Sidebar

Thứ Năm
09.05.2024

Hạnh Thánh Tháng 9_phần 3

Ngày 21 tháng 9
THÁNH MÁT-THÊU TÔNG ĐỒ Thánh Sử

* Gương Thánh nhân

Thánh Mát-thêu sinh tại xứ Ga-li-lê. Lớn lên, ngài làm nghề thu thuế cho đế quốc Rô-ma, lúc đó đang cai trị dân Do-thái. Đây là một nghề mà người Do-thái cho là tội lỗi xấu xa, là nghề nhơ uế theo luật, vì những người làm nghề nầy cộng tác với lương dân, với chính quyền ngoại xâm, đàn áp bốc lột đồng bào, nhất là vì họ thường dùng nhiều thủ đoạn gian dối để làm giàu trên mồ hôi nước mắt của dân chúng.

Mọi người càng khinh bỉ, ghét bỏ, kết tội họ, Chúa Giê-su càng thương yêu cứu giúp họ, vì Người đến không phải để kêu gọi người công chính, mà Người đến để kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải, hầu được Người tha tội, cứu rỗi.

Chúa Giê-su thấy Mát-thêu đang ngồi thâu thuế, Người thương ông, gọi ông làm môn đệ Người, như lời thánh Bê-đa tường thuật sau đây: "Đức Giê-su thấy một người đang thu thuế tên là Mát-thêu và phán bảo ông: Hãy theo Ta ! Người không nhìn với cái nhìn thể xác, nhưng với lòng xót thương bên trong. Người thấy người thu thuế và vì nhìn với lòng thương xót và tuyển chọn, nên Người phán bảo ông: Hãy theo Ta ! Nhưng theo có nghĩa là bắt chước; không phải theo bằng bước chân cho bằng thực hành nhân đức trong cuộc sống. Ai nói mình sống trong Đức Ki-tô cũng phải tiến bước như Người. Và ông chỗi dậy theo Người. Chẳng có gì lạ lùng khi thoạt nghe tiếng Chúa truyền, người thu thuế liền bỏ những lợi lộc trần gian mà ông đang kiếm tìm và giũ bỏ tất cả của cải để theo chân Đấng mà ông thấy không có chút tiền của nào. Vì khi kêu gọi ông qua lời nói bên ngoài, chính Chúa đã dạy dỗ cách vô hình bên trong để ông theo Người; Người chiếu dọi vào tâm trí ông ánh sáng của ơn thánh để ông hiểu rằng: Đấng kêu gọi ông từ bỏ của cải trần gian tạm bợ, có thể ban thưởng cho ông kho tàng chẳng hư nát trên trời.

Chuyện Xảy đến khi Chúa đang nằm dùng bữa trong nhà, nhiều người thu thuế và tội nhân đến dùng bữa với Đức Giê-su và môn đệ Người. Thế là một người thu thuế trở lại đã nêu gương cho nhiều người thu thuế và tội nhân thống hối. Và đó là một điềm tốt cho biết vị tông đồ và tiến sĩ dân ngoại sau nầy sẽ ra sao; khi trở lại, ngài đã bắt được một đoàn tội nhân đến bến cứu độ, và công việc truyền bá Tin mừng mà sau nầy ngài sẽ chu toàn khi đã tiến bộ về nhân đức, thì ngay từ khi mới có đức tin ngài đã bắt đầu rồi. Nếu chúng ta muốn tìm hiểu câu chuyện ở đây sâu xa hơn, thì nên biết, không phải Mát-thêu chỉ dọn cho Chúa một bữa ăn phần xác trong nhà vật chất, nhưng đẹp hơn nữa, ngài đã dọn cho Người một bữa ăn trong tâm hồn với đức tin đức mến của mình, như chính Người đã phán: Nầy Ta đứng trước cửa mà gọi; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa, Ta sẽ vào nhà dùng bữa với người ấy.

Chúng ta sẽ mở cửa tiếp đón Người và nghe tiếng Người, đó là những khi chúng ta vui lòng đón nhận những lời nhắn nhủ thầm kín hay công khai của Người, mà thực hành những việc nhận ra mình phải làm".

Thấy Chúa dùng bữa với các người thu thuế và kẻ tội lỗi như thế, những người Pha-ri-sêu kiêu ngạo, khinh dễ những người đó, phê bình chỉ trích Chúa. Họ nói với môn đệ Chúa:

- "Sao Thầy các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?

Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói:

- Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu nầy: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mt. 9, 11-13).

Đúng thật Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến thế gian để cứu vớt kẻ tội lỗi. Bằng chứng cụ thể Người đã kêu gọi Mát-thêu và bạn hữu ông hôm nay, chẳng những Chúa kêu gọi Mát-thêu trở lại với Người, mà còn chọn ông làm môn đệ Người, đem ơn cứu rỗi của Người đến cho nhiều người khác.

Thánh Mát-thêu rao giảng Chúa Giê-su bằng lời nói, bằng việc làm và bằng sách Tin mừng ngài, đó là cuốn Tin mừng theo thánh Mát-thêu.

Theo truyền thuyết, thánh nhân đã giảng đạo tại Ê-ti-ô-pi, Ba-tư và đặc biệt đã chết để làm chứng cho Chúa tại đó.

* Quyết tâm

Suốt đời tôi luôn nhớ cám ơn Chúa, vì Chúa đã thương tha tội cho tôi. Và để tỏ lòng biết ơn, tôi lo dùng lời nói, việc làm rao giảng đạo Chúa, theo gương thánh Mát-thêu tông đồ thánh sử.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã mở lượng từ bi khôn tả, chọn một người thu thuế là Mát-thêu làm tông đồ rao giảng Tin mừng. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, mà cho chúng con biết noi gương Người, luôn hết tình gắn bó với Đức Ki-tô, là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men.

THÁNH PHAN-XI-CÔ PHAN
VÀ TÔ-MA THIỆN
Linh Mục và Chủng Sinh Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Danh vọng, chức quyền, của cải thế gian không lôi cuốn được các vị anh hùng Tử đạo. Các ngài khinh thường các thứ đó, vì biết rõ chúng phù vân, nay còn mai mất, không vững bền tồn tại. Các ngài hy sinh từ bỏ chúng, chọn lấy gia sản vững bền, chức quyền vĩnh cửu trên trời, như thánh Phan-xi-cô Phan và Tô-ma Thiện đây.

Lúc chủng sinh Tô-ma Thiện bị bắt dẫn đến trước mặt quan, thấy anh trẻ đẹp, vẻ mặt thông minh giỏi giắn thì đem lòng thương, khuyên anh bỏ đạo, ông sẽ gả con gái cho, và xin vua ban chức tước của cải. Nhưng vị anh hùng đức tin trẻ tuổi đã khẳng khái nói: "Tôi chỉ mong được chức tước gia tài trên trời, chớ không màng chi danh vọng của cải dưới đất." Và khi vua Minh Mạng gọi cha Phan vào triều đình giúp việc, ngài thấy cha tận tình phục vụ thì muốn ban chức tước bổng lộc cho cha, nhưng cha nhất quyết từ chối và nói:" Xin đa tạ đức vua có lòng thương tôi. Nhưng tôi xin nhường lại cho người khác, vì tôi phục vụ vua chỉ vì bổng lộc trên trời."

Phan-xi-cô Rắc-ca (Jaccard) sinh năm 1799, tại miền Sa-vu (Savou) nước Pháp. Lúc nhỏ cậu rất ham chơi nên thường bỏ học. Nhưng nhờ nghe lời cha mẹ bà con khuyên bảo, nhất là vì ước muốn làm Linh mục, cậu đã cố gắng siêng năng học hành, gia nhập chủng viện. Năm 20 tuổi, cậu được lên Đại chủng viện, và hai năm sau thầy Phan-xi-cô xin vào Hội Thừa Sai Pa-ri, để chuẩn bị đi giảng đạo ở miền xa. Ngày 15 tháng 3 năm 1823, thầy thụ phong Linh mục và lìa bỏ quê hương lên đường phụng sự Chúa. Nhưng vì đường sá khó khăn, mãi đến đầu năm 1826, cha mới đến Việt Nam, được Đức Cha cho ở tại chủng viện An Ninh (Quảng Trị) để học tiếng Việt. Trong thời gian ở đây cha lấy tên là Phan, và được chọn làm giám đốc chủng viện đó luôn.

