Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Chúa Nhật XV TN A_3

HÃY TÌM CHÂN LÝ NƠI THIÊN CHÚA
Mt 13,1-23

Có một mãnh đất hoang cỏ mọc um tùm. Ông Tư mua lại thửa đất ấy rồi xới lên, làm sạch cỏ, và cấy rau, trồng cây, trồng hoa. Mảnh đất đó trở nên một khu vườn thật đẹp. Một hôm ông Tư đang làm việc trong vườn, cha xứ đi qua nói: "Khu vườn thật là đẹp! Ông Tư thấy không, khi ông biết cộng tác với Thiên Chúa thì kết quả như thế đó". Ông Tư trả lời: "Vâng, cha cứ thử nghĩ lại xem, miếng đất này như thế nào khi chỉ có một mình Chúa làm việc ở đây".

Trong bài Phúc âm, Chúa Kitô chỉ cho chúng ta thấy Lời Chúa là ơn huệ Chúa ban, là mạc khải cho ai tùy ý Chúa. Mặt khác, về phía con người cũng cần có sự chuẩn bị trong tâm hồn, cho trái tim. Lời Chúa, như một hạt giống, là tiềm năng chứa đựng sự sống. Sự sống đó cần có những điều kiện thích hợp để nảy nở phát triển. Nếu thiếu những điều kiện đó sự sống chấm dứt, Lời Chúa bị bóp nghẹt. Tâm hồn mỗi người có thể là một môi trường thích hợp cho Lời Chúa tăng triển và sinh hoa kết quả, và cũng có thể là môi trường bóp chết Lời Chúa. 

Chúa đưa ra những trường hợp tiêu cực, tức là tâm hồn không có hoàn cảnh thích hợp cho Lời Chúa phát triển. Hoàn cảnh thích hợp cho Lời Chúa là tâm hồn thành thật muốn tìm chân lý, và sẵn sàng hy sinh, trả giá để sống theo chân lý. Chân lý về Thiên Chúa có giá trị tuyệt đối trong tâm hồn này. Vì thế người ta khao khát lời của Chúa và đón nhận nó với tất cả sự hăm hở cởi mở và sống theo lời đó với bất cứ giá nào.

Trong xã hội ngày nay, người ta không còn tin vào giá trị tuyệt đối của Thiên Chúa, của sự thật. Người ta sẵn sàng lừa đảo, gian dối để trục lợi. Thần tiền đang chiếm giữ địa vị tối cao trong xã hội. Người ta dễ dàng gian dối để kiếm thêm tiền. Những tâm hồn chỉ biết suy tôn tiền, tình, tài, rất dễ dàng bị lôi cuốn hay bị uy hiếp để chà đạp lương tâm, chối bỏ sự thật. Có người bình thản đi nhà thờ, rước lễ trong khi ăn gian nói dối để được tiền trợ cấp, hay để được thành công trong việc làm ăn.

Lời của Thiên Chúa không thể sống được trong tâm hồn như thế, nhưng trái lại bị bóp nghẹt, vì thế đời sống đạo của họ chỉ là một hình thức trống rỗng, một xác chết không hồn. Những thành công về tiền tài, danh vọng chỉ là những niềm hạnh phúc giả tạo. Khi phải trở về với lòng mình trong thinh lặng, người ta chợt thấy cuộc đời thật đáng ngao ngán vô ý nghĩa.

Chúng ta hãy tạo cho tâm hồn mình thành một môi trường thích hợp cho Lời Chúa sinh sôi, phát triển, làm phong phú cho cuộc đời. Chúng ta hãy thật lòng tìm kiếm chân lý nơi Thiên Chúa và cương quyết sống theo chân lý đó, dù phải hy sinh đến thế nào đi nữa, để chúng ta đổi lấy một mùa gặt ơn thánh dồi dào do Lời Chúa mang lại, nhờ đó chúng ta có một cuộc sống đầy tràn hạnh phúc.

