Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Hãy khiêm tốn sám hối

Thứ Sáu tuần XXVI TN  

 

Lc 10, 13-16

HÃY KHIÊM TỐN SÁM HỐI

Người ta có câu “gần chùa gọi bụt bằng anh” để nói về tính chủ quan của con người thường ít quan tâm đến hoặc coi thường những gì mình thấy rằng quá quen dẫn đến một thái độ dửng dưng và hậu quả là không trân trọng, không khám phá, không tiếp thu được nhiều điều hay tốt xảy ra chung quanh mình mỗi ngày. Đây có thể nói là một căn bệnh gây thiệt hại không ít cho đời sống con người mà nguyên nhân sâu xa của nó là sự kiêu căng ích kỷ tiềm ẩn bên trong gây xói mòn cho cuộc sống. 

          Ta vừa nghe đoạn cuối chỉ thị của Chúa Giêsu khi sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Trước khi sai các ông đi, Chúa Giêsu đã cặn dặn các ông rất cụ thể về hành lý cần mang, về thái độ phải có và nội dung rao giảng. Ngài cũng không quên cho các ông biết thái độ của những nhà và những thành mà các ông đến, vì không phải mọi người đều đón nhận Tin Mừng cả đâu, chính ngôn sứ Isaia đã từng nói: Lạy Đức Chúa, ai đã tin khi nghe chúng con giảng? (Rm10,16).

Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố, những nơi thân quen, đã mang dấu chân Ngài. Ngài lấy làm tiếc vì những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu, chưa tạo ra được những thay đổi nơi lòng thành phố. Một sám hối thật sự không phải chỉ là một sám hối cá nhân, nhưng là sám hối nơi sinh hoạt của cả một thành phố. Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì? Ngài có chỗ không ở mọi nơi người Kitô hữu đang sống, đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện? Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc phố vắng, là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất

Bởi vì thiếu khiêm tốn nên bạn, tôi hay bất cứ ai đều có thể là Kho-ra-din hoặc Bet-sai-da, vì đã không nhận ra được những dấu chỉ, những điều kỳ diệu Chúa làm quanh chúng ta mỗi ngày. Hơn nữa căn bệnh dửng dưng có thể nói là căn bệnh của thời đại ngày nay; người ta dửng dưng với tất cả những gì có liên quan đến cuộc sống tâm linh, nói đúng ra họ chủ trương vô thần thực hành; nghĩa là người ta chỉ quan tâm đến lợi nhuận và vật chất, đến tiêu thụ và hưởng thụ.

Đặc biệt người Ki-tô hữu hôm nay cũng thế, sống đạo chỉ như một áo khoác ngoài bằng việc đến nhà thờ ngày chủ nhật, hoặc làm vài việc đạo đức nào đó và thế là họ cảm thấy đầy đủ và an tâm. Ăn ăn, sám hối là một cụm từ “xa xỉ” đối với họ, và bởi vì thiếu khiêm tốn nên họ chẳng cảm thấy mình có tội lỗi gì để mà sám hối, canh tân.

Thánh kinh nói Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và sự khôn ngoan của Thiên Chúa không mặc khải cho kẻ lòng trí kiêu căng. Bởi thế càng kiêu căng người ta càng sống trong mù tối và lầm đường lạc lối. Và Đức Giê-su đã nói: “Hỡi Ca-phac-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không người sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”Ca-phac-na-um có thể tự hào về sự vinh hoa và phồn thịnh của nó cũng như con người ngày nay tự hào về những thành tựu khoa học văn minh của mình. Họ tưởng mình có thể trở thành CHÚA và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Họ muốn đối đầu với Thiên Chúa, nhưng thực ra kinh nghiệm cho thấy hậu quả là như “châu chấu đá xe” hoặc “trứng chọi đá”. Bởi vì đứng trước những hiện tượng thiên nhiên vốn nhỏ nhoi trong vũ trụ như lũ quét, sóng thần, động đất…, con người cũng thấy mình nhỏ nhoi lắm rồi. Chỉ có tâm hồn khiêm tốn mới biết nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa và biết quì gối trước Người với lòng sám hối ăn năn.

