Sidebar

Thứ Tư
15.05.2024

Nhân cách xốp mềm và giảm xóc

 

 

Một người bạn của tôi kể câu chuyện này: Hồi còn nhỏ, vào thập niên 1950, anh bị sưng phổi nặng. Gia đình anh sống trong một thị trấn nhỏ không có bệnh viện, cũng không có bác sĩ. Cha anh tuần đó bận công việc xa nhà. Mẹ ở nhà một mình, không điện thoại, không xe ô tô. Sợ hãi và hoàn toàn không có một phương tiện nào, bà đến bên giường bệnh của con, quỳ xuống, gắn tượng thánh Têrêxa Hài Đồng lên áo con và cầu nguyện xin thánh Têrêxa: “Con xin phó thác vào thánh Têrêxa, xin chữa cho con của con. Con sẽ quỳ ở đây cho đến khi nào con của con bớt sốt.”

Hai mẹ con ngủ thiếp đi, anh thì trên giường bệnh, mẹ thì quỳ bên cạnh giường. Khi hai mẹ con tỉnh dậy, con sốt đã hạ.

Bạn tôi kể câu chuyện này, không phải để nói chuyện phép lạ (nhưng ai có thể xét đoán được?) Anh kể để nói lên một điểm khác, đó là, cách mẹ anh, trong tình cảnh mong manh và bất lực, đã quỳ gối và quay sang cầu xin Chúa như một bản năng tự nhiên, và cách làm sao mà ngày nay, kiểu hành động như vậy không còn là bản năng tự nhiên của chúng ta nữa. Ngày nay, trong tình huống như vậy, rất ít người trong chúng ta hành động như mẹ của anh.

Tại sao lại không như vậy? Bởi vì tính cách của chúng ta đã thay đổi. Charles Taylor, trong cuốn sách xuất sắc Thời Đại Thế Tục (A Secular Age) đã tìm xem thế giới chúng ta đã trở nên thế tục hơn như thế nào, chúng ta đã thay đổi ngày càng nhiều từ nhân cách xốp mềm sang nhân cách giảm xóc ra sao.

Chúng ta có nhân cách xốp mềm khi tâm thức hàng ngày của mình còn sống trong lo lắng, sợ hãi trước các mối đe dọa từ thiên nhiên hay nơi nào khác (bệnh tật, chết chóc, dịch hại, bão tố, hạn hán, động đất, sấm sét, chiến tranh, các hồn ma quỷ dữ từ thế giới khác, lời nguyền rủa của người xấu, rủi ro, mọi mối đe dọa) có thể xảy đến, mà với chúng, sự tự vệ chủ yếu và thường là duy nhất của chúng ta là sức mạnh từ thế giới bên ngoài (Chúa, thiên thần, các thánh, ông bà tổ tiên đã khuất, những linh hồn hiền từ, bà tiên, vị thần). Tính cách của chúng ta là xốp mềm khi chúng ta bị làm cho mong manh bởi các mối đe dọa mà chỉ có những sức mạnh cao hơn chúng ta cuối cùng mới có thể khuất phục được. Tất cả nguồn lực của con người trong chúng ta và xung quanh chúng ta bị coi là không đủ và bất lực trong việc bảo đảm an toàn cho đời chúng ta. Một phần của niềm tin đó còn là bản thân thế giới tự nhiên, nhưng còn lâu mới chỉ là tự nhiên. Đó là thế giới linh thiêng mà bên dưới bề mặt lẩn quất những linh hồn đủ mọi thể loại tốt có xấu có, và do vậy sống trong đời không chỉ có nghĩa là qua lại với những sự vật thực thể của thế giới mà còn với các linh hồn cả tốt lẫn xấu, những vị mà, ẩn bên trong và đằng sau sự vật, đang can thiệp vào cuộc sống và có thể chúc lành hay nguyền rủa chúng ta. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, tôi thường phải rắc nước thánh lên người để cầu được an toàn trong các cơn giông tố. Hồi đó tôi có tính cách xốp mềm.

Nhân cách giảm xóc lại là nhân cách mà trong đó tâm thức hàng ngày sống trong cái mà Taylor gọi là “nhân văn tự túc.” Chủ nghĩa nhân văn tự túc tin rằng căn bản tự chúng ta, chúng ta đủ sức để xử lý với bóng đêm và các mối đe dọa trong cuộc sống, rằng không có ma hay linh hồn tốt hay xấu gì đang lẩn quất dưới bề mặt sự vật nào cả. Chỉ có những gì chúng ta thấy, và chỉ thế thôi – như vậy cũng đủ rồi. Chúng ta không cần hỗ trợ từ thế giới nào khác. Trong chủ nghĩa nhân văn tự túc, khi gặp giông tố, bạn không cần rắc nước thánh lên mình; bạn đứng thoải mái sau khung cửa sổ an toàn, nhìn tia chớp như đang thưởng thức màn bắn pháo hoa miễn phí.

Chuyện không sợ hãi không nhất thiết là chuyện xấu. Dĩ nhiên đó là chuyện ảo tưởng, nhưng kể cả như vậy, thì Chúa cũng không muốn chúng ta sống trong nỗi sợ hãi bao trùm. Nói cho cùng, từ ngữ “Phúc âm” có nghĩa là “tin mừng,” không phải là mối đe dọa. Chúa Giêsu đến thế gian này để rũ bỏ nỗi sợ hãi sai lầm cho chúng ta.

Nhưng, dù nói như vậy, thì niềm tin rằng chúng ta tự xoay xở vẫn là một ảo tưởng và là một mức độ trưởng thành què quặt. Rốt cuộc, chúng ta không hề được an toàn khỏi sấm chớp và bệnh tật, cho dù cánh cửa sổ của chúng ta có tốt đến đâu hay bác sĩ của chúng ta có giỏi đến đâu. Nghĩ rằng mình tự xoay xở được là ngây thơ, một ảo tưởng, một chuyện sống trong vô minh mê muội. Chúng ta không kiểm soát được. Hơn nữa, có một sự non nớt trong niềm tin rằng chúng ta tân tiến hơn rất nhiều và tự do hơn rất nhiều so với ông bà mình, những người sợ sấm chớp và gắn tượng vào áo trẻ con bị đau. Nỗi sợ hãi của ông bà chúng ta truyền lửa cho một phẩm chất quan trọng. Phẩm chất này có thể không phải là tự nguyện mà có, nhưng là điều có thật. Đó là phẩm chất gì?

Robert Bellah từng nhìn vào cách các cộng đoàn và tôn giáo có xu hướng phát triển mạnh trong các cộng đồng dân di cư và đã thách thức chúng ta, những người thế hệ hậu-di-cư, trở nên “những người di cư trong tâm tưởng.” Điều đó cũng đúng trong trường hợp này. Chúng ta cần tiếp xúc được với “nội tâm xốp mềm” của chúng ta, tức là sự mong manh, sự bất lực, sự nhỏ nhoi và không thể tự xoay xở được từ trong sâu thẳm của mình.

Và mục đích của việc đó không phải là để gieo rắc nỗi sợ hãi, mà là gieo lòng biết ơn. Chỉ khi nào chúng ta nhận ra rằng mình không kiểm soát được và rằng đời mình, sự an nguy của mình nằm trong bàn tay của một quyền năng lớn lao và đầy yêu thương cao hơn chúng ta thì chúng ta sẽ nghiêng mình trong niềm biết ơn, cả khi ta đang vui sướng lẫn khi ta đang sợ hãi.

J.B. Thái Hòa dịch

680    21-12-2017