Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Sám hối chân thành

 

Sám hối – một từ quá quen thuộc, người ta có thể rất hay nói về nó, có thể dùng nhiều từ hoa mỹ để diễn tả, hoặc đọc kinh để sám hối, hay xưng tội để sám hối…,nhưng lại không hiểu hết ý nghĩa của nó. Vì đã sám hối là phải canh tân, là cuộc sống phải biến đổi. Muốn sám hối người ta phải có lòng khiêm tốn biết mình, nhận ra ân huệ và tình thương Chúa dành cho mình trong cuộc sống, nhận ra tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa và tình thương yêu của Người, nhận ra những sai trái lầm lỗi của mình, thật lòng thống hối và quyết tâm sửa chữa.

Giáo lý nhà phật coi sám hối như là một cách tu luyện để được tái sinh: “Chỉ có sám hối nghiệp chướng của mình thề không tái tạo, mới được vãng sanh…đoạn ác tu thiện mới chính là sám hối.” (văn phát nguyện sám hối). Chúa Giêsu mời gọi sám hối - Ngài đã thiết lập bí tích hòa giải, hay còn gọi là bí tích sám hối như một phương thế để người Kitô hữu có điểm dừng, có hồi tâm xét mình để biết mình, để hoán cải sửa chữa những lầm lỗi. Thế nhưng có được bao người Ki-tô hữu lãnh nhận bí tích hòa giải trong tinh thần sám hối thực sự, hay coi đó chỉ như hành vi đi “đổ rác”, hoặc để giữ luật, hoặc chỉ vì gượng ép…. Vì thế mà tội xưng xong thì “mèo lại vẫn hoàn mèo” - Không có gì đổi mới, không có gì canh tân.

Ta có thể tưởng tượng sự thất vọng của Chúa Giêsu trong những lời Ngài thốt ra: khốn cho ngươi, hỡi Coraxin! Khốn cho ngươi, hỡi Betsaiđa. Lời trách mắng của Chúa Giêsu giống cách của người cha nhân từ sửa dạy những đứa con ngỗ nghịch và cứng lòng không nghe theo lời dạy dỗ của mình. Chúa Giêsu yêu thương tất cả mọi người, Ngài không muốn bất cứ ai phải hư mất, chính vì thế mà Ngài giận dữ và trách mắng những kẻ tội lỗi để họ tỉnh thức và hoán cải để được cứu rỗi.

          Chúa Giêsu cảnh cáo thái độ sống vô ơn của ba thành phố Coraxin, Betsaida và Caphacnaum, họ sẽ bị trừng trị một cách đích đáng. Cả ba thành phố đều là những điểm truyền giáo mà Chúa Giêsu hằng lui tới giảng dạy. Tại đó, Ngài đã làm nhiều phép lạ để minh chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Thế nhưng, ở những nơi đó lại có ít người tin theo Chúa, phần lớn họ tỏ thái độ cứng tin. Chúa Giêsu đã khẳng định nếu các phép lạ được làm tại Tia và Xiđôn, thì dân chúng đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế trong ngày phán xét, đất Xơđôm sẽ được xử khoan hồng hơn.Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa đặc biệt yêu thích những ai có lòng biết ơn và sống khiêm nhường.Những ai tưởng mình sẽ được nâng đến tận trời thì họ lại bị hạ bệ nhục nhã.

Các thành này là những thành đã chứng kiến "phần lớn các phép lạ" Chúa Giêsu làm. Thế nhưng, họ không hối cải. Tại sao? Vì họ kiêu căng nên lòng họ đã khép lại trước những việc Chúa làm nên Chúa đã bỏ họ mà nghĩ tới những kẻ "bé mọn", nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế, trong đoạn tiếp liền sau, Chúa Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa "Vì đã giấu không cho những bậc thông thái biết điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn". (Mt 11,25).

Chúa Giêsu đã đến trần gian loan báo Tin mừng tình thương và Ngài mời gọi con người “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng.” Bản thân Ngài chính là tin mừng cứu độ, là nguồn ơn giải thoát. Để củng cố cho lời rao giảng, Ngài đã thực hiện nhiều phép lạ chữa lành, xoa dịu nỗi khổ đau của chúng sinh. Thế nhưng con người với bản tính ích kỷ, lòng dạ kiêu căng đen tối không đón nhận Tin mừng Ngài đem đến đã khiến Ngài phải nặng lời quở trách: “ "Khốn cho ngươi, hỡi Coraxin! Khốn cho ngươi, hỡi Betsaida! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối….” Coraxin, Betsaida, Caphanaum là những thành phố ven biển hồ Galilê khá phồn thịnh và có trình độ văn hóa; Là những nơi đã in nhiều dấu chân rao giảng của Chúa Giêsu, đã chứng kiến phần lớn những phép lạ người làm. Nhưng có lẽ sự kiêu căng và tự mãn bởi giàu sang và tri thức đã khép lòng họ, khiến họ không thể mở lòng đón nhận Tin mừng của Ngài để sám hối và canh tân.

