Sidebar

Thứ Sáu
10.05.2024

Hạnh Thánh Tháng 8_phần 1

THÁNH AN-PHONG MA-RI-A LI-GÔ-RI
Giám Mục Tiến Sĩ

Gương Thánh nhân: Thánh An-phong Li-gô-ri sinh năm 1696, tại Ma-ri-men-la, nước Ý.

Lớn lên, thánh nhân theo học môn luật. Nhờ trí thông minh tài giỏi, năm lên 16 tuổi, ngài đã đậu bằng Tiến sĩ luật phần đời cũng như phần đạo, và trở thành luật sư nổi tiếng. Trong suốt 10 năm hành nghề, ngài sống xứng danh là Ki-tô hữu hoàn hảo. Nhưng một hôm vào năm 1783, ngài đã thất bại nặng trong một cuộc biện hộ, khiến cho ngài chán nản bỏ nghề luật sư. Ngài suy nghĩ và cho đây là dịp Thiên Chúa kêu gọi ngài. Khi đó ngài thốt lên: - Hỡi thế gian, ta đã biết rõ ngươi rồi. Ngươi là phù vân giả tạo. Từ đây ngươi không còn gặp được ta nữa.

Từ đó, thánh nhân từ bỏ thế gian, dâng mình cho Chúa, theo học thần học Kinh Thánh và tập rèn đức hạnh. Ba năm sau, ngài thụ phong Linh mục. Ngài sốt sắng lo cho phần rỗi linh hồn mọi người, đặc biệt ngài chuyên cần rao giảng Lời Chúa cho dân chúng ở miền quê, nhất là những người thuộc tầng lớp thấp hèn. Và ngài thường giảng về lòng yêu mến Chúa Ki-tô. Ngài nói: "Tất cả sự thánh thiện và trọn lành trong lòng nằm nơi việc yêu mến Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta, là sự thiện tuyệt đối, và là Đấng Cứu chuộc chúng ta. Vì chính lòng yêu mến sẽ tập trung và bảo toàn được mọi nhân đức làm cho con người nên trọn lành".

"Thiên Chúa lại chẳng đáng chúng ta đem hết lòng yêu mến sao? Từ đời đời Người đã yêu ta. Người như nói với ta rằng: "Hỡi con, con nên biết: chính Ta đã yêu con trước, ngay trước khi con chào đời, và ngay cả trước khi có vũ trụ, Ta đã yêu con. Ta yêu con ngay tự khi Ta hiện hữu".

"Thiên Chúa biết rằng ân huệ dễ làm con người xiêu lòng, nên Người muốn dùng các ân ban của Người để buộc con người mến Người. "Con người dễ bị bắt bằng thứ lưới nào thì Ta muốn bắt họ bằng thứ lưới đó để họ yêu mến Ta, và đó chính là dây ràng buộc tình yêu". Mọi ơn Người ban cho ta đều nhằm mục đích đó...

"Nhưng không phải Người chỉ muốn ban cho ta những sự đẹp đẽ đó mà thôi; để kéo lòng ta lại yêu mến Người, Người còn đi đến chỗ ban chính Con của Người cho ta: Chúa Cha vĩnh cửu đã đi đến chỗ ban chính Con Một của Người cho ta. Quả vậy, khi thấy mọi người chúng ta đã chết trong tội lỗi và thiếu hẳn ân sủng của Người thì Người đã làm gì? Đúng như lời thánh Tông đồ nói, Người đã động lòng thương ta quá đỗi, đã sai Con yêu dấu của Người xuống thế đền tội cho ta, và kêu gọi ta trở về sự sống mà tội lỗi đã lấy mất".
Chính trong thời gian nầy, thánh nhân được ơn Chúa soi sáng; ngài quyết định thành lập một tu hội, để có người cộng tác trong việc truyền giáo, đó là Dòng Chúa Cứu Thế do ngài sáng lập tại Sca-la năm 1732.

Nhưng cha ngài cũng như các bạn hữu tìm đủ cách phê bình chống phá, khiến cho hội dòng phải một phen phân rẻ. Riêng thánh nhân vẫn luôn kiên trì chịu đựng và tin tưởng trông cậy Chúa. Không trở ngại nào có thể làm lung lay lòng nhiệt thành của ngài. Nhờ đó, hội dòng dần dần được khôi phục lại và phát triển mạnh mẽ. Năm 1749, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô thứ 14 đã chuẩn nhận hội dòng của Ngài.

Ngoài ra, việc lo cho hội dòng và truyền giáo, thánh nhân còn viết nhiều sách hướng dẫn về tu đức, thần học, luân lý. Trong những năm cuối cùng, ngài phải chịu nhiều đau khổ phần xác lẫn tinh thần. Ngài qua đời ngày 1 tháng 8 năm 1787, được tôn phong Hiển thánh năm 1839 và Tiến sĩ Hội thánh năm 1871.

