Sidebar

Thứ Sáu
10.05.2024

Marco Pannella: “Tình thương biểu lộ như thế này thì làm cho tôi rất xúc động”


 

“Allô, Marco? Tôi muốn giúp ông trong việc bất công này.”

Đây là một người đấu tranh chống bất công. Chúng tôi biết ông như vậy, luôn luôn chiến đấu. Những vụ nhịn đói, những vụ biểu tình ngồi. Những chương trình dài và phát trực tiếp trên đài phát thanh. Những tiếng kêu la trên đài truyền hình.

Nhưng bây giờ ông nằm trên giường. Tóc dài và bạc. Mặt hõm sâu, vì đói, vì khát của một vụ tuyệt thực mới. Ông đòi phải có các điều kiện tốt hơn cho các tù nhân ở Ý. Nhưng bây giờ ông đã 84 tuổi và vì tình trạng này mà sức khỏe của ông càng ngày càng suy sụp. Ngày 25 tháng 4 – 2014, ngày lễ thánh Mác-cô, thánh bổn mạng của ông, điện thoại cầm tay của ông reo. “Allo”.

“Allô, đây là Giáo hoàng Phanxicô!”

Xem hình ông Marcello Masi chụp bằng điện thoại thì người ta thấy bàn tay của vị lãnh đạo đấu tranh này run. Chứng nhân cho giây phút này là ông Masi, giám đốc nhật báo truyền hình Tg2, hiện nay ông là phó giám đốc đài truyền hình RAI. Dĩ nhiên trên hình thì sẽ không thấy tay run. Nhưng điện thoại cầm tay thì xém rớt. Ông bị sốc.

Đời sống không làm cho ông nao núng, tuổi già cũng không, bệnh tật cũng không và ngay cả tuyệt thực cũng không. Nhưng tình thương biểu lộ như thế này thì làm cho ông rất xúc động.

Tình thương cho Giáo hoàng

Marco Pannella yêu Giáo hoàng, ông yêu tất cả các giáo hoàng, ông cảm thấy cần lời của các ngài. Ông có một lòng kính trọng sâu đậm các tư tưởng và các hành động của các ngài.

Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Chi, ông cho biết: “Chúng tôi rất mến nhau, Giáo hoàng và tôi. Lòng mộ đạo của ngài rất gần với những người đơn sơ và chân thât, rất gần với gốc rễ của tôi. Đây là triều giáo hoàng thứ ba mà tôi có quan hệ tốt. Đức Gioan-Phaolô II, tôi hay gọi ngài là “Polak”, tôi thường hay nghe lời ngài. Còn Đức Ratzinger thì tôi biết ngài làm chúng tôi ngạc nhiên. Còn tôi, thì tôi không thích hàng giáo sĩ, đúng vậy. Về những chuyện cụ thể. Nhưng tinh thần tôi là tinh thần tôn giáo. Tôi luôn có giao tiếp rất tốt với các nữ tu. Bác của tôi là một linh mục và tôi lớn lên với các cảm nhận tôn giáo và tình trạng này”.

Tuyệt thực

Đức Phanxicô gọi tôi để hỏi thăm sức khỏe tôi.

“Đúng là ông vừa có một vụ tuyệt thực mới?” Pannella xác nhận với ngài.

Và đây là một phần của cuộc nói chuyện của hai người, cuộc nói chuyện kéo dài 22 phút.

“Hãy can đảm, hay đương đầu! Tôi, tôi sẽ giúp ông chống sự bất công này…”, Đức Giáo hoàng nói.

“Để có Công chính”, ông Pannella nhấn mạnh.

“Tôi sẽ nói về chuyện này, về vấn đề này, tôi sẽ nói về các tù nhân…”

“Dạ, kính Đức Thánh Cha. Đó là vấn đề chính…!”

Về vấn đề này, có nhiều tin khác nhau. Theo tất cả các báo, Đức Phanxicô xin ông Pannella ngưng tuyệt thực, và ông đã ngưng vài giờ, chính ông giải thích: “Vì biết ơn Đức Thánh Cha, tôi đã chấp nhận, tôi uống một ly cà-phê! Nhưng tôi sẽ tiếp tục tuyệt thực”.

Trong lần phỏng vấn với báo Chi một tháng sau đó, vị lãnh đạo cuộc đấu tranh nói một nội dung khác: “Đức Phanxicô là người duy nhất không trách tôi tuyệt thực. Ngài còn nói: ‘Hãy can đảm, hãy đương đầu’. Ngài là người duy nhất nói với tôi như vậy. Vì ngài hiểu”.

Dù sao, ngày 1 tháng 9 – 2015, một năm rưỡi sau đó, trong bức thư Đức Phanxicô triệu tập cho Năm Thánh Lòng thương xót, ngài nêu lên trường hợp của các tù nhân, theo truyền thống của năm thánh và ông Pannella xuất hiện trong một video trước đĩa mì ống amatriciana; ông cười với Đức Giáo hoàng: “Giáo hoàng Phanxicô thân mến, ngài đã nuôi tôi, bây giờ tôi còn đây, tôi xin cám ơn!”

Ông nghỉ một lát, thời gian để nuốt vài muỗng mì ống, rồi ông nói tiếp: “Hôm nay, ngài nuôi tôi dồi dào, như thế không thể nào nào tôi tiếp tục nhịn đói, và bây giờ tôi ăn thêm một đĩa mì ống amatriciana nữa, nhưng đây là tôi ăn cho ngài”.

