Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Dấn thân cho Tin Mừng và đời sống cầu nguyện

 Mc 1:29-39

DẤN THÂN CHO TIN MỪNG VÀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Chúa Giêsu đi vào giữa lòng biển khổ của nhân loại. Người chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, dù ngày đã xế chiều, mặt trời đã lặn xuống. Sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu là giải thoát con người khỏi mọi đau khổ. Bên cạnh đó, ngài còn giải thoát con người khỏi tội lỗi, để nối lại mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa.

Vì thế, mặc dù sau một ngày bận bịu, mệt mỏi, ngay từ sáng sớm, Ngài đã thức dậy, đi vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Ngài kết hiệp trọn vẹn với Chúa Cha trong khi vẫn sống hết mình cho con người. Lẽ sống của Chúa Giêsu là kết hiệp với Chúa Cha và thực thi ý định của Ngài.

Cũng như ở Caphácnaum, Chúa Giêsu đã tiếp nối lời giảng dạy uy quyền bằng việc trừ quỷ, Người tiếp tục nối tiếp lời loan báo bằng việc dùng uy quyền trục xuất các sức mạnh đang đối kháng lại Thiên Chúa và hành hạ loài người. Lời nói của Người được chứng thực bằng việc làm của Người.

Chúa Giêsu hiện thân như một vị “bác sĩ”, nhưng vị “bác sĩ” này rất khác người, chữa bệnh không cần thuốc men nhưng bằng uy quyền của Thiên Chúa, Người làm việc không biết mệt mỏi, liên tục chữa lành các loại bệnh cho nhiều bệnh nhân, bệnh nhẹ cảm sốt như bà nhạc gia Simon đến những bệnh nhân nặng do bị quỷ ám. Ơn Cứu Độ của Chúa không chỉ cứu độ về phần tâm linh, nhưng Chúa còn chữa bệnh nơi thể xác hữu hình để bệnh nhân lấy lại sức khỏe tiếp tục cuộc sống đời thường, Chúa nhìn thấy họ đau đớn khổ sở về thân xác Ngài động lòng thương, cảm thông và đã đem sự an lành cho họ về mặt thể xác.  

Tại nhà Simôn, Chúa Giêsu đã chữa mẹ vợ ông khỏi sốt cao. Như thế, Người cho thấy Người làm Chúa tể trên một thứ tai họa khác của loài người, đó là bệnh tật. Nhưng trong nhãn quan của Tin Mừng Máccô, bệnh tật cũng là do ma quỷ, nên chữa lành bệnh tật cũng là chiến thắng trên ma quỷ.

Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: "Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì".

Ở đây, chúng ta ghi nhận là lần đầu tiên Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật là cho một phụ nữ, trong khung cảnh đơn sơ và thân tình của một ngôi nhà và của mộtgia đình. Bằng chứng cho thấy bà này đã thực sự được lành bệnh là bà đã ân cần chu đáo phục vụ các khách quý. Cũng như  Đức Kitô đã đỡ bà mẹ vợ Simôn trỗi dậy khi mà bà đang bị cơn sốt bắt nằm bất động như một người đã chết, Người cũng nâng chúng ta dậy, cho chúng ta sống lại, để chúng ta có thể phục vụ Người.

Một buổi sáng sau khi cầu nguyện và đọc sách thành, Chúa Giêsu đã thực hiện công việc bác ái đối với người thân của môn đệ mình. Còn ở câu 32 miêu tả cảnh chiều tối, lúc mặt trời đã lặn; thì Chúa Giêsu đã làm gì ? Chúng ta nghe tiếp “người ta đem mọi kẻ ốm đau, bị quỷ ám đến cho Người”. Chỉ vỏn vẹn trong một câu mà thánh sử đã khẳng định cho chúng ta về cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu trên quyền lực ác thần, bệnh của thể xác và bệnh trong tâm hồn.

