Sidebar

Thứ Năm
09.05.2024

Nhà Thờ Lộ Mới: Mừng Bổn Mạng - 30/11/2015

Ngày 30/11 hàng năm là ngày kính thánh nhớ thánh Giuse Marchand Du. Thánh Gise Marchand Du được nhà thờ Lộ Mới được chọn làm làm bổn mạng của mình.

Nhân dịp này bà con giáo dân nhà thờ Lộ Mới được cùng ôn lại để bắt chước gương sống đức tin của vị thánh bổn mạng của mình. Cùng thể hiện lòng yêu mến Chúa như thánh nhân qua các việc đạo đức như làm tam nhật, chầu Chúa và dâng thánh lễ long trọng.

Vì thế, Chúa nhật thứ nhất mùa vọng, bà con giáo dân Lộ Mới và các nhà thờ khác trọng họ đạo Mặc Bắc cùng thay phiên nhau đến nhà thờ Lộ Mới chầu Chúa một giờ. Thiếu nhi lẫn người lớn đều tham gia đông đảo và nhiệt tình thể hiện việc đạo đức này.

Sáng thứ hai ngày 30/11/2015, Cha sở Mặc Bắc và các cha khác và đông đảo bà con giáo dân đến nhà thờ Lộ Mới sốt sắng dâng thánh lễ mừng bổn mạng của nhà thờ. Sau thánh lễ bà con giáo dân và các cha đồng tế cùng ở lại tham dự buổi điểm tâm nhẹ mừng bổn mạng nhà thờ.

Nguyện xin Chúa qua lời bầu cử của Thánh Giuse Marchand Du ban cho giáo dân nhà thờ Mặc Bắc nói chung và giáo dân Lộ Mới nói riêng đầy lòng mến Chúa sống tốt trong năm thánh LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA.

 

TIỂU SỬ CHA THÁNH GIUSE MARCHAND DU

 

Giuse Marchand Du Sinh ngày 17.8.1803, tại làng Passavant, tỉnh Doubs, nước Pháp, ngay từ nhỏ, cậu đã muốn đi tu làm linh mục. Nhưng vì gia đình nghèo, cha mẹ không thể đáp ứng nguyện vọng của cậu được, nên tìm cách trì hoãn, cố ý cho cậu thay đổi ý định.

Thấy cậu mãi kiên quyết một lòng theo Chúa, năm 1821, cha mẹ buộc lòng thắt lưng buộc bụng lo cho cậu vào chủng viện Besancon. Sau khi chịu chức phó tế, thầy Giuse xin gia nhập Hội thừa sai Paris, cốt ý sau này làm linh mục sẽ đi truyền giáo tại các vùng Viễn Đông. Đúng như lòng sở nguyện, ngày 4.4.1829, thầy Giuse được lãnh Bí tích Truyền chức Thánh, và sau đó đáp tàu sang Việt Nam. Nhưng vì lúc đó vua Minh Mạng đang bắt đạo gắt gao, cha phải dừng lại ở Macao, mãi đến đầu tháng 3 năm 1830, mới vào đến Lái Thiêu, Cha ở đây học tiếng, chọn tên Việt Nam là Du rồi đi giúp ở Nam Vang (khi đó thuộc địa phận Đàng Trong).

Ít lâu sau, Cha được gọi trở lại Lái Thiêu, làm giáo sư Chủng viện, đồng thời đảm trách 25 họ đạo trong tỉnh Bình Thuận. Suốt ngày cha phải tận dụng thời giờ, vừa lo dạy dỗ chủng sinh, vừa ban các Bí tích cho giáo hữu, vừa giảng đạo cho lương dân. Trong một bức thư gửi về cho gia đình cha viết: “Con đang đảm trách 25 họ đạo rất cách xa nhau. Muốn chu toàn bổn phận, con phải hết sức cố gắng tận dụng thời giờ. Từ 5 giờ sáng đên 9 giờ tối con phải làm việc cật lực, để vừa giúp lo các giáo hữu vừa giảng đạo cho lương dân..” Cha mới đi hết 25 họ đọ đạo được 2 lần  thì ngày 6.1.1933 vua Minh Mạng ra lệnh lùng bắt hết các giáo sĩ ngoại quốc. Đức Cha Từ và các cha thừa sai phải trốn qua Thái Lan, chỉ một mình cha hy sinh ở lại, lén lút đi giúp các họ đạo ở các vùng lục tỉnh: Cái Nhum, Cái Mơn, Giồng Rùm, Mặc Bắc,...