Lm Nguyễn Hùng

MỘT NÔNG DÂN ĐI GIEO GIỐNG
Mt 13,1-23

Có người gieo giống ra đi gieo hạt. Trong khi gieo, có hạt rơi bên vệ đường, hạt rơi trên đá, hạt rơi vào bụi gai, hạt rơi trên đất tốt... Mỗi lần nghe bài Phúc Âm này, tôi vẫn được giảng giải và đặt mình vào số các hạt giống được tung gieo, nhưng lần này, tôi bỗng thấy trong tôi một chúg khắc khoải và tâm tình của người nông dân đi gieo hạt.

Đầu mùa Xuân, khi nắmg ấm trải chan hòa trên khu vườn của tu viện, đó là lúc tôi đào xới một mảnh đất nhỏ để gieo hạt hoa Cúc và Vạn Thọ. Từ ngày gieo hạt, tôi thường xuyên tưới nước và ghé thăm mảnh đất nhỏ, mong đợi những cánh lá và thân cây bé bỏng của hạt giống được nẩy mầm, vươn mình trên mặt đất. Ai trong chúng ta cũng đều mong ước cho hạt giống mình đã gieo được nẩy mầm, trở thành cây và sinh hoa kết trái. Người nông dân khi bắt đầu gieo hạt trên cánh đồng cũng là lúc anh gieo ước mơ một mùa gặt sung túc, mỹ mãn. Có lẽ chúng ta đều mong ước cho mọi hạt giống mình đã gieo sẽ đâm bông trổ hoa, không một hạt nào phải hư đi. Thế nhưng thực tế nhiều khi không như ta mơ ước, vì cuộc đời không chỉ là đất tốt mà còn là đá sỏi nằm chờ, có gai chông giăng lối...

Người nông dân trong bài Phúc Âm hôm nay đã quá quen với công việc đồng ánh. Anh ta đã qua bao mùa gieo gặt. Anh biết rằng sẽ có hạt rơi bên đường, hạt rơi trên đá sỏi, và gai góc sẵn sàng vây bủa, đón chờ những mầm đã được may mắn mọc lên... Thế nhưng điều đó không ngăn cản anh ngừng tay gieo hạt, bởi vì anh vẫn còn mùa gặt. Và anh đặt niềm tin, hy vọng mùa gặt chắc chắn sẽ tới.

Trong ta, ai cũng có hình ảnh của người gieo giống. Chúng ta là những người cha, người mẹ, là thầy, cô, giảng viên Giáo lý, những nhà giáo dục hoặc người hướng dẫn trên các bình diện văn hóa, xã hội, nhân bản, thiêng liêng, tu đức... và trong vai trò của một người tông đồ giáo dân. Chúng ta có bổn phận gieo vãi hạt giống của Tin Mừng, của Tình Thương. Thế nhưng, lắm lúc con cái, học trò, bạn hữu của chúng ta từ chối không đáp trả, không nhận ra cũng không hiểu được tình thương và chân lý. Thực sự đôi lúc tiềm ẩn bên trong cái vỏ cương quyết, thẳng thắn và rất trung thực, ít nhiều đã có đôi lần chúng ta cảm thấy thất vọng và mệt mỏi trong sứ mạng truyền đạt Tin Mừng... 

Phúc âm nói rõ Chúa Giêsu trong khi rao giảng Tin Mừng đã gặp biết bao sự chống đối, cứng lòng của những người nghe. Có bao nhiêu người chân thành tìm kiếm chân lý và thực sự thay đổi đời sống khi nghe Lời Chúa? Hay họ chỉ lũ lượt đến với Ngài để được ăn no và chứng kiến phép lạ? 

Chúa Giêsu là hình ảnh trung thực của người gieo giống Tin Mừng mơ về mùa gặt Nước Trời. Hình ảnh đó giúp chúng ta học biết dấn thân một cách quảng đại mà không tính toán, biết khiêm nhường chấp nhận những giới hạn, trái ý mà vẫn luôn kiên tâm hành động, nhất là học biết cậy trông và phó thác vào quyền năng của Chúa. Con người làm, còn Thiên Chúa cho kết quả. Lắm lúc những kết quả đo, chúng ta không thấy ngay trước mắt, nhưng có khi đòi hỏi một thời gian lâu dài. 

