Gặp gỡ Thiên Chúa trong Thánh Kinh.

Nhiều vị thánh đã viết về Thánh Kinh, nhưng Thánh Augustinô có thể đã tóm tắt Thánh Kinh cách tốt nhất: “Thánh Kinh là những lá thư từ nhà (gia đình) của chúng ta”. Thánh Augustinô có thể nói bằng kinh nghiệm. Sự hoán cải của chính ngài đã xảy ra sau khi ngài nghe thấy một tiếng nói gọi ngài đến “nhận lấy và đọc” lời của Thiên Chúa. Khi Augustinô mở Thánh Kinh, đôi mắt ngài gặp ngay một đoạn nói trực tiếp đến sự phóng đãng của cuộc đời ngài. Ngài đau đớn đến thấu tim và đã ăn năn hối cải. “Bức thư từ gia đình” này đã thay đổi toàn bộ cuộc đời của Augustinô. Cho dẫu kinh nghiệm của chúng ta có thể không phải lúc nào cũng sâu sắc (ấn tượng) như của Thánh Augustinô, nhưng chúng ta cũng có thể trải nghiệm Thiên Chúa đang nói với chúng ta cách cá vị qua Thánh Kinh.

Vì được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần, Thánh Kinh không giống với bất cứ cuốn sách nào khác. Thánh Kinh có thể thấm nhuần vào tâm hồn của chúng ta và tỏ lộ cho chúng ta những suy nghĩ và ý định bên trong của chúng ta (x. Dt 4,12; Rm 11,34). Thánh Kinh có thể xuyên thấu màn sương mù của tâm trí lộn xộn của chúng ta và làm cho chúng ta thấy rõ ràng về bản thân mình, về Thiên Chúa, hoặc về cách Chúa muốn chúng ta sống. Trên tất cả, Thánh Kinh có thể nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa và quê hương (nhà) đích thực của chúng ta thì ở trên thiên đàng.

Nhưng một lá thư từ nhà tốt thế nào nếu chúng ta không bao giờ đọc nó? Trong bài viết này, chúng ta muốn khám phá làm cách nào chúng ta có thể nghe Thiên Chúa nói với chúng ta qua Thánh Kinh và nhận dạng một số phương tiện sẽ giúp chúng ta nắm được những gì Chúa đang nói (với chúng ta) qua lời của Người.

Tạo Không Gian cho Lời Chúa. Bước thứ nhất thực sự khá đơn giản: Hãy đọc Thánh Kinh! Hãy dành thời gian để đọc Lời Chúa mỗi ngày. Nhưng với nhiều lý do, đó có thể là một thách đố. Cuộc sống có thể bôn ba đến nỗi nó khó tìm được thời gian hoạt động cách kiên định. Chúng ta có thể không đủ kỷ luật để tiết chế thời gian. Hoặc chúng ta có thể cần sự trợ giúp để ngăn chặn sự gián đoạn. Đối với một số người, đọc Thánh Kinh vào sáng sớm với một tách cà phê có thể là hoạt động tốt nhất. Những người khác có thể quyết định đọc vào buổi tối, khi mọi thứ tĩnh mịch. Vẫn còn những người khác có thể thích đến một nhà thờ vắng (người) sau khi đưa con đi học hoặc trong thời gian nghỉ trưa. Bất cứ thời gian nào, miễn là chúng ta có đọc (Thánh Kinh).

Nhưng không chỉ là sắp xếp để có thời gian. Để nghe Chúa nói với chúng ta, chúng ta cần ngồi yên lặng và lắng nghe. Nhiều mối lo lắng và bổn phận làm chúng ta phân tâm suốt ngày sống, và những suy nghĩ luẩn quẩn này có thể khiến chúng ta không nhận được sứ điệp của Thiên Chúa, ngay cả khi chúng ta đang cố gắng thinh lặng và cầu nguyện.

Thánh Augustinô cũng phải chiến đấu với điều này. Ngài đã viết,

Chúng ta hãy dành một căn phòng nhỏ để suy gẫm trong cuộc sống của chúng ta, phòng cũng phải thinh lặng. Chúng ta hãy nhìn vào bên trong chính mình và xem liệu có một nơi ẩn giấu thú vị bên trong nơi đó chúng ta có thể tự do khỏi tiếng ồn và tranh luận. Chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa trong sự yên tĩnh và có thể sau đó chúng ta mới thấu hiểu được những lời ấy.

Đôi khi chúng ta cảm thấy bối rối khi cầu nguyện. Có rất nhiều chọn lựa và tất cả chúng đều có giá trị. Chẳng hạn, bạn có thể chọn cầu nguyện với các bài đọc Thánh Lễ của ngày hôm đó hoặc của ngày Chúa Nhật tới. Hoặc bạn có thể lấy một Tin Mừng duy nhất, như Máccô và suy gẫm một số câu mỗi ngày.