 Ngay từ thời xa xưa, các Tiên tri trong Cựu ước đã thấy được hiểm họa ấy. Việc chúc dữ các đô thị là một trong những đề tài nổi bật trong lời rao giảng của các Ngài. Sôđômô, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn là đối tượng của những lời rủa xả nặng nề nhất của các tiên tri. Những đô thị này không những là nơi phát sinh những sa đọa luân lý, mà còn là biểu trưng của óc tự mãn, sự tôn thờ ngẫu tượng của con người.

Chúa Giêsu đã lên tiếng chúc dữ một số thành phố, như Coraxin, Betsaida. Cuộc sống vật chất sung túc làm cho con người sa đọa, đồng thời chối bỏ tương quan với Đấng tạo hóa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình; chính trong tương quan với tha nhân mà con người nên thành toàn hơn, do đó gia đình và xã hội là nhân tố thiết yếu cho sự phát triển toàn diện con người.

Coraxin, Betsaida, Caphacnaum đã được nghe biết Tin mừng của Chúa Giêsu, thấy những phép lạ Người làm, nhưng họ không tin, không sám hối, và Đức Giê-su nói rằng họ sẽ bị xét xử nặng hơn Tia và Xiđôn là những thành phố ngoại đạo tội lỗi. Ngày nay Ki-tô hữu chúng ta cũng có rất nhiều cơ hội để nghe và học hỏi Tin mừng của Chúa, đặc biệt qua thánh lễ chúng ta tham dự hằng ngày, hằng tuần; Nhưng lời Chúa có biến đổi cuộc đời ta, có giúp chúng ta sám hối mỗi ngày? Tin và sám hối là hai việc làm đi đôi, là tương quan hai chiều. Tôi chưa sám hối bởi đức tin của tôi yếu kém, đã khô héo hoặc đã chết. Tin vào Chúa Giêsu, vào Tin mừng của Ngài chúng ta không thể tiếp tục ‘đường xưa lối cũ’.

Bi kịch của ba thành phố Coraxin, Betsaida, Caphacnaum cũng sẽ là bi kịch cho thời đại chúng ta, ở VN chúng ta, nếu chúng ta vẫn cứ sống với thái độ dửng dưng thờ ơ với Ơn Chúa ban. Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta ân sủng phong phú dồi dào như những cơn mưa mùa hạ tưới mát ruộng đồng. Thế nhưng chúng ta không biết trân trọng đón nhận và sinh hoa kết trái thiêng liêng. Chúng ta đã làm lãng phí những ân huệ của Thiên Chúa bằng thái độ sống vô ơn. Chúng ta chỉ ích kỷ lo cho riêng mình mà không chịu chia sẻ cho tha nhân. Một khi chúng ta biết đón nhận và tin tưởng vào Thiên Chúa, Người sẽ quảng đại ban nhiều hơn nữa những gì chúng ta cầu xin và mong ước. 

Thật vậy, nếu sám hối thực sự, Kitô hữu sẽ “nên thánh như Cha trên trời là Đấng thánh”. Sám hối làm cho thánh Phê-rô đã từng ba lần chối Chúa được lên tông đồ cả; đã làm cho Madalena – một cô gái điếm trở nên chứng nhân loan báo tin mừng phục sinh đầu tiên, cho thánh Augustinô từng rối đạo, mê lầm trong tội lỗi trở nên người bảo hộ đức tin giáo hội qua tổng luận thần học và được tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh….

 

Sám hối là trở về với Cha, công nhận quyền tối thượng của Người trên cuộc đời mình, sẵn sàng vâng mệnh, thi hành thánh ý của Người trong cuộc sống; là biết nói không với những gì có thể kéo ta xa rời Thiên Chúa. Sám hối là mở rộng tâm hồn mình cho hồng ân Chúa đến như mưa tuôn thấm nhuận làm cho đất khô cằn trở nên phì nhiêu phát sinh hoa thơm trái tốt.

2482    17-07-2017