Sidebar

Thứ Năm
09.05.2024

Tĩnh Tâm Thường Niên Linh Mục Giáo Phận Vĩnh Long năm 2012 ngày thứ ba

Sáng nay 28. 11. 2012, ngày thứ ba trong Tuần Tĩnh Tâm thường niên Linh mục Giáo Phận Vĩnh Long, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân cùng với Quý cha trong Giáo phận đã dâng Thánh lễ với ý chỉ Cầu Cho các Ân Nhân và Thân Nhân của Giáo Phận đã qua đời

Theo chương trình

Đúng 8 giờ sáng Cha Phêrô đã gợi ý suy niệm về Noi Gương Thánh Phaolô: Để cho Chúa Đến gặp và biến đổi cuộc đời chúng ta

Vào lúc 9. 30 Cha Phêrô Nguyễn Văn Hai đã trình bày Chủ đề Đức Tin dựa theo Chương 1 của tác phẩm "Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba" của Đức Hồng Y Tomothi M Dolan - Bản dịch của Linh mục Trần Đình Quảng.

Vào buổi chiều Quý cha Hạt trưởng đã trình bày những sinh hoạt trong năm qua của Hạt mình. Chiều nay 5 Hạt đã trình bày là: Sa Đéc, Cái Mơn, Thạnh Phú, Bến Tre và Bình Đại. Quý Cha Hạt trưởng cùng nhau chia sẻ những ưu và khuyết điểm của hạt mình để rút kinh nghiệm cho các Hạt khác cũng như cùng nhau tiến bước trên con đường thánh thiện.


BÀI 2: NOI GƯƠNG THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Để cho Chúa đến gặp và biến đổi cuộc đời chúng ta.

Khi Saolô đang đi và đến gần Đamas, thì bổng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: "Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" (CVTĐ 9:3-4).

Saolô thành Tarsus lúc đó là con người đầy quyền lực và thông thái. Như một bậc thầy học thức uyên thâm và ăn rể sâu trong nền đạo đức Do Thái giáo, một vị thầy miệt mài tuân giữ 613 giới luật và những cấm kỵ đức tin của cha ông,  Saolô có  quyền lực và ảnh huởng trong cộng đoàn. Và cộng đoàn đó đã chi phối tất cả con người của ông, đó là cộng đoàn tôn giáo mà tâm điểm là đền thờ Giêrusalem.

Oâng đang nắm quyền lực trong tay để đi Đamas lùng bắt những môn đệ của Chúa Giêsu, Đấng mà thiên hạ gọi là Vị Thiên Sai cứu thế. Các thượng tế đã ban cho ông quyền bắt bớ những ai không có cùng niềm tin như họ theo như chính ông thỉnh nguyện.

Saolô có những năng lực của một người có thiện ý, một ý chí sắt đá, một sự trung thành không sai lệch với niềm tin, một tinh thần quyết liệt  và lòng can đảm chấp nhận không sợ hãi. Ông tin tưởng là mình đang phục vụ Thiên Chúa, nhưng thật ra ông đang quy hướng mọi năng lực về việc phục vụ cho chính bản thân mình.

Nhưng rồi trong một luồng ánh sáng, tất cả mọi quyền lực của ông trở thành cát bụi.. Những quyền lực đó không là gì trước sự hiện diện của một quyền năng vượt quá quyền năng của ông qua một âm thanh vang lên : "Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?"

Bị vật ngã xuống đất bởi sức mạnh  mãnh liệt của một sự hiện diện và bị mù mắt do luồng ánh sáng từ trời, ông đã thốt ra tiếng kêu tuyệt vọng. Trong lúc cảm thấy mình bị ngã quỵ và hoàn toàn bất lực, Chúa Giêsu đã đi vào đời sống của Saolô như là một vì Thiên Chúa. Chính khi bị đánh ngã, Saolô đã nhìn nhận vì Thiên Chúa đó và thốt lên những lời sợ hãi đầu tiên: "Ông là ai, thưa  Ngài?" Những lời nầy vang lên tự cỏi thâm sâu tâm hồn Saolô: "Ngài là ai? Lạy Chúa, Ngài là ai?" Đây là câu hỏi nóng bỏng của mọi thời đại, mọi con người đang đi tìm Thiên Chúa, cả khi họ không ngờ tới.

Từ giây phút đó, cuộc sống của ông đã được thay đổâi vĩnh viễn.

Chỉ vài phút trước đó, Saolô tin chắc rằng Người mà các môn đệ gọi là "Chúa Giêsu, đấng đã bị treo trên thâp giá và đã chết trên đồi Golgotha", chỉ là một kẻ xách động quần chúng thấp hèn, chỉ là một lãnh tụ của phong trào bất đồng quan điểm với Do Thái giáo và chỉ thu hút được một số ít người theo mà thôi.

Trước đó, Saolô đã cho rằng ông Giêsu nầy mặc dù đã chết và được mai táng, nhưng vẫn còn tiếp tục gây chia rẽ cộng đoàn những kẻ tin theo đạo của người do thái, do bởi việc các môn đệ của ông,-- những kẻ phạm thượng -- đã rao truyền "Ông Giêsu" nầy là Đấng  mà họ đã chờ đợïi từ nhiều thếâ kỷ.

Như  là mộât nguời nhiệt thành lo bảo vệ niềm tin do thái của mình, Saolô tin là ông có trách nhiệm tiêu diệt những nguời cuồng tín nầy, để họ đừng làm cho những nguời khác đi lạc hướng.

Nhưng giờ đây, và một cách  bất ngờ, Chúa Giêsu không còn là mối nguy hại cho sự hiện hữu của ông nữa; trái lại Chúa Giêsu trở nên trung tâm của đời sống ông và là sức mạnh của ông. Không phải chỉ có đời sống của Saolô đã thay đổi trên đường Đamas rồi thôi. Cuộc gặp gở lịch sử đó  còn ảnh hưởng đến đời sống của bao tín hữu khác nữa qua mọi thời đại, bởi vì Saolô --người mà sau nầy được gọi là Phaolô, --- liền đó được Chúa hướng dẫn, nhờ qua trung gian thầy Ananias,  để trở thành vị tông đồ của dân ngoại. Trong vai trò đó, Phaolô đã trở thành vị sáng lập các cộng đoàn tiên khởi mà thành viên của các cộng đoàn nầy làm cho nhiệm thể của Chúa Giêsu được hiển hiện thấy được. Những cộng đoàn mà Phaolô thiết lập, được tổ chức và xây dựng trên nền tảng vững chắc của các tín điều và giáo lý kitô.

Khi mà ánh sáng từ trời chiếu trên Saolô đang từ từ tắt đi, thì Saolô không còn nhìn thấy gì được nữa: Ông trở nên mù lòa. Ông mở mắt nhưng không thấy gì. Ông được dẫn vào thành.Và rồi trong 3 ngày ông không ăn uống gì. Khi Ananias đến gặp Saolô và bảo: "Đấng đến  với anh trên đường đi, đã sai tôi đến đây, để mở mắt cho anh và anh sẽ được tràn đầy Thánh Thần" (CVTD 9,17).

Khi  được thanh tẩy, Phaolô được sáng mắt lại. Nhưng điều quan trọng hơn là Phaolô bắt đầu cảm nghiệm thị kiến thiêng liêng! Sự mù loà là "biểu tượng" chỉ về sự thiếu hiểu biết thiêng liêng. Phục hồi ánh sáng là bắt đầu sự biến đổi con người Phaolô thành con người mới, một sự sáng tạo mới, mà sau nầy Phaolo đã rất thường nhắc đến.

