Sidebar

Thứ Tư
08.05.2024

Nhật Ký Tĩnh Tâm Ngày 25 tháng 11 năm 2015

Sau một ngày chìm sâu vào trong ơn thánh của Thiên Chúa, được bồi bổ trong tâm hồn và thể xác, sáng nay 25 tháng 12, Đức cha Phêrô cùng với các linh mục đã  dâng Thánh lễ xin Chúa thánh hóa ngày mới cũng như cầu nguyện cho các ân nhân, thân nhân của Giáo phận.

Trong ít phút giảng lễ, Đức cha Phêrô đã dùng những bài đọc trong Sách Đaniel và Tin mừng theo thánh Luca mà mời gọi anh em linh mục hãy biết dùng thừa tác vụ lãnh nhận mà phục vụ cho vương quốc của Thiên Chúa. Sự cao cả của thừa tác vụ linh mục đòi buộc người lãnh nhận phải vượt trên những việc tầm thường của xã hội trần thế mà biết đặc biệt lưu tâm đến việc phục vụ cho vương quốc Thiên Chúa như Đaniel, như các tôi tớ trung thành chịu mọi sự bách hại mà vẫn một lòng kiên trung cậy dựa vào Chúa.

Gợi ý suy niệm buổi sáng, Đức cha Phêrô mời gọi anh em linh mục suy niệm với chủ đề: Tập trung vào Nước Thiên Chúa. Dẫn lại đoạn Tin mừng Mc 1, 14 - 15 và Mt 4, 23; 9, 35:  "Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu đến Galilê, rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, và nói "Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,14 - 15). Thánh Matthêu cũng tóm tắt sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilê bằng những lời tương tự: "Và Người đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường và rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân" (Mt 4, 23; 9, 35), ngài cho thấy rằng sứ điệp căn bản của Chúa Giêsu chính là Nước Thiên Chúa đã đến gần. Sau này đến thời của Hội Thánh đã có sự chuyển đổi điểm nhấn: thay vì tập trung vào Nước Thiên Chúa thì tập trung vào Đức Kitô, Ngài là Thiên Chúa.

Sau khi triển khai mang tính thần học, ngài đi vào những gợi ý cụ thể cho việc tập trung vào Nước Thiên Chúa cho việc Tân Phúc Âm hóa là:

- Tập trung vào Nước Thiên Chúa có nghĩa là để Thiên Chúa làm chủ toàn bộ cuộc sống con người, từ đó làm chủ thế giới và nhân loại, ngay từ hôm nay và viên mãn trong thời cánh chung.

- Khởi điểm là Thiên Chúa làm chủ tâm hồn, từ đó tác động trong cuộc sống xã hội. Mọi sự bắt nguồn từ lòng người bên trong, như Chúa Giêsu dạy.

- Hội Thánh không là cứu cánh tự tại nhưng là bí tích, tức là dấu chỉ và khí cụ của Nước Thiên Chúa. Hình ảnh Hội Thánh trước hết thể hiện ở cộng đoàn Hội Thánh địa phương là giáo phận, rồi giáo xứ.

Cách cụ thể trong đời sống linh mục, Đức cha Phêrô mời gọi:

- Nếu tập trung vào Nước Thiên Chúa có nghĩa là nhấn mạnh vương quyền, quyền làm chủ của Thiên Chúa, thì câu hỏi đặt ra cho linh mục là : Thiên Chúa có thật sự làm chủ cuộc đời chúng ta chưa?

- Nếu tập trung vào Nước Thiên Chúa có nghĩa là để Thiên Chúa làm chủ nội tâm mình thì linh mục tự hỏi: Chúa có thật sự làm chủ tâm hồn chúng ta không?

- Nếu tập trung vào Nước Thiên Chúa cũng có nghĩa là tập trung vào Đức Kitô vì Người là hiện thân của Nước Thiên Chúa, thì linh mục phải tự hỏi xem Đức Kitô có vị trí nào trong đời sống mình.

- Nếu Hội Thánh là dấu chỉ và khí cụ của Nước Thiên Chúa, và linh mục là thừa tác viên của Hội Thánh, thì chúng ta phải tự hỏi: Đời sống linh mục của tôi có thật sự là dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa không?

Trong giờ gợi ý suy niệm buổi chiều, Đức cha Phêrô mời gọi suy niệm chủ đề mới đó là Linh đạo hiệp thông. "Linh đạo hiệp thông chính là linh đạo của Tân Phúc Âm hóa... Các sứ giả Tin Mừng sẽ gặt hái kết quả hữu hiệu khi sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, và quảng đại dấn thân làm chứng và cổ võ sống thông hiệp với Chúa, với nhau và với mọi thụ tạo" (FABC X).

Với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Để tất cả nên một" (Ga 17, 21). "Để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta" (17,21). Như thế, sự hiệp nhất đích thực đến từ Thiên Chúa và theo mô hình của Thiên Chúa. "Sự hiệp nhất không đến từ thế gian, không thể có hiệp nhất nếu chỉ dựa trên những nỗ lực riêng của thế gian. Nỗ lực riêng của thế gian chỉ dẫn đến chia rẽ như chúng ta thấy. Bao lâu tính thế gian hoạt động trong Giáo Hội, trong Kitô giáo, nó chỉ dẫn đến phân ly. Sự hiệp nhất chỉ có thể đến từ Chúa Cha qua Chúa Con. Sự hiệp nhất đó liên quan đến "vinh quang" mà Chúa Con ban tặng: với sự hiện diện của Người, sự hiện diện được ban qua Thánh Thần và là hoa trái của thập giá, hoa trái sự biến đổi của Chúa Giêsu qua cái chết và sự phục sinh" (Benedict XVI, Jesus of Nazareth, vol. II, Doubleday, 95-96).

Sự hiệp nhất đó liên quan mật thiết đến sứ vụ truyền giáo và là điều kiện để sứ vụ mang lại hiệu quả. Trong 4 lời cầu của Chúa Giêsu cho sự hiệp nhất, đã có 2 lần Người nhấn mạnh điều này: "Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con" (Ga 17, 21); "Như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con" (Ga 17, 24).

Để có thể Tân Phúc Âm hóa, các linh mục phải sống sự hiệp nhất trong Giáo hội mà cụ thể là với Đức Giám mục Giáo phận, với anh em linh mục và hiệp nhất với giáo dân. Phải cảnh giác trước những điều tiêu cực là cảnh giác trước những cám dỗ: (1) Giáo sĩ trị, khinh thường giáo dân, ít chịu lắng nghe; (2) Duy lề luật, biến Tin Mừng thành một bộ luật, làm mất đi hình ảnh Giáo Hội là một người mẹ; (3) Tự kiêu tự mãn, sống xa cách giáo dân.

Xem ảnh xin BẤM VÀO ĐÂY

985    03-12-2015 15:42:40