Quyết tâm: Sẵn lòng chịu mọi sự gian nan khốn khổ vì Chúa, để hiệp cùng sự thương khó Chúa Giê-su mà cứu rỗi linh hồn mình và mọi người, theo gương thánh An-phong Li-gô-ri.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa không ngừng ban cho Giáo hội những khuôn mẫu luôn luôn mới của đời sống Kitô hữu. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh Giám mục An-phong mà nhiệt thành cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, để mai sau được Chúa ân thưởng cùng với thánh nhân.

THÁNH BÊ-NA-ĐÔ VŨ VĂN DUỆ
VÀ ĐA-MINH NGUYỄN VĂN HẠNH
Linh Mục Tử Đạo

Gương Thánh nhân: Xưa thánh Phao-lô tông đồ đã sẵn sàng chịu đọa đày, tù ngục, đòn vọt, để bù đắp vào các cực hình của Chúa Giê-su trong công trình cứu chuộc. Các thánh tử đạo Việt Nam Bê-na-đô Duệ và Đa-minh Hạnh ngày nay cũng tình nguyện hy sinh chịu khổ thật nhiều, để hợp cùng sự thương khó Chúa cứu rỗi linh hồn mình, và linh hồn anh em đồng bào đồng đạo.

Lúc bị bắt giam trong ngục, vị Linh mục 63 tuổi Bê-na-đô Duệ đã tự nguyện ăn chay nằm đất, chịu giột mưa ướt lạnh cũng như cha Đa-minh Hạnh sau khi bị đánh 30 roi còn nói: - Làm quan lớn mà bất công, bắt một bên mông chịu cả 30 roi, còn mông bên kia chẳng có roi nào hết...

Ý cha còn muốn chịu đánh đòn thêm nữa, để hãm mình lập công, như Chúa Giê-su bảo: Khi người ta vả má bên nầy, hãy đưa má bên kia nữa. Và như thánh Lô-ren-sô khi bị nướng trên giường sắt, đã nói với lý hình: Bên nầy chín rồi, trở qua bên kia đi...

Bê-na-đô Vũ Văn Duệ sinh năm 1755 tại Quần Anh hạ, tỉnh Nam Định. Cậu đã được Chúa gọi dâng mình cho Chúa ngay từ nhỏ, và lo học hành tu luyện làm Linh mục, vì tình hình bắt đạo khó khăn làm gián đoạn việc tu học.

Sau khi chịu chức Linh mục, cha Bê-na-đô đã đem hết khả năng phục vụ Hội thánh và các linh hồn. Trong suốt 37 năm liền, cha tận tụy hy sinh lo cho con chiên bổn đạo và rao truyền đạo Chúa cho lương dân. Kết quả thật khả quan: nhiều người ngoại giáo nhận lãnh đức tin, các tín hữu sống đạo thờ Chúa ngày càng sốt sắng. Kết quả đó là do lời giảng dạy, nhất là nhờ cha tự nguyện hy sinh hãm mình, sống khắc khổ hằng ngày, như thánh nữ Tê-rê-sa Giê-su Hài Đồng nhờ hãm mình chịu khó mà đem nhiều người trở về với Chúa không thua gì thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e.

Lúc cha 77 tuổi, Đức Cha thấy cha già yếu bệnh hoạn thì cho hưu trí tại xứ Trung Lễ. Dù vậy, hằng ngày cha vẫn dâng sự đau yếu và lời cầu nguyện cho công cuộc mở mang Nước Chúa. Đặc biệt cha ước muốn chịu chết đổ máu ra để chịu khổ chịu cực vì Chúa hơn nữa. Nhất là từ ngày 28 tháng 05 năm 1838, khi nghe tin Đức Cha Y bị bắt, cha nôn nóng muốn được tử đạo với vị Giám mục của mình. Lúc đó cha đã 83 tuổi, vừa mù vừa điếc, vậy mà cứ kêu lớn tiếng, tự xưng mình là Linh mục, cố ý cho quân lính đến bắt. Giáo hữu ngăn cản mãi không được, buộc lòng đem cha đến ở trong trại cùi ngoài đồng vắng, là nơi quân lính ít lui tới. Nhưng chẳng may ngày 04 tháng 07 năm 1838 đang lúc cha lớn tiếng xưng hô mình là Linh mục, một toán lính đi ngang qua đó. Họ nghe tiếng cha nói liền ghé vào bắt cha, giải về tỉnh Nam Định.

Quan tổng trấn thấy cha già yếu bệnh tật, không đánh đập tra tấn, nhưng bảo bước qua thập giá rồi cho về. Điều đó chắc chắn cha không bao giờ làm, vì cha đã muốn chịu khổ chịu chết vì Chúa. Thế nên quan bắt cha mang gông, giam vào ngục. Ở đây, cha gặp Linh mục Đa-minh Hạnh cũng bị giam chung. Hằng ngày cha tự nguyện hãm mình, ăn chay, nằm đất, chịu giột mưa lạnh lẽo để lập công nghiệp.

Sau một thời gian, quan thấy không lung lay nổi lòng tin sắt đá của cha nên làm án gởi về kinh. Và ngày 01 tháng 08, cha được điệu ra pháp trường Bảy Mẫu, chịu chém chết vì Chúa...