Những năm sau đó, ông thực hiện sứ vụ của mình như là sứ giả của Thiên Chúa, để chia sẻ cho kẻ khác điều mà ông đã nhìn thấy, để rồi đến phiên họ, họ cũng trở nên những sứ giả. Lúc đó Phaolô hiểu rõ hơn ý nghĩa của biến cố Chúa Giêsu bước vào trong đời sống ông, cũng như  ý nghĩa của việc Chúa sinh ra, chết và Phục sinh  cho thế giới và cho mọi thời đại. Sự hiểu biết nầy là phần gia tài  mà thánh Phaolô đã để lại cho chúng ta. Đó là kinh nghiệm trở lại của Phaolô. Thánh Phaolô nhận biết rằng quyền năng của ông không giúp gì cho ông, và rằng Chúa Giêsu mới thật sự là đấng quyền năng, là Thiên Chúa. Và với sự nhìn nhận nầy,  Thiên Chúa đã phục hồi sự sáng mắt cho Saolô  vừa đồng thời  ban cho ông một viễn quan thiêng liêng.

Lạy Chúa, chúng con chúc tụng quyền năng Chúa đang tác động trong mỗi người chúng con. Chúa có thể làm nhiều hơn những gì mà chúng con có thể cầu xin  và mong ước. Quyền lực Chúa luôn vượt thắng quyền lực của chúng con. Chúng con chúc tụng Chúa, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, trong Giáo Hội và trong Chúa Giêsu Kitô, đời đời chẳng cùng. Amen (Eph 3:20-21).

II.Ý Thức về những Yếu Đuối khác nhau nơi bản thân:

A. Sự Bất Lực Đối Với Các Sự Cố Bên Ngoài

Thật không khó để chấp nhận  những sự yếu thua và giới hạn của chúng ta truớc sức mạnh vô song của thiên nhiên. Ai sẽ ra tranh  với sức mạnh của động đất ? Ai  dám nói rằng mình có sức kiềm chế những con mưa trút nuớc hay sự hạn hán khô cằn? Ai có thể tiên báo một cách chắc chắn về hiện tuợng thời tiết ngày mai? Quyền lực của chúng ta ở đâu khi mà công ty chúng ta đang làm việc bị giải thể, hay bị đình công đóng cửa, và rồi chúng ta bị mất việc? Quyền lực của chúng ta ở đâu khi chúng ta ăn trong một nhà hàng nổi danh, nhưng lại bị trúng độc?

Thử hỏi chúng ta có thường xuyên ý thức về sự  yếu kém của mình đối với các sự việc  xung quanh hay không?                 

Trong thư thứ hai gởi tín hữu Corintô, thánh Phaolô nói đến những khổ cực mà ngài đã chịu;  ngài quả là bất lực với các sự việc nầy. Ngài kể lại sự ngang ngạnh của cả thiên nhiên và người xa lạ, hiển hiện trong 3 lần ngài bị đắm tàu, trôi dạt trên biển, nguy hiểm trên sông, trong thành phố và nơi hoang vắng, cũng như bị đánh đòn, ném đá, và nguy hiểm bởi trộm cướp, do những đồng hương do thái của ngài, do người ngoại  và những anh em giả dối. Ngoài sự bất lực đối với các sự cố, các nhóm tôn giáo khác nhau, thánhPhaolô cũng ý thức về những giới hạn của mình đối với những người mà ngài có  liên hệ.

Cách thức truyền giáo của Phaolô là đi vào thành thị để rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu trong các hội đường địa phương và bất cứ nơi nào có người  nghe. Ngài tận  dụng mọi hoàn cảnh, nhưng đặc biệt lưu ý đến những ai có lòng khao khát tin mừng.

Ngày qua ngày, con số những người này gia tăng, và khi một cộng đoàn tín hữu mới được thiết lập, thì thánh Phaolô liền đi nơi khác và bắt đầu lại tiến trình xây dựng cộng đoàn mới trong một thành phố khác.

Khi xa lìa những người con tinh thần, ngài không quên họ. Ngài luôn luôn quan tâm chăm sóc đức tin của họ, ngài thường an ủi cộng đoàn của họ. Ngài duy trì mối liên lạc qua các sứ giả được ngài gởi đến các cộng đoàn  và qua các bức thư của ngài.

Trong  các thư đi, chúng ta ghi nhận thánh Phaolô bài tỏ nổi đau buồn về những điều ngài đã nghe: có sự bất đồng trong các nhóm, hay các thành viên nghe theo các tiên tri giả, họ lại quay về với nếp sống cũ. Nhiều lần ngài bài tỏ sự tức giận hay buồn sầu vì những hành vi hoặc sự thụ động của họ.

Trong thư Gal 1:6, ngài viết: "Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế đối với Đấng đã kêu gọi anh em, nhờ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, để theo một Tin Mừng khác."

Mặc dù "ngạc nhiên" nhưng Phaolô hiểu......

Sách TĐCV nhắc đến nơi chương 20 tại sao Phaolô tạm hoãn cuộc hành trình đi Giêrusalem để có thể gặp những người bạn ở Ephêsô chào thăm và từ giả họ, vì ngài biết là họ sẽ "không bao giờ gặp lại ngài nữa."  Ngài thôi thúc họ "hãy ân cần chăm lo chính mình và đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt họ chăm sóc." Ngài giải thích: "Tôi biết rõ là khi tôi ra đi, thì sói dữ sẽ đột nhập anh em và không hề thương xót đoàn chiên. Ngay cả trong hàng ngũ anh em cũng có người giảng dạy những điều sai lạc."

Thử hỏi chúng ta có khả năng hơn thánh Phaolô để khuyến khích kẻ khác thực hiện điều tốt không? Thử hỏi chúng ta có muốn cho người bạn thân, hoặc cha mẹ, hay bề trên, các nhân viên, hành động tốt theo như chúng ta mong muốn hay không?

Chúng ta hãy nhớ lại sự bất lực của mình đối với người khác.Hãy nhớ lại những khi mà kế hoạch của chính mình bị bỏ đi, vì kế hoạch của người khác hay hơn.

Chúng ta hãy dành ra đôi phút để nhớ lại một sự việc hay hoàn cảnh nào đó mà chúng ta không có sức làm thay đổi nó,  cho dù là tốt hay xấu. Đó là khởi điểm để nhận ra sự bất lực của mình.

Thiên Chúa trấn an thánh Phaolô như sau:  "Ơn Ta đủ cho con, quyền năng của Ta được biểu hiện rõ nhất trong sự yếu đuối."  Và liền đó thánh Phaolô tâm sự niềm xác tín của ngài như sau: "Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong tôi" (2 Cor 12, 9).

Điều  ta có không phải là đã được ban cho  hay sao?

"Nước Thiên Chúa không cốt ở tài ăn nói của những kẻ kiêu ngạo  nhưng là ở quyền năng của Thánh Thần (x.1 Cor 4:14-20).

Lạy Cha, xin cho con sống khiêm tốn và ý thức về những giới hạn, những bất toàn những yếu đuối  của bản thân và luôn tin tưởng phó thác vào Cha . Cha là sức mạnh của con. Xin thương đồng hành với con trong mọi giây phút cuộc đời. Amen.

B. Bất Lực trong Hành Động.

Phaolô viết: "Tôi không hiểu nổi  chính tôi. Điều tôi muốn làm, tôi lại không làm, mà tôi lại làm điều tôi ghét, vì chưng tôi muốn làm điều tốt,  mà không làmđược" (Rm 7:15-18).