Có một ông già kia sống cô độc âm thầm không ai biết đến, ngoại trừ một người bạn sống cùng nhà. Khi ông chết đi, tang lễ được cử hành torng hiu quạnh, chỉ có người bạn duy nhất đưa tiễn ông lần cuối ra nghĩa trang vắng. Nhưng khi đến nghĩa trang, có một viên sĩ quan cao cấp đứng bên cạnh bên bờ huyệt chờ đợi. Ông nghiêm trang đưa tay chào và kính cẩn cúi xuống hôn lên chiếc quan tài lạnh thô sơ. Trên đường ra khỏi nghĩa trang, viên sĩ quan giải thích cho người bạn của ông già biết rằng thuở xưa khi còn bé, ông đã được ông già dạy giáo lý mỗi cuối tuần. Những lời dạy đó đã ảnh hưởng và thay đổi cuộc đời của người sĩ quan trong những tháng ngày ông khôn lớn, bước chân vào đời, nhờ đó ông có được ngày hôm nay. Vì thế, lòng ông vẫn luôn chất chứa niềm biết ơn người thầy cũ. Hạt giống mà ông già đã gieo bao nhiêu năm trước, giờ đây đã sinh hoa kết trái! Dù chết đi, nhưng mùa gặt của ông vẫn có đó. Phần thưởng của ông vẫn tồn tại!

Tôi chợt nhớ đến một lời nguyện về người gieo giống mà tôi đã được đọc cách đây rất lâu, không rõ ở đâu, đại ý như sau: "Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ nản lòng gieo rắc những hạt giống tình thương của Chúa, cho dù chín mươi chín phần trăm hạt giống có hư thối đi, chỉ còn lại một hạt thôi, thì con cũng tin và hy vọng rằng hạt đó sẽ trở thành cây, cây đó sẽ đâm bông, và bông của nó đủ ướp thơm cuộc đời chứng nhân của con!.."

Đẹp làm sao hình ảnh của một người gieo giống! Cao thượng làm sao cuộc đời của những người miệt mài làm chứng nhân cho Thiên Chúa, gieo rắc Tin Mừng đến muôn nơi! Hy vọng rằng đó cũng chính là lời nguyện và tâm tình của mỗi người chúng ta hôm nay.

Sr Angeline Thanh Nga, LHC

GIEO GIỐNG, DỤ NGÔN CỦA LÒNG TIN
Mt 13, 1-23 

Có lẽ từng người chúng ta khi nghe qua dụ ngôn về người gieo giống trong bài Tin mừng hôm nay đều có một suy nghĩ: Anh nông dân này "khờ" quá. Gieo bốn hạt, mà chỉ có một hạt rơi vào đất tốt, nghĩa là chỉ có 25% sinh lợi mà cũng làm. Một cách làm ăn không hiệu quả, cũng chẳng có kinh tế gì! Phải chi anh ta cẩn thận hơn, chỉ gieo hạt trên mảnh đất màu mỡ, đã được chuẩn bị hẳn hoi, cất đi 3 hạt còn lại, thì chắc sẽ thu hoạch được nhiều hơn biết mấy. Nhưng không, theo bài dụ ngôn, anh ta cứ vung hạt giống khắp nơi: từ lề đường, đến đất sỏi đá và cả bụi gai. Anh gieo như không tiếc hạt giống. Nói theo cách nói của chúng ta hôm nay, thì người nông gia này hơi "bị sang". Tôi thiết nghĩ, việc người nông dân này gieo giống cũng tương tự cách thức mà chúng ta thả lưới trên biển. Không phải mỗi một vát là chúng ta kéo được một số cá như lòng mong ước. Có những vát thật trúng, nhưng cũng có những vát chẳng có gì. Tuy vậy, chúng ta vẫn liên tục thả lưới. Chúng ta thả lưới vì hy vọng. Như thế, dụ ngôn "người gieo giống hôm nay" cũng có thể gọi là "dụ ngôn của lòng hy vọng".

