Trong Thông điệp Laudato Si, khi đưa ra lời gọi toàn thể thế giới hãy chung tay chăm sóc ngôi nhà chung là trái đất đang bị hủy hoại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra câu hỏi: “Mỗi người chúng ta muốn trao lại một thế giới như thế nào cho những người đến sau, cho con em của chúng ta hiện đang lớn lên? Trái đất cần gì ở chúng ta[1]. Câu hỏi này như đánh động trong tâm thức của chúng ta với vai trò Kitô hữu, lãnh sứ mệnh làm ánh sáng và muối đất cho trần gian. Một khi chúng ta đã đón nhận hồng ân thánh hiến trong Giáo hội để hướng về Giáo hội và cùng chia sẻ những thao thức chung của Giáo Hội, chúng ta cần nhìn vào thực trạng của thế giới hiện nay ra sao? Và đề ra những việc làm cụ thể nào để bảo vệ môi sinh.

  1. Những con số đáng báo động

Khởi đi từ Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa sáng tạo mọi sự đều tốt đẹp[2]. Tuy nhiên, Ngài không giữ lại sự tốt đẹp này riêng cho mình. Bằng tất cả tình yêu và lòng tin tưởng, Ngài đã trao lại quyền quản lý cho con người. Thế nhưng theo thời gian, con người đã làm cho công trình tạo dựng của Ngài ngày càng bị phá đổ, cụ thể trong vấn đề môi sinh. Điều đó đã được thể hiện như sau:

Nguồn nước:

Lượng nước chiếm hơn 97% bề mặt trái đất, nhưng lượng nước dùng để sinh hoạt rất ít, chỉ chiếm 3%. Nhưng hiện nay, nguồn nước này đang bị ô nhiễm trầm trọng, mà nguyên nhân chính là do ý thức của con người trong sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chưa qua xử lý đã đổ thẳng ra ngoài môi trường khiến việc khan hiếm nguồn nước ngọt đã và gây ra hậu quả ô nhiễm nguồn nước vô cùng nghiêm trọng.[3]

Theo thống kê, mỗi năm có đến 9.000 người chết vì ô nhiễm nguồn nước, và phát hiện 100.000 trường hợp ung thư mỗi năm, mà nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Khảo sát 37 xã mang tên “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư[4]

Ô nhiễm không khí:

Theo thống kê của WHO, 93% người dưới 15 tuổi (khoảng 1.8 tỷ thanh thiếu niên và trẻ em) đang phải hít thở khí độc hại mỗi ngày. 10% trẻ em dưới 5 tuổi nhiễm trùng đường hô hấp và tử vong sau đó. Trong năm 2016, lượng khí độc này đã giết chết 600.000 trẻ em. WHO cũng ước tính mỗi năm có 7 triệu người chết sớm do sự kết hợp của AAP và HAP. Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất.[5] 

 Tình trạng đói nghèo của con người:

Nhân Ngày Lương thực thế giới (16-10) và Ngày Quốc tế xóa nghèo (17-10), các cơ quan của Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Bởi trong khi nhiều quốc gia có mức sống ngày càng phát triển, thì một phần khác của thế giới là châu Phi lại đang đứng bên bờ vực nghèo đói.

“Đồng hồ đói nghèo thế giới” (World Poverty Clock), đó là tên trang web thống kê về tình trạng nghèo đói trên thế giới do Cơ quan thống kê quốc tế World Data Lab xây dựng. Theo số liệu của trang web này, trong số 7,6 tỷ người trên thế giới hiện nay, có hơn 631,8 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực, là những người có thu nhập dưới 3,2 USD/ngày. Tuy mỗi ngày có hơn 56.000 người thoát khỏi tình trạng trên, song cũng có thêm hơn 11.000 người khác rơi xuống ngưỡng nghèo cùng cực.

