Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Suy Niệm Tuần IV Phục Sinh Năm 2013

THỨ HAI TUẦN IV PHỤC SINH
 Ga 10, 11- 18

1. Ghi nhớ: "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên."  (Ga 10, 11)

2. Suy niệm: Chúng ta tiếp tục suy niệm Chúa Giêsu là Vị Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành không những nuôi dưỡng chiên mình bằng những của nuôi quý giá mà Người còn hiến mạng sống cho đoàn chiên của mình. Người đã nói: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 20, 45).

Đã nhận được sự hy sinh hiến mình của Mục Tử Giêsu chúng ta cũng được mời gọi hy sinh hiến mình cho nhau. Nhất là trong đời sống vợ chồng hy sinh hiến mình cho nhau, cha mẹ hy sinh hiến mình cho con cái.

3. Sống Lời Chúa: Hy sinh hiến mình cho nhau.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã thương hy sinh hiến mạng sống cho con. Xin cho con cũng biết noi gương Chúa mà hy sinh hiến mình cho nhau. Amen.

THỨ BA TUẦN IV PHỤC SINH
 Ga 10, 22 - 30

1. Ghi nhớ: "Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi." (Ga 10, 25b)

2. Suy niệm: Mặc dù Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng Người không bao giờ làm gì theo ý riêng của mình. Những việc làm và những lời nói của Người đều nhân danh và làm chứng cho Chúa Cha. Bởi thế, Người mới nói là những việc làm ấy sẽ làm chứng rằng Người từ Chúa Cha mà đến. Những việc làm ấy với mục đích là đem hạnh phúc và phần rỗi đến cho toàn thể nhân loại.

Ba lời nguyện đầu trong Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện là hướng về Chúa Cha và làm sáng danh Người. Đó là tâm tình của những đứa con hiếu thảo. 

3. Sống Lời Chúa: Luôn sống đẹp lòng Cha trong mọi việc làm.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho biết cộng tác với Chúa để làm cho Nước Trời được lớn dần từ những việc làm âm thầm và bé nhỏ của con. Amen.

THỨ TƯ TUẦN IV PHỤC SINH
 Ga 12, 44 - 50

1. Ghi nhớ: "Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối." (Ga12, 46)

2. Suy niệm: Tâm lý thông thường ai trong chúng ta cũng sợ bóng đêm. Bởi đêm tối mịt mù là môi trường thuận lợi cho tội ác và sự dữ hoành hành. Do đó, trong đêm tối người ta trông mong có được ánh sáng dù là một ngọn đèn leo loét.

Là con người yếu đuối sống giữa thế gian này rất dễ sa ngã phạm tội. Vì thế, chúng ta rất cần được một ánh sáng soi đường dẫn lối cho chúng ta. Ánh sáng ấy chính là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu sẽ dẫn chúng ta đến nguồn bình an và hạnh phúc thật.

3. Sống Lời Chúa: Tin vào Chúa Giêsu chính là Ánh Sáng thật.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, chính Chúa là ánh sáng thật. Xin cho con biết khôn ngoan bước theo Chúa. Amen.