Đọc các thư thánh Phaolô, sách TĐCV và các trình thuật về cá tính của Phaolô, chúng ta thấy rằng Phaolô có nhiều đặc điểm tốt và tài năng hơn người. Ngài có tinh thần tôn giáo sâu xa; có lòng nhiệt thành truyền giáo không biết mệt mỏi; ngài là một nhà thần bí; một người tranh luận có tài thuyết phục; là con người trí thức và là một nhà thần học kitô giáo đầu tiên; ngài là một người có óc tổ chức, một chủ chăn có tài,  tận tâm và dũng cảm. Ngài cũng có tính khí cứng cỏi như ngài biểu hiện, chẳng hạn khi Barnabas người bạn đồng hành với ngài, muốn cho Marcô tháp tùng họ trong cuộc hành trình. Phaolô từ chối vì Marcô đã bỏ họ khi ở Pamphylia và không chịu chia sẽ công việc của họ. Sau cuộc tranh chấp,  Phaolô và Barnabas chia tay nhau (TĐCV 15:38-39).

Phaolô là người bọc trực tức giận khi bàn thảo, và đôi khi ngài có lời lẽ phê bình trong các thư của ngài, mà sau đó ngài phải giải thích biện minh hoặc sửa đổi. Trong thư thứ hai gởi tín hữu Corintô ngài viết: "Khi tôi viết cho anh em, trong sự buồn sầu và đau đớn sâu xa và trong nước mắt, điều đó không phải để làm thương tổn anh em, nhưng để hiểu rằng tôi thương anh em dường nào!" (2:4). 

Nhìn về chính mình, chúng ta có thể tự vấn như sau: tôi có thường để cho sự kiêu hãnh và cứng cỏi phá hủy những tương quan thân tình không? Tôi có thường nói quá nhiều, hay nói không đủ, hoặc nói những điều không đúng không?Trong nhiều tình huống, giống như Phaolô, tôi không làm điều tốt mình muốn, nhưng lại làm điều xấu mình ghét.Ý thức về  sự bất lực đối với các hành vi của mình, kể cả việc chúng ta tự hứa sẽ bắt đầu làm hay sẽ dứt bỏ, thì  không phải là quá khó cho chúng ta,  để nhận ra những lãnh vực mà chúng ta không có khả năng  điều khiển hành vi của mình? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều nầy.Ước gì nhờ Chúa Thánh Thần, và với vinh quang vô biên của Thiên Chúa, xin Ngài ban cho chúng ta quyền năng để làm lớn mạnh cái tôi nội tâm , để Chúa Giêsu có thể sống trong ta nhờ đức  tin, cho đến khi ta nhận biết tình yêu  của Ngài, tình yêu đó vượt mọi sự hiểu biết,  và ta sẽ được tràn đầy sự sung mãn của Thiên Chúa (Eph 3: 16-17).Nhưng giả sử mọi việc đều xảy ra như chúng ta ước muốn, liệu có một lãnh vực nào đó mà chúng ta có rất  ít quyền để trấn áp nó không? Thế nào là những cảm xúc và cảm giác của chúng ta? Chúng ta có tin là mình có quyền trên chúng không? Thế nào về cơn nóng giận, đau đớn và bực tức, khi một ai đó coi thường chúng ta, khi chúng ta không được nhìn nhận như chúng ta nghĩ  mình xứng đáng,  hay khi một ai đó nói điều gì màchúng ta không đồng ý, nhưng lại được hoan nghênh?

Tình cảm nào bộc phát khi chúng ta không đạt được điều mình ước muốn, hay là khi một điều gì đó ---mà chúng ta có ---chẳng hạn như một mối tương giao, một vật sở hữu, một địa vị -  lại bị đe dọa hoặc mất đi?

Lòng ganh tỵ bậc lên trong chúng ta, khi một ai khác có điều mà chúng ta không có, hoặc có điều mà chúng ta ước muốn? Thế nào về những cảm giác nhất thời hay sâu lắng của bệnh hoang tưởng nổi dậy,  khi chúng ta cảm nghiệm mình bị chống đối? Cảm nghĩ rằng mình còn thiếu sót, có phá hủy lòng tự tin của chúng ta không?  Chúng ta có mặc cảm  tội lỗi  không?  Chúng ta nghĩ thế  nào về những khát vọng dâm đãng, tham lam, lười biếng, háu ăn,có thể nẩy sinh trong chúng ta? Chúng ta có cảm thấy sợ người khác, sợ nơi chốn nào đó hay  sợ sự việc không?  Chúng ta có cảm giác nhát đảm và buồn chán không? Lo âu, ái náy nhiều khi quấy rầy chúng ta, ngay cả khi chúng ta tự hứa là mình không còn sống trong tình trạng như thế nữa chăng?

Còn nói gì nữa chăng, về những kiêu hảnh, những cảm xúc  tạo nên rào cản giữa ta với Thiên Chúa, giữa ta với người khác, và ngay cả giữa chúng ta với chính bản chất nội tại tốt đẹp của mình? Thế nào về cái cảm giác luôn luôn cho mình là đúng, khuynh hướng muốn đạt được danh vọng trong mọi việc, mặc dù chúng ta có thể kiềm chế, và cố gắng che dấu, để không bị lộ ra bên ngoài? Hầu hết những hành vi của chúng ta phát xuất từ  phản ứng của chúng ta đối với cuộc sống quanh mình. Nhưng cho dù chúng ta không hành động với những cảm xúc nầy, nhưng liệu những cảm xúc đó có chịu nằm yên,  không nổi lên phá khuấy chúng ta nữa hay không? Chúng ta có thể cố gắng đổi hướng những cảm xúc, không cho chúng hoạt động, nhưng chúng ta có đủ sức để giữ cho những cảm xúc đó không xảy đến không?  Chúng ta hãy cố nhận ra sự bất lực  trên những cảm xúc của mình. Nếu chúng ta  chấp nhận sự bất lực của mình, thì điều đó rất có ích,  để nhớ rằng, chính thánh Phaolô đã khiêm tốn  nhìn nhận những bất lực của mình;  và  nhờ đó mà Chúa Giêsu đã đi vào trong đời sống của ngài như  là một vì Thiên Chúa. Hãy xác tín như thánh Phaolô.

Trước khi thế gian được tạo thành, Thiên Chúa đã chọn chúng ta, chọn chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, để trở thành thánh thiện, tinh tuyền, và sống trong tình yêu trước thánh nhan Ngài. Hãy khẳng định rằng chúng ta đã trở thành dưỡng tử  củaThiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô,  để ta hằng ngơiï khen ân sũng rạng ngời mà Ngài đã ban tặng cho ta (x. Eph 1:4-6). Hãy tâm niệm: Thiên Chúa là nguồn mọi năng lực của tôi.

III. Quyền Năng Của Chúng Ta Ở Trong Chúa Giêsu Kitô

Khi chấp nhận sự yếu hèn của mình trước Thiên Chúa, thánh Phaolô quyết định tôn vinh Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Sau khi được thanh tẩy và cũng cố trong Chúa Thánh Thần, ngài nhìn lại thế giới quanh mình, và lần đầu tiên ngài hiểu ý nghĩa của nó, vì ngài được ban cho một cách nhìn hoàn toàn mới mẽ.