Dù bạn chọn bất kỳ đoạn nào, khi bạn đọc bạn hãy mở đầu bằng việc mời Chúa Thánh Thần đến với bạn. Bạn hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn hiểu đoạn văn và ứng dụng nó vào cuộc sống của mình. Thỉnh thoảng, một từ hoặc cụm từ nào đó có thể làm bạn chú ý. Những lần khác, bạn có thể cảm thấy bình an hoặc hy vọng khi bạn đọc. Hoặc bạn có thể sẽ bắt đầu hiểu một điều gì đó về Chúa Giêsu theo một quan điểm mới. Bạn cũng nên nhớ rằng ngay cả nếu bạn không nghe thấy bất kỳ điều gì, Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong tâm hồn bạn khi bạn tiếp nhận lời của Người.

Những Công Cụ Giúp Chúng Ta Hiểu. Các công nhân cơ khí và thợ mộc thường nhắc lại câu nói: “Dùng đúng đồ cho đúng việc (đồ nào việc đó)”. Họ biết rằng họ có thể làm việc nhanh hơn, dễ dàng và hiệu quả hơn nếu họ có đúng cái chìa vặn đai ốc (mỏ nết), cái cưa hoặc cái khoan. Các đầu bếp cũng áp dụng cùng nguyên tắc khi họ chỉ chọn chính xác con dao hoặc cái xoong.

Khi lắng nghe Chúa nói trong Thánh Kinh, chúng ta có một vài công cụ tùy ý của chúng ta và mỗi công cụ đó đều có thể ích lợi cho chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhìn vào hai loại trong số các công cụ đó. Bạn có thể nhận thấy một cách tiếp cận dễ dàng hơn hoặc ích lợi hơn so với phương pháp khác. Tuy nhiên dù bạn quyết định bất kỳ điều gì, hãy nhớ rằng Thiên Chúa muốn bạn thành công! Thiên Chúa khát khao bạn. Người ao ước mạc khải chính mình qua lời của Người và dạy bạn đáp trả lại Người thế nào.

Suy Gẫm theo (Phương Pháp) Inhaxiô. Ở thế kỷ XVI, vị linh mục người Tây Ban Nha Inhaxiô Loyola khởi sự dạy người ta một cách đọc Thánh Kinh cách cá vị hơn. Trong cách cầu nguyện này, Inhaxiô – người sáng lập dòng Tên – đã dạy cho mọi người một số bước giúp họ dùng trí tưởng tượng của mình để “hoàn thành” những cảnh trong Thánh Kinh.

Bước thứ nhất là tập trung chính mình và mời Chúa Thánh Thần đến ở cùng bạn. Hãy cầu xin Người giúp bạn nhận biết Chúa Giêsu khi bạn đọc. Cách cầu nguyện này có thể giúp bạn ổn định tâm hồn và để qua một bên mọi xao lãng có thể gây cản trở cho bạn.

Bước kế tiếp là đọc qua đoạn văn bạn đã chọn. Bạn hãy đọc nó cách chậm rãi và cẩn thận. Bạn hãy cố gắng khám phá bối cảnh của đoạn văn bản, chẳng hạn điều gì đã dẫn đến sự kiện được diễn tả và sau đó điều gì xảy ra.

Tiếp đó, bạn hãy tưởng tượng nơi chốn đã xảy ra cảnh đó. Nó như thế nào? Có những âm thanh và mùi gì? Mọi người có tâm trạng (tính khí) thế nào và họ có những biểu lộ cảm xúc gì trên khuôn mặt? Thí dụ, nếu bạn đang đọc câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt nước (x. Mt 14,22-33), thì hãy tưởng tượng bạn đang ở trên thuyền. Những cơn gió mạnh và cơn mưa như trút như thế nào trên khuôn mặt của bạn? Các tông đồ khác đang làm gì? Ngay cả bạn có thể đặt mình vào vị trí của một ai đó trong cảnh – có thể là Phêrô, hoặc một trong những tông đồ khác.

Sau khi tưởng tượng ra cảnh tượng của đoạn Thánh Kinh, bạn hãy bắt đầu một cuộc trò chuyện với Chúa. Nếu bạn được đánh động bởi điều gì đó, hãy nói với Chúa về điều đó, hoặc hỏi Chúa tại sao bạn xúc động bởi điều đó. Điều này có thể giúp bạn hiểu hơn về cuộc sống của bạn. Có thể Chúa Giêsu đang kêu gọi bạn “ra khỏi thuyền”, nhưng bạn sợ Chúa sẽ không cứu bạn nếu bạn bắt đầu chìm. Có lẽ bạn đang hoài nghi sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho bạn. Hãy chân thành nói với Chúa bạn cảm thấy thế nào.

Sau cùng, bạn hãy ngồi thinh lặng và lắng nghe lời Chúa nói với bạn. Bạn có thể muốn viết về trải nghiệm của bạn hoặc chia sẻ kinh nghiệm của bạn với ai đó.