THỨ NĂM TUẦN IV PHỤC SINH
Lễ Kính Thánh Marco

Mc 16, 15 - 20

Mác-cô là người gốc Do thái, tên thật của ông là Gio-an. Ông vốn không phải là môn đệ của Đức Giêsu, nhưng gia đình ông là thành phần của Cộng Đồng Kitô giáo của Giêrusalem. Mác-cô đi theo ông anh họ mình là Bacnabê và vị tông đồ Phaolô trong chuyến truyền giáo thứ nhất đến Antiôkia. Sau đó có sự bất đồng ý kiến giữa 2 vị Tông đồ này về chính Mác-cô, nên Mác-cô theo Bacnabê đến đảo Sip. Mười năm sau, người ta gặp Mác-cô ở Rôma. Thánh Phaolô trong thời gian mang xiềng xích đã gọi Mác-cô là "Cộng sự viên", là "Niềm an ủi" của mình. Và Thánh Phêrô cũng gọi Mác-cô là "con trai của ta" khi ngài viết bức thư thứ nhất của mình. Chính những kỷ niệm và tường thuật ghi nhận được từ vị tông đồ trưởng Phêrô đã tạo thành khung cho Tin mừng của thánh Mác-cô. Theo truyền thuyết thì Mác-cô trở về Phương Đồng và thành lập Giáo đoàn ở Alexandria và chịu tử đạo tại đây. Tuy vậy, Giáo hội tôn sùng thánh Mác-cô như một vị tử đạo. Thi hài của Thánh Mác-cô được đưa về Venise vào Thế kỷ thứ VII và chọn ngài làm vị quan thầy của mình. Tại Venise, có một thánh đường nổi tiếng được xây để dâng kính ngài. Nghệ thuật Kitô giáo chọn con Sư tử làm biểu tượng của thánh Mác-cô. (Theo Điển ngữ các thánh, trang 2007-2007)

Tin mừng hôm nay tập trung vào lệnh truyền Chúa Giêsu: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo" (Mc 16,15). Sau khi trỗi dậy từ cõi chết, Đức Giêsu Phục sinh đã hiện ra với các môn đệ, củng cố niềm tin cho các ông và sai các ông đi loan truyền Tin mừng cứu độ cho toàn thế giới. Chúa Giêsu Phục sinh quả thật là niềm vui lớn nhất, là hạnh phúc tròn đầy nhất và là niềm hy vọng chắc chắn nhất cho những ai yêu mến Người và quyết tâm bước theo Ngài. Lệnh truyền của Chúa Giêsu đã vang lên cho các môn đệ thân tín nhất của Ngài ngày xưa, đi xuyên qua các thời đại và đặc biệt khẩn thiết hơn trong thế giới ngày nay. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và mang lấy sứ mạng truyền giáo, giới thiệu Chúa và mang Tin mừng của Người đến cho hết những ai chưa nhận biết Người. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng thật là cao quý cho mọi thành phần Dân Chúa, không loại trừ một ai.

Jack là một công nhân bình thường trong một xưởng gỗ. Anh không có tài ăn nói và học thức của anh ta cũng rất kém cỏi so với chúng bạn. Nhưng anh làm việc rất siêng năng, tính khí hiền hậu, ôn hoà, hay giúp đỡ người khác. Rất nhiều lần Jack giúp đỡ bạn bè trong xưởng khi họ bị tai nạn hay khi họ cần sự giúp đỡ của anh.. Một hôm, trong lúc Jack đang hết tình giúp đỡ cho một người làm chung bị vết thương khá nặng ở bàn tay, anh này đã hỏi Jack cho biết xem Chúa Giêsu là ai mà Jack hết lòng tôn thờ như thế. Quá bất ngờ trước câu hỏi của anh bạn, nên Jack khá lúng túng. Sau một lúc suy nghĩ, Jack trả lời với anh bạn: "Chúa Giêsu giống tui vậy đó". Và lạ lùng thay, anh bạn của Jack đã trả lời: "Nếu Chúa Giêsu giống như anh thì tôi xin tin theo Người". Và anh ấy đã xin gia nhập đạo sau đó. Câu chuyện cảm động ấy cho ta thấy rằng, thế giới hôm nay rất cần những chứng nhân không lời, những chứng nhân bằng hành động chứ không cần nói nhiều, nói hay và nói giỏi.

"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ". Muốn truyền giáo thì đòi hỏi nhà truyền giáo phải biết ra đi. Và cuộc ra đi khó khăn nhất và quyết định nhất là ra khỏi chính mình, ra khỏi những suy tính hơn thua, ra khỏi con người vốn ngại hy sinh, ngại mất mát, ngại bị hiểu lầm, bị xúc phạm... Có ra khỏi chính mình thì người môn đệ của Chúa mới có thể mang Tin mừng bình an đến cho mọi người và thu về những bông lúa thơm nặng trĩu dâng cho Chúa.