Năm 1827, vua Minh Mạng ra lệnh tập trung tất cả các vị thừa sai về Huế, viện cớ để làm thông ngôn và dịch sách cho triều đình, kỳ thực là cố ý quản thúc và ngăn cản không cho giảng đạo. Cha Phan đang làm giám đốc chủng viện An Ninh ở Quảng Trị cũng được lệnh dời về Huế. Hằng ngày cha ở trong cung điện, dịch các tài liệu thư từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, giảng dạy lịch sử Âu Mỹ cho những người vua gởi tới. Việc gì vua giao phó, cha cũng hoàn thành tốt đẹp, nên vua định khen thưởng cha. Nhưng cha từ chối vì không màng gì đến chức tước bổng lộc thế gian. Cha chỉ xin vua cho rời khỏi hoàng cung, đến ở họ đạo Dương Sơn gần đó để phục vụ vua, thực sự ý cha muốn xin về đó là để làm việc tông đồ, phụng sự Chúa theo chí hướng của mình.

Được vua chấp thuận, cha dọn về ở Dương Sơn, hằng ngày lo chăm sóc phần hồn, giúp đỡ phần xác cho các tín hữu. Chẳng may lúc đó dân làng Cổ Lão tranh giành đất đai với bổn đạo Dương Sơn, tố cáo những người nầy theo đạo. Thế là 73 người có đạo bị bắt, cha Phan bị kết án tử hình. Nhưng vua Minh Mạng khoan hồng, thay vì giết cha thì bắt giam trong cung điện để giúp việc triều đình.

Giữa lúc đó ở miền Nam có ông Lê Văn Khôi nổi lên chống đối triều đình, vua sợ người có đạo theo phe ông, nên ra sắc chỉ bắt đạo gay gắt. Nhiều Linh mục bị bắt, chủng viện An Ninh bị triệt hạ. Nhưng cha Kim là giám đốc chủng viện trốn thoát, vua nổi cơn thịnh nộ truyền bắt cha Phan thay thế, và tống ngục ngày 07 tháng 03 năm 1838 cùng với chủng sinh Tô-ma Thiện.

Tô-ma Thiện sinh năm 1820, trong một gia đình đạo đức ở làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình. Ngay từ nhỏ, cậu đã ước muốn làm Linh mục, nên xin đến ở với cha Chính tại họ Kẻ Sen để học hành và tập luyện nhân đức. Năm 18 tuổi, cậu được gởi vào chủng viện ở Di Loan do cha Kim làm giám đốc. Nhưng ngày cậu đến Di Loan thì chủng viện đã bị phá hủy, cha Kim đã ẩn trốn, cậu bị bắt giải về Quảng Trị, nhốt chung với cha Phan.

Quan thấy cậu trẻ tuổi, vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, tương lai còn nhiều triển vọng thì đem lòng thương, khuyên bảo bỏ đạo, hứa sẽ gả con gái và xin vua ban cho chức tước bổng lộc. Cậu nhất quyết không chối Chúa bỏ đạo, và từ bỏ tất cả mọi thứ vinh hoa phú quí đó. Cậu chỉ mong được hưởng phúc lộc bền vững trên trời. Thấy cậu khinh thường lòng ưu ái của mình, quan tức giận, cho đánh đòn nhừ tử rồi tống vào ngục.

Trong suốt thời gian hơn 06 tháng bị giam trong ngục, chủng sinh Tô-ma Thiện và cha Phan-xi-cô Phan phải mang xiềng xích, nhịn đói nhịn khát khổ sở, và nhiều lần bị đem ra tra tấn đánh đập, buộc bước qua Thánh giá chối đạo. Nhưng hai cha con vẫn can đảm trung thành giữ vững đức tin, cương quyết sẵn sàng chịu khổ chịu chết vì Chúa. Hằng ngày hai cha con cùng nhau cầu nguyện, kêu xin Chúa ban ơn thêm sức cho được bền đỗ theo Chúa đến cùng.

Đứng trước lòng tin bất khuất của hai chứng nhân anh dũng, quan không còn biết làm cách nào khác hơn là kết án xử trảm. Nhưng khi gởi về kinh, vua Minh Mạng đã đổi lại án xử giảo. Ngày 21 tháng 09 năm 1838, quân lính dẫn hai chiến sĩ đức tin ra pháp trường tròng dây vào cổ, kéo hai đầu dây thật mạnh cho đến chết.

Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong các ngài lên bậc Chân Phước, và Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô 2 suy tôn lên Hiển Thánh, ngày 19 tháng 06 năm 1988.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Phan-xi-cô Phan và Tô-ma Thiện tử đạo, sẵn lòng từ bỏ mọi vinh hoa phú quí danh vọng tạm bợ ở đời nầy, và vui lòng hy sinh chịu khó vì Chúa, để được hưởng hạnh phúc vinh hiển bất diệt trên trời.

* Lời nguyện

Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.

Ngày 26 tháng 9
THÁNH CỐT-MA VÀ ĐA-MI-A-NÔ Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Hai thánh Cốt-ma và Đa-mi-a-nô là anh em ruột, sinh ở Á-rập. Mồ côi cha ngay từ nhỏ, các ngài được bà mẹ nhân đức huấn luyện bề đạo hạnh rất chu đáo.

Lớn lên, Cốt-ma và Đa-mi-a-nô được mẹ gởi học y khoa ở Sy-ri. Nơi đây, các ngài dần dần nổi tiếng về nghề thuốc cũng như đạo đức. Sau thời gian học tập, các ngài bắt đầu hành nghề thầy thuốc; với ý nguyện trong khi chữa bệnh phần xác, các ngài có thể cứu phần hồn cho bệnh nhân. Thế nên các ngài chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, không nhận của ai chút thù lao nào. Hơn nữa, các ngài được Chúa giúp chữa ai cũng khỏi bệnh, nên số bệnh nhân đến ngày càng đông. Các ngài phải làm việc suốt ngày và có khi cả ban đêm. Nhiều khi gặp những người mắc bệnh nặng hoặc khó chữa trị, các ngài phải kết hợp chữa trị bằng thuốc đi đôi với lời cầu nguyện. Những người được các ngài chữa lành, đều biết rõ điều đó, nên họ bắt chước các ngài và xin các ngài dạy cầu nguyện, như các tông đồ xưa xin Chúa dạy các ông. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân sau khi lành mạnh đã tin tưởng Chúa.

Giữa lúc đó, hoàng đế Đi-ô-lê-si-en ra chiếu chỉ bắt đạo. Nhà vua sai các quan chức lùng bắt các người có đạo, bắt họ phải tế thần. Ai vâng nghe thì thả về, người nào bất tuân sẽ giết chết hoặc lưu đày khổ sai.

Tuân lệnh hoàng đế, các quan chức rảo khắp các thành thị làng mạc gom bắt hết các Ki-tô hữu. Những người mê theo tà thần từ lâu thấy hai thánh Cốt-ma và Đa-mi-a-nô chữa bệnh, đã kéo nhiều người bỏ thần của họ mà tin theo Chúa. Họ ghen tức và ấm ức trong lòng. Nay có dịp nhà vua ra lệnh bắt đạo, họ liền tố cáo với tổng trấn Ly-si-a. Tổng trấn truyền bắt các ngài, và bảo phải dâng hương tế thần, nhưng các ngài thưa:

- Chúng tôi chỉ thờ Thiên Chúa thôi. Ngoài ra, chúng tôi không thờ ai khác nữa, vì không có ai cao cả quyền phép bằng Ngài.

Quan trấn bảo:

- Nếu các ngươi không tế thần, các ngươi phải chết.

Các ngài trả lời:

- Thiên Chúa sẽ cho chúng tôi sống đời đời.

Thấy không thể hăm dọa các thánh được, tổng trấn dùng đến bạo lực. Ông truyền cho binh lính hành khổ các ngài dữ tợn, nhưng các ngài vẫn can đảm chấp nhận vì Chúa ! Cuối cùng nhà quan thấy cực hình gian khổ không chuyển lay lòng các ngài nổi, nên ra lệnh chém đầu các ngài.

Hai thánh nhân được chọn làm bổn mạng các lương y, và tên các ngài được đặt cho nhiều thánh đường và bệnh viện bên phương Đông.

* Quyết tâm

Noi gương hai thánh Cốt-ma và Đa-mi-a-nô, lo dùng nghề nghiệp hằng ngày mà giúp đỡ phần xác và cứu vớt phần hồn mọi người.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, trong ngày kính hai thánh tử đạo Cốt-ma và Đa-mi-a-nô, chúng con khẩn nguyện cho mọi người biết ca tụng Chúa là Đấng cao cả, vì Chúa đã ban vinh quang bất diệt cho hai vị thánh, lại vì Chúa là Đấng quan phòng luôn che chở chúng con. Chúng con cầu xin...