Gẫm Đọc Lời Chúa. Chúng ta có những người cha, người mẹ và các vị tu sĩ ẩn tu thời kỳ đầu nhờ gẫm đọc Lời Chúa, hoặc “đọc Thánh Kinh cách thiêng liêng”. Thực hành cổ xưa này có năm bước đơn giản. Và dĩ nhiên, chúng ta luôn mở đầu việc suy gẫm bằng cách cầu xin Chúa Thánh Thần đến ở cùng chúng ta.

Trước tiên, bạn hãy đọc một đoạn Thánh Kinh từ từ và cẩn thận (đọc – lectio). Bạn hãy dùng những chú thích Thánh Kinh hoặc các bình luận Công Giáo nếu bạn cần sự trợ giúp. Tiếp đó, bạn hãy dừng lại ở một câu hoặc nhóm từ làm bạn chú ý và thinh lặng suy gẫm về ý nghĩa của đoạn văn đó (gẫm – meditatio). Hãy để những lời ấy thấm sâu vào tâm trí bạn. Tiếp theo, trong cầu nguyện, bạn hãy thưa chuyện với Chúa về đoạn văn (cầu nguyện – oratio). “Lạy Chúa, câu này áp dụng như thế nào vào cuộc sống của con?”

Mục đích của lectio divina  (gẫm đọc Lời Chúa) vượt xa việc đọc và hiểu Lời Chúa; Nó có thể giúp bạn liên lạc với chính Thiên Chúa. Vì thế, hai bước cuối cùng thì rất quan trọng. Trước tiên, trong sự thinh lặng của tâm hồn bạn, hãy nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Thiên Chúa, hãy suy gẫm về sự tốt lành mà Chúa đã cho bạn thấy trong lời của Người (chiêm ngắm – contemplatio). Sau đó, hãy quyết định cách thức bạn sẽ đáp lại những gì Chúa đã chỉ cho bạn (hành động – operatio). Bạn sẽ sống (thực hành) lời đã trở nên sống động như thế nào?

Cầu Nguyện Bằng Các Thánh Vịnh. Cầu nguyện bằng các thánh vịnh là một trong những thực hành cầu nguyện sớm nhất với Thánh Kinh. Trong số 150 thánh vịnh trong Thánh Kinh gồm  những lời cầu nguyện than thở, tạ ơn, ca ngợi, ăn năn sám hối và cầu xin. Những lời cầu nguyện cổ xưa này là một phần quý báu của phụng vụ của Hội Thánh, tuy nhiên bạn cũng có thể cầu nguyện với các thánh vịnh như một cách trò chuyện cá vị với Chúa, giống như bạn nói chuyện với một người bạn.

Tình bạn đích thực có nghĩa là bạn có thể là chính mình với người nào đó. Bạn không lo ngại thể hiện chính mình. Thật tốt để biết điều đó, bởi vì Chúa Giêsu gọi chúng ta là bạn của Người (x. Ga 15,15). Do vậy, hãy để các thánh vịnh hướng dẫn bạn khi bạn dâng những khó khăn, những lời than phiền và sự thất vọng của bạn, cũng như lòng biết ơn và niềm vui của bạn lên với Chúa.

Cầu nguyện với các thánh vịnh vận hành theo hai cách: Thánh vịnh không chỉ giúp bạn thưa chuyện với Chúa, mà còn giúp bạn nghe được tiếng của Chúa. Có thể bạn cảm thấy rằng Chúa đang dùng một câu đặc biệt để an ủi hoặc khích lệ bạn. Hoặc có thể Chúa sẽ ban cho bạn sự hiểu biết sâu sắc về một tình huống rối rắm hoặc giúp bạn nhìn nhận một tội lỗi mà bạn cần phải cầu xin Chúa tha thứ. Thậm chí, Chúa có thể cho bạn niềm hy vọng lớn hơn rằng Chúa đang ban cho bạn điều tốt đẹp từ một tình huống gay go hoặc bi thảm!

Một Mối Ràng Buộc Chặt Chẽ. Như mọi lá thư bạn nhận được từ một người bạn sẽ làm đậm đà thêm mối tương quan của bạn với họ, cũng thế mỗi khi bạn cầu nguyện với Thánh Kinh sẽ kéo bạn đến gần với Chúa hơn. Mỗi câu lời Chúa sẽ làm dịu cơn khát của bạn hơn một chút. Bởi lẽ bạn không chỉ đọc một cuốn sách; (đúng hơn) bạn đang đọc một lá thư từ gia đình. Và không chỉ thế, những lời bạn đọc đang mang lại cho bạn sự sống. Vì thế, khi bạn dành thời gian để “nhận lấy và đọc”, bạn hãy tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ giúp bạn nhận biết Đấng không bao giờ ngừng khát khao bạn, cách sâu xa hơn (mà bạn chưa từng biết).


Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương