I. Kinh Mân Côi trong đời sống Giáo Hội

Kinh Mân Côi được Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội ban cho Giáo hội qua thánh Đa Minh, ngài đã được Đức Trinh Nữ dạy làm phương tiện cải hóa những người theo phái Albigense và các người tội lỗi khác. Sự kiện thánh Đa Minh được Đức Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi không những được ghi lại bằng những văn bản mang tính lịch sử, mà còn được diễn tả bằng chính kinh nguyện Mân Côi. Kinh Mân Côi được thành hình, chính yếu và căn bản, gồm Lời Đức Giê-su dạy về Cầu Nguyện (Kinh Lạy Cha – Mt 6, 7-13) và Lời Sứ thần Gap-ri-en chào Mẹ Maria khi báo tin Ngôi Lời nhập thể (Kinh Kính Mừng).

Thánh Gio-an Phao-lô II đã giải thích thật rõ ràng: “Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria, dần dần được hình thành trong Ngàn năm thứ hai dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa, là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được Huấn quyền khuyến khích…

Tại sao tràng Mân Côi là có sức hấp dẫn kỳ diệu như thế? Thưa, bởi vì kinh Mân Côi chính là cuốn Tin Mừng thu gọn. Đọc kinh Mân Côi là chiêm ngắm và suy niệm cuộc đời của Chúa Giê-su để chúng ta đón nhận giáo huấn của Chúa và thực thi những gì người dạy. Những lời kinh “Ave Maria” gắn bó chúng ta với Đức Mẹ, để nhờ Mẹ mà chúng ta có thể nên môn đệ trọn lành của Chúa Giê-su. Vẻ đẹp của kinh Mân Côi được sánh ví như chuỗi hoa hồng. Mỗi kinh Kính Mừng là một đóa hoa tỏa ngát hương thơm, đem lại cho người cầu nguyện sự dịu ngọt trong tâm hồn. Tràng hạt Mân Côi gồm 50 hay 200 hạt nối liền với nhau, như lời gọi hiệp thông liên kết được gửi đến các tín hữu để làm nên một “cỗ tràng hạt” thiêng liêng là toàn thể cộng đoàn Giáo Hội.

Các Đức Giáo hoàng sùng kính Kinh Mân Côi, cũng bởi vì: “Giáo hội luôn luôn tin tưởng vào hiệu năng của lời cầu nguyện này, khi giao phó cho Kinh Mân Côi, đọc chung trong cộng đoàn và thường xuyên thực hành, những vấn nạn nan giải nhất.” (Tông thư “Rosarium Virginis Mariae”, số 39). Bởi vậy, mọi tín hữu phải luôn tâm niệm sống Đạo với châm ngôn “Kết hiệp với Mẹ suy niệm mầu nhiệm Mân Côi” bằng cách: “Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi + Ăn năn cải hối + Ký thác tận hiến cho Mẹ => Đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (Mệnh lệnh Fatima). Chỉ có như thế mới phần nào bày tỏ được tình con thảo đối với Mẹ hiền, đáp ứng được Lòng Thương xót của Thiên Chúa qua di ngôn dưới chân Thập Tự: “Này là con bà – đây là mẹ con” (Ga 19, 26-27); đồng thời đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Giáo hội trong thời đại hiện nay – một thời đại không thiếu những bè rối nhân danh tôn giáo để đánh bom khủng bố dân lành, thậm chí còn đề cao khẩu hiệu “đánh bom tự sát sẽ nên thánh tử vì đạo”!!!

II. Kinh Mân Côi trong đời sống hôn nhân

1. Đức Maria đồng hành với các gia đình gặp khó khăn

– Gia đình Elisabeth

Bà Eisabeth mang thai trong lúc tuổi già, biết bao khó khăn trong việc chăm sóc cho bản thân và đứa con sắp chào đời. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi bà Eisabeth được Mẹ Maria đến viếng thăm và tận tình giúp đỡ. Mẹ Maria đã tới và ở lại phục vụ bà chị họ.

Là những người mẹ trong gia đình, chúng ta đã có kinh nghiệm mang thai và sinh con, nên chắc chúng ta cũng hiểu được trong thời gian người phụ nữ mang thai và sinh con, chúng ta cần người thân chăm sóc giúp đỡ như thế nào, thì bà Elisabet cũng vậy, hơn nữa vì bà mang thai trong tuổi già, nên mọi thứ khó khăn hơn.

Sự xuất hiện của Mẹ Maria là một niềm an ủi, khích lệ cho người chị họ rất nhiều. Hơn nữa Mẹ không chỉ đi một mình mà Mẹ còn mang theo Con Thiên Chúa trong lòng mình. Sự gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Eisabeth rất lạ lùng. Việc Mẹ Maria đến thăm bà chị họ là dịp để hai hài nhi gặp gỡ nhau trong niềm tin sâu xa.

Bà Eisabeth đã chúc mừng Mẹ Maria và khen Mẹ là Đấng đầy ơn phúc. Mẹ được đầy ơn phúc vì chính Thiên Chúa đã chọn Mẹ và cắt nhắc Mẹ lên, Thiên Chúa đã ban cho những đặc ân cao quí mà không ai ở trần gian có thể có được. Mẹ không giữ riêng đặc ân cho mình nhưng là chia sẻ niềm ơn phúc cho gia đình Giacaria.

– Gia đình hôn nhân ở tiệc cưới Cana

Mẹ Maria đã cùng với Chúa Giêsu tham dự đám cưới tại Cana. Cũng như bao người dân Do thái thời đó Mẹ vui vẻ ngồi vào bàn tiệc và tham gia những nghi thức truyền thống với gia đình cô dâu chú rể. Nhưng có lẽ Mẹ là người rất tế nhị, nên đã phát hiện ra Rượu không còn đủ cho bữa tiệc. Rượu là một phần không thể thiếu của bữa tiệc, vì nó góp phần làm nên niềm vui trong đám tiệc. Hiểu được tâm trạng lo lắng của gia chủ, ánh mắt của Mẹ đã hướng nhìn con mình, hai ánh mắt đồng cảm với nhau. Mẹ đã lên tiếng với con của mình: “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2,3). Mẹ đã nói với Chúa Giêsu, và cùng lúc ấy Mẹ đã bảo với gia nhân “Người bảo gì anh em cứ làm theo” (Ga 2,5). Sự can thiệp của Mẹ đã làm cho tiệc cưới trọn niềm vui.

Đức Giám Mục Tây Ban Nha Demetrio Fernandez Gonzalez nói rằng: “Tình yêu hôn nhân ví như rượu cưới tại tiệc cưới Cana, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria khi gặp khó khăn để xin Mẹ canh tân rượu tình yêu trong mỗi cặp cũng như trong mỗi gia đình. Một khi tình yêu không còn nữa thì dường như mọi sự chấm dứt và cách giải quyết duy nhất là xa nhau”. Nhưng, có cách duy nhất, khi tình yêu hôn nhân nhạt dần, hãy chạy đến với Mẹ Maria để Mẹ xin Chúa Giêsu “Họ hết rượu rồi”. Khi Chúa hiện diện trong hoàn cảnh ấy, Ngài sẽ hóa ra rượu “rượu tình yêu”… như rượu ngon ở tiệc cưới Cana.”.

– Mẹ Maria đồng hành với các gia đình gặp khó khăn.

Hơn bao giờ hết, các gia đình ngày nay đang bị các sự dữ lôi kéo. Theo thống kê cho thấy, ở Việt Nam số vụ ly hôn trung bình một năm lên đến 60.000 vụ, nghĩa là cứ 4 cặp kết hôn thì có 1 đôi tan vỡ

Gia đình là tế bào xây dựng xã hội và Giáo hội, mà ngày nay gia đình đang càng ngày càng bị hủy diệt đe dọa, cả về phương diện ý thức hệ cũng như thực hành. Điều này đem đến nỗi lo cho tương lai của gia đình là nền tảng xã hội cũng như mối lo cho tương lai của toàn thể xã hội. Do đó, việc làm sống lại kinh Mân Côi trong gia đình công giáo là một công việc mục vụ rộng lớn, sẽ là một sức trợ giúp rất hữu hiệu để chống lại những tác động có tính cách hủy diệt qua các cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta.” (Tông Thư “Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria”( Rosarium Virginis Mariae). 

Trong một số gia đình Kitô hữu mỗi ngày vẫn thường đọc kinh “Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết trông cậy ai?….”. Hơn bao giờ hết, gia đình đang bị các sự dữ tấn công, tiền tài, danh vọng, đam mê hưởng thụ…đang lôi kéo các thành viên ra khỏi gia đình của mình, thảm họa ly lị ly thân ngày một tăng và đang  Kinh Mân Côi là vũ khí lợi hại nhất để đẩy lui sự dữ. Vâng, chúng ta biết trông cậy vào ai khi đời sống Hôn Nhân rơi vào bế tắc, chúng ta biết chạy đến cùng ai để hàn gắn lại vết đau thương.

Đức cố Hồng Y Marty, nguyên Tổng Giám Mục Giáo phận Paris, gợi lại những kỷ niệm đáng nhớ của gia đình mình: “Tôi đã bập bẹ những tiếng đầu tiên về Thiên Chúa, khi nhìn mẹ tôi và cha tôi đọc kinh cầu nguyện.

Thánh Cha Phanxicô: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ” (Niềm vui của tình yêu, 318). Gia đình sẽ an bình hạnh phúc khi gia đình tràn ngập sự hiện diện của Chúa. “Kinh Mân Côi”– Kính Mừng Maria là vũ khí lợi hại nhất để con cái Mẹ cảm được sự đỡ nâng, phó thác và bình an trong tâm hồn .

