Sidebar

Thứ Tư
04.12.2024

Làm chứng cho danh Đức Giêsu Kitô

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN - LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM

LỜI CHÚA: Cn 31,10-13,19-20,30-31; 1Tx 5,1-6; Mt 25,14-30

LÀM CHỨNG CHO DANH ĐỨC GIÊSU KITÔ

Một lãnh tụ vô thần đã nói như thế này: “Chúng ta hãy triệt phá Giáo hội, nhưng đừng tạo ra những vị tử đạo”. Và một khi tuyên bố như thế, thì hiển nhiên ông ta đã công nhận điều mà Thánh giáo phụ Tertulianô đã nói là đúng. Vì Giáo phụ Tertulianô đã nói rằng: “Máu các Thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”.

Chúa nhật 33 Thường Niên hôm nay, chúng ta mừng lễ kính các Thánh Tử đạo tại Việt Nam. Máu các ngài đổ ra năm xưa đã làm nên những trang sử thật hào hùng cho người kitô hữu Việt Nam chúng ta. Thế nên, là con dân nước Việt Nam, chúng ta phải hãnh diện vì chúng ta là con cháu của các ngài, để rồi khi mừng kính thánh lễ hôm nay, chúng ta cũng hãy biết mở lòng để đón nhận sứ điệp về ơn gọi tử đạo mà các ngài đã để cho chúng ta ngày nay.

Khi nhìn lại lịch sử Giáo hội Việt Nam, ta thấy rằng, hạt giống đức tin đã được gieo vào mảnh đất quê hương Việt Nam từ hơn 500 năm trước. Trong suốt dòng lịch sử, Giáo hội Việt Nam đã phải trải qua hơn 100 năm sống trong sự bách hại. Ta biết rằng, Sắc dụ cấm đạo đầu tiên được ban hành vào năm 1625, kéo dài đến hết thời Văn Thân năm 1886, để rồi hàng vạn người kitô hữu đã ngã xuống do sự thù ghét. Thế gian ghét đạo, ghét Đức Giêsu và ghét luôn những người đi theo Chúa. Và đây chính là điều mà Chúa Giêsu đã nói trước: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Mt 10,22).

Trong hàng vạn các anh hùng Tử đạo ấy thì đã có 118 vị được ghi tên trong sổ bộ các thánh, bao gồm vị được phong 117 hiển thánh và một vị được phong chân phước. Và trong 118 vị ấy, thì có 97 vị là người Việt Nam, 11 vị người Tây Ban Nha, và 10 vị người Pháp. Các ngài thuộc đủ các tầng lớp xã hội, bao gồm 8 Giám mục, 50 linh mục, 15 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân. Và trong số các vị giáo dân này, thì có cả những vị làm quan trong triều đình, có vị làm nghề thu thuế, làm binh lính, y sĩ hoặc chỉ là người nông dân bình thường. Thế nhưng, dù là người Việt Nam hay ngoại quốc, các thánh tử đạo tại Việt Nam đều nói lên một lòng tin duy nhất, đó là sẵn sàng làm chứng về danh Đức Kitô bằng cái chết anh dũng. Thế nên, chính cái chết của các Ngài đã trở nên bài giảng cụ thể nhưng sống động và hùng hồn nhất.

Ta biết rằng, có 6 loại án tử mà người ta đã nghĩ ra để hành quyết các vị tử đạo. Đó là Bá đao (tức là cắt đứt thân thể ra thành trăm mảnh); kế đến là án Lăng trì (tức là chặt chân tay, mổ bụng và vất xuống sông); rồi án Thiêu sống; án Xử giảo (tức là xiết cổ bằng dây); án Xử trảm (tức là chém đầu) và án cho chết rũ trong tù.

Các thánh tử đạo tại Việt Nam đã dùng cái chết của mình để trở về nhà Thiên Chúa và các ngài đã hoàn tất cuộc hành trình đầy yêu thương nơi trần thế. Các ngài đã ý thức Lời Chúa dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35-36).  Do đó, khi đứng trước quan quyền của tòa án Nam Định, thánh Phaolô Đạm đã nói rằng: “Nếu tôi có hai linh hồn, tôi sẽ bán một cái cho ma quỷ để cho các ông vui lòng, nhưng tiếc quá tôi chỉ có một linh hồn, nên tôi không thể bỏ mất”. Hoặc như thánh Anrê Thông đã trả lời cho vua quan như thế: “Thà tôi bị lưu đày và phải  chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo,” còn thánh Phaolô Tịnh cũng đã nói: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được.”

