Sidebar

Thứ Sáu
10.05.2024

Tĩnh Tâm Thường Niên Linh Mục Giáo Phận Vĩnh Long năm 2012 ngày thứ nhất

Vào chiều ngày 26. 12. 2012, 189 linh mục Giáo Phận Vĩnh Long đã tề tựu về Chủng Viện Vĩnh Long để dự tĩnh tâm thường niên, bắt đầu bằng buổi cơm chiều chung vào lúc 18 giờ.

Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám mục Giáo phận phát  biểu đôi lời chào mừng các linh mục về dự tĩnh tâm

Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của Đức cha Gia cô bê Nguyễn Văn Mầu, dù tuổi già sức yếu, nhưng vẫn hiện diện và chia sẻ đôi lời thân tình.

Vào lúc 19 giờ là Nghi thức Phép lành trọng thể Khai mạc tuần tĩnh tâm Linh mục với lời Cầu Xin Ơn Chúa Thánh Thần.

Linh mục Phêrô giảng tĩnh tâm và giúp dọn gẫm theo chủ để: Ơn Gọi


BÀI I: ƠN GỌI

Tin Mừng thánh Mac-cô thuật lại 3 câu truyện về ơn gọi, bổ túc lẫn nhau, giúp chúng ta hiểu về bản tính, mục đích và các điều kiện của ơn gọi, để sống xác tín và hăng say trên cuộc hành trình theo Chúa trong cuộc đời tận hiến và phục vụ tông đồ.

a) Ơn gọi của 4 môn đệ đầu tiên:

"Ngài đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simon và người anh là Anrê đang quăng lưới xuống biển, vì họ là dân nghề chài lưới. Chúa Giêsu bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người". Đi xa hơn một chút, Ngài thấy ông Giacôbê, con ông Giêbêđê, và người em là ông Gioan đang vá lưới. Ngài gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Giêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Ngài" (Mc 1,16-20).

Ơn gọi của 4 môn đệ đầu tiên được thánh Mac-cô thuật lại ngay sau sứ điệp đầu tiên của Chúa khi Ngài bắt đầu cuộc đời công khai: "Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Bối cảnh này chắc chắn đã là một dấu chỉ cho cuộc hành trình ơn gọi kitô và ơn gọi tông đồ tận hiến của chúng ta.Đó là đã tới thời điểm Thiên Chúa thực hiện lời Ngài hứa cứu độ nhân loại.Đồng thời, đó cũng là ơn gọi kêu mời thế giới ăn năn thống hối và đón nhận Tin Mừng để được hưởng nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta có thể rút tỉa một vài áp dụng cho những hoạt động tông đồ của chúng ta, nhất là trong bối cảnh của xã hội hiện nay, một xã hội ngập lặn trong biết bao vấn đề khó khăn trên nhiều lãnh vực xã hội, chính trị, kính tế, nhưng đồng thời lại rất khao khát của ăn thiêng liêng. Đây là một xã hội nhiều quyền lực và sức mạnh, nhưng lại rất yếu đuối. Đây cũng là một xã hội rất đa tạp trên mọi phương diện vì các yếu tố khác nhau và có khi còn mâu thuẫn nhau cùng hiện diện chung đụng lẫn lộn. Chỉ cần nghĩ đến một số yếu tố hiển nhiên sờ sờ trước mắt như chủng tộc, mầu da, tiếng nói, tôn giáo, văn hóa, luân lý, tập tục, ý thức hệ... là thấy ngay một hoàn cảnh sống rất phức tạp.

Trong bối cảnh đó, công việc tông đồ đòi hỏi nhiều sáng kiến, nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng lạc hướng hay thậm chí mất hướng, có nghĩa là, vì mải mê tìm sáng kiến để lôi kéo sự chú ý của đám đông mỗi ngày mỗi thêm lãng trí vì bị chi phối bởi quá nhiều sức ép, người tông đồ có thể mất hướng, quên hay coi thường lý do và chủ đích của các sáng kiến. Vì vậy, cần phải ôn lại luôn trong tâm trí mục đích của cuộc đời và các hoạt động tông đồ để hướng dẫn các sáng kiến mục vụ truyền giáo.