Trước kia thánh Phaolô chỉ hiểu được hiện tượng, chỉ hiểu được cái gì xuất hiện bên ngoài, và không thể thấy được sự thật. Cái đúng thật bị che khuất khỏi tầm nhìn; nhưng rồi bức màn che khuất kia được  cất đi, ngài được Thánh Thần hướng dẫn vào trong sự thật vẹn toàn mỗi ngày một hơn. Khi giải thích về  chuyển biến mầu nhiệm và phi thường nầy,--- từ mù lòa thiêng liêng đến sự sáng suốt nhờ ánh sáng Chúa chiếu soi, thánh Phaolô nhắc đến trường hợp của những  người  Do Thái, những anh em của ngài: họ cũng giống như ngài trước cuộc gặp gở trên đường Đamas, họ không thể nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô như là Đấng Messia.

Viết cho tín hữu Côrintô, ngài nhắc đến những chương trong sách Xuất Hành kể lại việc Môisen, sau lần gặp gỡ mặt đối mặt với Thiên Chúa trên núi Sinai, phải che mặt khi ngài trở lại với dân chúng,  vì  ánh  vinh quang của Thiên Chúa vẩn còn phản chiếu trên khuôn mặt của ngài.

Thánh Phaolô nói rằng, bức khăn che phủ hãy còn đó cho đến khi nó được mở ra, và "chỉ mình Chúa Giêsu Kitô mới có thể lấy đi" (2 Cor 3:14). Khi Phaolô bắt đầu rao giảng trong hội đường Đamas, sau khi bức khăn che phủ đó được mở ra, thì  "tất cả những người nghe đều ngạc nhiên . . . . .  Quyền năng của Phaolô gia tăng vững chắc, ngài chứng minh rằng Đức Giêsu là  Chúa" (TĐCV 9,21-22).

Vì thế, Phaolô cảm nghiệm được sự bất lực của ngài,  khi Thiên Chúa chặn ông lại trên đường Đamas, đểû lấy bức khăn che khỏi tâm trí ngài; thánh Phaolô được thanh tẩy trong Thánh Thần, để rao giảng khắp nơi rằng Đấng mà ngài bắt bớ,  không ai khác hơn là Thiên Chúa."

Thử hỏi không phải là cùng bức khăn che phủ nầy, đã được lấy ra khỏi tâm trí của chúng ta rồi hay sao, khi chúng ta hướng về Thiên Chúa? Không phải một cách nhìn hoàn toàn mới,  đã mở ra trước mắt chúng ta rồi sao? Mặc dù chúng ta vẫn còn có điểm mù và đôi khi nó che phủ tầm nhìn  của chúng ta, do bởi  cách suy nghĩ cũ,  nhưng chúng ta đã được mở rộng,  nhờ được tràn đầy Thánh Thần . Chúng ta không thấy rõ hơn sao những gì Thiên Chúa đã mạc khải cho, khi Ngài kéo chúng ta đến gần Ngài?Lúc đó sức mạnh của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô được  gia tăng vững chắc. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều nầy.

Nơi  thư  2 Côrintô chương 3 câu 18,thánh Phaolô nhắc chúng ta như sau:

Chúng ta phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa.Chúng ta sẽ ngày càng sáng chói hơn, khi chúng ta được biến đổi giống hình ảnh mà chúng ta phản ánh.Đó là công việc của Thiên Chúa (2 Cor 3:18).

Chúng ta hãy quyết tâm để cho  Thiên  Chúa  cất  đi bức màn che phủ tâm trí chúng ta. Đây là Ơn mà chúng ta cần khiêm tốn cầu xin Chúa ban cho trong giây phút này.Càng khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn, những yếu hèn, những sự bất lực của mình, thì chúng ta càng được sức mạnh của Chúa nâng đỡ: Ơn Ta Đủ Cho Con. Trong sự yếu hèn của chúng ta, sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ. Hãy để cho Thiên Chúa được toàn quyền hành động nơi và qua chúng ta. Amen.

 

                LINH MỤC CHO NGÀN NĂM THỨ BA   (Đức Hồng Y  Timothy M Dolan)

Chương 1: ĐỨC TIN  (Nguồn: nguoitinhuu.com)

(Đoạn trích Kinh Thánh Gioan 20:19-29)

Trong lần thứ ba được bài sai đi coi xứ, cha sở của tôi lúc ấy lại là đức giám mục phó của tổng giáo phận St. Louis, GM George J. Gottwald. Vào lúc ấy Đức Giám Mục Gottwald đã gần về hưu, đúng hơn là ngài đã quá mệt mỏi với gần 50 năm linh mục và hai mươi lăm năm giám mục. Ngài vẫn thích la cà ở bàn ăn của chúng tôi và nói về Công Đồng Vatican II, nhưng ngài rất ít đề cập đến giai đoạn khủng hoảng trong đời ngài, đó là thời gian chín tháng ngài làm giám quản tông tòa của tổng giáo phận sau khi Đức Hồng Y Joseph Ritter từ trần vào tháng Sáu, 1967.

Đó là những năm tiếp ngay sau thời tột đỉnh của công đồng với nhiều sáng tạo, sống động và những tiến triển đầy hứa hẹn trong Giáo Hội, được thúc giục bởi lời kêu gọi canh tân của công đồng: nhưng, thật không may, cũng có nhiều nghi ngờ, sai lầm, tổn thương, hoang mang và rõ ràng là ngờ nghệch. Giữa tất cả những điều ấy, Đức Giám Mục Gottwald, có thể nói ngài là một cha sở quê mùa chất phác và nhậm chức giám mục phó chỉ vì vâng lời, bị đẩy vào vai trò "lãnh đạn".

Một trong những khủng hoảng là chủng viện. Một phần tư linh mục thuộc ban giảng huấn từ bỏ chức linh mục, các chủng sinh mất đi một phần mười vì bỏ chủng viện, và môn thần học thì dạy đủ mọi thứ nhưng không đề cập đến Giáo Hội. Những linh mục còn trong ban giảng huấn thì tuyên bố rằng họ sẽ gia nhập nhóm thần học đại kết, vì theo kiểu cách họ giải thích công đồng, họ cho rằng thật vô ích khi giảng dạy thần học Công Giáo--vì có lẽ nó không còn hiện hữu nữa.

Vào đầu xuân năm 1968, họ yêu cầu sự có mặt của vị giám quản tông tòa tại một cuộc được gọi là "biểu tình nơi sân trường" để trình cho ngài một danh sách các yêu cầu, trước sự hiện diện của các đặc phái viên đài truyền hình.

Giữa bầy sư tử, Đức Giám Mục George Gottwald bước vào một cách lo sợ, bồn chồn, ước chi ngài vẫn chỉ là một cha sở vô danh tiểu tốt của vùng đồi núi Ozark ở phía nam tiểu bang Missouri. Người cầm đầu ban giảng huấn và các chủng sinh ấy cho đức giám mục biết là Chủng Viện Kenrich rất có thể phải đóng cửa, vì toàn bộ việc đào tạo linh mục cũng như thần học Công Giáo đều vô giá trị. Đức giám mục nhận định rằng, giữa những hồ nghi và thăm dò của công đồng, vẫn còn các chân lý hiển nhiên, bền bỉ cần được giảng dạy cho các linh mục tương lai.

Người cầm đầu cười khảy, "A! Con thách cha có thể nói cho con biết điều gì có thể dạy cho chủng sinh ngay bây giờ mà không thay đổi hay sẽ bị thay đổi, điều gì có thể khẳng định với một chút tin tưởng! Con thách cha nói cho con biết."

