Sidebar

Thứ Tư
15.05.2024

Chọn lựa căn bản của chúng ta

 

 

Vài năm trước đây, khi tôi tham dự một hội nghị, diễn giả chính đã thách thức thính giả như sau: Ông chỉ ra rằng, tất cả chúng ta là thành viên của những cộng đoàn khác nhau: chúng ta sống trong gia đình, là thành phần của cộng đoàn giáo hội, có đồng nghiệp cùng làm việc, có nhóm bạn, và cũng là một phần của cộng đồng công dân rộng lớn hơn nữa. Trong mỗi một cộng đoàn như thế, sẽ có lúc chúng ta bị tổn thương, bị lợi dụng, bị đối xử bất công, không được tôn trọng. Tất cả chúng ta sẽ bị tổn thương. Đó là chuyện dĩ nhiên. Và ông thách thức: tuy thế, cách chúng ta xử lý tổn thương đó với chua cay hay tha thứ, sẽ xác định hương vị cuộc đời chúng ta và định rõ chúng ta sẽ là dạng người nào.

Đau khổ và sỉ nhục luôn có trong chúng ta và có nhiều nữa là đằng khác, nhưng cách chúng ta ứng xử với chúng sẽ quyết định mức độ trưởng thành và chân tướng của chúng ta. Đau khổ và sỉ nhục sẽ làm mềm mại hoặc làm chai cứng tâm hồn. Động lực đó hoạt động như thế này:

Không có được chiều sâu tâm hồn nếu không có đau khổ. Từ lâu, kinh nghiệm của nhân loại đã dạy chúng ta như thế. Chính yếu chúng ta có được chiều sâu là nhờ đau khổ, đặc biệt qua dạng đau khổ kèm theo sỉ nhục. Liệu có ai trong chúng ta tự hỏi mình: Điều gì đã làm cho tôi có chiều sâu tâm hồn? Điều gì đã mở rộng tâm hồn tôi với một nhận thức và hiểu biết sâu sắc hơn? Hầu như câu trả lời luôn luôn là một, nhưng lại là điều mà chúng ta xấu hổ không nói, đó là: chúng ta bị bắt nạt như một đứa trẻ, bị xâm phạm theo cách nào đó, một thứ gì đó ở ngoại hình khiến chúng ta thấy mình tầm thường, chúng ta nói giọng bị nặng, chúng ta luôn luôn bị cho ra rìa cách nào đó, chúng ta có một vấn đề nặng nề, chúng ta vụng về trong giao tiếp xã hội, còn nhiều điều nữa, nhưng quả thật mọi chuyện luôn như nhau: Mức để đạt được chiều sâu cũng là mức mà chúng ta bị sỉ nhục, cả hai dính nhau không phân ly.

Nhưng chiều sâu tâm hồn không phải tất thảy đều như nhau. Sự sỉ nhục cho chúng ta chiều sâu, nhưng nó có thể theo nhiều cách rất khác nhau: Nó có thể cho chúng ta được sâu sắc trong nhận thức, cảm thương, và tha thứ hay nó có thể làm cho chúng ta chìm sâu trong phẫn uất, chua cay, và căm thù. Thanh niên đã bắn vào bạn học của mình ở bang Columbine và thanh niên đã xả súng bắn hạ các sinh viên ở Đại Học Công Nghệ Virginia, chắc chắn đã phải chịu quá mức chịu đựng những sỉ nhục trong đời, và nó đã cho họ sự sâu sắc. Đáng buồn thay, trong trường hợp của họ, nó cho họ sự sâu sắc trong giận dữ, chua cay, và giết người.

Chúng ta thấy được một sự tương phản nơi Chúa Giêsu trong cách Ngài ứng xử với thập giá. Như chúng ta biết, đóng đinh thập giá là cách người La Mã dùng để lên án tử hình, nhưng họ còn nghĩ hơn thế nhiều. Đóng đinh thập giá còn được làm với hai mục đích  khác, gây đau đớn tối đa hết mức có thể và sỉ nhục tối đa một cách công khai với người chịu án.

Khi chuẩn bị đối diện với án đóng đinh thập giá và sự sỉ nhục tủi hổ của nó, Chúa Giêsu đã co rúm người trước thử thách này, và cầu xin Chúa Cha liệu có cách nào khác để đi vào chiều sâu của Ngày Chúa Nhật Phục Sinh mà không trải qua sỉ nhục của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hay không. Cuối cùng, Ngài chấp nhận, nhưng chấp nhận sau khi đổ mồ hôi máu, rằng không còn cách nào khác ngoài việc chịu đựng sỉ nhục đóng đinh trên thập giá. Nhưng chúng ta chỉ thấy được bài học thật nếu chúng ta hiểu được những gì đang khốn đốn nơi bờ vực khi Chúa Giêsu chọn lựa như thế. Chọn lựa phức tạp mà Chúa đã chọn không phải là chọn lựa kiểu: Liệu tôi chấp nhận chết hay tôi viện đến quyền năng thần thánh để tự do thoát khỏi? Chúa Giêsu đã bị kết án tử hình và Ngài thấy tuyệt vọng như bất cứ ai trong hoàn cảnh đó. Dùng đến quyền năng thần thánh để giải thoát mình hay không, chuyện này không phải là vấn đề Chúa dằn vặt. Vấn đề cũng không phải là chết hay không chết. Vấn đề là chết như thế nào. Chọn lựa của Chúa Giêsu là: Tôi chết trong chua cay hay trong yêu thương? Tôi sẽ chết với quả tim chai đá hay tâm hồn mềm dịu? Tôi chết trong oán giận hay trong tha thứ?

Chúng ta đều biết Ngài đã chọn cách nào. Sự sỉ nhục đã đưa Ngài đến những chiều sâu tận cùng, nhưng đó là những chiều sâu của cảm thông, yêu thương, và tha thứ.

Đó chính là vấn đề luôn mãi bên bờ vực lâm nguy trong sự chính chắn trưởng thành và hướng đến tương lai của chúng ta. Khi bị sỉ nhục, liệu chúng ta phó mình cho chua cay hay yêu thương, oán giận hay tha thứ, chai đá quả tim hay mềm dịu tâm hồn? Và chúng ta phải thực hiện chọn lựa đó mỗi ngày: Mỗi lần chúng ta thấy mình bị sỉ nhục, bị phớt lờ, bị lợi dụng, bị xem thường, bị công kích bất công, bị xâm phạm hay bị vu khống, lúc đó chúng ta đang ở làn ranh giữa oán hận và tha thứ, chua cay và yêu thương. Mỗi một chọn lựa sẽ xác định cả sự chính chắn trưởng thành và hạnh phúc của chúng ta.

Và cuối cùng, cũng như Chúa Giêsu, tất cả chúng ta sẽ phải đối diện với chọn lựa tối hậu: Khi đối diện với sự từ bỏ thế gian và cái chết, liệu chúng ta sẽ chọn lựa ra đi và chết với một quả tim lạnh lẽo hay một tâm hồn nồng ấm?

J.B. Thái Hòa dịch

661    09-02-2018