Đa-minh Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1772 tại làng Năng A, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Công giáo đạo đức. Nhờ đó, ngay từ nhỏ cậu đã ước muốn đi tu làm Linh mục rao giảng đạo Chúa, nên cha mẹ trình lên Đức Cha Y, và được ngài nhận giao cho cha Liên hướng dẫn huấn luyện. Sau khi học xong thần học, thầy Hạnh được lãnh chức Linh mục và đi giúp các họ đạo.

Lúc đó, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ bắt đạo gắt gao. Cha phải ẩn lánh rày đây mai đó, âm thầm lén lút làm việc tông đồ. Nhiều khi phải trốn chui trốn nhủi nhịn đói chịu khát mấy ngày liền, nhưng cha không ngã lòng nản chí, vẫn nhiệt thành tận tụy chăm sóc đoàn chiên, thăm viếng người bệnh tật, nâng đỡ khuyến khích kẻ yếu đuối nhát đảm. Nơi nào giáo dân cần lãnh nhận Bí tích hoặc an ủi khích lệ, cha đều hy sinh len lỏi đến đó, bất chấp nguy hiểm khổ cực.

Năm 1838, cha đang giúp giáo dân ở Quần Anh Hạ, thì quan quân kéo đến truy lùng bắt bớ dữ dội. Thấy tình thế nguy kịch, cha định lánh sang làng Trung Thành ẩn náu, đồng thời chăm sóc số tín hữu ở đó. Có hai người ở Quần Anh tình nguyện đưa cha đến nơi trú ẩn an toàn. Cha tin lời đi theo họ, không ngờ họ lại là những tên Giu-đa phản bội. Vì tham tiền, họ đã nộp cha cho quan để lãnh thưởng. Đúng là thời nào nơi nào cũng có kẻ tham lam, phản bạn, hại thầy...

Ngày 07 tháng 07, cha bị giải về Nam Định, giam chung với cha Bê-na-đô Vũ Văn Duệ, một Linh mục đã 83 tuổi vừa bị bắt trước mấy ngày. Trong thời gian giam giữ ở đây, nhiều lần cha bị tra tấn hành hạ, buộc đạp lên Thánh giá; nhưng cha luôn cương quyết từ khước nên bị đánh đập dữ dội. Có lần quan đưa ra một ảnh Đức Mẹ, yêu cầu cha đạp lên thay vì Thập giá, cha liền cầm lấy ảnh Mẹ hôn kính. Quan nổi giận cho đánh cha 100 roi. Lần khác, sau khi bị đánh 30 roi, cha trách quan không công bằng, không đánh thêm cho đủ hai bên mông. Ý muốn nói lên lòng còn mong ước được chịu nhiều hình khổ hơn nữa, để thông phần sự thương khó Chúa Giê-su, cứu rỗi linh hồn mọi người.

Thấy không cách nào làm cho cha bỏ đạo, quan kết án trảm quyết gởi về kinh, và vua Minh Mạng đã châu phê. Ngày 01 tháng 08 năm 1838, vị anh hùng đức tin Đa-minh Hạnh đã chịu chém chết vì Chúa với cha già Bê-na-đô Duệ, tại pháp trường Bảy Mẫu.

Đức Thánh Cha Lê-ô 13 đã tôn Chân Phước cho hai cha ngày 27 tháng 05 năm 1900. Và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 đã suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương các thánh Bê-na-đô Duệ và Đa-minh Hạnh Linh mục tử đạo, hằng ngày chịu khó hy sinh hãm mình, và tình nguyện chịu thật nhiều gian lao đau khổ, để thông phần việc cứu rỗi với Chúa Giê-su.

Lời nguyện: Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.

Ngày 2 tháng 8
THÁNH ÊU-SÊ-BI-Ô VÊ-SEN-LI
Giám Mục

Gương Thánh nhân: Thánh Êu-sê-bi-ô sinh tại Sác-đai-na, nước Ý, trong một gia đình đạo đức. Cha ngài đã chịu chết vì đạo dưới thời hoàng đế Đi-ô-lê-ti-a-nô bách hại.

Thánh nhân được mẹ chăm sóc luyện tập đức hạnh ngay từ nhỏ. Lớn lên, ngài dâng mình cho Chúa, được nhập hàng giáo sĩ, và đến giúp tại Vê-sen-li. Năm 345, ngài được Đức Giáo Hoàng phong làm Giám mục tiên khởi của giáo phận nầy. Công việc trước tiên ngài thực hiện là đào tạo Linh mục, nhất là những Linh mục thánh thiện, để phụ giúp ngài chăm sóc đoàn chiên.

Công cuộc huấn luyện hàng giáo sĩ đang trên đà phát triển, thì năm 350 bè rối A-ri-ô nổi dậy chống phá Hội thánh. Họ được hoàng đế Công-tăn-tin bảo trợ, nên bành trướng nhanh chóng mạnh mẽ. Nhà vua triệu tập Công đồng Mi-lăn năm 355, bắt ép các Giám mục phải tuân phục quyền ông ta. Ai bất tuân sẽ bị lưu đày.

