CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN
ĐIỀU KIỆN ĐỂ THAM DỰ TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI: Mt 22, 1-10
Việc dựng vợ gả chồng, xây dựng hạnh phúc gia đình cho con cái là mối quan tâm lớn của những bậc làm cha làm mẹ. Thế nên, một khi đã kén chọn được rể hiền dâu thảo, thì không chỉ cha mẹ anh chị em của gia đình đó vui mừng, mà cả gia tộc hai họ đều lấy làm sung sướng, mở tiệc ăn mừng và cầu chúc cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc.
Dụ ngôn “Tiệc cưới” trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay, được diễn ra trong khung cảnh của hoàng gia. Đức vua mở tiệc thiết đãi cho chư dân trăm họ để chung vui mừng ngày thành hôn của hoàng tử. Tiệc cưới đã sẵn sàng, thế nhưng những kẻ được mời cứ lấy lý do này hay lấy lý do khác để từ chối không đến tham dự. Thế nên Đức vua đã cho các đầy tớ của ông đi ra các ngã đường, đến hết mọi con hẻm trong thành, gặp bất cứ ai bất luận tốt xấu cũng đều mời họ vào dự tiệc cưới.
Qua dụ ngôn “Tiệc cưới” mà Chúa Giêsu sử dụng để tiếp tục lên án các Thượng tế và Kỳ lão, một lần nữa, tác giả Tin Mừng Luca muốn gợi lên cho chúng ta thấy hai giai đoạn của lịch sử cứu độ.
Giai đoạn đầu là giai đoạn dân Israen được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi bước vào dự tiệc NƯớc Trời, thế nhưng họ đã ngoảnh mặt làm ngơ, họ đã từ chối. Không những thế, họ còn tỏ thái độ thách thức, thô bạo… thế nên họ đã bị loại bỏ. Và thực tế là vào năm 70, quân Rôma đã kéo đến tàn phá, bình địa Giêrusalem và phân tán dân Israen đi khắp mọi nơi.
Còn giai đoạn thứ hai của lịch sử ơn cứu độ là giai đoạn các dân tộc, tất cả mọi người không phân biệt sắc tộc, màu da, giai cấp… tất cả được mời gọi vào bàn tiệc Nước Trời. Và cụ thể, đây là giai đoạn của Giáo hội, dân mới của Thiên Chúa. Khi đó, Giáo Hội của Chúa Giêsu thu nhận mọi hạng người, bất kể quá khứ của họ có như thế nào. Chỉ đòi hỏi nơi họ có một thiện chí tối thiểu được tượng trưng bằng “y phục lễ cưới”, mà Tin mừng có nhắc đến.
Vậy, “y phục lễ cưới” là gì?
Thưa cộng đoàn, việc nhà vua cho dồn ép người ta vào phòng tiệc như thế, mà chỉ thấy có một người không mặc áo cưới, đã là một chuyện lạ rồi, nói chi chuyện nhà vua lên án người đó cách nghiêm khắc? Thế nhưng, đây chỉ là một chi tiết trong dụ ngôn, và nó chỉ vô lý trong câu chuyện tự nhiên, nhưng lại là việc tất nhiên để muốn nói đến một chuyện khác. Nếu trong bữa tiệc nào ở trần gian mà thực khách không có áo cưới, thì có thể bảo rằng mình không thể làm khác được vì đã được mời đột xuất, nhưng trong lãnh vựa ân sủng, một người đã chịu Phép Rửa tội, đã sống trong Hội Thánh Chúa thì không thể thưa với Ngài trong giờ phán xét: Lạy Chúa, con không kịp mặc áo cưới…
Cũng thế, câu chuyện đã cho chúng ta thấy trước đó là trong phòng có kẻ xấu người tốt. Vậy, rõ ràng người không có áo cưới thuộc về hạng kẻ xấu. Cũng chính điểm này mới giúp cho ta hậu quả mà người ấy sẽ phải chịu: không phải là đuổi ra khỏi bữa tiệc, nhưng là bị “quăng ra chỗ tối tăm”, nơi sẽ phải “khóc lóc nghiến răng”, tức là người ấy sẽ bị tiêu vong. Và cũng vì thế mà câu chuyện còn nói: người ấy câm miệng mà không nói được gì.
Thưa ÔBACE, dụ ngôn “Tiệc cưới” mà Chúa Giêsu kể trong Tin mừng hôm nay, đã cho chúng ta thấy một cách vắn tắt lịch sử ơn cứu độ. Trước hết, Thiên Chúa sai các ngôn sứ đến với dân Do thái. Nhưng họ đã khước từ, nêu ra những lý do không chính đáng. Hơn nữa, họ còn bắt bớ, hành hạ và giết chết các ngôn sứ. Tiếp đến, Thiên Chúa sai chính Con Một là Đức Giêsu Kitô đến với họ, thế nhưng, họ cũng lại từ chối và giết chết luôn. Và sau đó, Chúa đã sai các tông đồ đến với tất cả muôn dân. Vậy từ nay, Tin Mừng sẽ được rao giảng cho muôn dân, không trừ một ai, không phân biệt giàu nghèo, màu da, ngôn ngữ… để mời gọi và dẫn đưa họ vào Giáo Hội. Như vậy, tất cả mọi người đều được mời gọi vào dự tiệc cưới Nước Trời.
Cụ thể như chúng ta đây, chúng ta đã được Chúa mời vào dự tiệc cưới của Chúa. Nhưng như thế có phải là chúng ta đã được chọn rồi không? Chưa chắc, vì câu kết thúc bài Tin Mừng, Chúa nói: “Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.” Chúng ta thường hiểu câu nói này chỉ về những người đi tu: gọi thì nhiều nhưng chọn thì ít,tuy nhiên ở đây, câu nói đó phải được hiểu một cách rộng rãi hơn, đó là Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi. Nhưng việc Thiên Chúa muốn là một chuyện, còn người ta có muốn hay không lại là chuyện khác. Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi, nhưng người ta có mở rộng lòng để đón nhận hay không?
Thời lụt Hồng thủy, có biết bao người cần được cứu mà chỉ có gia đình ông Nôê được Chúa cứu sống. Hoặc với hai thành phố bị lửa trời thiêu đốt, có đến trăm ngàn người, mà chỉ có hai cha con ông Lót được thoát nạn. Hay trường hợp 600 ngàn người Do thái ra khỏi Ai cập, mà chỉ có Calép và Giôsuê được vào Đất Hứa. Và chúng ta còn nhớ cuộc “trả giá” về một thành phố lớn kia, với bao nhiêu người mà không có tới năm mươi, bốn mươi, ba mươi, hai mươi mà thậm chí là chỉ mười người vẫn không thể tìm ra để được Chúa tha thứ.
Còn thời đại chúng ta bây giờ thì sao? Bản thống kê mới đây cho biết: tỉ lệ người Công giáo Việt nam là 5%, Campuchia là 0,1%, Lào 0,1%, Hàn quốc 3%, Nhật Bản 0,5%, Đài Loan 2%, Thái lan 0,5%, Myanma 1%, Malaisia 1%, Inđônêsia 1% và Trung quốc 0,01%. Ngoài ra, chúng ta có thể quả quyết rằng, bao nhiêu người tín hữu ấy là bấy nhiêu người được chọn không? Chưa chắc!
Tuy nhiên, tất cả những điều trên không làm cho chúng ta thất vọng và lo lắng, trái lại, một khi đã biết rõ sự thật ấy, chúng ta càng cố gắng hơn nữa. Chúng ta hãy ghi nhớ hai điều: một là làm sao cho những người chưa được gọi, nhờ đời sống của chúng ta mà họ cũng tin vào Đức Giêsu là Chúa. Hai là chính bản thân mỗi người chúng ta phải tốt lành, nhất là sống bác ái, thể hiện tình thương mến để chính chúng ta cũng được chắc chắn, được bảo đảm vào số những người được chọn.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa thì cũng được biến đổi, để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa và đủ điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc, nơi mà Chúa đã hứa bạn cho những ai sống trung tín với Chúa. Amen.