Sáu tháng sau, tình trạng sức khỏe của ông Pannella suy sụp hẳn. Nhưng khi đó Đức Phanxicô đang đi tĩnh tâm Mùa Chay hàng năm ở Nhà Thầy Chí Thánh, vùng Ariccia gần Rôma. Điện thoại cầm tay reo, đây là điện thoại của Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Viện giáo hoàng về Sự sống, một trong các cộng sự viên của ngài.

“Tôi nhận điện thoại của gia đình cho biết, ông Marco Pannella mà tôi quen hàng chục năm nay đang yếu nhiều và ông mong gặp tôi”. Nhưng Đức Giám mục Paglia không thể đi về vì luật linh thao cấm mọi ngưng ngang: tĩnh tâm kéo dài một tuần.

“Tôi nhớ lại, khi tôi gặp Giáo hoàng và tôi cho ngài biết tôi nhận tin về ông Pannella. Ngài nói: “Anh về ngay đi!” Tôi về, lúc đó là giữa tháng 3-2016 và sau đó tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau cho đến khi ông chết”. Câu chuyện của Đức Giám mục Paglia kể cho tôi nghe có nhiều chi tiết.

Một bức thư gởi cho Đức Phanxicô

“Tôi muốn viết cho Đức Phanxicô một bức thư,xin  cha chuyển giùm cho tôi được không?”

Đức Giám mục Paglia chuyển cho Đức Phanxicô ngày 22 tháng 4-2016. Ngài đọc và rất cảm động.

“Từ ngày đó, mỗi khi tôi có dịp gặp ngài, ngài đều hỏi thăm tin tức của ông Pannella và gởi lời thăm ông”.

Và đây là bức thư:

Giáo hoàng Phanxicô thân mến, 

Tôi viết thư này cho cha ở phòng lầu mười của tôi – rất gần trời – để nói với cha, là tôi ở bên cạnh cha khi cha ở đảo Lesbo, khi cha ôm thịt da của các trẻ em, các anh chị em tử đạo mà không ai muốn tiếp nhận họ ở Âu châu.

Và đó là Phúc Âm mà tôi thích, và tôi muốn tiếp tục sống bên cạnh những người này, những người ai cũng muốn tránh. Lòng yêu thương này là ngọn gió của Thần Khí làm thế giới này nhúc nhích.

Từ cửa sổ căn phòng nhỏ của tôi, tôi thấy thế giới này qua làn cây lay động dưới ngọn gió qua các con chim mòng biển bay theo gió.

Với tình trạng sức khỏe của tôi, tôi không ra ngoài được nhưng tôi ở bên cạnh cha trong các lần cha ra đi. Một ý nghĩ in sâu trong trí tôi và vẫn còn đi theo tôi ngày hôm nay: “Hy vọng ngoài cả hy vọng, Spes contra spem*”. Giáo hoàng Phanxicô thân mến, tôi nhiều tuổi hơn cha nhưng tôi nghĩ, cha cũng phải sống “hy vọng ngoài cả hy vọng”. 

Tôi yêu cha rất nhiều, Marco của cha.  

Tái bút: Tôi cầm trong tay Thánh giá mà Đức Tổng Giám mục Romero mang và tôi không rời cây thánh giá này được.

Đức Tổng Giám mục Oscar Romero được phong chân phước năm 2015 là Tổng Giám mục giáo phận San Salvador, ngày 24-3-1980 ngài bị giết khi đang dâng thánh lễ. Ngài là vị tử đạo. Thánh giá của ngài là thánh giá mà bây giờ Đức Giám mục Paglia mang, Giám mục Paglia là cáo thỉnh viên cho án phong chân phước.

Đức Tổng Giám mục Paglia kể tiếp: “Đức Phanxicô nói với tôi, phải thấy rằng Pannella là một người dấn thân trong các đấu tranh của ông, ông có một lòng can đảm đáng khâm phục”.

Tôi hỏi giám mục xem Đức Giáo hoàng có đề cập đến mục đích của tất cả các cuộc đấu tranh này không.

“Không, điều này thì không vì các cuộc đấu tranh của Đức Giáo hoàng đã là các cuộc đấu tranh để bảo vệ những người bị cầm tù, những người di dân, bảo vệ tự do tôn giáo, chống lại nạn đói trên thế giới”.

Tính nhạy cảm tôn giáo

“Chúng tôi nói nhiều đến các vấn đề tôn giáo, chủ đề ông Pannella thích nhất là chủ đề Thần Khí: ngọn gió làm thay đổi lịch sử, ông hay nói, đó là Thần Khí làm bừng cháy, không để mọi sự trì trệ. Một chủ đề yêu thích khác của ông: sức mạnh của Tin Mừng. Trong tất cả các chủ đề này, ông cảm thấy mình cắm rễ sâu đậm vào tôn giáo. Ông cũng nói nhiều đến Đức Tổng Giám mục Oscar Romero, người chiến đấu chống chính thể đầu sỏ chỉ bằng tiếng nói qua đài phát thanh”.

Một chân dung – cuộc chiến đấu, tiếng nói, đài phát thanh – qua đó không thiếu các phức đoạn cuộc đời của ông.

Spes contra spem, đây là câu trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma (4, 18) có nghĩa là hy vọng ngoài mọi hy vọng mà ông Pannella cho rằng đây là lời mời gọi hành động, mặc dầu không còn gì để trông cậy, nhưng chúng ta vẫn trông cậy và vững tin.
Trích sách “Các cuộc gọi của Đức Phanxicô”, Rosario Carello, nxb. Fidélité

Marta An Nguyễn dịch

496    09-09-2018