Thánh nhân cùng với một số Giám mục không chịu vâng phục hoàng đế nên đã bị đày đi Pa-lết-ti-na, rồi sang Cấp-pa-đô-si, mãi đến Ai-cập. Trong thời gian lưu đày, ngài phải chịu nhiều hình khổ, bị giam trong ngục tối, bị đói khát ngược đãi... Nhưng ngài luôn sẵn sàng chịu gian khổ vì Chúa. Và trong lúc chịu hình khổ, ngài vẫn nhớ đến đoàn chiên. Ngài viết thơ cho họ: "Anh em thân mến, tôi vui mầng vì đức tin của anh em, tôi vui mầng vì sự cứu rỗi kèm theo đức tin ấy, tôi vui mầng vì thành quả anh em đã đạt được không phải chỉ nơi anh em, mà còn ở xa nữa. Như người nông dân đem cây tốt ghép vào cho cây có trái nên nó không bị rìu đốn đi hay bị lửa đốt cháy, chúng tôi cũng muốn và ao ước không những đem thân xác mà phục vụ sự nên thánh của anh em mà còn muốn hiến cả linh hồn cho phần rỗi anh em nữa.

"Đàng khác chúng tôi đã viết bức thư nầy khá khó khăn, phải luôn cầu xin Chúa cầm chân bọn lính canh lại, và để Chúa thương cho thầy phó tế có thể mang tin tức về những sự vất vả khổ sở của chúng tôi, hơn là chỉ chuyển đến cho anh em một vài câu chào hỏi thông thường. Thế nên tôi tha thiết xin anh em hằng tỉnh thức gìn giữ đức tin, hãy duy trì sự hoà thuận, hãy chuyên cần cầu nguyện, hãy nhớ đến chúng tôi không ngừng, để Chúa thương giải cứu Hội thánh của Người đang vất vả ở khắp thế gian, và để chúng tôi hiện đang khổ cực có ngày được tự do vui mầng với anh em...

"Vậy trong thư nầy, tôi kêu gọi anh em, mọi chị em, mọi con trai con gái của tôi, mọi phái, mọi tuổi đã nhận lời kính thăm của tôi trong thư nầy thì cũng chuyển lời đến đó tất cả những người ở ngoài Hội thánh có lòng thương yêu chúng ta nữa".

Mãi đến năm 363, sau khi hoàng đế Công-tăn-tin băng hà, thánh nhân mới được trở về giáo phận. Ngài được đón tiếp nồng nhiệt như một vị anh hùng tử đạo. Và ngài tiếp tục hy sinh phục vụ đoàn chiên đến năm 371 thì qua đời.

Quyết tâm: Noi gương thánh Êu-sê-bi-ô, tôi vâng lời Chúa hơn vâng lời vua quan thế gian, dù có gian khổ chết chóc cũng chẳng sờn chẳng sợ.

Lời nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng noi gương can đảm của thánh Giám mục Êu-sê-bi-ô mà tuyên xưng Đức Ki-tô là Thiên Chúa, để khi giữ đức tin thánh nhân đã rao truyền, chúng con được tham dự vào sự sống của Đức Ki-tô Con Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Ngày 4 tháng 8
THÁNH GIO-AN MA-RI-A VEN-NÂY
Linh Mục

Gương Thánh nhân: Một con người học kém, đơn sơ, khiêm tốn đã trở nên thánh đặc biệt, đó chính là thánh Gio-an Ma-ri-a Ven-nây. Ngài sinh tại Đa-đi-di, nước Pháp, năm 1786 trong một gia đình nông dân nghèo khó nhưng rất đạo đức.

Vì nghèo nên lúc nhỏ thánh nhân phải làm việc giúp đỡ cha mẹ, không được học hành như các trẻ khác. Nhưng nhờ cha mẹ tập rèn, ngài trổi vượt hết các trẻ đồng lứa tuổi về đạo hạnh, về lòng tôn sùng Đức Mẹ và thương giúp kẻ nghèo.

Mãi đến năm lên 18 tuổi, thánh nhân mới học đọc học viết. Và vì ngài muốn làm Linh mục, nên được cha Ben-lây là cha sở họ đạo gần bên dạy dỗ. Nhưng phần vì lớn tuổi, phần vì kém trí, ngài học chưa được bao nhiêu, tháng 05 năm 1809, ngài lại đến tuổi phải nhập ngũ tòng quân. Chẳng may ngài ngã bệnh, nên được giải ngũ, trở về tiếp tục học tập trong chủng viện. Và năm 1815, mặc dầu sức học ngài còn rất kém, nhưng vì thấy ngài đạo đức thánh thiện, nên được Đức Giám mục cho chịu chức Linh mục.

Thánh nhân được sai đến làm phó cha Ben-lây 2 năm và sau đó được cử đi làm cha sở họ Ạt-sơ, là một họ nhỏ, nghèo nàn, nguội lạnh, bê bối... Vừa bước chân đến họ mới, cha vào thẳng nhà thờ cầu nguyện, kêu xin Chúa giúp chu toàn bổn phận, cho bổn đạo biết lo thành tâm hối cải, siêng năng sốt sắng thờ phượng Chúa.