Ngày 27 tháng 9
THÁNH VINH-SƠN PHAO-LÔ Linh Mục

* Gương Thánh nhân

Thánh Vinh-sơn được nổi tiếng nhất về đức bác ái. Ngài là ngôi sao sáng chói về tình yêu thương đồng loại, ngài làm rạng danh cho nước Pháp và Giáo hội trên khắp hoàn cầu. Nghe danh ngài, ai ai cũng đều kính yêu mến phục tấm lòng vàng của ngài.

Thánh nhân sinh tại Pô-uy, nước Pháp, trong một gia đình nghèo khó nhưng rất đạo đức.

Vì là con nhà nghèo, nên lúc nhỏ Vinh-sơn phải phụ giúp cha mẹ chăn cừu. Ngày ngày cậu sống giữa đồng quê, bạn bè với các trẻ nghèo khó chăn chiên cừu. Cậu thấy mình nghèo nhưng có nhiều người còn nghèo hơn mình nữa. Từ đó cậu đem lòng thương mến họ. Lâu nay cậu để dành tiền cha mẹ cho được 50 xu, đó là cả gia tài của cậu. Cậu lấy cho những người cùng khổ. Và mỗi lần cha mẹ sai đi xay bột ở nhà máy, cậu lén lấy một ít cho bạn nghèo.

Thấy con có lòng bác ái lại thông minh, cha mẹ cho Vinh-sơn nghỉ chăn cừu để lo việc học hành, và cậu tỏ ý muốn dâng mình cho Chúa. Cậu nghĩ là khi làm Linh mục, cậu sẽ giúp đỡ người nghèo được nhiều hơn. Cha cậu là ông Gioan-Phaolô thấy gia đình bẩn chật, không thể lo cho con đi tu nổi, nhưng vì thấy con cứ nài xin mãi, nên ông cũng hy sinh, bán bầy cừu để lo cho Vinh-sơn vào dòng thánh Phan-xi-cô. Thấy cha mẹ hết sức thương lo cho mình, cậu tận tâm học hành và luyện tập nhân đức. Nhờ đó cậu học hành giỏi giắn và càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan đạo đức.

Năm 20 tuổi, thầy Vinh-sơn được gởi đến Ta-lu học thần học, ngài thi đỗ bằng tiến sĩ, và sau đó được thụ phong Linh mục. Một năm sau, thánh nhân sang Mạc-sây lãnh di sản của một người bạn trối cho ngài để giúp đỡ kẻ nghèo. Trên đường về ngài bị bọn cướp lấy hết của cải và bán ngài cho một người nghịch đạo. Lúc đầu, ngài bị ngược đãi khổ sở, gặp nhiều thử thách về đức tin. Nhưng dần dần thánh nhân đã hoán cải lòng ông ta, nhờ đức hiền lành và sự thẳng thắn của ngài. Ông nầy chẳng những theo đạo, mà còn đưa ngài đến Tu-lu.

Vì thánh nhân có lòng thương mến kẻ nghèo khổ cách đặc biệt, nên Bề trên đặt ngài làm tuyên úy các tù nhân và những người nô lệ. Ngài đem hết khả năng phục vụ các người khốn khổ nầy. Hằng ngày, ngài tiếp xúc mật thiết với họ, đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần, nhất là đời sống luân lý và đạo đức của họ. Dường như Chúa quan phòng dẫn dắt ngài có mặt khắp các nơi có người đau khổ, tù đày, nghèo khổ, bệnh tật. Công việc cứu tế mỗi ngày một nhiều. Ngài không quán xuyến một mình nổi, ngài thấy cần có nhiều người cộng tác giúp đỡ. Ngài tổ chức nhiều Hội từ thiện, thành lập Dòng Nữ tu bác ái.

