Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Cách thức đón nhận Tin Mừng

Thứ Bảy tuần XXIV TN  

 

Lc 8, 1-3

CÁCH THỨC ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

          Bối cảnh của dụ ngôn này, Chúa Giêsu đang đứng trước những khó khăn. Ngài bị đuổi kỏi hội đường, các kinh sư và các đạo sĩ Do Thái cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo đã ra mặt chống đối Ngài, gia đình và những người đồng hương thì chờ đợi một vị cứu tinh với binh hùng tướng mạnh, lúc này chỉ còn một nhóm nhỏ các môn đệ đi theo.

Tin mừng thuật lại : "Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su". Đứng trước đám đông nhiều thành phần như vậy, Chúa Giêsu hiểu thấu được từng tâm trạng, từng con tim mỗi người, có người theo Chúa với ý ngay lành, có kẻ theo Chúa với mục đích tư lợi, và theo các nhà chú giải, có lẽ lúc đó Chúa Giêsu và đám đông đang đi ngang qua cánh đồng, và tất cả đều thấy hình ảnh người gieo giống, nhân cơ hội đó, Chúa Giêsu dạy cho họ dụ ngôn hạt giống, để nhắn gởi cho họ sứ điệp: Đi theo Chúa không phải ỷ lại vào Chúa, nhưng lời Chúa chỉ có hiệu quả khi chúng ta biết đón nhận, và như hạt giống, nó có sức biến đổi thật kỳ diệu.

Chúa Giêsu kể cho đám đông dụ ngôn về người gieo giống và qua đó dạy cho họ bài học về việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Lời của Chúa được rao giảng cho tất cả những ai muốn lắng nghe, thế nhưng đôi khi thái độ của họ chưa thật lòng yêu mến và khao khát kiếm tìm chân lý nên Lời đó chợt đến rồi đi.

Chúa Giêsu nói dụ ngôn này để dạy họ rằng: "Người làm nông nào cũng biết một số hạt giống sẽ bị hư đi vì không phải hết thảy đều được mọc lên tốt. Nhưng điều đó không làm họ nản lòng hoặc thôi gieo giống, vì họ biết rõ rằng dù thế nào đi nữa thì chắc chắn cũng sẽ có mùa gặt". Như vậy dụ ngôn này được cách nghĩa riêng cho các môn đệ, cũng là để trấn an các ông, đừng ngã lòng, nhưng vững tin, và hãy nhìn vào những hạt giống được gieo ở nơi mảnh đất tốt, và mùa bội thu đang chờ đợi ở phía trước, chứ đừng nhìn vào những hạt giống rơi vào sỏi đá, bụi gai. Vì thế sứ điệp của Ngài là hãy cứ gieo.

Bản thân hạt giống muốn để được lâu, người nông dân phải phơi thật khó tránh bị mối mọt, hạt giống lăn lóc khô cứng không có sức sống, nhưng khi được gieo trồng, thì từ sự khô cứng lăn lóc, nó sẽ phát triển thành sự sống, biến thể thành một dạng khác, và thậm chí người nông dân thấy được nó lớn lên hằng ngày, và kết quả là sự đơm bông kết hạt, đó là sự kỳ diệu. Vì thế những người theo Chúa phải nhận ra được sự cao quý của lời Chúa mang lại, những thực tại thiêng liêng và những thực tại đời sau, hơn là những thực tại đời này như: may mắn, sung túc  . . .

Chính vì lẽ ấy, thánh Phaolô nói trong bài đọc một khi giải thích về sự sống lại: "Nhưng có người sẽ nói: kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí".

Theo Chúa, không phải để toại nguyện những điều mình muốn, nhưng tiên vàn là để toại nguyện những gì Chúa muốn, đó là sự sống vĩnh cửu. Và như vậy, chúng ta không khó hiểu tại sao Chúa nói: "Ai có tai nghe thì nghe." hay câu: "Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.” Để đám đông theo Ngài sẽ bị thanh lọc, và những kẻ theo Ngài vì mưu cầu thế gian sẽ bị loại bỏ.

Chúng ta cũng biết rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban cho tất cả mọi người nhưng chỉ những ai có tâm hồn khao khát tìm kiếm và thi hành Lời Chúa dạy thì mới được cứu rỗi. Tâm hồn họ được ví như những mảnh đất tốt luôn sẵn sàng mong chờ ơn cứu độ. Khi Lời Chúa đến, Lời đó đã ngụ lại trong những tâm hồn tốt lành đó và sinh ích lợi cho họ. Tâm hồn của họ tràn đầy niềm vui vì những hoa trái tốt đẹp được nảy sinh. Trái ngược với mảnh đất tốt là những mảnh đất bên vệ đường, nơi sỏi đá hay bụi gai... Họ là những con người cũng khao khát Lời của Chúa để được ơn cứu độ nhưng sự nông nổi, nhất thời hay những đam mê đã bóp nghẹt Lời Chúa, nên cuối cùng họ đã đánh mất hồng ân cao quý mà đáng lẽ ra họ đã được lãnh nhận.

Chúa Giêsu hôm nay còn gửi cho các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta sứ điệp rằng chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn trước khi lắng nghe và học hỏi Lời Chúa; khi tâm hồn chưa sẵn sàng, có nghe cũng chẳng hiểu. Kế đến, họ phải dành thời giờ để suy niệm và tìm cách cụ thể để áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời. Sau cùng, Lời Chúa sẽ đòi họ phải hy sinh từ bỏ nếp sống hưởng thụ và theo tiêu chuẩn của thế gian; chúng ta phải can đảm để sống theo đường lối của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chịu theo cách thức này, chúng ta sẽ sinh hoa quả gấp bội cả đời này và đời sau.

Kế đến, Chúa mời gọi cuhn1gta tin vào ngày bội thu, vì lẽ ấy Thánh Phaolô khuyên nhủ người môn đệ của mình là Timôthê: "Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện. Đấng sẽ cho Đức Kitô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến muôn đời." Đó là niềm tin mà chúng ta phải hướng đến, và là động lực để chúng ta dấn thân.

 

Qua lời giải thích của Chúa Giêsu, nơi hạt giống sinh trưởng và mang lại bội thu chính là mảnh đất tốt. Ông cha ta dạy rằng: "nhất nước nhì phân tam cần tứ giống". Hạt giống đóng vai trò thứ tư và cũng là vai trò cuối cùng. Như thế, Lời Chúa là lời hằng sống, lời linh nghiệm, nhưng nếu không có sự cộng tác của người lãnh nhận, thì vẫn không mang lại kết quả.

1970    22-09-2017