Lịch sử truyền giáo đã để lại dấu ấn của rất nhiều con người đáng khâm phục. Điển hình là cuộc ra đi không ngại gian nan khốn khổ của thánh Phalô, của Phanxicô Xaviê, của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu suốt đời trong nhà kín để cầu nguyện chân thành sớm tối, của Mẹ Têrêsa Calculta lang thang khắp xứ Ấn độ để thu gom về những người tàn tật, bị bỏ rơi và đang hấp hối trong cô đơn . . . Và còn rất nhiều những con người tuyệt vời khác nữa. Ngày nay, Chúa cũng đang chờ đợi mỗi người chúng ta làm những cuộc ra đi mới mẻ nữa để đến với muôn dân và đem Tin mừng cứu độ cho họ. Ước gì mỗi người hãy nhiệt tâm đáp lại lệnh truyền của Chúa để cho mọi loài thụ tạo được đón nhận Tin mừng cứu độ của Chúa và làm cho thế giới thêm an vui và hạnh phúc.

THỨ SÁU TUẦN IV PHỤC SINH
 Ga 14, 1 - 6  

1. Ghi nhớ: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga14, 6)

2. Suy niệm: Thiên Chúa Cha luôn mong muốn cho tất cả con người được sống hạnh phúc. Chỉ khi nào được sống bên Chúa con người mới thật sự được hạnh phúc. Do hậu quả của tội nguyên tổ nên con người không thể tự mình đến được với Chúa Cha. Vì vậy, con người cần phải nhờ quyền trợ giúp. Quyền trợ giúp ấy không ai khác chính là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu dẫn đường cho chúng ta về với Chúa Cha. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu là con đường để chúng ta bước đến với Chúa Cha. Thật là vinh dự biết bao cho chúng ta.

Chúa Giêsu đã đi con đường thập giá thì Người cũng mời gọi mỗi người chúng ta đi con đường thập giá như Chúa đã đi.

3. Sống Lời Chúa: Vui vẻ bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, con đường thập giá sẽ dẫn con tới vinh quang. Xin cho con biết đón nhận con đường thập giá cách vui vẻ trong đời sống hằng ngày. Amen.

THỨ BẢY TUẦN IV PHỤC SINH
Ga 14, 7- 14

1. Ghi nhớ: "Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy" (Ga 14,7-14)

2. Suy niệm: Chúa Giêsu đã chủ động mặc khải cho các môn đệ biết về Chúa Cha. Sự mặc khải này làm cho các môn đệ phải ngỡ ngàng. Chính Giêsu là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa Cha. Chúa Cha đã làm tất cả cho con người qua Người Con chí ái của mình. Thiên Chúa đến với con người trong công việc thường ngày nên Chúa Giêsu không ngại làm nghề thợ mộc để sinh sống. Ngài muốn thông cảm nỗi khổ từng người, muốn hiểu rõ nhu cầu từng gia đình và khát vọng của từng cá nhân.

Người ta sẽ dễ nghĩ ra một Thiên Chúa uy quyền sẵn sàng ra tay giáng phạt chứ không ai dám nghĩ một Thiên Chúa đến cứu giúp con người. Người ta cũng dễ tưởng tượng một Thiên Chúa sẵn sàng ra tay tiêu diệt những kẻ tội lỗi chứ không ai dám nghĩ một Thiên Chúa lúc nào cũng giang tay tha thứ. Lời yêu cầu của Philipphê muốn thấy Chúa Cha đã được Chúa Giêsu giải đáp: Hãy nghe Ta, hãy nhìn Ta và hãy tin Ta. Con đường dẫn đến niềm tin không cần phải do tranh luận tốn  nhiều giấy mực nhưng là nghe và tin vào Chúa Giêsu.

3. Sống Lời Chúa: Sống gần gũi với mọi người để hiểu biết và đỡ nâng.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Cha hằng hữu, Chúa đã sai Con Chúa đến để bày tỏ tình yêu của Ngài cách cụ thể cho chúng con. Xin cho chúng biết sống theo Con Chúa và làm chứng tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

933    22-04-2013 06:27:21