Sống giữa đoàn chiên, thánh nhân luôn nêu gương khiêm tốn, hãm mình, cầu nguyện. Mỗi sáng sớm, lúc mọi người còn yên giấc, ngài đã có mặt trong nhà thờ, quỳ trước nhà tạm thầm thì với Chúa Thánh Thể. Ngài ăn uống kham khổ, sống đơn sơ nhiệm nhặt, có ý hãm mình hy sinh dâng lên Chúa, để kêu xin Chúa cho đoàn chiên ngài biết lo cải thiện đời sống.

Và Chúa đã nhậm lời Ngài. Giáo dân lần lần trở lại sốt sắng nhiệt thành; những người trước đây trễ nãi bỏ đạo, nay ăn năn quay về với Chúa. Thánh lễ ngày càng đông người tham dự, toà giải tội lúc nào cũng có kẻ đợi chờ, chẳng những bổn đạo trong họ mà rất nhiều người từ các xứ đạo gần xa tuôn đến. Từ năm 1830 trở đi, mỗi năm có hằng trăm ngàn người đến nhờ ngài hướng dẫn đàng thiêng liêng nhân đức và xưng tội với ngài. Ngài dạy dỗ khuyên bảo họ:

"Các con thân mến, kho tàng của người Kitô hữu không phải ở dưới đất, nhưng ở trên trời; thế nên tâm trí ta phải đi đến chỗ để kho tàng của ta.

"Con người có phận sự cao đẹp là cầu nguyện và yêu mến. Các con mà cầu nguyện và yêu mến thì đó là hạnh phúc con người ở dưới đất nầy!

"Lời nguyện không gì khác hơn là việc kết hợp với Chúa. Khi người ta có tâm hồn trong sạch và kết hợp với Chúa, thì họ cảm thấy ở nơi mình có một thứ hương thơm, một cái gì êm ái làm ngây ngất, một thứ ánh sáng lạ lùng bao bọc. Trong cuộc kết hợp mật thiết nầy, Chúa và linh hồn giống như hai miếng sáp chảy hoà sang nhau, không phân cách được nữa. Việc kết hợp giữa Chúa và tạo vật bé bỏng của Người là một cái gì đẹp đẽ. Đó là một hạnh phúc không thể nào hiểu được".

Hằng ngày Thánh nhân phải thức dậy từ 1 giờ sáng và ngồi toà giải tội từ 16 đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ngài chôn mình nơi toà giải tội đến kiệt sức mỏi mòn, và qua đời ngày 4 tháng 8 năm 1859, Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 11 đã phong thánh cho ngài và chọn ngài làm bổn mạng các cha sở.

Quyết tâm: Hằng ngày cầu nguyện kêu xin Chúa ban cho nhiều Linh mục nhân đức thánh thiện, và tận tụy hy sinh cho đoàn chiên, để giúp các linh hồn trở về với Chúa, theo gương thánh Gio-an Ma-ri-a Ven-nay.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúa đã làm cho Thánh Linh mục Gio-an Ma-ri-a nên một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử. Vì lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con hằng noi theo lòng bác ái của người mà cố gắng đem nhiều anh em về với Đức Ki-tô, để muôn đời cùng nhau hưởng nguồn vinh phúc.

Ngày 5 tháng 8
CUNG HIẾN ĐỀN THỜ ĐỨC BÀ MA-RI-A

Theo truyền thuyết, dưới thời Đức Giáo Hoàng Li-bê-ri-ô, ở Rô-ma có một người giàu có tên là Gio-an đã lập gia đình từ lâu mà không có con. Đến tuổi già, hai vợ chồng thấy không con hưởng phần gia tài thì định dâng hiến tất cả cho Đức Mẹ. Và họ cầu nguyện xin Đức Mẹ cho biết nên dùng của đó để làm gì, thì đêm mùng 5 tháng 8, họ mơ thấy Đức Mẹ cho biết ý Người muốn lấy của đó xây cất một đền thờ kính Người trên núi Ết-qui-lin, tại chỗ có đầy tuyết phủ. Chính đêm đó, Đức Thánh Cha cũng mơ thấy như thế, nên khi hai ông bà đến trình bày sự việc, Ngài chấp thuận ngay.

Thế là ngay sáng sớm hôm sau, Đức Thánh Cha triệu tập hàng giáo sĩ tại Rô-ma cùng đi với ngài, và hai vợ chồng ông bà Gio-an lên núi Ết-qui-lin. Khi lên đến ngọn núi, mọi người đều thấy có một vùng phủ đầy tuyết, có thể đủ chỗ xây cất một đền thờ rộng lớn, như lời Đức Mẹ nói.