1. Lòng quảng đại của Thiên Chúa:

Thật vậy, với dụ ngôn: "Người gieo giống" này, Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Thiên Chúa đối với con người chúng ta. Người không ngại khi gieo hạt giống Lời và ân sủng của Người vào lòng mỗi người chúng ta. Hạt giống ấy là Đức Giêsu Kitô, là Ngôi Lời, Con yêu dấu của Chúa Cha vào lòng thế giới, cho dù lúc Ngài đến, nhiều người vẫn không thèm đón tiếp Ngài (x. Ga 1, 11). Chắc chúng ta vẫn còn nhớ trình thuật Giáng Sinh. Trong đêm hôm đó, không một quán trọ nào, một cửa nhà nào đã mở ra để đón Con Thiên Chúa sinh ra. Nhưng vẫn còn đó"một mảnh đất tốt", để đón hạt giống Ngôi Lời, đó là các trẻ mục đồng. Và chính từ những trẻ này mà tin vui đã được loan báo cho nhiều người.

Cho dù chúng ta chưa chuẩn bị, tâm hồn chúng ta còn chai cứng như lề đường, đầy sỏi đá và còn bị nhiều bụi gai dục vọng, đam mê phủ lấp, nhưng Thiên Chúa vẫn gieo vì tin tưởng trong lòng mỗi người chúng ta đây, không ai hoàn toàn là "lề đường", "sỏi đá" hay "bụi gai", nhưng trong mỗi chúng ta đang có một mảnh đất tốt cho dù nó có nhỏ bé, chỉ là 1/4 thôi, nhưng cũng sẽ đem lại một mùa gặt bội thu, "đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi" (Mt 13, 23). Thiên Chúa vẫn gieo lời Người vào lòng chúng ta, vì Ngài chắc chắn rằng: "Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác" (Is 55, 11). 

Và quả thực Thiên Chúa đã không lầm, nhìn lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy cho dù thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa, thì trong ông vẫn còn một mảnh đất tốt của lòng sám hối; hay như một thánh Phaolô hăng say bách hại các kitô hữu, nhưng trong lòng của ngài vẫn còn đó một mảnh đất tốt của lòng nhiệt thành và khiêm tốn tìm theo chân lý; hoặc một thánh Augustin dù đang bị những bụi gai của tri thức, kiêu căng và dục vọng vây bủa, cũng vẫn còn một mảnh đất tốt hướng tìm chân lý... còn nhiều rất nhiều mảnh đất tốt như thế trong Giáo Hội và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tất cả những mảnh đất tốt đó, cho dù có nhỏ nhoi đi chăng nữa, nhưng một khi đã được đón nhận lời Chân lý thì đúng như lời Chúa nói, đã sinh lợi "hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi".

2. Một cái nhìn lạc quan về con người:

Thiên Chúa vẫn luôn tin tưởng và hy vọng nơi từng người chúng ta. Đối với Ngài, không ai là người bỏ đi kể cả tên trộm trên thập giá. Đó là cái nhìn của Thiên Chúa đối với chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta có cái nhìn nào đối với bản thân và tha nhân?

Tôi thiết nghĩ, nếu Thiên Chúa đã luôn tin tưởng và hy vọng vào chúng ta, thì chúng ta cũng cần có cái nhìn lạc quan về chúng ta và tha nhân như thế. 

Trước hết, với bản thân, chúng ta không có lý do gì để mà tự ti, mặc cảm thất vọng về bản thân mình. Chúng ta cần vượt qua những mặc cảm tội lỗi, những yếu đuối để đứng dậy làm lại cuộc đời. Thiên Chúa luôn đang luôn gieo ân sủng của Ngài cho chúng ta qua các bí tích và Lời của Ngài. Mỗi người chúng ta đều có một giá trị đặc biệt trước mắt Thiên Chúa. Chúng ta đừng phụ lòng tin của Thiên Chúa. Hãy mở lòng đón nhận ân sủng của Ngài và làm cho ân sủng đó ngày càng phát triển trong đời sống chúng ta. 