Trước thái độ của dân làng vùng Sa-ma-ri-a không tiếp đón Chúa, Gia-cô-bê và Gio-an hăng hái “hiến kế” cho lửa từ trời đến thiêu huỷ dân làng ấy đi. Nhưng Chúa Giê-su thì lại khác, Chúa có cách của Chúa: bao dung và nhẫn nại. Trong lòng con người, dù là tội lỗi, Chúa vẫn nhìn thấy mầm giống của sự thiện hảo mà Ngài đã đặt vào khi Ngài tạo dựng họ. Loại trừ họ chẳng phải là hủy diệt luôn cả hạt mầm thánh thiện đó sao? Chúa kêu gọi mọi người đặt niềm tin nơi Chúa để được cứu độ, nhưng niềm tin phải được bày tỏ cách tự do chứ không phải do bị ép buộc hay đe doạ. Chúa bao dung khi chấp nhận bị con người từ khước, và Ngài lại nhẫn nại chờ đợi con người hoán cải và tin vào Ngài.

Ngày hôm nay, có biết bao phép lạ Thiên Chúa vẫn đang thực hiện nơi tâm hồn mỗi người và trong cuộc sống thường ngày trong xã hội. Mỗi ngày, Thiên Chúa  không ngừng lan tỏa sự sống và vinh quang của Ngài nơi tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng trưởng thành và tiến tới tầm vóc viên mãn như Chúa muốn.

Hơn bao giờ hết con người thời nay luôn đi tìm phép lạ, họ thích được chữa lành thân xác hơn là tâm linh. Ở đâu có phép lạ là ở đó người người tuôn đổ về để may ra mình cũng được chữa lành, trong khi đó Bí tích chữa lành chúa lập nhiều người chẳng mấy quan tâm, lương thực bổ dưỡng nhiều người thờ ơ, Lời Ngài đem lại sự sống nhiều người chẳng lắng nghe cách quảng đại và cao thượng và không chú tâm bền chí thực thi.

Như thế có lẽ vị Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải là Thiên Chúa thật mà là Thiên Chúa do chúng ta tạo ra để có thể đáp ứng mọi sở thích cũng như nhu cầu của chúng ta. Và Nước Thiên Chúa mà chúng ta nhắm tới cũng chẳng ăn nhập gì với Triều đại Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng.Triều đại Thiên Chúa được khởi đi từ một tâm hồn bình an và hân hoan mà các sứ giả của Chúa ban tặng. Sự bình an và niềm hân hoan ấy, chúng ta chỉ có được một khi để Thánh Thần của Đấng Phục Sinh sinh lại. Vì phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa (Rm 8, 14).

Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta qua sự lạ lùng của thiên nhiên vũ trụ và đặc biệt qua Con của Người – Đức Ki-tô Giê-su. Đức Giê-su đã không ngại đồng hóa Người qua những môn đệ, cộng tác viên của người, mặc dù họ là những con người đầy những khuyết điểm, và cũng còn mang trong mình đầy những tham sân si…: “Ai nghe anh em là nghe thầy; và ai khước từ anh em là khước từ thầy; mà ai khước từ thầy là khước từ Đấng đã sai thầy”.

Cũng bởi vì thiếu khiêm tốn nên chúng ta thường nhìn vào những khuyết điểm của những thừa tác viên của Thiên Chúa để mà lên án, phê phán hơn là biết lắng nghe điều hay lẽ phải của Lời Chúa mà họ rao giảng dạy dỗ nhân danh Người. Vì thế mà vô hình chung chúng ta khước từ Thiên Chúa và lời dạy dỗ bảo ban của Người qua các thừa tác viên của Người.

 

 

 

1743    05-10-2017