Và Ngôi Thánh Đường dâng kính Đức Mẹ đã được xây dựng tại đó, do tiền của gia đình ông bà Gio-an dâng hiến. Lúc đầu Thánh đường nầy được gọi là Đền Thờ Đức Bà xuống tuyết để ghi nhớ phép lạ trên; về sau gọi là Đền Thờ Đức Bà Máng Cỏ, vì nơi đây lưu giữ máng cỏ lúc Chúa Giê-su sinh ra ở Bê-lem. Máng cỏ Người được đặt trong một cái hộp, để mỗi khi lễ Sinh nhật đến thì đem ra cho mọi người kính viếng.

Đức Giáo Hoàng Xít-tô thứ 3 đã tái thiết ngôi thánh đường nầy, và năm 435 thì cung hiến kính Đức Bà là Mẹ Thiên Chúa, để ghi nhớ Công đồng chung Ê-phê-sô đã công bố Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa vào năm 431, như lời thánh Sy-ri-lô Giám mục A-lê-xăn-tri nói:

"Chúng con kính chào Thánh Mẫu Ma-ri-a là kho tàng đáng kính của tất cả hoàn vũ, là ánh sáng không bao giờ tắt, là triều thiên của sự đồng trinh, là vương trượng của giáo lý chân chính, là đền thờ không bao giờ hư nát, là nơi chứa đựng Đấng không đâu chứa nổi, là mẹ mà vẫn đồng trinh, nhờ Ngài mà trong Tin mừng, Đấng đến nhân danh Thiên Chúa được xưng tụng là diễm phúc.

"Chúng con kính chào Mẹ đã mang trong lòng đồng trinh thánh thiện của Mẹ Đấng vô biên, không đâu chứa nổi; nhờ Mẹ mà Ba Ngôi rất thánh được tôn vinh và thờ lạy; nhờ Mẹ mà cả thế giới chúc tụng và thờ lạy cây thánh giá cao quý; nhờ Mẹ mà các tầng trời vui mầng; nhờ Mẹ mà các thiên thần và các tổng lãnh thiên thần hân hoan; nhờ Mẹ mà ma quỷ bỏ trốn; nhờ Mẹ mà tên cám dỗ đã rớt xuống khỏi trời; nhờ Mẹ mà tạo vật sa ngã được đưa lại về trời; nhờ Mẹ mà toàn thể tạo vật nô lệ tà thần đã nhận biết chân lý; nhờ Mẹ mà kẻ tin đã được thánh tẩy; nhờ Mẹ mà có dầu hân hoan, mà các Hội thánh được xây dựng ở khắp mặt địa cầu, mà các dân tộc được đưa về sự ăn năn thống hối. Con còn phải nói gì nữa? Nhờ Mẹ, Con Một Thiên Chúa đã là ánh sáng chiếu soi cho những kẻ ngồi trong tối tăm và trong bóng tối sự chết; nhờ Mẹ, các tông đồ đã rao giảng ơn cứu độ cho muôn dân; nhờ Mẹ, kẻ chết được sống lại; nhờ Mẹ, vua chúa được cai trị nhân danh Ba Ngôi cực thánh"

Quyết tâm: Hết lòng tin kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, để được Mẹ cầu bàu cùng Chúa cho mọi người được hưởng nhờ ơn cứu rỗi.

Lời nguyện: Lạy Chúa, xin thứ tha tội lỗi, và ban ơn cứu độ cho chúng con, không phải bởi chúng con làm gì nên công trạng, nhưng chính là nhờ lời chuyển cầu của Thánh Mẫu Đức Ki-tô, Con Chúa, Chúa Giê-su, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Ngày 6 tháng 8
CHÚA GIÊ-SU HIỂN DUNG

Thấy các môn đệ đã tin nhận Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, Chúa Giê-su loan báo cho các ông biết; rồi đây Người sẽ vâng lệnh Chúa Cha, lên Giê-ru-sa-lem để chịu nạn chịu chết chuộc tội loài người, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Thánh Phê-rô vì nhiệt tình với Thầy, nên ngăn cản Người. Như thế chứng tỏ các ông chưa nhận thức đúng sứ mạng cứu thế của Người; các ông cứ mơ tưởng Người đến giải phóng khỏi nô lệ đế quốc La-mã, giúp họ chiến thắng các dân tộc láng giềng, làm bá chủ thiên hạ; để rồi các ông được vinh thân phì da, ăn trên ngồi trước mọi người. Thế nên sáu ngày sau, Chúa Giê-su đem Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lên núi Ta-bo, và biến hình sáng láng trước mặt các ông, cho các ông thấy tận mắt vinh quang của Người để củng cố niềm tin cho các ông. Người dạy các ông biết: Người biến hình sáng láng thế nào thì Người cũng sẽ sống lại vinh hiển như thế, sau khi Người chịu nạn chịu chết trên khổ giá. Người phải trải qua cái chết đau khổ, mới được sống lại vinh hiển; Người phải chịu đóng đinh treo trên khổ giá để đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại; và ơn cứu rỗi không phải để giải phóng con người khỏi nô lệ phần xác mà khỏi nô lệ phần hồn, khỏi tội lỗi chết chóc khốn khổ.