Yếu tố thứ hai của câu truyện ơn gọi là thái độ của các môn đệ. Khi được Chúa kêu gọi, các ngài liền bỏ thuyền, bỏ lưới và bỏ luôn cả cha mẹ để theo Chúa. Đáp lại lời Chúa kêu gọi là từ bỏ tất cả để quy tụ hoàn toàn cuộc đời về Chúa Giêsu là điểm tựa mới, tiêu chuẩn sống mới cho cuộc đời.Khi được Chúa gọi, các môn đệ đã bỏ ngay thuyền, lưới và cha mình.Thuyền và lưới là những dụng cụ thiết yếu của dân đánh cá.Dân đánh cá mà không thuyền, không lưới có khác chi nhạc sĩ mà không có đàn hay sinh viên mà không bút, không giấy (ngày nay phải nói là không có computer). Người cha là biểu tượng của những mối tình cảm quan trọng và sâu đậm nhất của con người. Đó, người môn đệ phải bỏ tất cả những thứ thiết yếu nhất của cuộc đời, vì chỉ như vậy mới có thể thực sự phục vụ và yêu mến Chúa hết lòng.Thực ra, yêu Chúa và phục vụ Chúa không khó.Cái khó là yêu Chúa hết lòng và phục vụ Chúa hết mình.Nhưng chính đó lại là điều Chúa đòi hỏi nơi người môn đệ của Ngài.

Theo Chúa mà phải bỏ cha, bỏ mẹ, xem ra có vẻ bất nhân không?Thực ra, khi người ta cưới vợ, lấy chồng, rồi vì công ăn việc làm phải đi xa, hoặc bỏ cha mẹ ở nhà vượt biên, thì không ai kêu là bất nhân chi hết, nhưng khi hiến mình lo việc Chúa thì lại có nhiều vấn nạn. Nhưng, lý do chính yếu là khi một người bỏ cha mẹ để phục vụ Chúa thì thực sự chẳng bỏ cha mẹ, nhưng là yêu mến và phụng sự cha mẹ cách trung thực. Đó chính là ý nghĩa câu Chúa nói: "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai chấp nhận hiến mạng sống mình vì ta và vì Tin Mừng thì sẽ tìm lại được" (Mc 8, 35; x. Lc 9,24).

b) Ơn gọi của Levi

"Chúa Giêsu lại đi ra bờ biển hồ.Tất cả đám đông dân chúng tuôn đến với Ngài và Ngài dạy dỗ họ. Khi đi ngang qua trạm thu thuế, Ngài thấy ông Levi là con ông Anphê đang ngồi ở bàn thu thuế và Ngài bảo ông: 'Hãy theo tôi'. Ông liền đứng dậy và theo Ngài" (Mc 2,13-14).

Suy niệm câu truyện ơn gọi của Levi, sau đổi tên thành Mat-thêu, chúng ta có thể tìm ra hai khía cạnh mới rất quan trọng để hiểu thêm chiều kích của ơn gọi tông đồ tận hiến của chúng ta.Trước tiên, ơn gọi là một truyện ngạc nhiên bất ngờ.Levi đã được kêu gọi khi đang làm việc. Sách Tin Mừng nói là ông đang ngồi thu thuế. Chính lúc đó ông được Chúa kêu gọi.Thứ hai, ơn gọi cũng là một sự chọn lựa.Đối với Levi thì ơn gọi là một bất ngờ, nhưng đối với Chúa thì không.Chúa bỏ nhà ra đi với một chủ đích đi tìm Levi.Sách Tin Mừng nói là đám đông dân chúng tuôn đến Ngài và Ngài dạy dỗ họ, nhưng không gọi ai trong đám đông.Ngài tiếp tục đi cho tới khi tìm được Levi.Ơn gọi như vậy cũng là một tuyển chọn của Chúa.