Đức giám mục ho khan khi mọi con mắt đều đổ dồn về ngài, khi mọi máy thu âm và thu hình đều hướng về ngài, khi họ chờ đợi ngài trả lời sự thách thức ấy. Và câu trả lời của ngài là gì?

"Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chịu chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen."

Kinh Tin Kính! Một tuyên xưng đức tin căn bản được Giáo Hội bầy tỏ ngay từ thuở ban đầu. Thưa các bạn, đây là một con người của đức tin: giữa những hồ nghi, nhạo cười và hoang mang, ngài dám khẳng định rằng chắc chắn có những chân lý để chúng ta hy vọng vì các chân lý ấy xuất phát từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng ta!

Đức tin. Một người quản lý thận trọng lượng giá những quà tặng, những báu vật, những điều mà ông đang có trong tay, với nhận thức rằng ông cần phải tiếp tục tìm về điều đó. Chúng ta là các quản lý, và có quà tặng nào trong kho lẫm nội tâm chúng ta quý giá hơn đức tin? Có lẽ chúng ta phải tích lũy chứ?

Thư gửi tín hữu Do Thái viết, "Đức tin là đảm bảo những ân huệ mà chúng ta hy vọng, là bằng chứng của sự hiện hữu của các thực thể mà hiện chưa được thấy." Phải, bất kể những mẫu thuẫn, những vu vơ và chỉ trích đầy dẫy chung quanh chúng ta, đức tin giúp chúng ta kiên trì bám víu lấy những điều chắc chắn: Thiên Chúa hiện hữu! Ngài yêu thương chúng ta! Ngài đã mặc khải các chân lý cho chúng ta! Ngài đã sai Con một để trở nên "đường, sự thật và sự sống" (Gioan 14:6)! Con Ngài đã cứu chuộc chúng ta bằng cái chết và sự phục sinh, và hiện vẫn sống, vẫn hùng mạnh ở với chúng ta! Tâm hồn chúng ta vững vàng trong đức tin này! Firmum est cor meum.

Đức tin chúng ta đảm bảo rằng những tuyên bố trên là sự thật, không dựa trên chứng cớ bệnh hoạn, lạnh nhạt, nhưng trên đức tin đơn sơ như trẻ thơ, một cách khiêm tốn vào Cha trên trời, Người không bao giờ lừa dối chúng ta!

Đức tin, dĩ nhiên có đối tượng của nó chứ không chỉ là những tuyên bố hay tín điều, nhưng là một con người, đó là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta tin Người, và do đó tin ở những gì mà Người và Giáo Hội dạy bảo.

Nhiều người có các anh chị em của mình với con nhỏ. Nếu giống tôi, bạn sẽ rất thích thú khi thấy các cháu của mình và thấy đức tin của chúng nơi cha mẹ. Không dựa trên lý trí nhưng rất tự nhiên, không gò bó, như một phần của con người... Các em biết rằng:

- khi chúng khóc, mẹ chúng sẽ đến;
- khi chúng sợ, mẹ sẽ ẵm bế;
- khi chúng đói, mẹ sẽ cho ăn;
- khi chúng cô đơn, chúng chạy đến mẹ.

Đức tin... và đó là đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa. Charles de Foucauld nhận ra điều này khi người viết, "Vào giây phút tôi nhận thức được sự hiện hữu của Thiên Chúa, tôi không thể làm gì khác hơn là sống cho một mình Người... Đức tin lột bỏ mặt nạ của thế gian và cho thấy Thiên Chúa ở trong mọi sự. Đức tin có thể làm được mọi sự và làm cho các danh từ trở nên vô nghĩa, tỉ như lo lắng, sợ hãi, và nguy hiểm, nhờ đó người tín hữu đi qua cuộc đời một cách bình thản, với niềm vui sâu đậm--như đứa bé nắm tay mẹ nó."

Sẽ bi thảm là chừng nào nếu chúng ta coi thường đức tin, một khía cạnh nguyên thủy của đời sống chúng ta! Một tinh thần quản lý chểnh mảng! Một trong những lý do khiến các linh mục sẩy chân và vấp ngã, hoặc tại sao họ co quắp lại thành những người độc thân cẩu thả, gắt gỏng, không lo lắng và lười biếng, thì không dính dáng gì đến ơn gọi nhưng tất cả chỉ vì đức tin! Như Đức Giám Mục Sheen có nói, "Sự khủng hoảng trong linh mục không phải vì vấn đề căn tính nhưng vì đức tin!"

Một linh mục mà khi còn nhỏ tôi rất khâm phục đã từ bỏ chức linh mục vào lúc tôi đến làm việc tại đại chủng viện. Tôi rất bối rối. Anh gửi cho tôi một lá thư mà thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại, trong đó anh nói, "Phải, con đã mất ơn gọi linh mục, nhưng, con phải thú nhận, con đã mất đức tin nhiều năm trước đó. Và không có gì khốn khổ cho bằng một linh mục mà không có đức tin!" Thật quá đúng.

Như Thánh Phaolô viết cho Timôtê: "Nhưng, là một người tận hiến cho Thiên Chúa... anh phải cố trở nên... tràn đầy đức tin... " (1 Tim 6:11-12). "Với đức tin và đức mến nơi Đức Kitô Giêsu, anh hãy gìn giữ những lời lành mạnh tôi dạy bảo như mẫu mực. Anh đã được giao phó để theo đuổi một điều gì quý báu; hãy bảo toàn nó với sự trợ giúp của Thánh Thần ngự trong chúng ta!" (2 Tim. 1:13-14).

Các anh em thân mến, điều này rất liên hệ đến sự đào tạo, đến ơn gọi của chúng ta, đến  tất cả mọi lý do tại sao chúng ta ở đây, bởi vì dân chúng nhìn đến chúng ta như những người có đức tin!

Có câu chuyện nói về Đức Mahatma Gandhi: Từ một nơi hẻo lánh trong nước Ấn, một người mẹ có con thơ đã phải trải qua cuộc hành trình lâu mười một tiếng đồng hồ để gặp Đức Gandhi và xin người giúp đỡ cho đứa con trai ba tuổi của bà, nó ngang bướng, lúc nào cũng náo động, không chịu ngủ, luôn luôn phá phách.

Đức Gandhi trả lời, "Nói cho tôi biết đủ mọi thứ về nó. Cho tôi biết nó nói gì, mặc gì, ăn gì, chơi đùa như thế nào, mơ thấy gì, chơi với ai." Người mẹ kể lại tất cả. Sau giây phút im lặng, Đức Gandhi nói, "Tôi biết điều khó khăn đó, nhưng một tháng nữa tôi mới cho bà biết. Hãy trở lại đây."

Đúng một tháng sau, người mẹ này lại vất vả trải qua cuộc hành trình mười một tiếng đồng hồ đến gặp Đức Gandhi, bà hỏi, "Con trai của tôi có gì sái quấy?" Vị thánh sống này trả lời, "Nó ăn quá nhiều đường. Đừng để nó ăn đường nữa thì nó sẽ yên."

Người phụ nữ, phần nào khuây khỏa vì tìm ra nguyên do, phần nào khó chịu và nói, "Nếu câu trả lời quá đơn giản như vậy, sao tôi phải cực nhọc đến đây một lần nữa? Sao ông không cho tôi biết từ tháng trước?"

Đức Gandhi trả lời: "Tôi không thể cho bà biết vào lúc ấy, chỉ vì tôi cũng đang ăn đường."

