Cách đây năm mươi năm, T.S. Eliot tiên đoán cái chết của đam mê, thi ca, lòng trung tín và nhận thức về cuộc đời. Khổ thay ngày nay lời tiên đoán này thành sự thật.
Là ki-tô hữu chúng ta cần nhận thức đúng sự việc và bảo vệ cho đam mê: thúc đẩy người khác hướng về đam mê.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đúng là như vậy. Đam mê gần như khơi dậy thái độ khinh bỉ nơi các tu sĩ, còn giáo dân thì hùa theo. Đúng vậy, thế giới phàm tục muốn kéo đam mê về phần mình, xem như một cái gì không thuộc về tôn giáo, là động cơ chống lại tôn giáo, bỏ tôn giáo, kéo bạn ra khỏi gông cùm tôn giáo.
Các người đi giảng, các linh mục, các tác giả thiêng liêng và các nhà lãnh đạo tôn giáo thường có khuynh hướng hổ trợ cho quan điểm này. Giáo hội, gần như không ngừng chống đam mê, vạch ra các nguy hiểm và cấm mọi người tự cho phép mình cảm nhận và tận hưởng sức mạnh tình cảm, tâm lý và bản năng yêu đương của họ.
Đam mê thường được cho là mâu thuẫn với tôn giáo.
Chúng ta đã sai lầm biết bao! Và thế giới thế tục cũng thấy họ sai lầm biết bao! Có một tình trạng lộn ngược xảy ra, nó vừa kỳ lạ vừa khôi hài.
Ngày nay thế giới thế tục muốn loại bỏ cả đam mê lẫn Giáo hội, họ kinh ngạc thấy họ ở trong tình trạng kỳ quái là đi bảo vệ cho đam mê. Vì sao vậy?
Bởi vì họ khám phá ra rằng đam mê có thể gây phiền toái. Đam mê, mối tình lớn, thi ca, mỹ học, chúng là sức mạnh để chống lại tính không chung thủy.
Vì thế nền văn hóa của chúng ta bắt đầu dán lên đam mê những nhãn hiệu dành riêng cho tôn giáo: nào là sản phẩm của thời trung cổ, kết quả của ngây thơ, ý tưởng ngông cuồng mà mọi người phải gạt ra khỏi đầu.
Đúng là mỉa mai nhẹ nhàng! Sức mạnh mà từ lâu thuộc độc quyền của họ, hồi đó họ thổi vang chiến thắng thì bây giờ họ bối rối lúng túng khi họ được tự do hành động. Cuối cùng, họ nhận ra đam mê lại chỉ dành riêng cho tu sĩ. Tại sao?
Vì thế giới chúng ta đề cao một thứ tự do sai lạc. Xã hội ngày nay khích lệ con người tránh mọi bám dính, từ chối mọi hình thức cam kết, trốn xa cái gì cầm chân chúng ta lại. Chúng ta được mời gọi sống trong “tinh thần tự do”, bay bổng, không vướng bận.
Đam mê, nhất là đam mê tình yêu, là tiếng chuông báo tử cho loại tự do này. Đam mê có nghĩa là cam kết, dính chặt, từ bỏ; đam mê làm chúng ta mất kiểm soát, mất tự do, nó kết nối chúng ta. Nếu nó kéo dài, nó có tên là trung tín.
Như thế có phải là tình cờ khi thường thường, nền minh triết thế tục nhìn đam mê với cùng nhãn quan khi họ nhìn về tôn giáo: một phiêu lưu độc quyền của trẻ con và những người ngây thơ.
Ngày nay, đam mê và mối tình lớn được xem là các căn bệnh cần phải chữa. Trong một quyển sách sắc sảo và gây sốc, cuốn Chiến thắng của trị liệu – The Triumph of the Therapeutic của Philip Rieff, một tác giả không có xu hướng tôn giáo nào, nhấn mạnh rằng nền văn hóa hiện nay của chúng ta xem đam mê và lãng mạn là “xưa cũ và không còn cần thiết.” Nhận định này cũng giống như Freud gọi đó là “ảo tưởng gợi dục” và, Rieff nói tiếp, đã đến lúc chúng ta phải ngưng việc xây dựng cá tính và tính cộng đồng dựa trên mấy mẹo lừa này.
Theo ông, tình yêu và hận thù, sản phẩm của đam mê, loại dùng nó để xây dựng cá tính thì đã hết thời. Trong nền văn hóa của những giao du và của những chuyện không chung thủy, đam mê và một tình yêu lớn được xem như hành động của các bạo chúa ngông cuồng.
Ngắn gọn, tình yêu lãng mạn ngày nay được xem như chứng loạn thần kinh, một bệnh người ta chỉ có thể dung thứ nơi những người còn rất trẻ, những người rất ngây ngô, tàn tích của một thời đã qua, cùng đứng ngang hàng với tôn giáo.
Vì thế người ki-tô hữu và các giáo hội Ki-tô phải xem việc bảo vệ cho đam mê và tình yêu là chuyện quan trọng. Chúng là một phần ngọn lửa của Thiên Chúa, một món quà vô biên cần phải cẩn thận quy về một hướng, chắc chắn, nhưng phải luôn luôn nhìn đó như một món quà của Thiên Chúa.
Ngày nay chúng lại càng cần nó hơn. Đam mê và tình yêu thách đố lòng bất trung.
Khi T.S Eliot tiên đoán về cái chết của thi ca, đam mê, lòng trung tín và nhận thức về cuộc đời, ông không gom chúng vào hạnh phúc nho nhỏ. Chúng mắc míu lẫn nhau. Đam mê và thi ca, khi được khai phóng và được cho đi, chúng nối kết chúng ta lại với nhau và gắn chúng ta với cuộc đời, làm cho tính bất trung và tự do sai lạc không có chỗ đứng.
Trong một nền văn hóa hời hợt, phóng túng, bất trung, hoài nghi, chán nản, không cam kết vào gì, thì cái chúng ta cần là ngọn lửa, là đam mê, là một tình yêu lớn.
Chỉ có đam mê và một tình yêu lớn may ra đổi ngược được vấn đề và làm chúng ta được miễn nhiễm để chống với loại vi trùng do hoài nghi và tính bất trung của thời đại này hoành hành.
Ngọn lửa đam mê đến từ Thiên Chúa. Tình yêu là gốc rễ của tâm hồn và thể xác con người. Truyền thuyết của người Do thái Hasidic kể câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về một người đàn ông muốn thành thợ rèn. Anh mua búa, đe và ống bể. Nhưng anh không uốn được thanh sắt nào. Lò rèn của anh không có lửa cũng không có sức nóng. Anh có đủ mọi thứ trừ cái cần nhất – tia lửa, ngọn lửa, sức nóng làm chảy sắt.
Trong một thế giới mà lòng trung tín và nhận thức về cuộc đời đang hấp hối, đang bị thay thế bằng bất trung và chán nản, trong một thế giới mà một tình yêu lớn và tình dục đúng đắn bị thay thế bằng tình dục lệch lạc và sách báo khiêu dâm, chúng ta cần ngọn lửa của lò rèn, đam mê và tình yêu.
Là ki-tô hữu chúng ta phải đứng lên để bảo vệ cho tình yêu.
Nguyễn Kim An dịch