Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Sám hối và trở về như Lêvi

Thứ Bẩy sau Thứ Tư Lễ Tro


Is 58:9-14; Tv 86:1-2,3-4,5-6; Lc 5:27-32

SÁM HỐI VÀ TRỞ VỀ NHƯ LÊVI

Tin Mừng cho chúng ta thấy khi Chúa Giêsu nhìn thấy Lêvi con ông Alphê, là một quan thuế thành Capharnaum gần bờ hồ Tibêriat đang ngồi tại bàn thu thuế, Chúa đã gọi ông và ông đã sẵn lòng bỏ mọi sự mà đi theo Chúa, qua hành động mau mắn của Lêvi đáp lại lời mời gọi của Chúa, xin Chúa cho chúng con cũng biết mạnh dạn hăng hái chỗi dậy để đáp lại tiếng Chúa kêu mời, như Lêvi xưa khi gặp Chúa Ngài bảo ông: "Hãy đi theo Ta". Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Một hành động dứt khoát, Lêvi không chần chừ bỏ tất cả để đi theo Chúa.

Khi thấy Lêvi bỏ ngang một nghề đang hái ra tiền – nghề thu thuế - thì nhiều người không hiểu nổi! Phải chăng Lêvi là một người điên? Có tìm mọi cách để bênh vực cho Lêvi thì cũng phải kết luận ông là một người liều. Có ai lại dám bỏ một nơi ở chắc chắn, một nghề nghiệp đang hết sức ổn định và thu nhập cao, một cuộc sống sung sướng để đổi lấy một cuộc đời bấp bênh rày đây mai đó“con cáo có hang, con chim có tổ, con người không chỗ tựa đầu”; với túi tiền rỗng tuếch không có lấy một xu “ các con đừng mang theo bao bị hoặc tiền bạc…”; và cuộc sống hoàn toàn không  có gì bảo đảm cho tương lai “Các con đừng lo lắng về ngày mai,  ngày mai hãy để ngày mai lo…”. 

Chỉ có những người liều mới chọn và làm như vậy. Nhưng tại sao Lêvi lại dám liều như thế? Chắc hẳn ông đã thấy gì quý giá hơn mọi cái mà ông đang có. Đó chính là con người Đức Kitô. Lêvi đã tin vào Đức Kitô và niềm tin này làm cho ông liều lĩnh bỏ mọi sự để được làm môn đệ của Ngài.

Là người tín hữu Kitô, tất cả chúng ta đều được Chúa gọi mời tham dự vào chương trình ơn cứu độ của Chúa. Điều hệ trọng ở đây, chúng ta có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa hay không. Ơn gọi ở đây không chỉ dành riêng cho những người sống đời thánh hiến linh mục, giáo sĩ hay tu sĩ, mà Chúa sẽ mời gọi tất cả mọi người tùy theo khả năng, hoàn cảnh, kiến thức để phục vụ Chúa qua Giáo Hội, chẳng hạn với thành phần giáo dân, chúng ta sẵn sàng vâng phục khi được lời mời gọi của Chúa qua Hội Thánh, tích cực tham gia sinh hoạt ban hành giáo, sinh hoạt trong các đoàn thể Công Giáo, hướng dẫn giáo lý cho các dự tòng và các em thiếu nhi vì mục đích làm rạng Thánh Danh Chúa, đem nguồn ân sủng của Chúa đến với mọi người.

Vào thời kỳ Chúa Giêsu, tại đất nước Palestina người dân phải đóng rất nhiều loại thuế: Thuế trực thu, thuế gián thu, thuế đền thờ, các loại thuế và nghĩa vụ khác. Theo các nhà nghiên cứu phỏng định với một gia đình trung bình họ phải chi khoảng một nửa số thu nhập hằng năm để chi vào các loại thuế trên.

Chính vì thế thời đó thu thuế là một nghề mà người dân không có mấy thiện cảm, có thể vì họ nghĩ quan thuế là những tay sai cho đế quốc để bóc lột dân. Lêvi nhận được sự tín nhiệm của Chúa qua lời mời gọi, sau đó ông Lêvi còn mở tiệc linh đình thết đãi Chúa, ông mời bạn bè thân thích của ông cùng làm nghề thu thuế như ông đến dự tiệc. Các người biệt phái và luật sĩ khi nhìn thấy Chúa Giêsu và các môn đệ ngồi ăn chung với giới thu thuế, họ cảm thấy không hài lòng và tỏ thái độ kiêu căng miệt thị "Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?".