Đây là tính cách Mêsia của Người. Người đến để giải phóng con người khỏi gông cùm của tội lỗi hay trói buộc của ma quỷ. Ngài đến để con người được tự do, tự do đi vào đường lối của Thiên Chúa và thực thi ý Chúa. Sau khi trừ quỷ, Chúa Giêsu không cho chúng nói về danh phận của mình (x. c.34).

Vì sao thế? Có lẽ vì thời đó, người Do Thái quan niệm về Đấng Mêsia theo lẽ trần tục là : Đấng Mêsia sẽ giải phóng họ khỏi ách độ hộ của đế quốc Roma. Ý nghĩa này mang tính chính trị, trần gian khác xa với chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã hoạch định về sứ vụ của Đấng Mêsia - Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu không muốn họ hiểu sai về ý nghĩa và mục đích của Thiên Chúa Cha, nên Người đã cấm đoán quỷ tiết lộ cho dân chúng biết xuất xứ của Người.

Câu 35 là một câu chuẩn mực cho đời sống tông đồ của chúng ta. Sau mỗi lần làm phép lạ hoặc chữa lành.... “Người đều lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện”. Đây là tâm điểm và là đỉnh cao trong đời sống hoạt đọng công khai của Chúa Giêsu. Ngài luôn nối kết với Cha trong công việc, lời nói, đến nỗi Ngài nói : “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10 ,30). Ngài không đi tìm vinh quang cho mình nhưng luôn “làm cho danh Cha rạng sáng”. Ngài không để mình bị chìm khuất trong lời ca tụng của trần gian, nhưng luôn tìm ý Cha để thực hiện “ lương thực của Ta là làm theo ý Cha Ta”.

Và điều này đã được chứng minh trong các câu 36,37,38: “Các môn đệ đi tìm Chúa, họ thưa : Mọi người đang tìm Thầy”. Họ tìm vì họ muốn có một vị vua làm phép lạ để đời họ được sung sướng theo kiểu trần thế, vật chất. Họ tìm một vị vua sẽ làm thỏa mãn các nhu cầu của họ. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời : Hãy đi đến nơi khác.... vì Thầy đến để làm việc đó”. Một sự dứt khoát, cắt đứt mọi dây dưa vinh quang trần thế, mà chỉ chuyên chăm vào sứ vụ được trao, thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha mà thôi.

Chúa Giêsu đã đánh thức và củng cố lòng tin tưởng của dân chúng, không lạ gì khi chúng ta thấy họ muốn giữ Người lại và như thế chắc chắn là luôn luôn có sự trợ giúp của Người. Nhưng Đức Giêsu tránh khỏi tay họ: từ sáng sớm, Người đã vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Và Người không để cho người ta cầm giữ lại. Người biết rằng nhiệm vụ của Người không phải là trợ giúp thường xuyên dân Caphácnaum, nhưng là loan báo trong toàn miền Galilê rằng Triều Đại Thiên Chúa đã gần kề.

Chúa Giêsu đến nơi vắng vẻ cầu nguyện. Suốt ngày bận rộn với con người, Chúa Giêsu phải dành buổi sáng sớm để cầu ngyện. Điều đó cho thấy, đối với Chúa, việc cầu nguyện là quan trọng biết bao. Chúa Giêsu cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho cuộc đời. Vì thế trước khi bắt tay vào làm việc, Chúa cầu nguyện với Đức Chúa Cha để múc lấy nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

 

Người môn đệ muốn dấn thân rao giảng Tin mừng, mở rộng Nước Chúa không thể đi ra ngoài những chỉ dẫn khuôn mẫu của Thày Chí Thánh. Phải biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Coi việc cầu nguyện như cội nguồn của hoạt động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công. Chuyên tâm học, đọc, suy gẫm Lời Chúa để có thể thấu hiểu và trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống yêu thương bác ái. Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người tới tự do, có thể lam những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.

2943    07-01-2018