Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Mạnh dạn đến với Chúa để được chữa lành

18/01/2019

Thứ Sáu Tuần I Mùa Thường Niên 

Dt 4, 1-5. 11; Mc 2, 1-12

MẠNH DẠN ĐẾN VỚI CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH

          Với Tin Mừng hôm nay, thánh sử Marcô không chỉ đơn thuần kể lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành một người bất toại mà ngài còn muốn nhấn mạnh đến một thực tại huyền nhiệm : đó là quyền tha tội - quyền mà chính Chúa Giêsu đã trao cho Hội Thánh. Điều này vẫn thường được chúng ta tuyên tín trong kinh tin kính : “tôi tin phép tha tội”.

          Thế nhưng mà việc “tôi tin” với việc tôi ý thức đón nhận có đi cùng nhau không lại là một vấn đề. “Phép tha tội” là một Bí tích. Điều này có nghĩa là ngoài việc tin “phép tha tội” sẽ giúp ta hòa giải với Thiên Chúa, với anh em và với chính mình, chúng ta còn cần phải thường xuyên đón nhận Bí tích này, và chuẩn bị tâm hồn để đón nhận cách xứng đáng. 

          Anh được bốn người khiêng anh đến với Chúa Giêsu để xin chữa bệnh. Vì đám đông dân chúng quá đông, nên không dễ dàng khiêng người bại liệt đến gần Chúa, mà họ phải đưa anh lên mái nhà, dỡ mái nhà và đưa người bất toại xuống ngay chỗ Chúa Giêsu đang ngồi giảng dạy dân chúng.

          Người bất toại bất lực, nhưng không thất vọng; trái lại, anh hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu, tin vào quyền năng vô song của Ngài, đặc biệt, anh tin vào tình thương của Chúa trên hết mọi người. Cả những người khiêng anh cũng thế, đức tin vững mạnh của họ thúc đẩy họ giúp đỡ người bất toại đến với Chúa Giêsu.

           Chúa Giêsu đã hết sức kinh ngạc trước lòng tin này. Lòng tin mạnh mẽ không lùi bước trước khó khăn cản trở. Lòng tin đầy sáng tạo, dám tìm ra những con đường mới mẻ và khác thường. Lòng tin mang tính tập thể, vì là niềm tin của cả nhóm năm người. Lòng tin đòi vất vả, đổ mồ hôi, chứ không chỉ ở trong tâm trí. Lòng tin táo bạo vì dỡ mái nhà có thể bị Chúa Giêsu coi là là khiếm nhã.

          Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Thiên Chúa, bởi vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chính những kẻ chống đối Chúa Giêsu cũng nghĩ như thế, và vì không tin Ngài là Thiên Chúa, cho nên họ nghĩ thầm rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng”. Nhưng Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để một lần nữa chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, vì Ngài đọc thấu tư tưởng thầm kín của họ. Ngài bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy?” Rồi Ngài nói với những kẻ không tin: “Trong hai điều: một là bảo người bất toại: “Con đã được tha tội”, hai là bảo: “Ðứng dậy, vác chõng mà đi”, điều nào dễ hơn”. Thật ra, hai điều này đều khó, và Chúa Giêsu quả quyết: “Ðể các ông biết: ở dưới đất, Con Người có quyền tha tội, Ta truyền cho anh hãy đứng dậy, vác chõng đi về nhà”, lập tức người ấy đứng dậy vác chõng mà đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa.

          “Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng : "Hỡi con, tội lỗi con được tha".

          Chúa chữa bệnh phần hồn cho anh trước : "Hỡi con, tội lỗi con được tha". Ngài chữa cho anh, vì anh có lòng tin vào Chúa. Đức tin là điều kiện để được đón nhận ơn Chúa : ở đây là sự tha thứ. Ngài chữa bệnh phần hồn cho anh, vì Ngài là Đấng có quyền tha tội, nghĩa là chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội mà thôi.

          Cần phải chữa bệnh phần hồn trước, xóa mọi tội lỗi nơi con người trước, vì tội lỗi là nguyên nhân gây nên những đau khổ cho con người; tội lỗi đang thống trị con người, và tội lỗi làm cho con người phải chết.

          Kế đến, Chúa Giêsu chữa cho người bất toại bệnh tật phần xác. Ngài nói với người bất toại rằng : "Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà". Lập tức người bất toại đứng dậy vác chõng đi ra trước mặt mọi người.

          Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ để chứng minh Ngài có quyền tha tội, vì Ngài là Thiên Chúa. Như những người chống đối Chúa, ngày nay cũng có nhiều người không chấp nhận quyền tha tội của Chúa, quyền này đã được Chúa trao cho các Tông đồ, và qua các ngài cho Giáo Hội. Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc tha tội trong Bí tích sám hối và hòa giải. Nhờ Bí tích này, tội nhân sau khi lãnh Bí tích rửa tội được ơn tha thứ và làm hòa với Thiên Chúa. Từ ít lâu nay, có một cơn khủng hoảng đối với Bí tích giải tội: nhiều người không còn lãnh nhận Bí tích giải tội, không còn quí trọng ơn tha tội, vì đã đánh mất ý thức về tội lỗi: có thể họ cần được Thiên Chúa ban cho điều này điều nọ, nhưng không thấy cần được Thiên Chúa tha cho những tội đã phạm.

           Như người đàn ông trong Tin Mừng, chúng ta không chỉ mắc những căn bệnh thể lý mà chúng ta còn mang trong mình “căn bệnh tâm linh” cần được Chúa chữa trị. Thiên Chúa luôn sẵn lòng chữa lành linh hồn, thể xác, tâm trí của chúng ta. Đừng để cho những nghi nan cản trở chúng ta đến với Chúa nhưng hãy tin tưởng vào Ngài và siêng năng đón nhận các bí tich là những “phương dược” để nuôi dưỡng và chữa lành chúng ta.  

          Bệnh tật theo đuổi con người như hình với bóng. Có những căn bệnh mà người Do Thái cho rằng đó là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống trên bệnh nhân vì họ tội lỗi. Tin Mừng hôm nay cho thấy người bất toại bất lực không làm gì được, anh ta phải cần đến người khác giúp đem mình đến gần Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành. Từ một đôi chân tưởng chừng như không bao giờ anh đi được, nhưng với lòng tin tưởng vào Chúa Giêsu, anh đã được chữa trị cả bệnh tật thể xác lẫn tâm hồn: “Tội con đã được tha rồi!” và “Hãy đứng dậy, vác chõng của con mà đi về nhà!”. Anh trút được cái ách nặng nề. Cuộc sống của anh bắt đầu tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

          Mỗi chúng ta đều là một bệnh nhân cần được chữa trị, một tội nhân cần được thứ tha. Mang những thương tích trong tâm hồn mình đến với Chúa với lòng tin mạnh mẽ, chắc chắn ta sẽ được Chúa chữa trị và tìm lại được sự bình an, thanh thản và niềm hạnh phúc sâu xa. Liên đới trong đức tin và đức ái, chúng ta cũng cần giúp ‘khiêng những anh chị em bất toại’ xung quanh mình đến với Chúa để được Người chữa lành.

 

1536    16-01-2019