Tôi nghĩ đây là một hình thức của câu chúng ta thường nói nemo dat quod non habet ("không ai có thể cho cái mà họ không có")! Đức Gandhi biết rằng, trước tiên ông phải thi hành những gì mà ông sẽ khuyên bảo người khác.

Chúng ta tốn nhiều thì giờ khi là linh mục--ở tòa giảng, toà giải tội, phòng tiếp khách, lớp học, giường bệnh, nhà quàn--để nói với dân chúng rằng, "Hãy có đức tin!" Nhưng, chúng ta có đức tin không? Chúng ta có phải là người có đức tin chưa?

Phải, dân chúng nhìn đến chúng ta như những người có đức tin, dù rằng đức tin của họ thường sâu đậm hơn chúng ta. Thật xấu hổ khi các linh mục yếu đức tin, bởi cách họ sống, điều họ nói, điều họ làm hay không làm. Ngày nay, dân chúng phải đối diện với biết bao linh mục là những người nhạo cười đức tin, công khai chỉ trích huấn quyền và bỏ qua những chân lý của Giáo Hội.

Tôi nhớ có lần cử hành Thánh Lễ đêm Giáng Sinh tại giáo xứ nơi bố mẹ tôi sinh sống chỉ để nghe vị linh mục trong bài giảng nói với dân chúng rằng, Phúc Âm mà họ vừa nghe, tất cả chỉ là hoang đường, được giàn dựng, có lẽ chẳng bao giờ xảy ra cả. Bạn có thể tin nổi không? Tôi nhớ có lần trong lớp giáo lý tân tòng, một người yêu cầu vị linh mục giảng dạy giải thích thêm về sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong hình bánh, thì vị linh mục này lại nói rằng học thuyết này không bền vững, đang bị đặt lại vấn đề và được tái công thức hóa bởi các thần học gia sáng giá nhất ngày nay.

Như cha linh hướng của tôi là Đức Ông John Tracy Ellis thường nói, "Không, Giáo Hội không có mọi câu trả lời, nhưng chắc chắn Giáo Hội có nhiều hơn bất cứ tổ chức nào trên trái đất!" Và, vì Chúa, các linh mục của Giáo Hội không phải trung thành và yêu mến Giáo Hội hay sao?

Tại cực điểm của niên lịch phụng vụ, Đêm Phục Sinh, Giáo Hội yêu cầu mọi người nghĩ lại câu hỏi: Chúng ta có phải là một dân có đức tin hay không? Qua từng phần của Kinh Tin Kính, Giáo Hội hỏi, Bạn có tin không? Tôi coi đó là một phần thiết yếu của việc chăm sóc tâm linh mà chúng ta không ngừng tự hỏi mình khi kiểm điểm lương tâm chúng ta về đức tin.

Chúng ta có tin Thiên Chúa không? Tôi hy vọng là có! Nhưng, chúng ta có tin nơi Thiên Chúa, Đấng mật thiết can dự vào cuộc đời chúng ta, Đấng từng mặc khải chính mình cũng như các chân lý về Người và phương cách mà Người muốn chúng ta sống hay không? Chúng ta có tin Người đã mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Người thực sự đã sinh ra, đã sống, đã chịu đau khổ, đã chết, đã sống lại, đã lên trời, và đã ban Thần Khí Người xuống hay không?

Chúng ta có tin Thiên Chúa là Đấng đã tạo nên chúng ta theo hình ảnh và giống Người, và Đấng đã tiền định cho chúng ta sự vĩnh cửu, một vĩnh cửu với Người hoặc không có Người? Chúng ta có tin Đấng đã thở hơi vào chúng ta một linh hồn bất tử, và đem cho chúng ta căn tính cũng như được làm người, và có thể chia sẻ sự sống của Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong ơn huệ không sao sánh được, gọi là ơn thánh hóa không?

Chúng ta có tin Thiên Chúa hằng sống và quyền năng trong lời chúng ta cầu nguyện cũng như trong Giáo Hội được phát sinh từ cạnh sườn của Con của Người, mà Người tiếp tục hoạt động trong bảy bí tích, thực sự hữu hiệu và chu toàn những gì bí tích ấy biểu thị; đó là bí tích rửa tội mà qua đó chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và đền thờ của Chúa Thánh Thần; đó là bí tích Thánh Thể mà nhờ đó chúng ta thực sự được lãnh nhận Chúa chúng ta, chính mình, máu, linh hồn, và thiên tính của Người; đó là bí tích hòa giải mà nhờ đó tội lỗi chúng ta được tha thứ?

Chúng ta có tin là Người tiếp tục dạy dỗ chúng ta trong Kinh Thánh và Truyền Thống của Giáo Hội, được cẩn thận duy trì bởi các vị thừa kế các tông đồ, các giám mục, nhất là đấng kế vị Thánh Phêrô không?

Tôi có tin là Thiên Chúa ấp ủ tôi cách riêng và đã gọi tôi ngay từ khi tôi được thụ thai trong lòng mẹ, và Người đã có một kế hoạch cho tôi, Người đã gọi tôi đi theo Con của Người, là Đấng Cứu Độ và là Chúa của tôi không? Tôi có tin là Người biết tôi rõ hơn chính tôi, Người luôn yêu tôi, và đang mời gọi tôi phục vụ Người và Giáo Hội như một linh mục trung tín không?

Chúng ta có tin rằng chức linh mục là một cam kết không thể hủy bỏ, tuyệt đối, cố định đối với Chúa Kitô và Giáo Hội mà thiên chức ấy giúp tôi hành xử như Đức Kitô, là đầu, là chủ chiên, và là hôn phu của Giáo Hội Người hay không?

Hãy công nhận tầm quan trọng nòng cốt của câu hỏi này: Tôi có thật sự tin không? Nhất là trong thời đại của sự do dự, hoài nghi, yếm thế mà nó chủ trương rằng chỉ những gì có thể chứng minh bằng công thức toán học hay khảo sát bằng kính hiển vi thì mới là sự thật... trong một thời đại mà nó chủ trương rằng đức tin chỉ là sự lập dị kỳ quái của những ai hèn yếu, bất an, hoặc tệ hơn nữa chỉ là đồ giả tạo mê tín dị đoan nhằm đưa con người vào sự nô lệ, tôi thực sự có đức tin không?

Chúng ta là những người có đức tin mạnh mẽ hoặc chúng ta chẳng là gì cả! Vì không có gì đáng thương hơn là một linh mục không có đức tin--và nhiều người như vậy. Với đức tin chúng ta cầu khẩn, sống tình anh em, thăng tiến tâm linh! Với đức tin chúng ta hăng hái sống đức hạnh, hợp đạo lý theo sự thúc giục của ơn sủng! Với đức tin chúng ta hăng say và độ lượng với dân chúng! Với đức tin, mọi sự đều có ý nghĩa: chúng ta có bình an và niềm vui. Như Thánh Augustine đã nói, "Chỉ khi nào đức tin chúng ta còn thao thức thì sẽ có bình an và thanh thản trong tâm hồn Kitô Hữu. Khi đức tin chúng ta ngủ quên, chúng ta sẽ trong tình trạng nguy hiểm!"