Kế đến, chúng ta cũng phải luôn có cái nhìn tích cực đối với tha nhân. Chúng ta hãy tìm ra những điều tốt nơi những người đang sống chung quanh chúng ta. Cha ông chúng ta vẫn thường nói: "Trong hai người cùng đi đường với ta, thế nào cũng có một người là thầy ta." và "Không ai xấu đến nỗi không có gì cho chúng ta học hỏi.". Trong các hoạt động tông đồ, chúng ta không cần phải phân tích người nào là lề đường, là sỏi đá hay bụi gai. Chúng ta cứ gieo vãi, nghĩa là cứ khuyến khích, cứ làm việc tốt cho những người chúng ta gặp gỡ, vì chính Thiên Chúa mới là Đấng làm cho hạt giống mọc lên và sinh hoa kết quả, chứ không phải chúng ta (x. 1 Cr 3, 5-9). 

Niềm hy vọng phải là một đặc trưng của đời sống người kitô hữu. Chính niềm hy vọng đó sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hiện tại, để hướng tới một tương lai tươi sáng và một cuộc sống vĩnh cửu của người được làm con Chúa.

Trong gia đình, vợ chồng cũng hãy cố gắng tìm ra những "mảnh đất tốt" của nhau, nghĩa là tìm ra những ưu điểm của nhau. Những khi có bất đồng, trước khi to tiếng với nhau, cả hai vợ chồng hãy cùng ngồi lại và ghi ra giấy tất cả những ưu và khuyết điểm của nhau, hay ít ra là kiểm điểm lại trong trí. Chắc chắn, chúng ta sẽ tìm ra không chỉ một, mà rất nhiều mảnh đất tốt nơi người bạn của mình. Cứ như thế, gia đình chúng ta sẽ ngày càng sinh nhiều bông hoa tươi tốt, với một mùa gặt bội thu với những con người luôn sống theo ý Chúa.

Giờ đây, chúng ta cùng hiệp ý dọn mảnh đất tâm hồn chúng ta cho thật xứng đáng để đón nhận chính Con Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể vào lòng ta. Và nhờ ân sủng của Ngài, mảnh đất tâm hồn chúng ta ngày càng mầu mỡ và sinh nhiều hoa trái hơn. Amen

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

HẠT GIỐNG TỐT
Mt 13,1-9

Lớn lên ở thôn quê, đi rao giảng phần lớn thời gian ở thôn quê, Chúa Giêsu đã thường xuyên được chứng kiến cảnh gieo trồng của người nông dân, nên Ngài đã mượn những hình ảnh của những sinh hoạt thôn dã ấy để nói về nước trời, một trong những dụ ngôn đầu tiên của Chúa là dụ ngôn người gieo giống. 

Người gieo trồng nào cũng có niềm tin và sự lạc quan. Gieo hạt giống vào lòng đất là đặt tất cả tin tưởng phó thác của mình vào thiên nhiên. Có hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trong bụi gai, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là vụ mùa tươi tốt. Nước trời cũng giống như người ra đi gieo giống vậy. 

Thái độ lạ đời của người gieo giống khiến chúng ta hiểu được phần nào tình yêu thương phổ quát của Thiên Chúa. Không có người nông dân nào có đầu óc bình thường hiểu biết, lại đi phung phí hạt giống trên mọi mảnh đất, ngay cả những chỗ gai góc hay những mảnh đất sỏi đá, nhưng họ gieo vãi hạt giống của mình trên thửa đất đã được cày bừa cẩn thận để hạt giống có thể mọc lên thật dễ dàng. Ở đây Chúa Giêsu cho chúng ta biết : Ngài muốn cứu rỗi tất cả mọi người, không phân biệt ai, Ngài muốn thông truyền chân lý cho mọi hạng người. Nhưng cũng như các mảnh đất được kể trong Tin Mừng, tiếp nhận hạt giống và sinh hoa kết trái khác nhau, mỗi người cũng có thái độ khác nhau khi đón nhận lời Chúa, tiếp nhận ân sủng của Ngài, họ có quyền tự do chấp nhận hay từ chối. Nếu chấp nhận thì lời Chúa sẽ đem lại cho họ nhiều lợi ích, nếu chối từ thì họ sẽ chẳng được gì. Như vậy, hoa trái tốt lành là tùy ở sự chấp nhận của con người.