Năm 1834, Lê Văn Khôi nổi lên chống lại triều đình, chiếm lấy thành Gia Định (Sài Gòn). Khôi thực ra có họ Nguyễn, từng nổi loạn ở Cao Bằng, sau ra đầu thú được tả quân Lê văn Duyệt nhận làm con nuôi mới đổi qua họ Lê. Nhân việc vua Minh Mạng xử tệ với tả quân, khi đó đa thất lộc, cho đánh trên mộ 100 trượng. Mượn danh phò cháu đích tôn của vua Gia Long, con hoàng tử Cảnh là Đảm, Lê Văn Khôi dấy binh. Việc bại lộ, Khôi bị bắt. Đêm 5.7.1833 ông với khoảng 30 bạn tù vượt ngục, giết một vài quan, thả các tù nhân khác rồi chiêu binh chiếm Phiên An (Sài Gòn) và miền Lục Tỉnh. Ông ta muốn nhờ cha kêu gọi giáo dân theo phe mình, nên đến Mặc Bắc ép cha về Gia Định, yêu cầu cha ký tên vào các bản văn viết sẵn, để kêu mời người Công giáo tham gia chống lại triều đình và hứa hẹn bãi bỏ lệnh cấm đạo của vua Minh Mạng. Cha nhất quyết từ chối và nói: “Tôi đến Việt Nam chỉ để giảng đạo. Việc binh lính chiến tranh tôi không bao giờ biết tới.”

Quân triều đình vây thành Gia Định. Khôi cho quân đem voi ra Chợ Quán bắt ép cha Du phải vào thành, họ nói: “Nếu cha không chịu về, sợ quan giận mà chém hết bổn đạo trong thành. Ở đó bổn đạo cũng đông lắm” Cha Du đành lòng về Chợ Quán, có cha Phước và một số tín hữu cũng theo vào. Sau hơn 2 năm vây hãm, ngày 8.9.1834, Khi quân triều đình chiếm lại thành Gia Đình, số người tàn sát lên đến 1994, cha Phước bị xử lăng trì (chặt chân tay rồi chẽ thân mình làm bốn). Cha Du vừa dâng thánh lễ xong thì quân lính áp vào bắt, đánh đập tàn nhẫn rồi nhốt vào cái cũi hết sức chật hẹp, giải về kinh đô.

Trong thời gian ở đây, cha phải chịu tra khảo vô cùng đau đớn, bắt ép phải nhận tội tham gia phải loạn với Lê văn Khôi. Quan cho nung đỏ kềm sắt, kẹp vào hai đùi cha đến khi thị bị cháy khét. Nhưng cha luôn khẳng định: “Tôi không bao giờ tham gia với Lê văn Khôi. Tôi chỉ làm việc tông đò, rao truyền đạo Chúa”. “Có phải ngươi gởi thơ vô Xiêm, cùng gởi cho quân nhân Giatô trong ĐồngNai biểu họ đến giúp tay ngụy không ?”  “Ông Khôi có biểu tôi viết thơ, song tôi không viết, tôi có nói cho ông ấy. Ông Khôi có đưa một xấp thơ cho tôi ký, chính tôi đã đốt nó trước mặt ông ấy”.

Thấy không buộc được tội tham gia phản loạn, quan bắt tội giảng đạo và bảo đạp lên thập giá. Nhưng vị anh hùng đức tin tuyên bố thà chết chứ không thể thất trung với Chúa. Và kết quả là cha bị kết án bá đao, một cực hình kinh khủng nhất mà chỉ một mình cha phải lãnh nhận. Đó là phần thưởng lớn lao dành cho người Chúa thương. Án ghi: “Tây Dương Ma Sang kêu danh là Du, Giatô đạo trưởng, phò ngụy Khôi, nhận tội có viết thư xin Hồng Mao (nước Anh) và Xiêm La (Thái Lan) sang giúp ngụy thần. Kênh xử bá đao”. Sáng sớm ngày 30.11.1835, quân lính điệu vị anh hùng đức tin ra pháp trường Thợ Đúc, bên sống Hương. Bốn lý hình đã sẵn: một tên cầm kềm, một tên cầm dao, một tên đếm cho đủ 100 miếng thịt cắt ra, còn tên kia biên vào sổ. Trước đó lính đã tọng đá vào miệng cha và cột chắt lại.  Quá đau đớn, vị chứng nhân  giãy giụa, quằn quại ngước nhìn lên rồi gục đầu lìa đời. Đã vậy sau khi vị chứng nhân tắt thở, quân lính còn cắt đầu ngài, chặt thân mình ngài ra làm bốn, ném xuống sông, còn đầu thì xay nát rồi rắc xuống sau.

Đức Thánh Cha Lêô XIII đã phong Chân phước cho Cha Giuse Marchand Du ngày 27.5.1900. Và ngày 19.6.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên Hiển Thánh.

(Sưu tầm từ Tin Mừng.net

918    08-12-2015 10:31:54