Không có đức tin--không có ý nghĩa, không có động lực, không có lý do. Chúng ta sẽ trở nên lạnh nhạt, lười biếng, yếm thế và hay gắt gỏng. Các bí tích thì rỗng tuếch--vì chúng ta không còn tin nữa; bài giảng thì chán chường--vì chúng ta không tin điều chúng ta nói; và chúng ta tuyệt vọng tìm kiếm ý nghĩa trong chai rượu, nơi các chú giúp lễ, nơi các phụ nữ, nơi các câu lạc bộ thể thao, hay chơi "stocks", chơi xe, đi du lịch, hay thăng quan tiến chức, hoặc thể hiện tham vọng ...

Không có đức tin, chúng ta tự đưa mình đến vực thẳm. Vì một ngày nào đó, sớm hay muộn, các khủng hoảng sẽ xảy đến. Có thể là vì một bài sai không đúng ý, mệt mỏi vì hàng ngày phải đương đầu với sự dữ và đau khổ, chán nản vì chính sự yếu đuối của mình; có thể là vì tiếng sét ái tình, cô đơn, bệnh hoạn, hay hồ nghi. Sự khủng hoảng sẽ đến, có lẽ dưới hình thức các câu hỏi thật ray rứt: Tại sao tôi làm việc này? Tại sao tôi vẫn làm như vậy? Chức linh mục có giá trị thật không? Có Chúa không? Giáo Hội có phải do Chúa lập nên không? Tôi có khờ không? Nếu không có đức tin, tất cả những khủng hoảng ấy chắc chắn sẽ đến với chúng ta!

Tôi rất thích đoạn văn mà Thomas Merton, có lẽ cũng trong giây phút thử thách nhưng còn bám víu lấy đức tin của mình, đã viết như sau:

Lạy Chúa, con không biết con đang đi đâu. Con không thấy con đường trước mặt. Con không biết nó chấm dứt ở đâu. Con cũng không thực sự biết chính con, và quả thật ngay khi nghĩ rằng con đang theo thánh ý Chúa thì không có nghĩa là con thực sự làm điều đó. Nhưng con tin rằng cái khao khát muốn làm vui lòng Chúa thì quả thật đã vui lòng Chúa rồi. Và con hy vọng luôn có sự khao khát ấy trong mọi việc con làm. Con hy vọng là không bao giờ con làm bất cứ gì ngoài sự khao khát ấy. Và con biết rằng khi con làm điều này Chúa sẽ dẫn dắt con theo đúng đường dù có thể con không biết gì về con đường ấy. Do đó, con luôn luôn tín thác vào Chúa dù dường như con đang lạc trong bóng tối sự chết. Con sẽ không sợ, vì Chúa luôn ở với con, và Chúa không bao giờ để con một mình đương đầu với hiểm họa.

Làm thế nào để chúng ta gia tăng và bảo vệ đức tin?

1. Tôi hy vọng là việc theo đuổi kiến thức thần học sẽ gia tăng đức tin của chúng ta. Fides quaerens intellectum ("Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết"), như Thánh Anselm đã định nghĩa. Chúng ta sợ một đức tin nhạt nhẽo, cũ rích, ngây ngô và có tính cách phòng thủ; chúng ta thèm khát một đức tin mạnh mẽ, sống động, chắc chắn và như trẻ thơ. Do đó, chúng ta không sợ để tìm tòi, thắc mắc, đặt vấn đề, đào xới. Như Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã nói, "La Chiesa non ha paura della verità" ("Giáo Hội không sợ sự thật"). Đó là lý do tại sao các bạn là những người "trong thần học"--để củng cố đức tin của mình!

Và từ sự nghiên cứu mãnh liệt này, việc tìm kiếm tới mức và đầy suy tư, việc lắng nghe và trầm ngâm, sẽ phát sinh một đức tin mà chúng ta quá quen thuộc đến độ có thể phát biểu một cách độc đáo, đầy tin tưởng, nhưng giản dị như thơ văn. Vào ngày đầu tiên tôi đến dạy học trường nhà xứ, cha sở nói, "Bây giờ chúng tôi mới có thể thấy cha đã thực sự học hỏi được gì về thần học khi cha sửa soạn dạy lớp một." Ngài thật đúng là dường nào!

2. Sự cầu nguyện gia tăng đức tin của chúng ta, vì, tự cốt lõi, đức tin là món quà mà chúng ta phải xin. Trong Phúc Âm có rất nhiều câu thật đẹp--"Lạy Chúa, con tin! Xin giúp cho sự yếu đuối đức tin của con!", "Lạy Chúa, xin hãy gia tăng đức tin của con!"--là những câu không thể bỏ qua được.

Tôi nhớ có lần khuyên bảo một giáo sư toán của Đại Học Washington ở St. Louis. Ông kết hôn với một thiếu nữ Công Giáo và thành thật muốn gia nhập Giáo Hội. Chưa có ai chịu khó tìm kiếm đức tin như ông! Ông không bao giờ quên một mệnh lệnh nào, ông ngấu nghiến từng bài giáo lý tôi đưa, ông đặt những câu hỏi hóc búa, ông đọc cả cuốn Summa (Tổng Luận Thần Học)! Nhưng, vẫn không có đức tin. Ông hỏi một cách đau khổ, "Thưa cha, con có thể làm gì hơn?". Và rồi tôi sực nhớ rằng cả hai chúng tôi đều coi đức tin như thể một môn học, một kỷ luật, một kiến thức có thể tiêu hóa được. Dĩ nhiên, không phải như vậy--đó là món quà của Thiên Chúa. Do đó, tôi nói, "Ông có cầu xin Chúa ban cho ông đức tin không?" "Thưa cha không." Và rồi ông đã xin. Tôi cũng xin. Ông đã rửa tội; con trai đầu lòng của ông cho tôi biết ông muốn làm linh mục. Hãy xin ơn đức tin!

Một cha linh hướng đã từ trần có lần khuyên tôi về một điều mà ngài gọi là "cầu nguyện có lớp lang", trong đó tôi sẽ đơn sơ nói với Chúa những gì tôi tin, những gì tôi trân quý, những gì tôi không thể sống mà không có, những gì giúp tôi vượt qua thử thách--là đức tin của tôi. Điều đó thật có ích cho tôi.

3. Hãy thận trọng về các dấu hiệu. Chúng ta muốn tìm kiếm các dấu hiệu, những xác nhận hoa hòe về đức tin của chúng ta. Bây giờ, truyền thống Công Giáo của chúng ta luôn luôn chủ trương rằng các điều ấy--những lần hiện ra, phép lạ, Khăn Liệm Turin, các lời sấm, năm dấu thánh--có thể gia tăng đức tin, nhưng không bao giờ thế cho đức tin. Và nếu tất cả những điều bề ngoài ấy xẹp xuống, thực sự như vậy, thì sao? Đức tin chúng ta không tùy thuộc vào điều đó, nhưng vào Người. Các điều ấy chỉ là gia vị, chứ không phải là cơm bánh.

4. Các khủng hoảng, sự đau khổ--có thể thanh tẩy và kiên cường đức tin của chúng ta. Tôi không biết có lúc nào đức tin của tôi mạnh mẽ hơn là khi tôi đọc lời cầu nguyện cho người chết trước thi hài còn ấm áp của cha tôi sau khi ông chết bất tử, với mẹ tôi đang thổn thức bên cạnh.

