Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Nghĩ về vai trò trụ cột của người đàn ông trong gia đình

Nghĩ về vai trò trụ cột của người đàn ông trong gia đình

 

Cách đây chưa lâu, nhiều gia đình Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tư duy phụ quyền, trọng nam khinh nữ. Con gái không được học lên cao, lớn lên là lấy chồng, ít có cơ hội thăng tiến. Ngược lại, con trai thường được cha mẹ đầu tư, dễ thành đạt, khi trưởng thành rất có quyền uy trong gia đình. Hồi ấy, nhiều người từng chứng kiến không ít cảnh đàn ông đi làm về vểnh râu ngồi rung đùi, xem tivi, tự do chè thuốc… Nhìn xuống bếp, thấy người vợ cặm cụi lo cơm nước, lau dọn nhà cửa, tắm giặt cho con cái, vất vả, lam lũ, khác hẳn với người chồng bảnh bao sạch sẽ. Sở dĩ người chồng có vị thế mặc nhiên như vậy là vì họ được coi là “trụ cột gia đình”, vì họ phải vất vả làm kinh tế để trang trải cho các thành viên, nên họ về nhà có quyền nghỉ ngơi. Và trong những trường hợp này, người phụ nữ thường phó mặc, gởi gắm số phận của mình cho chồng từ lúc kết hôn, chức năng chủ yếu của họ là chợ búa, bếp núc, chăm con cái.

Thật hết sức vô lý nhưng vẫn cứ tồn tại nhiều năm, nhiều thế hệ. Ðã có không ít quan niệm, “trụ cột gia đình” trước tiên là trách nhiệm chu toàn kinh tế cho gia đình của người đàn ông, khiến họ rất áp lực. Vì một khi bị “dán nhãn” bởi hai chữ “trụ cột”, đã đặt họ vào thế phải vươn lên, phải thăng tiến hơn trong công việc, phải có vị thế xã hội và thu nhập. Phụ nữ thường không nhận thấy áp lực này ở mình vì đã bị “mặc định” phái yếu, hay tự cho rằng việc kinh tế là của đàn ông, của người cha, người chồng. Về phía đàn ông, ngoài không gian gia đình, họ phải liên tục học hỏi, cố gắng ngoại giao ngoài xã hội, thậm chí mánh khóe để lo kinh tế, hai chữ “trụ cột” đôi khi đã làm họ thực sự stress…, nên khi về đến nhà thường tranh thủ nghỉ ngơi, thư giãn…, và sinh ra cảnh tréo ngoe như vừa kể. Nhiều người không biết, vì phụ nữ vẫn luôn là phái yếu, nên cũng có nhu cầu được chia sẻ, bình đẳng và yêu thương. Cái cần thiết ở những “trụ cột gia đình” đúng nghĩa là không chỉ có kiếm tiền, có đặc quyền hưởng thụ khi ở nhà, mà họ còn phải giữ cho gia đình cân bằng về các giá trị tinh thần khác, bằng cách chia sẻ với vợ về công việc và đáp ứng các nhu cầu văn hóa giải trí của các thành viên. Phải hiểu rằng, không chỉ đàn bà “mới giữ tổ ấm”, mà đàn ông cũng cần thoát ra khỏi “cái tôi”, “cái vỏ bọc” của mình để đồng trách nhiệm với vợ trong việc nuôi dạy con cái và giữ gìn hạnh phúc.