Trường hợp ơn gọi của Levi gây ngạc nhiên không ít vì ông thuộc thành phần không mấy đạo đức và không được kính trọng nhiều trong xã hội do thái thời đó. Không biết cá nhân Levi có bất lương hay không, nhưng thành phần của ông không được coi là thành phần tốt... Ngồi nghĩ lại lịch sử ơn gọi của chính mình và nhớ đến các bạn bè thân thuộc, chưa chắc chúng ta là người thông minh nhất, có nhiều đức tính nhất.Có lẽ cha mẹ chúng cũng không phải là người đạo đức nhất trong làng, trong xứ.Vậy mà Chúa lại gọi chúng ta.Vì sao? Lý do của ơn gọi phải tìm trong tâm khảm của Chúa, trong chương trình cứu độ của Ngài. Hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài. Có lẽ lịch sử dân Israel có thể cắt nghĩa được lý do ơn gọi: "Thiên Chúa đã chọn ngươi làm dân riêng của Ngài giữa tất cả các dân trên mặt đất. Thiên Chúa đã tự ràng buộc mình với ngươi và đã chọn người, không phải vì ngươi là một dân đông số nhất giữa các dân tộc - thực ra ngươi là dân tộc bé nhỏ nhất - nhưng vì Thiên Chúa thương yêu ngươi và muốn giữ lời thề hứa với cha ông ngươi" (Đnl, 7,6-8).

Vì vậy, đến muôn đời phải cảm tạ Chúa, lặp lại lời Thánh Vịnh: "Con người là chi mà Chúa để ý tới và nâng niu săn sóc?" (Tv 8,5). Con là gì mà Chúa đoái thương chọn lựa? "Biết lấy gì đáp lại bao ơn lành Chúa đã ban cho con? Con sẽ nâng chén phần rỗi và sẽ kêu cầu danh Chúa" (Tv 116,12-13).

Phần Levi, cũng giống 4 môn đệ đầu tiên, vừa khi được Chúa kêu gọi, ông đã bỏ tất cả để theo Ngài (Mc 1,18.20; 2,14).

Bối cảnh của ơn kêu gọi: một điều đặc biệt cần lưu ý là ơn kêu gọi của Levi được lồng trong khung cảnh các tội nhân. Trước khi thuật truyện ơn gọi của Levi, thánh Mac-cô thuật lại truyện 4 người khiêng một người bất toại đến Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành bệnh. Nhưng trước khi chữa anh lành bệnh, Chúa nói một lời bất ngờ: "Tội của con đã được tha" (Mc 2,5). Rồi ngay sau câu truyện ơn gọi của Levi, lập tức thánh Mac-cô thuật lại một cảnh rất đỗi ngạc nhiên, tức là cảnh Chúa ngồi ăn tiệc chung với mấy người tội lỗi để mặc cho nhóm biệt phái lẩm bẩm chỉ trích: "Tại sao Ngài lại ăn uống bè bạn với dân thu thuế và phường tội lỗi?" (Mc 2,16) và bài tường thuật Tin Mừng kết thúc bằng mấy lời của Chúa chứa chan hy vọng và đồng thời cũng nói lên tất cả ý nghĩa thâm sâu của sứ mệnh của Ngài: "Không phải người lành cần thầy thuốc, nhưng bệnh nhân; tôi không đến để gọi kẻ công chính, nhưng gọi người tội lỗi" (Mc 2,17). Chính Levi cũng được gọi trong bối cảnh của tội lỗi. Chúng ta không biết chính cá nhân Ngài có phải là người tội lỗi không, nhưng giai cấp của Ngài là giai cấp tội lỗi công khai.

Các môn đệ của Chúa, không ai sinh ra đã là thánh. Họ được kêu gọi từ hoàn cảnh một tội nhân để được giải thoát và từ kinh nghiệm sống của một người đã khám phá ra là mình được thương yêu mặc dù có nhiều tội và đã được giải thoát khỏi xiếng xích tội lỗi; vì thế, đến phiên mình, họ biết thương yêu các tội nhân, thông truyền sự vui mừng hạnh phúc của ơn cứu độ và chỉ đường, chỉ lối cho cho các tội nhân muốn thành tâm hối cải. Như Chúa Giêsu, người kitô, giáo dân thường hay tông đồ tận hiến, tất cả đều được kêu gọi gần gũi như bạn hữu với Ngài. Dĩ nhiên trở nên bạn với các tội nhân không có nghĩa là chấp thuận hay tham dự các công việc tội lỗi với họ, nhưng là biết thương yêu họ với tất cả tình người và tâm hồn tông đồ, với một tình thương yêu mạnh đủ để đưa họ về nẻo ngay và trợ lực cho họ trên bước đường hối cải.