Đức tin thì dễ dàng vào ngày chịu chức linh mục, nhưng khó khăn khi lần đầu tiên bạn bị cha sở bốp chát vào mặt; đức tin thì đẹp khi bạn khỏe mạnh, nhưng thật khó khi bạn bị đau ốm. Chúng ta không cần đức tin khi đầy đủ, mãn nguyện, vừa ý--nhưng chúng ta cần đức tin khi chán nản, lo âu, bồn chồn, bận rộn! Sự thoải mái, dễ dàng, an toàn đôi khi có thể bóp nghẹt đức tin. Như chúng ta nghe trong thư của Thánh Giacôbê: "Hỡi anh em, hãy coi đó là niềm vui khi anh em gặp nhiều thử thách, vì anh em biết rằng sự thử thách đức tin sẽ giúp anh em thêm vững mạnh" (Giacôbê 1:2-3).

5. Chúng ta cần tình đồng đội, sự hỗ trợ, và sự khuyến khích của những người mà họ duy trì đức tin của chúng ta. Đó không phải là lý do căn bản của một chủng viện hay sao?

Ở North American College, chúng tôi cầu nguyện với nhau và cho nhau, chúng tôi cố đạt được cùng một mục đích, chúng tôi bàn thảo về đức tin, và hy vọng chúng tôi sẽ là một gương mẫu tốt lành cho nhau. Ở đây chúng tôi có các vị cố vấn và các cha linh hướng là những người thách đố và khảo sát chúng tôi. Tôi nhớ một trong những chủng sinh năm thứ nhất có nói với tôi sau ba tuần sống tại đây, "Thưa cha, thật tốt để ở với những người cùng chia sẻ đức tin với con, ở đây con không sợ hay ngượng ngùng khi nói về Chúa Giêsu, hay Đức Maria, hay cầu nguyện, hay chiêm niệm, hay lo âu." Cám ơn Chúa, ở đây chúng tôi có tình đoàn kết trong các nhóm cầu nguyện, tỉ như nhóm Gesù Caritas, tận hiến cho Mẹ Maria, hợp nhất trong tinh thần tông đồ, và học hỏi.

Khi chúng ta rời chủng viện, chúng ta cần có bạn hữu và anh em linh mục là những người sẽ tiếp tục hỗ trợ đức tin của chúng ta. Và điều khó tin là, chính những người mà chúng ta cố gắng kiên cường đức tin của họ thì lại là người hỗ trợ đức tin của chúng ta: những bệnh nhân cần rước lễ; những người đơn sơ tham dự Thánh Lễ hàng ngày; các gia đình Công Giáo đơn sơ, đứng đắn.

Còn điều gì thiết yếu hơn đức tin?

Mới đây, tôi đến dự cuộc họp ở Venerable English College. Trong nguyện đường có tấm chân dung của các chủng sinh ở thế kỷ mười sáu được gửi đến nước Anh để hoạt động mục vụ mà chắc chắn họ sẽ tử vì đạo. Hàng trăm người được gửi từ Rôma sang nước Anh là nơi Giáo Hội đang bị bách hại. Nhiều người bị bắt ngay khi xuống tầu. Họ bị cảnh cáo, bị đe dọa, bị gửi về lại Âu Châu... nhưng rồi họ lại xuất hiện ngay trong chuyến tầu kế tiếp. Hàng chục, hàng trăm người bị rắc rối, bị cầm tù, bị tra tấn, bị chết vì đạo một cách tàn nhẫn... và những câu chuyện này thay vì làm nhụt chí thì lại nung nấu sự hăng say của các anh em linh mục ở đây. Họ tiếp tục đi sang. Như một người trong các vị ấy đã viết: "Đức tin là sự sẵn sàng để chết vì Đức Kitô, vì các mệnh lệnh của Người, với sự tin tưởng rằng chết như thế là được sống; sự nghèo nàn trở nên giầu sang, sự đáng khinh và tầm thường trở nên vinh dự đích thực, và, khi trắng tay bạn lại có mọi sự. Nhưng, trên tất cả, đức tin là đạt được kho báu vô hình vì được biết Đức Kitô."

Khi ở hầm mộ tại Campo Verano nhân ngày lễ Các Linh Hồn, tôi đọc được một tấm bia tưởng niệm Joe Toomey, là người chỉ sau tôi có một lớp khi còn ở đại chủng viện của tổng giáo phận Nữu Ước. Khi nhớ đến anh, tôi nhớ đến bức thư anh gửi cho chúng tôi. Tôi vui sướng khi tìm được bức thư này.

Anh Charlie và các bạn ở NAC thân mến,

Hai tuần vừa qua thật quá nhiều thử thách. Trong khi tôi nằm bệnh viện, các bác sĩ luôn nói với tôi rằng là họ cố gắng hết sức để thành công. Mọi hậu quả khủng khiếp của chất thuốc lại trở lại và tôi chiến đấu với tất cả can đảm và hy vọng. Tôi tin chắc rằng hóa chất sẽ tiêu diệt bệnh ung thư còn sót lại.

Năm ngày sau khi tôi được xuất viện. Tôi chụp hình phổi và choáng váng khi thấy kết quả. Thật đau lòng, bệnh tình của tôi chỉ thuyên giảm có chút đỉnh. Ông bác sĩ rất buồn khi nói với tôi rằng tôi sẽ phải trở lại cách chữa trị ghê tởm ấy trong một thời gian vô hạn định.

Điều này khiến tôi buồn tê tái trong nhiều ngày. Nhưng Thiên Chúa sẽ không để tôi đắm mình trong sự tuyệt vọng vô nghĩa. Ngài luôn nhắc nhở tôi phải tìm sức mạnh nơi các bí tích. Lời cầu nguyện của các bạn đã đem cho tôi sức mạnh tâm lý và tâm linh cần thiết để đối diện với một tương lai có lẽ rất đau đớn về thể xác.

Tối nay, tôi đã khóc khi nghĩ đến các bạn, khi khao khát được trở về trường. Có lẽ Thiên Chúa cho phép tôi chịu đau khổ bây giờ để kiên cường tâm linh của các bạn và những người mà tôi đã gặp. Đây là một mục đích thật vui, một thúc đẩy của tình yêu đích thực.

Làm ơn tiếp tục viết thư cho tôi; hy vọng tôi sẽ gặp lại các bạn vào mùa thu tới.

Đức Hồng Y Cooke đã phong chức phó tế cho anh Joe ngay trên giường bệnh, và anh đã từ trần bảy tuần sau khi viết lá thư ấy.

Điều gì có thể giải thích lá thư ấy nếu không phải là đức tin? Điều gì có thể giải thích cho những điều chúng ta hy vọng khi sống đời linh mục nếu không phải là đức tin?

Chúng ta hãy đọc Kinh Đức Tin:

Lạy Chúa, con tin thật có một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, Ngôi Cha, Ngôi Con, và Thánh Thần. Con tin rằng Con Chúa đã xuống thế làm người, và chịu chết vì tội lỗi chúng con và Người sẽ đến để phán xét kẻ sống cũng như kẻ chết. Con tin những điều ấy và tất cả những chân lý mà Giáo Hội Công Giáo dậy vì Chúa đã mạc khải cho họ, là những người không lừa dối và cũng không bị dối gạt.

Một số hình ảnh:

Thánh lễ cầu cho các ân nhân, thân nhân đã qua đời

Chuyên đề học hỏi: Cha Phêrô Hai phụ trách

Hội thảo mục vụ

Cha Quản hạt Sa Đéc

Cha Quản Hạt Cái Mơn

Cha Quản Hạt Bến Tre

Cha Quản Hạt Thạnh Phú

Cha Quản hạt Bình Đại

Cha thư ký văn phòng thông báo

Cha Phêrô thông báo về Quý thầy Đại Chủng Viện

Đức Cha Tôma tổng kết mục vụ

1044    28-11-2012 21:10:43