Và rồi trong các sách Tin Mừng chúng ta lại thấy Chúa Giêsu có thái độ khác hẳn với nhóm biệt phái và luật sĩ, Chúa lại hay giao tiếp gần gũi với những hạng người mà xã hội khinh bỉ như các quan thuế hay gái điếm, giao tiếp đây không có nghĩa là Chúa Giêsu tán đồng hay khích lệ việc làm sai trái của họ, nhưng Chúa giao tiếp để kêu mời họ ăn năn quay trở về với đường ngay nẻo chính. "Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải".

 Chúa Giêsu trả lời cho họ:  “Những ai mạnh khỏe không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi.  Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hoán cải!”  Ý thức về sứ vụ của mình đã giúp Chúa Giêsu tìm được câu trả lời và cho thấy đường lối của việc loan báo Tin Mừng Thiên Chúa.  Người đến để đoàn kết các dân tộc bị phân tán, tái hòa nhập những người bị hắt hủi, để mặc khải rằng Thiên Chúa không phải là một vị phán quan nghiêm khắc luôn lên án và tống khứ, mà Người là bậc Phụ Mẫu đón nhận và ấp ủ.

Bước vào mùa chay, mùa chay tịnh, mùa ăn năn sám hối,  mỗi người chúng ta hãy tự kiểm điểm lại đời sống của chính mình, xem lại cách sống của bản thân để canh tân lại theo đúng tinh thần giáo huấn của Chúa, nếu cuộc sống chúng ta còn đang trong u mê tăm tối hãy mau mắn hồi tâm quay trở về đường ngay nẻo chính, vì chính tình thương hải hà nơi Thiên Chúa, ngài sẵn sàng dang rộng đôi tay đón nhận sự ăn năn hối cải của các tội nhân, đặc biệt trong năm thánh lòng thương xót Chúa, Giáo Hội kêu mời mọi người cùng hiệp thông để đón nhận ân sủng từ chính lòng thương xót bao la của Người.

Chúa đã nói:"Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi". Thể xác chúng ta đau bệnh đương nhiên là cần đến y bác sĩ để nhờ họ chữa trị, tâm hồn chúng ta cũng vậy, nếu đang sống trong u mê, lầm lạc chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa với tâm tình ăn năn sám hối thật lòng, như trong thư gửi tín hữu Do Thái: "chúng ta lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và với một đức tin trọn vẹn" (Dt 10, 20)

Tổ Phụ Abraham bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đi theo một lời hứa có vẻ như mơ hồ, đến một Moise dẫn dân lang thang trong samạc mà không biết mình đi đâu, về đâu; từ một Maria” liều” thưa xin vâng vì tin vào chương trình của Thiên chúa, đến một Giuse tối mặt thi hành mệnh lệnh trong những giấc mơ… Và  lịch sử Giáo Hội cũng đầy dẫy những con người như thế: đó chính là các vị Thánh, đã sẵn sàng “ liều mất mạng sống mình” vì Đức Kitô. Tất cả đều vì tin nên đã liều. Chúng ta – các Kitô hữu- cũng được mời gọi gia nhập vào hàng ngũ những người liều ấy, khi vì niềm tin, chúng ta sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời để đi theo Đức Kitô và cùng sống chết với Ngài.

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng khoan dung, thương xót, Ngài đến không phải để luận tội nhưng để vạch ra cho chúng ta thấy thân phận yếu hèn, tội lổi của mình mà khiêm tốn thống hối,  mà hoán cải để được ơn tha thứ.

Mùa chay là mùa sám hối, mà sám hối không chỉ có nghĩa là trở về với Chúa mà còn là giao hòa với tha nhân nữa. Xin Chúa cho chúng ta sức mạnh nội lực để chúng con can đảm mau mắn đứng dậy trở về với Chúa trong kinh nguyện, sám hối và điều chỉnh lại quan hệ của chúng ta với tha nhân, càng sống quảng đại, càng trao ban nhưng không, chúng ta càng cảm nhận được ơn nhưng không của Thiên Chúa.

 

 

1633    14-02-2018