Trong công tác tông đồ ngày nay, người ta nói nhiều đến tình yêu đối với người nghèo. Điều này trúng và cần thiết vì tình yêu đối với người nghèo, với những người ốm đau tàng tật và những người bị khinh chê quên lãng là một đặc tính của đức ái kitô và luôn là truyền thống ngàn năm của Giáo Hội.Tuy nhiên, cũng không được quên là trung tâm của lịch sử ơn cứu độ là tình Chúa thương yêu nhân loại tội lỗi. Kinh Tin Kính chúng ta đọc mỗi ngày Chúa Nhật có câu: "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Ngài đã từ trời xuống thế". Hơn nữa, kinh nghiệm sống cũng cho chúng ta biết, điều khó thực sự không phải là yêu người nghèo và người đau ốm, nhưng là yêu người tội lỗi. Đứng trước một người nghèo hay một người đau yếu, tự nhiên người ta dễ động lòng cảm thông hay thương hại, nhưng khi gặp một người có nhiều tính xấu hay kiêu căng tụ phụ và hà hiếp dân lành, tự nhiên thấy khó chịu và có khi còn muốn loại trừ người đó. Không lạ chi mà nhóm biệt phái và luật sĩ lại chẳng chỉ trích Chúa khi thấy Ngài ăn uống với mấy người thu thuế và tội lỗi. Nhưng đây chính là một trong những điểm nhiệm mầu nhất của tình yêu Thiên Chúa mà thường rất khó hiểu và còn khó hơn nữa, nếu chúng ta phải bắt chước. Nhưng đó lại là điểm đặc trưng của tình yêu thần linh của Chúa mà người kitô và nhất là người tông đồ tận hiến cần phải hấp thụ một cách ý thức, vì tự tính loài người thì dễ học theo tâm tình những người biệt phái hơn là theo Chúa Giêsu.

c) Lựa chọn của Mười Hai Tông đồ. Trường hợp ơn gọi thứ ba được thuật trong Mc 3,13-19:

"Rồi Ngài lên núi và gọi những người Ngài muốn và họ đến với Ngài. Ngài thiết lập Nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài và cũng để sai họ đi rao giảng với quyền năng trừ quỷ: Ngài thiết lập Nhóm Mười Hai gồm có ông Simon, với tên mới Ngài đặt cho là Phêrô; rồi có ông Giacôbê, con ông Giêbêđê, và ông Gioan là em ông Giacôbê mà Ngài đặt tên cho là Boanêghê, nghĩa là con của thiên lôi; rồi đến các ông Andrêa, Philipphê, Batôlômêô, Mat-thêu, Tôma, Giacôbê, con ông Anphê, Tadêô, Simon người Cana và Giuda Isacariot là người sau này sẽ phản bội Ngài".

Đoạn văn rất ngắn, nhưng rất súc tích và linh động. Trước khi tìm hiểu ý nghĩa bản văn, cần phải đặt nó vào bối cảnh chung của văn bản.

Bối cảnh đó là: trước khi nói đến việc Chúa kêu gọi và lựa chọn 12 Tông Đồ, Tin Mừng thánh Mac-cô thuật lại cảnh tượng dân chúng rất đông đảo tụ tập lại chung quanh Chúa Giêsu. Họ đến từ miền Galilêa, từ Giudêa, từ Giêrusalem và từ Idumêa và vùng bên kia sông Giordanô và từ các phần đất Tirô và Sidônê (Mc 3,7-8). Trong đoạn văn này, thánh Mac-cô chỉ nói là rất đông dân chúng từ khắp các nơi đến, tụ tập quanh Chúa mà không nói thành phần và các đặc tính của đám đông đó. Để hiểu được khía cạnh này, chúng ta phải đọc đoạn sách song song của Tin Mừng thánh Mat-thêu:

"Danh tiếng của Ngài lan rộng ra khắp xứ Siria, nên chi người ta dẫn đến Ngài tất cả những người bệnh tật, những người bị mọi chứng bệnh hành hạ, những người bị quỉ ám, những người bị kinh phong, những người bất toại. Và Ngài chữa lành tất cả. Nhiều đám đông dân chúng bắt đầu theo Ngài; họ đến từ Galilêa, Đêcapoli, từ Giêsrusalem, từ Giudêa và miền bên kia sông Giordanô" (Mt 4,24-25).

