Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Quảng đại và chờ đợi

 

Chúa Giêsu bỏ đám đông đang nghe Người tại điểm này và cùng với các môn đệ về nhà, nơi xuất phát (13, 1) để rồi Người dành thời gian để giảng dạy cho các môn đệ. Đời môn đệ là như vậy: suốt đời, họ phải học với “vị thầy duy nhất” là Đức Giêsu (23, 8). Tác giả gọi bài này là “dụ ngôn các Cỏ lùng trong ruộng” vì bài học nhắm vào điểm này.

Ta thấy Chúa Giêsu đã giải nghĩa từng hình ảnh một . Danh mục ở cc. 37-39 chuẩn bị cho phần áp dụng ở cc. 40-43. Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Đến c. 41, ta thấy Con Người chính là vị Thẩm phán trần gian. Người nắm trong tay không những công việc gieo giống, mà cả việc thu hoạch và như thế là toàn thể lịch sử thế giới.

Trong Tin Mừng Matthêu, Con Người là Chúa tể xét xử, Người tháp tùng Hội Thánh suốt hành trình xuyên qua tình trạng cô đơn, đau khổ, để đi đến sự sống lại. Ruộng là thế gian (chứ không phải là Hội Thánh; Hội Thánh luôn hiện hữu chỉ trong sứ mạng truyền giáo cho thế gian). Hạt giống tốt là con cái Nước Trời (x. 8,12). Chúng ta không biết chính xác “con cái Nước Trời” là ai, nhưng toàn thể Tin Mừng Matthêu cho thấy làm thế nào, thay vì dân Israel, “Dân ngoại” mang hoa trái (x. 21,43) sẽ trở thành “con cái Nước Trời”. Các cỏ lùng là “con cái Ác Thần”. Kẻ thù là ma quỷ, nó vẫn đang hoạt động, như ở 13,19, trong lúc này. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần của cuộc phán xét.

Đức Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã vâng lời Thiên Chúa xuống thế mặc nhân tính sinh ra làm người ở giữa loài người với sứ mạng là dùng lời giảng dậy và cách sống thánh thiện như hạt giống gieo vào thế gian để cải hoá loài người. Để mỗi người được sống xứng đáng thiên chức là con cái Thiên Chúa.

Nhưng quỷ dữ, phần vì muốn phá việc Thiên Chúa, phần không muốn cho loài người được hạnh phúc, nên dùng mọi thứ đam mê theo thú tính, cũng như tiền bạc, mà gieo vào giữa cộng đoàn dân Chúa, những gương mù dịp tội để làm hư hoại con người.

Thiên Chúa có thể huỷ diệt mọi điều ác hại để phá tan gương mù dịp tội, nhưng làm như thế người lành cũng phải lây oan.

Trong cuộc sống trần thế này, vẫn còn tình trạng gần kề, chưa tách biệt, điều đó không có nghĩa là hoàn cảnh này sẽ kéo dài mãi, là làm tốt làm xấu thì cũng như nhau! Chúa Giêsu cho biết, số phận của người lành kẻ dữ sau này sẽ hoàn toàn khác nhau. Những người tốt, vì đã ra sức thi hành ý muốn của Thiên Chúa, sẽ được đón vào trong Nước Trời và thuộc về gia đình Thiên Chúa, sẽ được Ngài nhìn nhận là con cái (5, 9). Họ sẽ được sống trong ánh sáng và niềm vui chan hòa; chính họ cũng sẽ chói chan hạnh phúc. Những kẻ khác, vì đã không quan tâm đến thánh ý Thiên Chúa, đã đi theo tính ích kỷ và còn muốn lôi kéo người thân cận theo, sẽ bị loại khỏi cộng đoàn này.        

Dụ ngôn Cỏ lùng là một tấn kịch có hai cảnh. Cảnh thứ nhất diễn ra hai nhân vật và hành động đối lập: Trên cùng một mảnh đất, ông chủ và kẻ thù đã gieo hai loại giống khác nhau, lúa tốt và cỏ lùng là loại cỏ ăn hại. Cảnh thứ hai mở ra với sự can thiệp của các đầy tớ: Họ hỏi một  câu hỏi thừa là chẳng lẽ ông chủ lại không gieo giống tốt, mà như vậy thì do đâu có cỏ lùng. Câu hỏi không cần thiết, nhất là bởi vì họ không hỏi vì sao có quá nhiều cỏ lùng như thế.

Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu ý nghĩa bài dụ ngôn cỏ lùng : hạt giống tốt là con cái Nước Trời, cỏ lùng là nô lệ ác thần. Chúa nhấn mạnh đến ngày tận thế là mùa gặt, sẽ có việc phân biệt rõ ràng kẻ lành người dữ, và sẽ có thưởng có phạt phân minh. Thế gian nói chung và Hội Thánh nói riêng, vẫn luôn có kẻ lành người dữ, kẻ tốt người xấu sống chung lẫn lộn với nhau. Thiên Chúa không trừng phạt kẻ tội lỗi ở đời nầy, chỉ vì Người khoan dung, kiên nhẫn chờ đợi tội nhân sám hối trở về, để được hưởng ơn tha thứ.