Cả ba thánh sử Mát-thêu, Mát-cô và Lu-ca đều thuật lại biến cố biến dạng nầy. Chúng ta hãy nghe thánh Mát-thêu kể lại:

"Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: - Lạy Thầy, chúng con ở đây hay quá! Nếu Ngài muốn, con xin dựng lại đây ba cái lều. Ngài một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a một cái.

Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng:

Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng Lời Người!... (Mt.17, 1-5)

Trong biến cố nầy, có Chúa Ba Ngôi hiện diện: Chúa Cha chứng thực Chúa Giê-su là Con; Chúa Con biến hình sáng láng; Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình đám mây, tấn phong Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế. Như thế không còn nghi ngờ gì được nữa, mà phải tin thật Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa làm người, để chịu chết và sống lại chuộc tội loài người.

Đức Cha A-na-ta-xi-ô, Giám mục Xi-nai đã quảng diễn biến cố biến dạng nầy như sau: "Chúa Giê-su đã tỏ mầu nhiệm nầy cho các môn đệ trên núi Ta-bo...

Chúng ta hãy chạy đến đó, lòng phấn khởi và hân hoan; hãy vào trong mây như Mô-sê và Ê-li-a, hay như Gia-cô-bê và Gio-an. Như Phê-rô, ta hãy ngây ngất trước cảnh Chúa hiện ra, hãy biến hình nhờ cuộc biến hình tuyệt vời của Chúa, hãy thoát tục và rời bỏ mặt đất nầy; hãy bỏ xác thịt, hãy rời tạo vật và quay về với Tạo Hoá, Đấng mà Phê-rô đã thưa trong lúc ngây ngất: Lạy Thầy, chúng ta ở đây tốt quá!...

Đúng lắm, thưa Thánh Phê-rô, chúng ta ở đây với Chúa Giê-su và ở mãi thì tốt quá. Quả vậy, còn gì hạnh phúc, cao cả và quý giá bằng việc được ở cùng Chúa, được nên giống như Người, được ở trong ánh sáng?

Quyết tâm: Tin thật Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa làm người, chịu chết chuộc tội tôi và mọi người. Muốn được sống lại với Người, phải chịu khổ nạn và chịu chết như Người.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Con Chúa biểu lộ dung nhan vinh hiển Người, Chúa đã dùng hai chứng nhân Cựu Ước là ông Mô-sê và ông Ê-li-a để củng cố niềm tin của các tông đồ vào mầu nhiệm cứu độ, và báo trước hồng ân lạ lùng của Chúa sẽ ban là nhận chúng con làm nghĩa tử. Xin cho chúng con nghe lời Con Một Chúa để mai sau chung hưởng gia nghiệp với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Ngày 7 tháng 8
THÁNH XÍT-TÔ 2 GIÁO HOÀNG
VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

Gương Thánh nhân: Thánh Xít-tô lên ngôi Giáo Hoàng năm 257, giữa lúc Hội thánh đang gặp cơn bắt bớ dữ dằn, thời hoàng đế Va-lê-ri-a-nô, nên đã bị giết chết vì đạo cùng với một số các phó tế của ngài, như lời thánh Cýp-ri-a-nô thuật lại sau đây:

"Sự thật là hoàng đế đã gởi lên Thượng viện một sắc lệnh truyền xử tử tức khắc các Giám mục, Linh mục và phó tế; còn đối với nghị viên, công chức cao cấp và kỵ binh Rô-ma thì phải bốc lột hết chức tước, tịch thu tài sản và nếu mất hết tài sản rồi mà họ vẫn cố chấp giữ đạo thì phải trảm quyết liền; phần các bậc mệnh phụ thì tước đoạt tài sản xong sẽ cho họ đi đày; mọi công chức của triều đình, trước đây xưng mình là tín hữu hay bây giờ vẫn còn xưng như thế, thì cũng phải tịch thu tài sản, rồi lập danh sách và trói lại, điệu đến các nơi hoàng triều cương thổ.

"Hoàng đế Va-lê-ri-a-nô còn cho kèm theo sắc lệnh trên, một phó bản bức thư ông gởi đến cho các quan Tổng đốc về chúng tôi. Ngày nay chúng tôi cũng chờ bức thư đó tới, vì chúng tôi đã nhất định đứng vững trong đức tin, sẵn sàng chịu đau khổ và trông đợi lòng Chúa thương xót ban cho được triều thiên sự sống đời đời; quý huynh cũng nên biết rằng Đức Xít-tô đã bị xử nơi một nghĩa địa ngày 6 tháng 8 cùng với 4 phó tế. Hằng ngày ở Rô-ma, quan vẫn tiến hành các cuộc bách hại như vậy: hễ thấy điệu ai tới là họ xử tử liền, và tịch thu tài sản để cho vào công khố".