Đó, ơn gọi của 12 tông đồ được lồng trong bối cảnh nhân loại khốn khổ, bị dày xéo bởi mọi sự dữ đủ loại, vật chất, thể lý, đạo đức, thiêng liêng nên chạy đến tìm Chúa và muốn được sờ mó đến Ngài để được cứu chữa. Chính trong bối cảnh của một nhân loại khổ đau mà chúng ta có thể hiểu được sự quan trọng và tất cả chiều kích thâm sâu của ơn gọi tận hiến phục vụ thế giới.

Như tất cả mọi người, chúng ta là thành phần của nhân loại khổ đau cần ơn cứu độ của Chúa.Nhưng từ nhân loại khổ đau đó, Chúa kêu gọi chúng ta để rồi lại sai chúng ta trở lại chính đám người đau khổ đó để đem đến ơn cứu độ của Chúa. Hiểu như thế thì ơn gọi kitô và tông đồ tận hiến thật hệ trọng đối với nhân loại, nhưng đồng thời viễn tượng của ơn gọi tông đồ tận hiến cũng đặt ra một câu hỏi nền tảng về sự hiện diện và các công tác mục vụ của người tông đồ và câu hỏi có thể được diễn tả như sau: Cần làm thế nào để sự hiện diện của chúng ta có thể trở nên như bình pha lê trong suốt để người ta có thể thấy được Chúa Giêsu? Phải phục vụ thế nào để dân chúng có thể thông hiểu và cảm nghiệm được tình thương yêu của Chúa, chứ không chỉ thấy tình thương yêu và sự cảm thông riêng tư nhân loại của chúng ta?Đây là một câu hỏi thiết yếu và nền tảng của cuộc đời tông đồ vì thế giới cần Chúa Giêsu, tình thương và ơn cứu độ của Ngài, chứ không cần chúng ta và tình thương của chúng ta.

Thiết tưởng điểm nồng cốt của cuộc đời tông đồ tận hiến là ý thức, sống và hoạt động dưới ánh sáng chân lý này, tức là không phải các hoạt động và tình yêu của chúng ta có thể cứu vớt được thế giới, nhưng chỉ có tình yêu của Chúa Giêsu và ơn thánh của Ngài mới cứu vớt được thế giới.Sự hiện diện, công việc phục vụ và tình thương yêu của chúng ta quan trọng và cần thiết, xét như là môi giới thông truyền Chúa Giêsu và ơn thánh của Ngài. Về điểm này, có lẽ đôi tư tưởng của một vị truyền giáo người Ý, đã qua đời, có một đời sống tâm linh rất sâu sa và giầu kinh nghiệm 50 năm phục vụ truyền giáo bên Bangladesh có thể diễn tả cách rõ ràng sâu sa. Nhà truyền giáo này chia sẻ như sau:

"Ngày nay người ta nói nhiều về các phương pháp mục vụ, và người ta tổ chức nhiều cuộc học hỏi.Các việc đó cũng là điều tốt.Nhưng phần tôi thì tôi không tin vào các phương pháp, nhưng vào tinh thần hướng dẫn các phương pháp. Bên Bengala, tôi đã thử tất cả: tôi huấn luyện các giáo lý viên, tôi đi thăm các cứ điểm truyền giáo trong nhiều tháng, tôi đánh guitar và gảy đàn mandoline, tôi tổ chức các hợp tác xã và ngân hàng tín dụng nông nghiệp, tôi dạy giáo lý cho từng cá nhân và cho các nhóm, tôi tổ chức làm kịch với ý nghĩa tôn giáo. Nói tóm lại, tôi đã thử tất cả các điều mới mẻ.Tuy nhiên, nếu muốn thành thực, tôi phải nói là tôi cảm thấy là nhà truyền giáo thực sự, và có được các ơn trở lại và được dân chúng tín nhiệm, khi tôi cầu nguyện nhiều hơn.Chú trọng đến các phương pháp, cách thức mục vụ, đến thần học là điều hợp lý.Tuy nhiên, một điều không bao giờ được quên, đó là việc tông đồ không phải của chúng ta, nhưng của Thánh Thần Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng cứu chuộc và giải thoát con người. Dân chúng, cả những người nghèo nhất, không cần chúng ta, không cần sự trợ giúp và công việc của chúng ta, nhưng họ cần Chúa Giêsu... Cần phải suy niệm những điều này nhiều giờ trong kinh nguyện, nghiền gẫm đến độ có thể gặp được Chúa Giêsu trong tâm hồn và thấy vui sướng được gặp gỡ Ngài và sống say sưa hạnh phúc với Ngài" (Chứng tích của cha Ferdinando Sozzi, PIME, trong P. Gheddo, PIME una proposta per la missione, EMI, Bologna 1989, trg. 131).

Nếu chúng ta để ý thêm là Bangladesh là một trong 5 nước nghèo nhất thế giới và 99% dân chúng theo Hồi Giáo thì thấy rõ ràng hơn giá trị của những lời ngài nói.

Như vậy thì để chu toàn mục đích ơn gọi, tâm hồn người tông đồ phải mở ra hai hướng: hướng ra thế giới và hướng lên Chúa Giêsu. Trước tiên, hướng ra thế giới đòi người tông đồ phải thắng lướt được các vấn đề riêng tư để ôm ấp trong tim tất cả các vần đề đang đè nặng thế giới, hòa một nhịp cảm thông với sự đau khổ đại đồng của nhân loại. Trong việc phục vụ tông đồ, người ta dễ có khuynh hướng đóng khép con tim, chỉ coi trọng các vấn đề cá nhân hay các vấn đề tông đồ mục vụ của riêng mình. Một con tim quá đóng kín và đầy ắp các vấn đề riêng tư, thì không còn tâm tư nào cho các vấn đề của người khác, kể các những người gần gũi bên cạnh, nói chi đến vấn đề của thế giới.

Chiều hướng thứ hai của tâm hồn tông đồ là Chúa Giêsu để thấm nhuần tình thương yêu của Ngài, là mang trong con tim của mình con tim của Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành. Vì vậy, tâm hồn tông đồ phải biết mang trong tim tất cả các vấn đề của nhân loại với tất cả sức mạnh của tình thương yêu của Chúa Giêsu. Đây là cơn cám dỗ thứ hai của cuộc đời tông đồ. Đó là chỉ chất chứa trong tim các vấn đề của thế giới mà không chở theo sức mạnh của tình yêu của Chúa Giêsu. Nhưng nếu người tông đồ chỉ lao mình vào các vấn đề của thế giới mà không thấm nhuần đến độ đồng hóa được tình yêu của Chúa Giêsu thì sẽ chán nản trước muôn vàn vấn đề khó khăn và phức tạp của thế giới, hoặc sẽ trở nên bạo động, phân chia và đập phá tất cả. Đây là thảm trạng của biết bao tâm hồn quảng đại và có lòng tốt muốn làm hay làm đẹp cho thế giới, với biết bao hy sinh quảng đại. Nhưng rốt cục thì công việc của họ lại xé nát các cộng đồng dân Chúa và đâu có họ là đó có bầu khí buồn thảm, chia rẽ và hận thù. Chỉ tâm hồn nào biết hòa hợp trong con tim của mình hai thứ tình yêu, tình yêu đối với nhân loại và tình yêu của Chúa Giêsu, mới có thể làm cho lan tỏa, qua đời sống và các công tác phục vụ, tình yêu của Chúa Giêsu là Đấng cứu độ và canh tân tâm hồn con người.

Bây giờ chúng ta có thể suy niệm các câu sách Tin Mừng nói trực tiếp về ơn gọi. Có tất cả 7 câu, trong đó có hai câu chính (c. 13-14).tiếp theo đó là tên các tông đồ.

c. 13: "Rồi Ngài lên núi và gọi những người Ngài muốn và họ đến với Ngài". Câu này rất vắn gọn, nhưng lại rất súc tích, đặc biệt có 3 danh từ.

