Sidebar

Thứ Năm
16.05.2024

Sức mạnh của sự yếu ớt

 

 

Có nhiều loại sức mạnh và nhiều loại thẩm quyền. Có sức mạnh quân sự, sức mạnh cơ bắp, sức mạnh chính trị, sức mạnh kinh tế, sức mạnh đạo đức, sức mạnh mê hoặc, và sức mạnh tâm lý, bên cạnh nhiều thứ khác. Sức mạnh thẩm quyền cũng có nhiều loại: chúng ta có thể bị ép buộc một cách chua chát phải phục tùng những yêu cầu nhất định, hoặc chúng ta có thể được thuyết phục một cách nhẹ nhàng để chấp nhận chúng. Sức mạnh và thẩm quyền hoàn toàn không cùng một loại.

Tưởng tượng có bốn người trong một căn phòng: người thứ nhất là nhà độc tài đầy quyền lực cai trị một đất nước. Lời nói của ông sai khiến được những đạo quân và tính khí thất thường của ông khiến thuộc hạ khiếp sợ. Ông thi triển một thứ quyền lực dã man. Ngồi cạnh ông là một vận động viên tài năng với sức vóc đang ở đỉnh cao, có độ nhanh nhẹn và sức mạnh ít ai bì kịp. Kỹ năng của anh là một thứ sức mạnh thanh nhã mà vì thế anh được nhiều người ngưỡng mộ và ghen tỵ. Người thứ ba là một ngôi sao nhạc rock, âm nhạc và sức mê hoặc của cô có thể làm khán giả nhiễm điện và khi cô ở trong phòng nào thì căn phòng đó đầy năng lượng xúc động. Tên cô xuất hiện đầy trên các bảng quảng cáo điện tử và tên tuổi cô thân thuộc với mỗi một gia đình. Đó lại là một kiểu sức mạnh khác nữa. Cuối cùng, trong căn phòng đó có một em bé mới sinh, nằm trong nôi, gần như em không có chút quyền năng hay sức mạnh gì, thậm chí còn không có khả năng yêu cầu cái gì mình cần. Trong số đó, rốt cuộc ai là người có quyền lực mạnh nhất?

Trớ trêu thay, đứa bé rốt cuộc lại có sức mạnh lớn lao nhất. Người vận động viên có thể nghiền nát nó, nhà độc tài có thể giết nó, và ngôi sao nhạc rock có thể lấn át nó với hào quang chói lọi của mình, nhưng đứa bé lại có một kiểu sức mạnh khác. Bé có thể chạm tới những quả tim theo một cách mà nhà độc tài, người vận động viên hay ngôi sao nhạc rock không thể làm được. Sự hiện diện ngây thơ, không lời nói, không cần tới sức mạnh thực thể, có thể chuyển hóa cả căn phòng và chuyển hóa con tim theo cái cách mà mọi súng ống, cơ bắp và sức mê hoặc đều không thể. Chúng ta cẩn trọng với ngôn ngữ và hành động của mình khi ở cạnh một đứa bé, trong khi ở cạnh các vận động viên và các ngôi sao nhạc rock thì chúng ta ít cẩn trọng hơn nhiều. Tình trạng yếu ớt của một đứa bé chạm ở một nơi sâu thẳm hơn thuộc về đạo đức.

Và đó là cái cách mà chúng ta tìm thấy và trải nghiệm sức mạnh của Chúa trên thế gian này khi thỉnh thoảng chúng ta đứng trước nỗi thất vọng chán chường của mình, đó cũng là cách mà Chúa Giêsu được coi là có sức mạnh khi còn tại thế. Tất cả Phúc âm đều nói rõ điều đó, từ đầu đến cuối. Giêsu sinh ra là một em bé yếu ớt, và khi chết thì bị đóng đinh treo lơ lửng bất lực trên thánh giá trong khi những người xung quanh chế nhạo tình trạng bất lực của Người. Ấy vậy mà cả sự ra đời lẫn cái chết của người đã biểu hiện một kiểu sức mạnh mà dựa trên đó chúng ta rốt cuộc có thể xây đắp cuộc đời mình.