Chính mỗi người phải cố gắng làm cho tâm hồn mình thành mảnh đất tốt, phì nhiêu tiếp nhận lời Chúa một cách thành khẩn, để hạt giống có thể phát triển và đơm bông kết trái. Trong các hoạt động hay sinh hoạt hằng ngày, dù công khai hay âm thầm, dù to lớn hay nhỏ bé, kể cả những khó khăn và đau khổ của cuộc sống, tất cả mọi người đều được mời gọi để gieo rắc niềm hy vọng. Trên những mảnh đất khô cằn tình người, chúng ta được Đức Kitô kêu mời trồng tỉa từng hạt giống của yêu thương. Trên những vùng đất khô sạn tin yêu, chúng ta được Đức Kitô kêu mời gieo rắc niềm hy vọng. Từng giây, từng phút, từng ngày, từng năm, chúng ta tin tưởng rằng sức sống sẽ bừng dậy yêu thương sẽ trổ bông. 

Người ta kể rằng : Một người cha kia có ba đứa con trai, tuy sinh ra trong nghèo khổ, nhưng nhờ chuyên cần làm việc và tiết kiệm, ông đã trở nên một điền chủ giàu có. Lúc cuối đời, tuổi già sức yếu, ông tính việc chia gia tài cho các con, ông muốn biết đứa con nào thông minh nhất để giao phó phần lớn gia tài của ông cho nó. Ong gọi cả ba người con tới bên giường bệnh, trao cho mỗi đứa năm đồng và bảo hãy đi mua cái gì có thể lấp đầy căn phòng trống trải và u tối của ông.

Ba người con vâng lời cha cầm tiền ra chợ. Người anh cả nghĩ rằng việc này quá dễ dàng, anh mua một bó rơm lớn đem về, người con thứ hai nghĩ kỹ hơn, anh mua những bao lông vịt rất đẹp mắt, người con út lo nghĩ : biết mua gì với năm đồng này để có thể lấp đầy căn phòng lớn của cha ? Cuối cùng anh nghĩ ra, anh mua một cây nến và một bao diêm.

Ngày hôm sau, cả ba người con đều tụ họp trong phòng cha già. Người con cả mang rơm ra trải, nhưng phòng quá rộng, chỉ phủ được một góc, người con thứ đổ lông vịt ra, nhưng cũng chỉ phủ được một góc của căn phòng. Người cha tỏ vẻ thất vọng. Người con út từ từ rút trong túi ra một cây nến và một hộp diêm, thoáng một cái căn phòng đầy ánh sáng. Mọi người ngạc nhiên, người cha già rất sung sướng vì quà tặng của người con út, ông quyết định trao phần lớn ruộng đất và gia sản cho anh ta, vì ông thấy anh ta đủ thông minh để quản trị gia sản của mình và nhờ đấy cũng có thể giúp đỡ các người anh nữa.

Cuộc sống mỗi người chúng ta, cuộc sống những người chung quanh chúng ta, cuộc sống của xã hội chúng ta, có lẽ nhiều khi cũng giống như một căn phòng tối, chỉ cần một người nào đó thắp lên một tia sáng nhỏ là những người chung quanh sẽ cảm thấy ấm áp và phấn khởi hơn : một tia sáng nhỏ của cái mỉm cười, một tia sáng nhỏ của lời chào hỏi thăm nom, một tia sáng nhỏ của tình yêu san sẻ, một tia sáng nhỏ của cảm thông, tha thứ, một tia sáng nhỏ của niềm tin giải tỏa qua sự hân hoan chấp nhận cuộc đời.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã cho chúng ta nhận được tình yêu của Chúa. Xin cho cả cuộc sống chúng ta trở thành chứng tích của tình yêu Chúa đối với mọi người. Xin cho tất cả những ai gặp gỡ chúng ta đều có thể nhận ra được tình yêu của Chúa.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

GIEO GIỐNG, DỤ NGÔN CỦA LÒNG HY VỌNG
Mt 13, 1-23

Có lẽ từng người chúng ta khi nghe qua dụ ngôn về người gieo giống trong bài Tin mừng hôm nay đều có một suy nghĩ: Anh nông dân này "khờ" quá. Gieo bốn hạt, mà chỉ có một hạt rơi vào đất tốt, nghĩa là chỉ có 25% sinh lợi mà cũng làm. Một cách làm ăn không hiệu quả, cũng chẳng có kinh tế gì! Phải chi anh ta cẩn thận hơn, chỉ gieo hạt trên mảnh đất màu mỡ, đã được chuẩn bị hẳn hoi, cất đi 3 hạt còn lại, thì chắc sẽ thu hoạch được nhiều hơn biết mấy. Nhưng không, theo bài dụ ngôn, anh ta cứ vung hạt giống khắp nơi: từ lề đường, đến đất sỏi đá và cả bụi gai. Anh gieo như không tiếc hạt giống. Nói theo cách nói của chúng ta hôm nay, thì người nông gia này hơi "bị sang". Tôi thiết nghĩ, việc người nông dân này gieo giống cũng tương tự cách thức mà chúng ta thả lưới trên biển. Không phải mỗi một vát là chúng ta kéo được một số cá như lòng mong ước. Có những vát thật trúng, nhưng cũng có những vát chẳng có gì. Tuy vậy, chúng ta vẫn liên tục thả lưới. Chúng ta thả lưới vì hy vọng. Như thế, dụ ngôn "người gieo giống hôm nay" cũng có thể gọi là "dụ ngôn của lòng hy vọng".

1. LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA:

Thật vậy, với dụ ngôn: "Người gieo giống" này, Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Thiên Chúa đối với con người chúng ta. Người không ngại khi gieo hạt giống Lời và ân sủng của Người vào lòng mỗi người chúng ta. Hạt giống ấy là Đức Giêsu Kitô, là Ngôi Lời, Con yêu dấu của Chúa Cha vào lòng thế giới, cho dù lúc Ngài đến, nhiều người vẫn không thèm đón tiếp Ngài (x. Ga 1, 11). Chắc chúng ta vẫn còn nhớ trình thuật Giáng Sinh. Trong đêm hôm đó, không một quán trọ nào, một cửa nhà nào đã mở ra để đón Con Thiên Chúa sinh ra. Nhưng vẫn còn đó"một mảnh đất tốt", để đón hạt giống Ngôi Lời, đó là các trẻ mục đồng. Và chính từ những trẻ này mà tin vui đã được loan báo cho nhiều người.

Cho dù chúng ta chưa chuẩn bị, tâm hồn chúng ta còn chai cứng như lề đường, đầy sỏi đá và còn bị nhiều bụi gai dục vọng, đam mê phủ lấp, nhưng Thiên Chúa vẫn gieo vì tin tưởng trong lòng mỗi người chúng ta đây, không ai hoàn toàn là "lề đường", "sỏi đá" hay "bụi gai", nhưng trong mỗi chúng ta đang có một mảnh đất tốt cho dù nó có nhỏ bé, chỉ là 1/4 thôi, nhưng cũng sẽ đem lại một mùa gặt bội thu, "đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi" (Mt 13, 23). Thiên Chúa vẫn gieo lời Người vào lòng chúng ta, vì Ngài chắc chắn rằng: "Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác" (Is 55, 11). 

Và quả thực Thiên Chúa đã không lầm, nhìn lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy cho dù thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa, thì trong ông vẫn còn một mảnh đất tốt của lòng sám hối; hay như một thánh Phaolô hăng say bách hại các kitô hữu, nhưng trong lòng của ngài vẫn còn đó một mảnh đất tốt của lòng nhiệt thành và khiêm tốn tìm theo chân lý; hoặc một thánh Augustin dù đang bị những bụi gai của tri thức, kiêu căng và dục vọng vây bủa, cũng vẫn còn một mảnh đất tốt hướng tìm chân lý... còn nhiều rất nhiều mảnh đất tốt như thế trong Giáo Hội và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tất cả những mảnh đất tốt đó, cho dù có nhỏ nhoi đi chăng nữa, nhưng một khi đã được đón nhận lời Chân lý thì đúng như lời Chúa nói, đã sinh lợi "hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi". 