Vậy nên, khi nhìn lại lịch sử của Giáo hội Việt Nam, chúng ta cảm tạ ơn Chúa vì gia tài đức tin bằng máu và nước mắt mà cha ông đã để lại; và điều đó thật đúng như lời quả quyết của thánh Tertulianô: “Máu các vị tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu.”

Các vị tử đạo đã sẵn sàng chết đi để làm chứng cho tình yêu của mình vào Đức Giêsu Kitô. Các ngài đã không làm chứng cho một chế độ, một chủ nghĩa… nhưng các ngài đã làm chứng cho một con người. Và Con Người đó chính là Đức Giêsu, các ngài làm chứng cho một Thiên Chúa làm người. Con Người Giêsu ấy đã can đảm đón nhận cái chết giống một tên cướp, để với cái chết của Ngài, Đức Giêsu đã khai mở cho chúng ta chân trời của ơn cứu độ. Và đến lược các thánh tử đạo, các ngài cũng đã dùng chính giá máu của mình để làm chứng cho Đấng mà các Ngài yêu mến và tin theo để lưu truyền đức tin cho chúng ta hôm nay và cho mãi về sau này.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay đã bãi bỏ án tử hình, và cũng tôn trọng tự do tôn giáo, ít nhất là trên lý thuyết. Thế nên, việc đàn áp tôn giáo với những màn tra tấn, tống ngục hay giết chết đang dần bị con người ngày nay đào thải, vì nó đi ngược với khái niệm về nhân quyền mà xã hội luôn đề cao. Người ta sẽ không còn bắt chúng ta phải bước qua thập giá để bỏ đạo, hay chối Chúa như các thánh tử đạo ngày xưa nữa đâu; mà chúng ta sẽ lại phải đương đầu với những thách thức mới và đôi khi những thách đố này sẽ còn khó khăn và tinh vi hơn nhiều. Những thách đố đó chính là những cám dỗ, những lôi cuốn của tội lỗi, những quyến rũ của Tham sân si, những lôi kéo của 3 thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt… chính những điều này sẽ dễ làm cho chúng ta từ chối Thiên Chúa, gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của ta. Tuy nhiên lời mời gọi của Đức Giêsu đi vào mầu nhiệm tự hủy để sống ơn gọi tử đạo vẫn luôn mang tính thời sự cho tất cả những ai muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu.

Thành ra, cái chết trên Thập giá theo gương Đức Giêsu chính là đích đến mà tất cả mọi người kitô hữu chúng ta phải vươn tới. Văn hào Goethe đã viết rằng: “Làm một việc hy sinh to lớn trong khoảnh khắc thì dễ, chỉ cần chút can đảm nhất thời, nhưng thể hiện những hy sinh nho nhỏ và liên tục trong suốt cuộc đời thì khó hơn nhiều”. Đó chính là cái chết tiệm tiến, cái chết từ từ trong cuộc sống đức tin để họa lại chính cái chết của Đức Giêsu.

để có thể hy sinh, chịu đau khổ như các thánh tử đạo, chúng ta cũng hãy tập biết nói không trước những điều xấu, nói không trước những điều làm cản trở chúng ta thực thi lòng bác ái với anh chị em; để từ đó, chúng ta cũng biết hy sinh và chu toàn các bổn phận hằng ngày trong gia đình, bổn phận của người Ông người Bà; bổn phận của 1 người Cha người Mẹ; bổn phận của con cháu trong gia đình; và bổn phận của một thành viên trong Giáo xứ cũng như công dân của xã hội.

Nguyện xin các anh hùng tử đạo tại Việt Nam cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng ta, để chúng ta luôn biết noi gương các ngài mà can đảm và anh dũng nói không với tội lỗi, với các cơn cám dỗ cho dù phải chịu hy sinh, chịu thua thiệt trong cuộc sống, để mai sau, chúng ta cũng xứng đáng được lãnh vòng hoa chiến thắng/ và chung hưởng vinh quang với các ngài trên thiên quốc. Amen.

1338    18-11-2017