Thánh nhân bị chém đầu cùng với 4 vị phó tế trong số 7 vị phó tế của ngài, đang lúc ngài dâng Thánh lễ trong một hang toại đạo tại nghĩa trang. Hôm đó là ngày 6 tháng 8 năm 258, trong lúc thánh nhân dâng lễ có đông giáo hữu tham dự, cảnh sát Rô-ma đột ngột xông vào. Ngài tự hiến mình cho họ chém đầu, để giáo dân tẩu thoát. Ngài hy sinh chịu chết để cho đoàn chiên khỏi bị bắt bớ giam cầm, do đó mà mọi người đều tôn kính mến yêu ngài hết lòng. Ngài nêu gương can đảm làm chứng cho Chúa, coi cái chết như cỏ rác, trọng phần phúc thiên đàng hơn cả mạng sống và chức tước danh vọng.

Quyết tâm: Noi gương thánh Giáo Hoàng Xít-tô thứ 2; quý trọng phần phúc thiên đàng hơn tất cả mọi sự ở đời, và sẵn sàng hy sinh chịu khó hết sức để được ơn phước đó.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban thánh Xít-tô và các bạn thí mạng sống mình, để trọn niềm trung thành với Lời Chúa và làm chứng cho Đức Giê-su. Xin dùng quyền năng của Thánh Thần giúp chúng con biết sẵn sàng đón nhận chân lý và can đảm tuyên xưng đức tin.

THÁNH GA-Ê-TA-NÔ
Linh Mục

Hôm nay Hội thánh cũng mầng kính thánh Ga-ê-ta-nô Linh mục.Thánh nhân sinh tại Vi-sen-sô, năm 1448. Ngay từ nhỏ, ngài đã có lòng thương người nghèo đặc biệt. Mỗi lần cha mẹ cho tiền là ngài đem bố thí cho kẻ ăn xin.

Lớn lên, thánh nhân dâng mình cho Chúa. Và năm 1516, ngài thụ phong Linh mục, Ngài dâng Thánh lễ hằng ngày, đây là việc bất thường đối với thời đó. Nhất là ngài hết lòng tôn sùng Thánh Thể, và cổ động nhiều người siêng năng rước Chúa.

Ngài khuyên con linh hồn của ngài: "Con hãy biết rằng ở đời nầy chúng ta chỉ là lữ khách trên đường: quê hương của chúng ta ở trên trời kia! Ai tự phụ sẽ trệch đường và đi đến chỗ chết. Khi sống ở đời nầy, ta phải tìm cho được sự sống đời đời; sự sống ấy mình ta thì không đáng, vì tội lỗi đã làm ta mất nó; nhưng Đức Giêsu-Kitô đã khôi phục nó lại cho ta. Thế nên ta hằng phải tạ ơn Người, yêu mến Người, vâng phục Người và hết sức luôn luôn ở với Người.

Chính Người đã ban mình làm lương thực cho ta. Bất hạnh cho ai không biết ơn cao quý đó! Chúng ta được phúc chiếm lấy Đức Ki-tô, Con Đức Trinh nữ Ma-ri-a, thế mà ta lại từ chối; khốn nạn cho ai không quan tâm rước nhận Người. Hỡi con, điều tốt cha ao ước cho cha, thì cha cũng cầu xin cho con, nhưng chẳng có đường lối nào cho phép lạ đạt được ngoài việc năng cầu xin với Đức Trinh nữ Ma-ri-a, để Ngài đến viếng thăm con cùng với Con vinh hiển của Ngài. Hơn nữa, con hãy dám xin Ngài ban Con Ngài cho con, Người thật là lương thực nuôi linh hồn trong bí tích bàn thờ. Chính Ngài sẵn lòng ban Người Con ấy cho con, cũng như Người Con ấy sẵn sàng đến với con, để củng cố con, để con được yên hàn đi qua rừng tối tăm trần gian nầy, nơi đầy những kẻ thù gài bẫy hại ta, nhưng chúng sẽ phải đứng xa khi thấy ta có Đấng trợ giúp như vậy".

Ngài sống khó nghèo, đơn sơ, khiêm tốn, nên khi thấy Lu-te chỉ trích hàng giáo sĩ về thói tham lam ích kỷ và nạn buôn bán các ân huệ thánh, ngài đứng ra lập một tu hội Linh mục, giúp nhau sống khó nghèo hy sinh theo gương Chúa Ki-tô. Tu hội nầy lấy tên là Thê-a-tin, vì được Đức Giám mục giáo phận Thê-a-tê hướng dẫn về linh đạo.

Thánh nhân qua đời tại Náp-lô ngày 7 tháng 8 năm 1547, và năm 1691 được Đức Giáo Hoàng In-nô-sen-tê tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm: Noi gương thánh Ga-ê-ta-nô hết lòng tôn kính Chúa Giê-su Thánh Thể, hằng ngày siêng năng rước lễ, thương yêu giúp đỡ mọi người phần hồn phần xác.

Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã thúc đẩy thánh Ga-ê-ta-nô Linh mục sống theo lý tưởng cộng đoàn các tông đồ. Vì gương sáng và lời chuyển cầu của thánh nhân, xin cho chúng con biết trọn niềm tin tưởng vào Chúa, và không ngừng tìm kiếm Nước Trời.

2221    17-01-2011 21:41:38