2. MỘT CÁI NHÌN LẠC QUAN VỀ CON NGƯỜI :

Thiên Chúa vẫn luôn tin tưởng và hy vọng nơi từng người chúng ta. Đối với Ngài, không ai là người bỏ đi kể cả tên trộm trên thập giá. Đó là cái nhìn của Thiên Chúa đối với chúng ta. Phần chúng ta, chúng ta có cái nhìn nào đối với bản thân và tha nhân?

Tôi thiết nghĩ, nếu Thiên Chúa đã luôn tin tưởng và hy vọng vào chúng ta, thì chúng ta cũng cần có cái nhìn lạc quan về chúng ta và tha nhân như thế. 

Trước hết, với bản thân, chúng ta không có lý do gì để mà tự ti, mặc cảm thất vọng về bản thân mình. Chúng ta cần vượt qua những mặc cảm tội lỗi, những yếu đuối để đứng dậy làm lại cuộc đời. Thiên Chúa luôn đang luôn gieo ân sủng của Ngài cho chúng ta qua các bí tích và Lời của Ngài. Mỗi người chúng ta đều có một giá trị đặc biệt trước mắt Thiên Chúa. Chúng ta đừng phụ lòng tin của Thiên Chúa. Hãy mở lòng đón nhận ân sủng của Ngài và làm cho ân sủng đó ngày càng phát triển trong đời sống chúng ta. 

Kế đến, chúng ta cũng phải luôn có cái nhìn tích cực đối với tha nhân. Chúng ta hãy tìm ra những điều tốt nơi những người đang sống chung quanh chúng ta. Cha ông chúng ta vẫn thường nói: "Trong hai người cùng đi đường với ta, thế nào cũng có một người là thầy ta." và "Không ai xấu đến nỗi không có gì cho chúng ta học hỏi.". Trong các hoạt động tông đồ, chúng ta không cần phải phân tích người nào là lề đường, là sỏi đá hay bụi gai. Chúng ta cứ gieo vãi, nghĩa là cứ khuyến khích, cứ làm việc tốt cho những người chúng ta gặp gỡ, vì chính Thiên Chúa mới là Đấng làm cho hạt giống mọc lên và sinh hoa kết quả, chứ không phải chúng ta (x. 1 Cr 3, 5-9). 

Niềm hy vọng phải là một đặc trưng của đời sống người kitô hữu. Chính niềm hy vọng đó sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hiện tại, để hướng tới một tương lai tươi sáng và một cuộc sống vĩnh cửu của người được làm con Chúa.

Trong gia đình, vợ chồng cũng hãy cố gắng tìm ra những "mảnh đất tốt" của nhau, nghĩa là tìm ra những ưu điểm của nhau. Những khi có bất đồng, trước khi to tiếng với nhau, cả hai vợ chồng hãy cùng ngồi lại và ghi ra giấy tất cả những ưu và khuyết điểm của nhau, hay ít ra là kiểm điểm lại trong trí. Chắc chắn, chúng ta sẽ tìm ra không chỉ một, mà rất nhiều mảnh đất tốt nơi người bạn của mình. Cứ như thế, gia đình chúng ta sẽ ngày càng sinh nhiều bông hoa tươi tốt, với một mùa gặt bội thu với những con người luôn sống theo ý Chúa.

Giờ đây, chúng ta cùng hiệp ý dọn mảnh đất tâm hồn chúng ta cho thật xứng đáng để đón nhận chính Con Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể vào lòng ta. Và nhờ ân sủng của Ngài, mảnh đất tâm hồn chúng ta ngày càng mầu mỡ và sinh nhiều hoa trái hơn. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn (nguồn vietcatholic.org)

1751    07-07-2011 06:09:09