Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Lạm dụng, nỗi đau của các nạn nhân “bị giết” thêm một lần nữa

 

Những lời của các ông Cruz, Hamilton và Murillo tại cuộc họp báo quốc tế sau cuộc gặp gỡ riêng của họ với Đức Phanxicô, “Những người bao che còn làm cho chúng tôi đau hơn là linh mục Karadima”
Điều gì có thể tồi tệ hơn, thối nát hơn, trọng tội hơn mà một linh mục cậy vào quyền lực của minh, ảnh hưởng của mình đã lạm dụng tình dục trẻ em và trẻ vị thành niên? Điều gì có thể tồi tệ hơn sự xúc phạm này, tội này, tội ác “giết chết tâm hồn” (chữ của Đức Giám mục Charles Scicluna) các nạn nhân? Điều gì có thể tồi tệ hơn một người hủy hoại những người nhỏ bé, người vô tội, người yếu đuối nhất, và thay vì làm cho họ được phát triển trong đức tin, lại tiêu diệt họ bằng cách hủy hoại đời sống của họ? Những người theo dõi cuộc họp báo ngày thứ tư, 2 tháng 5 – 2018) của các ông Juan Carlos Cruz, James Hamilton và José Andrés Murillo, ba nạn nhân của linh mục ấu dâm người Chilê, Fernando Karadima, đã được Đức Phanxicô tiếp trong cuối tuần vừa qua, họ có thể nghe thấy câu trả lời khủng khiếp nhưng sáng rõ.
Ông Hamilton, trả lời câu hỏi về những gì ông có thể nói với linh mục Karadima nếu linh mục Karadima đứng trước màn hình lúc này, ông trả lời: “Tôi không muốn nói gì với Karadima. Nhưng tôi muốn nói với các giám mục bao che Karadima, rằng tổn hại lớn nhất không phải là những gì Karadima đã làm cho tôi, nhưng những gì các giám mục này đã làm với tôi. Họ đã giết tôi lần thứ nhì khi tôi đến nhờ họ giúp đỡ, khi tôi đang chết điếng trong lòng, và họ đã làm tất cả mọi sự để giết tôi thêm một lần nữa. Họ là những kẻ trọng tội”.
Dù chuyện này xem như kỳ lạ – làm sao lại so sánh lạm dụng tình dục với hành động bao che? Những gì các nạn nhân bị lạm dụng này cảm nhận là họ bị giết hai lần. Thậm chí họ còn nói người bao che còn tồi tệ hơn linh mục đi lạm dụng. Một người ở cấp trên, một giám mục thay vì tiếp nhận, lắng nghe, an ủi nạn nhân thì lại đi tố ngược họ, từ chối tiếp nhận họ. Từ chối gặp họ. Người đó xem họ như “kẻ thù” của danh xưng tốt đẹp của Giáo Hội, người đó coi thường câu chuyện của họ, dứt khoát xem họ như người vu khống, thậm chí trước cả khi nghe họ. Người đó không quan tâm gì đến đứa trẻ, đến đứa con trai, con gái, đến trẻ vị thành niên hay người bị tàn rụi, mà trước hết đáng lý họ phải là người xem đây là chuyện nghiêm túc, phải tiếp nhận, hỗ trợ và giúp đỡ. Người đó loại họ, thay vì bảo vệ nạn nhân, người đó bảo vệ thủ phạm, là linh mục đã phạm tội ấu dâm mà Đức Phanxicô so sánh tội này với tội satan.
Không thể hiểu được tình trạng ở Chi-lê, cũng như ở nhiều quốc gia khác, nơi tai ương này (ba nạn nhân của Karadima dùng chữ ‘nạn dịch’) phổ biến, mà không bắt đầu từ sự đau khổ của người bị ngược đãi. Sự đau khổ này còn trở nên kinh khủng hơn vì sự bao che, để cuối cùng sự bao che này còn đau đớn hơn cả việc lạm dụng trên chính bản thân họ.
Những gì nổi lên từ câu chuyện của ba nạn nhân này, mà cuộc sống của họ đã bị phá hủy bởi sự tàn ác của cha Karadima, nhưng cũng bởi thái độ đáng xấu hổ của những người bao che cha, bao che để cha Karadima được an toàn, khỏi bị lên án trong nhiều năm dù bị tố cáo, đó là vấn đề. Và nó cho chúng ta thấy tầm quan trọng của tiếp nhận, lắng nghe, gần gũi. Thêm nữa, điều này cũng cho chúng ta biết tầm quan trọng, không thể vội vã khép lại vết thương, Giáo hội Chi-lê phải nhận thức về tội lỗi được nói đến trong bức thư của Đức Phanxicô gởi cho các giám mục Chi-lê. Không từ bỏ trách nhiệm, nhận biết các thiếu sót trầm trọng đã vi phạm, trước tiên và quan trọng nhất là việc không công nhận các nạn nhân bị lạm dụng và như thế là lạm dụng họ thêm một lần nữa.
“Trong gần mười năm, chúng tôi bị đối xử như kẻ thù vì chúng tôi đấu tranh chống lạm dụng tình dục và bao che trong hàng ngũ Giáo hội. Những ngày này chúng tôi đã gặp gương mặt thiện cảm của Giáo Hội, hoàn toàn khác với các khuôn mặt mà chúng tôi đã biết trước đây,” các ông Cruz, Hamilton và Murillo nói trong thư đọc trong cuộc họp báo. Điều đáng ghi nhận là sự quan tâm, tiếp đón mà ba nạn nhân đã được đối xử ở Vatican với Đức Phanxicô, chưa bao giờ họ được đối xử như vậy ở đất nước họ. Ông Hamilton nói về buổi gặp gỡ lâu dài của mình với Đức Phanxicô: “Đối với tôi đây là cuộc gặp gỡ rất ơn ích và giúp chúng tôi phục hồi, lời xin tha thứ của Đức Phanxicô rất chân thành. Chúng tôi đứng trước một người không cao sang. Khi nói với chúng tôi mình đã sai, đó là dấu hiệu cho thấy ngài không thể không sai lầm. Để nhận các sai lầm của mình, là chứng tỏ mình không thể không sai lầm! Ngài thật sự là một con người”.
Ông Juan Carlos Cruz nói thêm: “Tôi đã nói cho ngài nghe các chi tiết của việc bao che, cụ thể và sâu đậm. Tôi chưa bao giờ thấy ai đau đớn như vậy khi họ xin tha thứ. Một lời xin tha thứ đến từ trái tim. Trong trường hợp của tôi, Đức Phanxicô thật sự đau buồn và đó là điều quan trọng đối với tôi. Ngài công nhận: “Tôi là một phần của vấn đề, tôi xin được tha thứ”. Bây giờ sự tha thứ đòi hỏi hành động, trong tương lai, tôi hy vọng bàn tay của ngài sẽ cương quyết khi đưa ra quyết định”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
467    04-05-2018