Phúc âm mô tả sức mạnh và thẩm quyền của Chúa Giêsu chính xác là theo cách đó. Trong tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ sơ khai của Phúc âm, chúng ta thấy ba từ chỉ sức mạnh hay thẩm quyền. Chúng ta dễ dàng nhận ra hai từ đầu tiên: năng lượng và xung động. Có sức mạnh trong năng lượng, sức mạnh thể chất và cơ bắp, cũng như có sức mạnh trong xung động, trong thuốc nổ, và trong việc có sức mạnh để tạo ra năng lượng. Nhưng khi Phúc âm nói Chúa Giêsu “có sức mạnh lớn lao” và có sức mạnh vượt lên trên sức mạnh của các nhân vật tôn giáo khác, thì Phúc âm không dùng những từ nghị lực/năng lượng hay xung động. Lúc đó Phúc âm dùng một từ thứ ba, EXOUSIA, mà có thể được hiểu đúng nhất là theo nghĩa DỄ BỊ TỔN THƯƠNG (vulnerability). Sức mạnh thực sự của Chúa Giêsu bắt rễ từ sự dễ bị tổn thương nhất định, giống như tình trạng yếu ớt của một đứa bé.

Khái niệm này không dễ gì nắm bắt bởi vì suy nghĩ của chúng ta về quyền năng/sức mạnh thường gắn với cái ngược lại, nghĩa là, gắn với cái khái niệm rằng sức mạnh nằm ở khả năng áp đảo người khác, chứ không để người khác áp đảo. Ấy vậy mà chúng ta hiểu được điều này, ít nhất cũng hiểu hơi hơi, trong trải nghiệm của mình với những em bé, chúng có thể áp đảo chúng ta chính do tình trạng yếu ớt của nó. Cạnh một đứa bé, như hầu hết mọi cha mẹ đều biết, chúng ta không chỉ dè chừng ngôn ngữ của mình và cố gắng không cãi cọ chua cay; mà chúng ta còn cố gắng làm sao trở thành người tốt hơn, nhiều thương yêu hơn. Nói một cách ẩn dụ, một đứa bé có quyền năng của một câu thần chú. Nó có thể bắt giữ những con quỷ tự tôn và ích kỷ trong chúng ta. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu có thể bắt giữ những con quỷ nhất định nào đó mà những người khác không bắt được.

Và đó là lý do tại sao sức mạnh của Chúa vĩnh viễn ở trong thế giới chúng ta và trong đời sống của chúng ta, đang yêu cầu chúng ta kiên nhẫn. Đức Giêsu Kitô, như Annie Dillard nói, luôn luôn được tìm thấy trong đời sống chúng ta như khi Người được tìm thấy lúc ban đầu – một đứa trẻ yếu ớt bất lực trong máng cỏ – phải được chăm bẵm mới lớn lên. Nhưng vĩnh viễn chúng ta vẫn muốn một điều gì đó khác, nghĩa là một vị Chúa sẽ tới dọn dẹp thế giới này và thỏa mãn cơn khát công lý của chúng ta bằng cách thể hiện ra một kiểu sức mạnh cơ bắp thô thiển nào đó và nện vào đầu người này người kia. Chúng ta mất kiên nhẫn với sức mạnh đạo đức thầm lặng vốn đòi hỏi lòng kiên nhẫn vô hạn và một tầm nhìn lâu dài. Chúng ta muốn có người hùng, một người với những khẩu súng tóe lửa như kiểu vị siêu anh hùng Hollywood nhưng có trái tim của Mẹ Têrêxa. Súng ống của thế giới bắn tan ác quỷ đi, đó là cái mà chúng ta muốn từ vị Chúa của mình, chứ không phải sức mạnh của một đứa bé nằm im bặt và yếu ớt trước những thế lực tàn bạo của thời đại chúng ta. Giống như người Israel đối diện với người Philistine, chúng ta ngần ngại không chịu phái một đứa bé chăn cừu đi chống lại một tên khổng lồ được bọc trong giáp sắt từ đầu đến chân. Chúng ta muốn quyền năng thần thánh thể hiện trong sắt thép, cơ bắp, súng ống và sức mê hoặc.

Thiên Chúa, lòng thân tình và bình an sẽ không được tìm thấy theo cách đó.

J.B. Thái Hòa dịch

803    23-12-2017