III. Kinh Mân Côi trong đời sống gia đình

Hết rượu là biểu tượng cho những thiếu thốn trong gia đình. Mỗi gia đình thường thiếu một cái gì đó: thiếu kiên nhẫn, thiếu thông cảm, thiếu tôn trọng và thiếu cả tình yêu thương giống như giữa bữa tiệc thiếu rượu vậy. Bên cạnh đó, có những thiếu thốn về vật chất, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, không đủ tiền cho con đi học, thiếu thuốc men khi bệnh tật. Quan trọng hơn là những thiếu thốn về tinh thần: vợ chồng thiếu sự quan tâm, chăm sóc cho nhau; cha mẹ thiếu những lời dạy dỗ khuyên bảo con cái; con cái thiếu kính trọng, vâng lời cha mẹ; anh chị em không nhường nhịn lẫn nhau. Nhưng điều quan trọng, sâu thẳm và chính yếu làm cho ta đau khổ, bất hòa, hụt hẫng là ta quên mời Chúa và Mẹ vào trong cuộc đời, và không có khả năng yêu thương.

“Họ hết rượu rồi”, một câu nói nhẹ nhàng nhưng đầy sức thuyết phục của Mẹ. Đây chính là nét đặc sắc của đức ái, hãy nghĩ đến nhu cầu của người bên cạnh hơn là chính mình. Con người sống trong ba mối tương quan chính: tương quan với Thiên Chúa, tương quan với tha nhân, tương quan với chính mình và tương quan với thế giới vật chất. Tội lỗi chúng ta nó cùng nằm trong các mối tương quan đó. Khi lần chuỗi Mân Côi, Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta sống những tương quan đó tốt đẹp.

Đức Piô XI huấn dụ: Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi.

Gia đình mà đọc chung Kinh Mân Côi tạo nên được bầu khí yêu thương của gia đình Nadarét: các thành viên gia đình đặt Đức Giêsu ở trung tâm, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, đặt những nhu cầu và dự tính của gia đình trong tay Người, các thành viên sẽ kín múc từ Người niềm hi vọng và sức mạnh để tiến bước.

Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi!

Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ… Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối.

“Người bảo gì, các con hãy làm”: Đó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.

Mẹ Maria sẽ cùng đồng hành với chúng ta trong đời sống hôn nhân gia đình nếu chúng ta biết kêu cầu MẸ mỗi ngày. Hãy dành thời gian để lần chuỗi mân côi, lời kinh Mân Côi sẽ là tiếng nhắc khẽ của Mẹ thức tỉnh chúng con, để gia đình chúng con luôn đổ đầy rượu mới, rượu của tình yêu thương. Amen

Duy trì các giờ kinh tối chung trong gia đình.

Đây là một truyền thống tốt lành của nhiều gia đình. Truyền thống đọc kinh chung có nhiều mối lợi.

  • Tạo một thói quen đạo đức
  • Giúp các thành viên biết tôn trọng sinh hoạt chung của gia đình
  • Củng cố, duy trì sự hiệp nhất trong gia đình.
  • Duy trì lòng đạo đức chung, và khi cầu nguyện chung thì có Chúa luôn ở giữa.
  • Con cái được thừa hưởng truyền thống đạo đức từ cha mẹ, ông bà.

KẾT:

Thiên Chúa luôn muốn chúng ta nên thánh trong bậc sống gia đình, trong vai trò người cha, người mẹ. Chúng ta không thể nên thánh một mình mà không có con cái, vì đó chính là những phần chi thể của các cha mẹ. Do đó, các bậc cha mẹ muốn nên Thánh thì cần phải kiến tạo gia đình mình trở thành một gia đình thánh như gia đình Thánh Gia xưa kia.

Như chúng ta đã biết kinh Mân Côi là sợi dây linh diệu buộc chặt chúng ta lại với Mẹ Maria và Chúa Giêsu, và là phương thế tuyệt vời để vòi vĩnh ơn thánh của Chúa. Chính vì thế chúng ta hãy tìm dịp, lựa lời để khuyến khích nhau có thói quen ham chuộng mộ mến Mẹ Maria bằng kinh MÂN CÔI. Đặc biệt mỗi khi chúng ta bắt đầu một công việc khó khăn, và cả những công việc thường ngày, hãy bắt đầu bằng Kinh Mân Côi, để Mẹ trợ giúp, chúc phúc cho mọi việc làm của chúng ta và dâng các công việc ấy lên cho Chúa. Đặc biệt trong Tháng Mân Côi kính Mẹ, chúng ta hãy khuyến khích nhau biết chân thành tôn kính Mẹ bằng việc đọc kinh Mân Côi, đến nhà thờ hợp lòng với nhau ca hát ngợi khen Mẹ, và nhân đó được lãnh phép lành của Chúa Giêsu Thánh Thể hoặc dâng thánh lễ và rước Chúa vào lòng.

Hãy trở nên tông đồ của chuỗi Mân Côi ngay trong chính gia đình của mình. Hãy giúp các thành viên biết dùng chuỗi Mân Côi mỗi ngày, để kéo ơn Chúa xuống trên gia đình. Hãy biến các lời kinh Mân Côi trở thành tiếng gõ cửa để Trái Tim nhân hiền của Thiên Chúa mở ra. Bởi vì có Chúa là có tất cả và hạnh phúc sẽ luôn tràn ngập trong gia đình chúng ta.

Nữ tu Maria Trần Xuân Hương