- "Ngài lên núi": Chúa Giêsu leo lên một chỗ cao trong khi đám đông dân chúng ngừng lại nơi đất thấp hơn, dán mắt vào Chúa và thinh lặng chờ đợi. Lúc đó, Ngài gọi 12 người, làm một dấu hiệu khi đọc lên tên mỗi người và những người đó, đang lẫn lộn trong dân chúng, bắt đầu rẽ đám đông để tiến lên chỗ Chúa đang đứng.

Đó là cảnh tượng chúng ta có thể hình dung qua câu nói trong sách Tin Mừng. Nhưng để hiểu và cảm nghiệm được tất cả chiều kích của ý tưởng, chúng ta có thể hình dung một buổi công du của Đức Thánh Cha. Khi tới chỗ đám đông dân chúng đã tụ họp chờ đợi để đón tiếp Ngài, Đức Thánh Cha bắt đầu chào từng người. Những người ở xa cũng cố gắng chen lấn để đụng cho được tay Đức Thánh Cha. .... Tới một lúc nào đó, Đức Thánh Cha tách đám đông và từ từ tiến lên bục cao và đám đông trước ồn ào hỗn độn bỗng trở nên yên lặng, chờ đợi lắng nghe Đức Thánh Cha.Tất cả khung cảnh nói lên bầu khí trang nghiêm và quan trọng. Lúc đó Đức Thánh Cha bắt đầu đọc lên tên 12 tên người Việt Nam và chỉ định làm sứ giả riêng của Ngài đi các nơi trên thế giới thông truyền các sứ điệp riêng của Ngài và hoạt động nhân danh Ngài. Đó, ơn gọi tông đồ nói lên một điểm vô cùng hệ trong đối với Chúa và đối với đám đông dân chúng.

- "Ngài gọi những người Ngài muốn": Danh từ quan trọng nhất ở đây là danh từ "muốn", dịch từ nguyên văn Hy lạp Etelen. Bản Sách Thánh Giêrusalem tiếng Ý thì dịch là "volle"; tiếng Anh thì dịch là "wanted"; tiếng Pháp thì dịch là "voulait" và tiếng Tây ban Nha thì dịch là "quiso". Không có danh từ nào trong các ngôn ngữ tân thời lột được tất cả chiều sâu của nguyên văn Hy lạp. Etelen không chỉ có nghĩa là muốn và nhất là không phải là muốn qua loa, nhưng là muốn một cách tha thiết và đã cân nhắc trong lòng. Đây là điều bí mật của con tim đã giấu kín từ lâu và bây giờ tới lúc mới bật mí cho người khác biết. Như thế thì chúng ta là những khối tình của Chúa chứ đâu phải chuyện đùa!

- "Và họ đến với Ngài": nguyên văn tiếng Hy lạp là apenthon prós autón. Một lần nữa, các bản dịch của ngôn ngữ tân thời không lột được hết ý nghĩa của nguyên văn. Trong các ngôn ngữ tân thời, danh từ "đến" diễn tả trước tiên ý tưởng địa dư, nói đến sự thay đổi vị trí từ chỗ này sang chỗ khác mà không nhất thiết biểu lộ tâm tình bên trong. Danh từ Hy lạp thì hàm chứa trước tiên thái độ linh thiêng của nội tâm và như thế thì sự di chuyển địa dư chỉ là một diễn tả bề ngoài. Vì vậy, "đến với Ngài" có nghĩa là chấp nhận Ngài, đồng hoá với Ngài, với tâm tình, ý nghĩ, với cách sống, với lập trường của Ngài và với số phận của Ngài, cả trong những hoàn cảnh khó khăn, có nguy hiểm đến tính mạng.

Ý nghĩa của câu Sách Thánh tuy vắn, nhưng rất súc tích và đem lại nhiều ánh sáng cho cuộc đời tông đồ tận hiến.Ý nghĩa lại càng sáng tỏ hơn nếu chúng ta tiếp tục suy niệm câu 14.

c. 14: "Ngài thiết lập Nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài và cũng để sai họ đi rao giảng với quyền năng trừ quỷ".