Chính vì quan niệm về “trụ cột” như vậy nên ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, vai trò “trụ cột gia đình” của người đàn ông về mặt kinh tế đôi lúc lung lay và bị “đe dọa” bởi những phụ nữ giỏi giang trong hoạt động kinh tế và phát triển bản thân. Nhiều chị em không ngừng thăng tiến cả trong công việc và thu nhập. Họ hiện đại và năng động, chu toàn tài chính cho gia đình, con cái. Không ít ông chồng cảm thấy dần dần “lép vế” trước vợ, thậm chí tự ti. Một số chức năng vợ chồng đổi ngôi cho nhau. Không ít đàn ông thay vợ đón con, nấu cơm, bếp núc, bởi chị em quá bận rộn và vất vả với việc trang trải cho cuộc sống gia đình. Việc lệch nhau về năng lực đã đánh động vào tâm lý đàn ông vốn là phái mạnh và khiến cho họ mặc cảm. Và, không ít phụ nữ đã mặc nhiên biến mình thành “trụ cột gia đình”, dù thực tế, trụ cột rộng hơn ý nghĩa thuần túy của việc lo kinh tế. Người ta quên rằng, phụ nữ dù giỏi đến mấy vẫn cần yêu thương và người đàn ông chẳng là gì với họ nếu không biết vun đắp, che chở cho gia đình. Họ phải biết làm cha, làm chồng, sống mẫu mực, yêu thương chia sẻ với vợ con, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Bản năng giới là điều không thay đổi, nên người đàn ông đàng hoàng, chân chính và đạo đức; là người cha, người chồng tốt, mẫu mực… đã là “trụ cột gia đình”, chứ không đơn thuần là chỉ lo hay không lo gánh nặng kinh tế mà “hoán ngôi”. Chức năng trụ cột của người đàn ông còn là bảo đảm các an toàn về tinh thần cho vợ con.

Vai trò trụ cột gia đình còn nằm ở khía cạnh luân lý đạo đức của người đàn ông với các thành viên trong gia đình của mình. Nhớ lại trong sách Phúc Âm kể, chính Thánh Giuse đã tạo ra một mẫu hình về mặt luân lý, là trụ cột cho đời sống Thánh Gia và là nền tảng Ðức tin Công giáo. Ngài được mệnh danh là “người công chính”, luôn sống bởi Ðức tin và nghe theo Mặc khải của Thiên Chúa. Thánh Giuse đơn sơ và giống như tất cả những người đàn ông Do Thái khác đương thời, đều cầu nguyện trước khi ăn, dạy Ðức Giêsu tuân giữ luật Giao ước và truyền thống khôn ngoan của dân tộc mình, trải nghiệm những niềm vui và nỗi buồn của các bậc làm cha mẹ. Tôi là người không Công giáo nhưng có nghiên cứu nhiều về Công giáo, và mỗi khi đọc đến những đoạn hiếm hoi Phúc Âm kể về Thánh Giuse, tôi đều thầm cảm phục và thấy ở Ngài những bài học về cách ứng xử của một người đàn ông đúng nghĩa trụ cột, có giá trị cho đến hôm nay.

*

Ngày nay, mẫu hình trụ cột gia đình về mặt luân lý của người đàn ông lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, bởi xã hội rất nhiều tệ nạn và cám dỗ. Các cụ xưa nói “nhà dột từ nóc”, ý chỉ người đàn ông - trụ cột gia đình - mà không giữ được hình ảnh của mình thì rất khó giáo dục, làm gương cho vợ con. Bản thân sự biến đổi của đàn ông về khía cạnh luân lý, đạo đức cũng dễ làm gia đình đổ vỡ, vợ con ly tán hoặc tạo ra gương xấu cho con cái. Bởi vậy mới có những người đàn ông tài giỏi ngoài xã hội, nhưng vẫn bị xem thường trong nhà, không dạy bảo được con vì bản thân không là tấm gương.

Nói cách khác, cho dù có kiếm được nhiều tiền, lo toan được cho cuộc sống mọi người, nhưng nếu người đàn ông đánh mất đi các giá trị nhân bản, nền tảng luân lý gia đình, bị tha hóa…, thì họ vẫn không đảm đương nổi vai trò trụ cột. Có thể sự chu cấp tài chánh của họ chỉ dừng ở nghĩa vụ, chứ không có giá trị định hướng nhân cách sống và trở thành chỗ dựa tinh thần. Rõ ràng vai trò trụ cột bây giờ đã mở hơn xưa, khía cạnh kinh tế vẫn được coi trọng nhưng còn tích hợp thêm nhiều giá trị khác trong trách nhiệm. Trụ cột là nơi để các thành viên còn lại nương tựa khi cần, nên khi gánh vác, sự cố gắng tạo ra của cải vật chất hay bảo đảm các giá trị tinh thần cho các thành viên gia đình đều quan trọng như nhau.

 

TS Ngô Quốc Ðông

3497    20-06-2021