Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Đời ngôn sứ

 

Hai câu mở đầu và câu cuối cùng của bài Tin Mừng, tên Đức Giêsu được nhắc đến. Với ngụ ý ấy, thánh sử như muốn làm nổi bật đời chứng nhân của Gioan Tẩy Giả với sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Lời chứng bằng chính cái chết của Gioan mà thánh Mátthêu sử dụng hôm nay như là tiền đề cho lời tuyên tín của thánh Phê-rô sau này.

"Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt". Câu này thật đúng khi bàn về tính cách và con người của một ngôn sứ. Ngôn Sứ là người được Thiên Chúa kêu gọi cách đặc biệt để đem lời Chúa và ý Chúa đến mạc khải cho Dân bằng chính lời nói và đời sống của mình, ngài sẽ gặp rất nhiều thử thách, chống đối và đôi khi bị giết chết vì sứ mạng đó, điển hình như Moisê, Samuel, Amos, Isaia, Giêrêmia và Êzekiel… 

Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, người Ki-tô hữu trở thành: tư tế, vương giả và ngôn sứ của Thiên Chúa. Trang Tin Mừng hôm nay nói về cuộc đời của một chứng nhân, đúng hơn cuộc đời của một vị ngôn sứ đích thực đã sống và chết cho Đức Ki-tô qua lời rao giảng của mình.

"Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu thì nói với những kẻ hầu cận rằng: Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ" (14,1-2). Ở chương 13, 53-58, dân chúng sửng sốt về Đức Giêsu với sự khôn ngoan trong lời lẽ giảng dạy và uy quyền trong các phép lạ. Họ không tin và cho rằng: Đức Giêsu chỉ là con của bác thợ mộc. Phản ứng của Chúa Giêsu thì sao? Ngài nói về con người Ngài thuộc số phận các ngôn sứ bị xem thường, bị bạc bẽo nơi chính quê hương mình.

Hêrôđê Antipas, thủ hiến xứ Galilê đang thắc mắc về con người Đức Giêsu và tự nhủ: Đức Giêsu chính là Gioan Tẩy Giả đã phục sinh… nên có quyền năng làm phép lạ. Như vậy, thân phận của Đức Giêsu đang để trong lòng dân chúng một sự ngờ vực. Hêrôđê bắt trói và tống ngục Gioan chỉ vì ngài đã trách móc và ngăn cản vị vua này về mối quan hệ bất chính của ông với vợ của anh mình. Lời chỉ trích thẳng thắn về hạnh kiểm của Gioan đối với nhân vật đứng đầu trong một miền của đất nước khác nào cuộc chiến đấu đầy can đảm của các ngôn sứ xưa kia. Chỉ vì Gioan được dân chúng hâm mộ và xem ngài như là một ngôn sứ, nên Hêrôđê không dám ra tay sát hại. Phần bà Hêrôđia để tâm hận ghét và chờ đợi có ngày trả thù.

Ngày ấy đã đến. Cơ hội trong tầm tay khi nhà vua yêu thích điệu vũ của một cô gái nhảy – con gái bà Hêrôđia. Vì hứng khởi quá đà, vua đã thề sẵn sàng ban cho cô gái bất cứ điều gì cô xin, dù một nửa vương quốc ông đang cai trị. Thỉnh ý mẹ, cô gái đã xin cái đầu của người công chính, một người dám nói sự thật. Nhà vua đã chiều theo sự dữ khi thực hiện đòi hỏi của cô gái.

Chuyện ngoại tình của Hêrôđê bị Gioan Tẩy giả kết án là có thể hiểu được. “Ngài không được phép lấy bà ấy” (c. 4). Lấy vợ của người anh em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21). Gioan là một ngôn sứ không lùi bước trước sự bất công. Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật, dù ông biết cái giá phải trả. Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép Gioan phải im miệng. Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống vào ngục. Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.

Gioan bị giết trong khung cảnh một bữa tiệc. Đó là tiệc mừng sinh nhật Hêrôđê Antipas là tiểu vương vùng Galilê và Pêrê. Nếu thế, bữa tiệc này hầu chắc diễn ra ở Tiberias, một thành gần hồ Galilê, nơi Hêrôđê đặt trung tâm quyền lực của mình. Gioan bị giết vì dám phản đối cuộc hôn nhân bất hợp pháp giữa Hêrôđê với bà Hêrôđia là vợ của Philíp, người anh cùng cha khác mẹ với mình.

Vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: "Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài". Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.

Như thế, chỉ vì một lời thề nông nổi, chỉ vì muốn giữ thể diện cho lời nói của mình, chỉ một điệu vũ của cô gái nhảy mà máu người công chính đã đổ ra. Có người cho rằng: đây chỉ là cái chết lãng xẹt, nhưng thật ra đó là một lời chứng hùng hồn nhất – lời sự thật – nhân chứng đã lấy chính mạng sống và cái chết để bảo vệ sự thật. Đó là cuộc đời của một ngôn sứ chính danh đã đương đầu với sự dữ, dám chiến đấu với quyền lực ác thần để gióng lên tiếng nói chân lý đang bị vùi dập, quên lãng.

Ngày nay cũng không ít chứng nhân cho Tin Mừng Đức Ki-tô. Nhưng những nhân chứng dám sống chết cho sự thật lại hiếm. Trong Năm Đời Sống Thánh Hiến, mỗi linh mục, tu sĩ và ngay cả giáo dân, những con người đã lãnh nhận thiên chức ngôn sứ, cần xét lại đời sống chứng nhân của mình; cần rà soát xem mình đã thi hành chức vụ ngôn sứ như thế nào trong đời sống thường ngày? Cần trở về với ơn gọi ban đầu khi tự hỏi: Tôi là ai? Tôi đang làm gì cho Chúa, cho Giáo Hội? Tôi đang tìm Chúa? tìm điều gì khác? hay đi tìm chính bản thân ích kỷ của mình?

Ngôn Sứ của Thiên Chúa như Thánh Gioan, như Đức Giêsu.

Tuy nhiên, cái khác biệt giữa các ngài và ta là ở chỗ: lời ta, đời ta không khớp với ơn gọi Ngôn Sứ của mình. Chính vì thế mà những người khác, đặc biệt là anh em lương dân không bao giờ “nhận lầm” chúng ta với Gioan, với Đức Giêsu. Đôi khi ngược lại là đàng khác: họ tưởng chúng ta là các Kitô hữu thì sẽ sống như Đức Giêsu, cư xử như Đức Giêsu theo đúng lời Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, nhưng trái lại họ chỉ thấy chúng ta khác Đức Kitô hoàn tòan. Chính nơi đây tôi hiểu rõ hơn kiểu chơi chữ của một giáo dân khi phê bình về các linh mục :“ Người ta vẫn gọi các ngài là Alter Christus, nghĩa là một Đức Kitô khác, nhưng tôi chỉ thấy các ngài khác Đức Kitô “.

Là Kitô hữu, ta được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.

 

 

1112    03-08-2017