đi dự tiệc hôm đó về hoàn cảnh bi đát của đôi tân hôn. Ta thấy Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ đẹp, một hành động quá đẹp hay nói đúng hơn là một phép lạ cả thể đầu tiên tại tiệc cưới Cana là cho nước biến thành rượu mà không phải là rượu thường nữa mà lại là rượu ngon.

          Rồi, nhiều và nhiều hình ảnh, nhiều phép lạ khác ta đã bắt gặp Chúa Giêsu trên con đường rao giảng Tin Mừng, rao giảng tình thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chữa cho người mù, người què, người câm, người bị quỷ ám và cho cả anh chàng Ladarô và con trai bà góa thành Naim cũng như đứa con yêu của ông trưởng hội đường sống lại.

          Tình thương, lòng chạnh thương của Chúa Giêsu ta cũng đã gặp nhiều lần trong cuộc đời của Ngài khi Ngài tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Tình thương đó, ánh mắt đó của Chúa Giêsu cũng đã chạm được đến ánh mắt của Giakêu, của Matthêu.

          Như Thánh Kinh thuật lại, những con người đó là những con người tội lỗi và yếu đuối. Thế nhưng Ơn Cứu Độ đã đến trong nhà này (Giakêu) khi Chúa nói với ông dưới gốc cây sung. Ơn cứu độ đến với con người mà người ta cho là tội lỗi như Matthêu. Ánh mắt, lời mời của Chúa đã làm thay đổi cuộc đời của Giakêu và cả Matthêu nữa.

          Với tôi, tôi lại cảm thấy thấm thía và chính bản thân tôi, ngược lại, lại chạnh lòng với ánh mắt của Chúa Giêsu khi Chúa Giêsu nhìn Phêrô trong sân dinh Thượng Tế.

          Mới ngày nao, dõng dạc tuyên xưng rằng “Ai có bỏ Thầy thì bỏ ! nhưng tui (Phêrô) đây không bao giờ bỏ Thầy !”

          Câu nói xem ra khẳng khái quá, quyết đoán quá! Thế nhưng thật đáng tiếc khi “gà chưa kịp gáy lần thứ 2 thì con đã chối Thầy đến 3 lần !”

          Gà gất tiếng gáy! Phêrô chợt nhận ra rằng lời của Thầy tiên đoán về con người của mình sao đúng quá! Phêrô càng bẽn lẽn khi chạm được ánh mắt của Thầy. Thầy nhìn Phêrô còn Phêrô thì ngoảnh mặt đi vì … ngượng.

          Đời của ta cũng thế! Nhiều lần chúng ta cứ tưởng rằng chúng ta hay, chúng ta hơn người khác để rồi chúng ta khinh khi, chúng ta chà đạp người khác bằng mọi giá khi có thể. Để làm gì vậy ? Để được gì vậy ?

          Thật ra cũng khó nói và cũng khó trách vì lẽ con người vẫn thường có thói quen hay bưng bít về mình, hay che đậy về mình và hay khinh thường bất cứ ai có thể.

          Khi nào ta cảm được lòng Chúa Giêsu chạnh thương ta thì khi ấy ta mới cảm được và khi đó ta mới chạnh thương được anh chị em đồng loại.

          Chắc chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh hết sức thân thương của vị giáo hoàng đương nhiệm Phanxicô đáng kính của chúng ta.

          Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên và cũng là Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ một dòng tu kể từ năm 1831. Điều đó có nghĩa ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên sống dưới “lời khấn nghèo khó” kể từ giữa thế kỷ 19. Tất cả các linh mục có nghĩa vụ phải sống giản dị nhưng thành viên của các dòng tu tuyên khấn sống nghèo khó cụ thể. “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu…” là lời mở đầu công thức khấn của Dòng Tên. Nói cách khác, phần tử của các hội dòng thề hứa với Thiên Chúa sống đơn giản.

          Vì thế, hầu hết thời niên thiếu – cho đến khi trở thành giám mục và được miễn trừ khỏi lời khấn ấy, Jorge Mario Bergoglio chẳng sở hữu điều gì cho riêng mình. Như mọi thành viên của các dòng tu, ngài sinh sống bằng một ngân sách nghiêm ngặt. Ngài phải chuyển lại cho cộng đoàn của mình mọi thứ ngài kiếm được và được tặng. Ngài phải xin tiền mặt khi mua sắm những thứ nhiều tiền như một bộ áo vét chẳng hạn. Điều này làm cho Bergoglio quen với một đời sống giản dị mà nhiều người ghi nhận như là một trong những phương diện lôi cuốn nhất của ngài. Nó cũng làm gia tăng lòng thương xót của ngài không phải dành cho những người sống nghèo khó tự nguyện như ngài, nhưng cho những người bị đẩy vào cảnh nghèo như những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề.

          Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội, ban cho chúng ta một hình ảnh sống động chạnh thương từ vị cha chung yêu quý của chúng ta.

          Nhìn cuộc đời Đức Thánh Cha Phanxiô, Ngài một lần nữa nhắc nhớ cho ta lòng chạnh thương với những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề. Ngài là mẫu gương chạnh thương những người nghèo, Ngài là hiện thân của một Giêsu đang ở gần ta lắm !

          Những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề có khi ở gần ta lắm, có khi ngay trong gia đình của ta, có khi ngay trong cộng đoàn của ta, ngay trong cái nhà sát bên cạnh của ta … Xin cho ta cảm được tình thương, ánh mắt, cõi lòng chạnh thương của Chúa trên đời ta thật bao la để ta cũng biết chạnh thương với anh chị em đồng loại của ta như vậy.

Huệ Minh

930    18-07-2015 10:47:07