Theo Liên Hiệp Quốc, năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp thế giới chứng kiến sự gia tăng của nạn đói và số người suy dinh dưỡng. Khoảng 11% dân số thế giới, tương đương 821 triệu người, đang thiếu ăn trầm trọng.[6]

Tình trạng đói nghèo và suy dinh dưỡng trên toàn cầu đã lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đây là cảnh báo được đưa ra tại hội nghị toàn cầu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cùng Viện nghiên cứu Chính sách về lương thực quốc tế phối hợp tổ chức tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.[7]

  1. Hoạt động để canh tân sứ vụ

Khi nhìn vào những thực trạng trên, chúng ta cảm thấy đau lòng trước những gì đã và đang xảy ra cho thế giới hôm nay. Từ sâu trong tâm hồn mỗi người đều mong ước cho tình hình thế giới được thay đổi, và tất cả cùng chung tay góp sức để làm cho trái đất mỗi ngày một tốt hơn. Thế nhưng thực tế lại cho thấy mọi sự cũng chẳng thay đổi gì. Vậy chúng ta sẽ lấy động lực nào để canh tân việc bảo vệ môi sinh?

Hãy đặt Đức Kitô làm trung tâm của lẽ sống để sống với niềm vui trong sự xác tín rằng: Thiên Chúa yêu chúng ta cách riêng. Ngài làm cho chúng ta được biến đổi trong cả sự sống siêu nhiên và sự sống tự nhiên. Từ nơi Ngài, chúng ta kín múc được nguồn sức mạnh giúp can đảm đi đến những vùng ngoại ô của cuộc đời để thi hành sứ vụ chứng tá của tình yêu và sự tha thứ.

Chúng ta cũng hãy nhìn vào mẫu gương của Đức Giêsu Kitô. Ngài là Con Một của Đấng tạo dựng muôn loài. Vậy mà khi xuống trần thế đã trở nên một người nghèo, để minh chứng rằng trong trái tim của Thiên Chúa luôn có một chỗ đặc biệt cho người nghèo[8]. Chúng ta được mời gọi chọn nếp sống nghèo để được chạm vào thân xác đau khổ của Ngài qua việc chia sẻ cuộc sống với những người nghèo khổ. Chính nếp sống nghèo của niềm tin thực sự sẽ giúp ta biết trân quý, gìn giữ bảo vệ những hồng ân đã được Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không như: bầu không khí, nguồn nước, thực phẩm…

Trong cộng đoàn dòng tu hay giáo xứ, mỗi người chúng ta hãy cùng xây dựng bầu khí yêu thương hiệp nhất, vì từ vẻ đẹp xuất phát nơi tâm hồn tràn đầy đức ái sẽ khơi lên tình yêu thương đối với những cảnh vật, môi trường và con người quanh ta. Hãy làm cho bầu khí cộng đoàn và giáo xứ trở thành bầu khí “xanh – sạch – đẹp” của tình huynh đệ.

Đứng trước thực trạng của thời đại hôm nay, khi mà trái đất đang bị đe dọa bởi các vấn đề môi sinh thì thông điệp Laudato Si như một lời mời gọi khẩn thiết để chúng ta cùng cộng tác và chia sẻ chung những thao thức của Giáo Hội trong vấn đề bảo vệ môi sinh. Cải thiện lớn để làm thay đổi thế giới thì khó, nhưng cải thiện nhỏ với ý thức nỗ lực và trung thành thì chúng ta có thể làm được ngay trong những hành động nhỏ của cuộc sống. Hãy cùng nhau góp sức qua từng hành động thiết thực để làm cho trái đất mỗi ngày một tốt hơn.

Nt. Anna Thanh Trang

[1] Đức Giáo Hoàng Phanxico, Thông điệp Laudato Si, số 160

[2] Sáng Thế 1-2

[3] https://vietchem.com.vn/tin-tuc/hau-qua-o-nhiem-nguon-nuoc.html

[4] Nguồn: www.doisongphapluat.com/tin-lienquan/cong-bo-10-lang-ung-thu-co-nguon-nuoc-o-nhiem-nang-nhat-o-viet-nam-81945.html

[5] https://litteritcostsyou.org/o-nhiem-khong-khi/

[6]http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-hosotulieu/item/38011902-cuoc-chien-chong-doi-ngheo.html. Thứ tư, 24/10/2018 –

[7]https://vtv.vn/the-gioi/tinh-trang-doi-ngheo-tren-toan-cau-cao-nhat-trong-10-nam-20181130064740822.htmThứ sáu, ngày 30/11/2018 07:05 GMT+7

[8] 2Cr 8,9