          Trong thế gian có nhiều gương xấu : Có ánh sáng, có nhiều người tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận thế gian có nhiều gương xấu như Chúa Giê-su đã từng nói: “Thế gian cần phải có gương xấu. Nhưng khốn cho ai làm gương xấu”. Hãy nhìn thế giới lộn xộn hôm nay, hãy đọc báo để biết bao nhiêu điều tiêu cực. Và rồi hoạt động của Giáo Hội trong một thế giới nhiều gương xấu : Giáo Hội hiện diện trong thế gian cũng đồng nghĩa là Giáo Hội đi giữa bóng tối tội lỗi. Tuy nhiên, Giáo Hội không được đồng hoá với thế gian mà phải thắp sáng thế gian.

Nhìn vào cuộc sống, ta thấy Thiên Chúa ở trong tình trạng ẩn mình, Ngài không can thiệp cách rõ ràng hiển nhiên. Người ta có thể sống không cần và còn chống lại Ngài mà dường như chẳng phải chịu hậu quả gì. Ngài biến mất hoàn toàn đàng sau các thế lực và các quyền hành đang thống trị sân khấu thế giới và đang can thiệp vào trong đời sống chúng ta cách quyết liệt.

Tất cả tình trạng này vẫn là một chướng kỳ khiến con người khó mà coi trọng Thiên Chúa và tin cậy nơi Ngài. Điều này cũng đúng cho bản thân và công trình của Chúa Giêsu, đúng cho cả cộng đoàn các tín hữu là Hội Thánh. Do bản tính, chúng ta hướng về sự to lớn, sức mạnh, sự hào nhoáng, sự hiển nhiên, sự cao cả, chứ chúng ta không nghiêng về sự chờ đợi, sự kiên trì nhẫn nại. Các giáo huấn của Đức Giêsu hôm nay giúp chúng ta suy nghĩ lại cách suy tưởng và xử sự của chúng ta.

Thiên Chúa không muốn triệt tiêu sự dữ, nghĩa là những kẻ dữ, nhưng muốn họ sống còn và sống chung với những người tốt. Hẳn là Ngài hiểu tính hợp lý trong đề nghị của các đầy tớ, nhưng Ngài đã phải xử sự ngược đời, là vì cỏ lùng sống đan quyện với lúa tốt, nên nếu nhổ cỏ lùng, thì khó tránh được chuyện nhổ cả lúa tốt. Với lại, nếu cỏ lùng không thể thành lúa tốt (về thực vật học), kẻ xấu lại có thể trở thành người tốt (trong đời sống thiêng liêng). Sự hiểu biết và kiên nhẫn của Thiên Chúa là nhằm cứu độ mọi người. Đàng khác, sự xấu và sự thiện đan quyện với nhau tinh vi đến nỗi không dễ gì mà phân tách ra. Thật ra không phải là với những cuộc tiêu diệt mà người ta xây dựng được Nước Thiên Chúa, nhưng là với sự kiên nhẫn và tin tưởng.

Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng. Con cái Nước Trời chính là những hạt giống tốt Chúa gieo xuống mảnh ruộng của Người. Hạt giống tốt sẽ lớn lên theo ngày tháng. Cùng với sự lớn lên của hạt giống tốt ấy cũng có cỏ lùng là con cái của sự dữ do ma quỷ gieo vào. Trong tâm hồn của mỗi người ta cũng luôn có mầm sống của hạt giống tốt và mầm sống của cỏ lùng. Mầm sống của hạt giống tốt là những việc lành phước đức, hy sinh hãm mình. Mầm sống của hạt giống tốt càng mạnh thì mầm sống của cỏ lùng sẽ càng yếu đi.

Chúa Giêsu đến không như một nhà chiến thắng oai hùng, có sức thuyết phục và thống trị mọi người. Con đường Người theo và công trình của Người gây nhiều mệt nhọc. Cái chết của Người trong tình trạng bất lực và bị bỏ rơi dường như cung cấp một dấu chỉ rõ ràng cho thấy Người không đáng giá gì và ta không thể tin cậy nơi Người.

Chúa nói dụ ngôn này để nhắn nhủ chúng ta là con cái Chúa. Hãy biết quảng đại bao dung kẻ mắc tật xấu, nhưng giữ mình đừng lây tật xấu. Trái lại, hãy là ánh sáng cho đời, là muối ướp cho trần gian bằng hi sinh hãm mình, tránh xa điều xấu để có thể ảnh hưởng tiếp cho người lầm lạc biết sám hối trở về. Để ngày tận thế ta được đưa về nước trời như  lúa được đưa vào kho.  Không bị đốt như cỏ lùng.

 

 

939    31-07-2017