Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Kinh Vinh Danh và Lời nguyện nhập lễ

 

Sáng nay ngày 10/01/2018 trong buổi tiếp kiến chung tại thính phòng Phaolô VI, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về Thánh lễ tập trung vào chủ đề Kinh Vinh Danh và Lời nguyện nhập lễ.

Anh chị em thân mến

Trong những bài giáo lý trước về việc cử hành thánh thể, chúng ta đã thấy rằng hành động sám hối giúp chúng ta rũ bỏ những kiêu căng và trình bày cho Thiên Chúa thực trạng của mình, ý thức mình là những người tội lỗi, trong niềm hy vọng được tha thứ.

Ngay từ cuộc gặp gỡ giữa sự khốn cực nhân loại và lòng thương xót của Thiên Chúa dẫn đến lòng biết ơn được diễn tả qua kinh “Vinh Danh”, một bài thánh thi rất cổ xưa và đáng kính mà qua đó Giáo hội được quy tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng để ca ngợi và cầu khẩn cùng Chúa Cha và Chiên Con” (QCTQ, 53).  

“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”, câu khởi đầu của bài thánh ca này lấy lại tiếng ca của các Sứ thần khi Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem, loan báo niềm vui về vòng tay ôm lấy giữa trời và đất. Bài ca này cũng lôi cuốn chúng ta nhóm họp trong lời cầu nguyện: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Sau kinh “Vinh danh”, hoặc khi không có kinh này, thì ngay sau hành động sám hối, lời nguyện dùng hình thức riêng biệt được gọi là “lời nguyện nhập lễ” [colletta], lời nguyện đó diễn tả chính đặc tính của buổi lễ, có thể thay đổi theo ngày và theo mùa trong năm (x. Sđd, 54). Với lời mời “chúng ta hãy cầu nguyện” vị linh mục mời gọi cộng đoàn giáo dân được tụ họp cùng với ngài trong lúc thinh lặng, ý thức mình đang đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa và gợi lên trong tâm hồn mỗi người, những ước nguyện cá nhân, với những ước nguyện ấy họ tham dự Thánh lễ (QCTQ 54). Vị linh mục nói “chúng ta hãy cầu nguyện” rồi sau đó thinh lặng một lúc, để mỗi người nghĩ về những gì mình cần, những gì muốn xin trong lời cầu nguyện.

Thinh lặng không làm giảm bớt việc thiếu đi lời nói, nhưng là để chuẩn bị lắng nghe những tiếng khác: tiếng trong tâm hồn chúng ta và nhất là tiếng của Chúa Thánh Thần. Trong phụng vụ, tính chất của thinh lặng thánh tùy thuộc vào lúc phải giữ trong mỗi lúc cử hành: “Thật vậy, trong hành động sám hối và sau lời mời cầu nguyện, giúp mọi người hồi tâm lại; sau bài đọc hoặc bài giảng là lời mời mọi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi rước lễ nó tạo thuận lợi cho việc ca ngợi và cầu xin trong lòng (QCTQ 45).

Vì vậy, trước lời nguyện nhập lễ, thinh lặng giúp chúng ta tập trung vào chính mình và nghĩ đến lý do tại sao chúng ta ở đó. Quan trọng lúc ấy là để linh hồn chúng ta lắng nghe và mở ra cho Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta đến từ những ngày mệt nhọc, vui mừng, đau khổ và chúng ta muốn trình bày những điều ấy cho Chúa, và xin Ngài giúp đỡ, xin Chúa ở gần chúng ta; chúng ta có người thân và những bạn bè đau yếu hay họ đang trải qua những thử thách khó khăn; chúng ta muốn phó dâng cho Chúa vận mệnh của Giáo hội và của thế giới. Và điều này cần thiết cho sự thinh lặng ngắn trước khi linh mục thu nhận những ý nguyện của mỗi người, diễn tả qua việc đọc lớn tiếng lên Thiên Chúa, nhân danh tất cả mọi người, lời cầu nguyện chung kết thúc các nghi thức dẫn nhập, bằng cách thu nhận “colletta” những ý nguyện cá nhân. Tôi chân thành khuyên các linh mục hãy giữ phút thinh lặng này và đừng nên vội vàng: đọc “chúng ta hãy cầu nguyện” rồi hãy thinh lặng. Tôi gửi gắm các linh mục điều ấy. Nếu không có thinh lặng, chúng ta có nguy cơ bỏ sót việc hồi tâm của linh hồn.

Vị linh mục đọc lời cầu này, lời nguyện nhập lễ, với đôi tay dang rộng là cử chỉ cầu xin, lấy lại từ các tín hữu ở những thế kỷ đầu – như các bức họa ở các ngôi mộ người rôma minh chứng cho thấy – bắt chước Chúa Kitô với đôi tay rộng mở trên thập giá. Và ở đó, Chúa Kitô vừa là người cầu nguyện và vừa là lời cầu nguyện! Trên Thập giá chúng ta nhận ra vị Thượng tế, dâng lên Thiên Chúa việc thờ phượng đẹp lòng Ngài, đó là sự vâng phục của tình con thảo.

Trong nghi lễ Rôma, những lời cầu nguyện không những rất súc tích mà còn giàu ý nghĩa: người ta có thể thực hiện rất nhiều những suy niệm hay về các lời cầu nguyện này. Rất hay! Trở lại việc suy niệm các bản văn, cũng như ngoài Thánh lễ, có thể giúp chúng ta biết cách làm sao để hướng về Thiên Chúa, biết cầu xin Chúa điều gì, dùng những lời nào. Ước mong phụng vụ trở nên trường học cầu nguyện cho tất cả mọi người chúng ta.

2206    13-01-2018