Tất cả quang cảnh lớn lao và long trọng đã được diễn tả ở trên chỉ là một sự chuẩn bị để tiến tới câu xác định này, nói lên tất cả mục đích của ơn gọi. Chúa Giêsu kêu gọi các tông đồ với mục đích để các ông ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng.

- "Ở với Ngài" có nghĩa là thiết lập một mối giây liên lạc mật thiết bền chặt để sống hiệp nhất với Ngài, đồng hoá với Ngài và để thông phần vào số mệnh và quyền năng của Ngài.

- "Để sai họ đi rao giảng". Mục đích thứ hai của ơn gọi là sai đi rao giảng (một vài bản văn nói rõ chính xác: rao giảng Tin Mừng). Ở đây, chúng ta cần phải chú ý đến sự thay đổi chủ từ. Trong khi động từ "ở" (ở với Ngài), chủ từ là các tông đồ; động từ "sai đi" thì chủ từ lại chuyển ngay sang Chúa (để Chúa Giêsu có thể sai các ông đi). Sách Thánh không nói: "để các ông ở với Ngài và đi rao giảng Tin Mừng", nhưng nói: "để các ông ở với Ngài và cũng để Ngài sai họ đi rao giảng Tin Mừng". Như vậy thì trong công việc tông đồ, Chúa vẫn đóng phần chủ động trực tiếp.Qua các tông đồ, chính Chúa tiếp tục hoạt động để cứu vớt và canh tân thế giới. Nên chi vấn đề chúng ra đã đặt ra trước đây trong phần suy niệm về bối cảnh của ơn gọi, chúng ta lại phải đặt ra lần nữa và đó là phải làm thế nào để cuộc sống và các hoạt động tông đồ có thể trở nên như bình thủy tinh trong suốt để người ta có thể thấy được Chúa Giêsu và để Chúa có thể tiếp tục hoạt động để đánh động và cải hóa được lòng người và con tim thế giới.

Mục đích thứ nhất của ơn gọi (ở với Ngài) là bí quyết.Ở với Ngài để biết Ngài, biết tinh thần của Ngài và để sống hiệp thông mật thiết với Ngài. Bằng không thì mặc dù có bôn ba năm châu bốn biển, có hỳ hục đổ mồ hôi máu ra thì cũng chỉ lợi dụng danh Chúa, lợi dụng Tin Mừng để làm công việc riêng của mình và rao giảng chính mình. Như vậy, ơn gọi tông đồ tận hiến đòi buộc trước tiên một cuộc hành trình nội tâm để thay đổi não trạng, thay đổi tiêu chuẩn và tâm tình sống để đồng hóa với tinh thần, với tâm tình, với tâm thức và với tất cả mầu nhiệm của Chúa.

Vài gợi ý cho giây phút cầu nguyện và suy niệm

1. Suy niệm Lời Chúa để hiểu sâu sa về ý nghĩa, mục đích và các đòi hỏi của ơn gọi tông đồ tận hiến.

Mc 1,16-20; Mc 2,13-14; Mc 3,7-19; Mt 4,23-25; Đnl 7,6-11.

2. "Cha muốn nhắc con hãy khơi sống lại ơn Chúa ở trong con" (2Tim 1,6): ôn lại lịch sử ơn gọi của chính mình để sống cuộc đời tông đồ tận hiến với lòng hăng say hơn: sống lại những giây phút quyết định trên đường đáp lại tiếng Chúa kêu gọi; sống trong lòng cảm tạ thâm sâu vì ơn gọi; tâm tình ngạc nhiên sửng sốt trước tình yêu của Chúa đã kêu gọi; lặp lại quyết định dấn thân đáp lại tiếng Chúa gọi...

 2Tim 1,6; Tv 8; Tv 116,12-19; Lc 1,46-50.

Một số hình ảnh:

Chầu Phép Lành Xin ơn Chúa Thánh Thần

Cha Phêrô Dương Văn Thạnh chủ sự

Cha Phêrô gợi ý suy gẫm

Cùng bước vào tâm tình cầu nguyện

897    27-11-2012 06:50:18