Từ đó hội dòng ngài sáng lập mọc lên khắp nơi trong cả nước Pháp, lan rộng đến các nước Ba-lan, Ý và ngày nay các Nữ tu bác ái của ngài có mặt khắp nơi trên khắp thế giới, chuyên lo giúp đỡ người nghèo khổ, chăm sóc kẻ bệnh hoạn tàn tật, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, thăm viếng ủy lạo kẻ tù đày... Ngài luôn nhắc nhủ những người làm công tác từ thiện: "Phải quý trọng việc phục vụ người nghèo hơn hết, và phải phục vụ ngay không được trì hoãn. Nếu trong giờ kinh nguyện mà phải mang thuốc hay sự giúp đỡ nào đến cho một người nghèo khổ, thì hãy yên tâm đi đến với họ, dâng việc làm đó cho Chúa như đang nguyện kinh. Đừng bối rối tâm hồn, đừng xao xuyến lương tâm, vì phải phục vụ người nghèo mà bỏ buổi kinh nguyện. Vì không phải là bỏ Chúa khi vì Người mà đã đi xa Người, nghĩa là bỏ một công việc của Thiên Chúa để thực hiện một công việc ngang hàng như vậy".

Kiệt sức vì phục vụ người nghèo khổ, thánh nhân ngã bệnh và qua đời đêm 27 tháng 9 năm 1660, được phong Hiển Thánh ngày 16 tháng 6 năm 1737. Ngài được Đức Thánh Cha Lê-ô 13 chọn làm Bổn mạng các tổ chức từ thiện bác ái trong Hội thánh.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Vinh-sơn Phao-lô, hằng ngày tôi lo giúp đỡ người nghèo khổ, bệnh tật xung quanh tôi, và mời gọi nhiều người cộng tác trong công việc từ thiện bác ái nầy.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Vinh-sơn Phao-lô Linh mục mọi đức tính xứng bậc tông đồ, để thánh nhân phục vụ người cùng khốn và đào tạo hàng giáo sĩ. Xin cho chúng con biết nghe lời người dạy, bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Chúng con cầu xin...

Ngày 28 tháng 9
THÁNH VEN-SẾT-LAO Tử Đạo

* Gương Thánh nhân

Thánh Ven-sết-lao sinh tại Bô-hem Tiệp-khắc, khoảng năm 905. Cha ngài là vua Vơ-ra-ti-lát rất đạo đức thánh thiện, nhưng mẹ ngài là người ngoại giáo, lại thù ghét đạo. Bà chỉ lo dưỡng dục em của ngài là Bô-lết-lao theo tà đạo mà bỏ bê ngài, nên bà nội là thánh nữ Lút-min-la đem ngài về dạy bảo bề đạo hạnh. Nhờ đó ngay từ nhỏ, thánh nhân đã có lòng mến Chúa yêu người đặc biệt. Ngài mộ mến cách riêng Chúa Giê-su Thánh Thể. Ngày nào ngài cũng đến nhà thờ dự Thánh lễ và giúp lễ.

Khi cha là vua Vơ-ra-ti-lát băng hà, thánh nhân được tôn lên làm vua kế vị. "Nhờ ơn Chúa, ngài đã được hoàn thiện trong đức tin. Thật vậy, ngài đã làm phúc cho mọi người nghèo, cho kẻ trần truồng mặc, cho kẻ đói ăn, tiếp rước khách lữ hành theo lời Tin mừng dạy. Ngài không cho ai đối đãi bất công với các quả phụ. Ngài yêu thương hết mọi người sang hèn, ngài giúp đỡ các thừa tác viên của Chúa, và ngài chỉnh trang nhiều nhà thờ.

Nhưng các lãnh chúa miền Bê-hem trở nên kiêu căng, họ xúi giục và nói với Bô-lết-lao em ngài rằng:"Hoàng huynh Ven-sết-lao đã âm mưu với hoàng thái hậu và những cận thần để giết ngài đó."

Lúc đó người ta cử hành lễ cung hiến đền thờ trong các thành phố, vua Ven-sết-lao đi thăm mọi đô thị. Ngài vào thành của Bô-lết-lao đúng ngày Chúa nhật lễ hai thánh Cốt-ma và Đa-mi-a-nô. Dự Thánh lễ xong, ngài muốn trở về Pơ-ra-ha. Nhưng Bô-lết-lao đã mời ngài ở lại với mưu đồ gian ác rằng:

- Tại sao anh lại đi?

Hôm sau người ta đánh chuông để đọc kinh sáng. Vừa nghe chuông, Ven-sết-lao đã nguyện:

- Lạy Chúa, ngợi khen Chúa đã cho con sống đến sáng nay.

Và chỗi dậy, ngài đi đọc kinh sáng.

Bô-lết-lao liền theo ngài ra đến cửa; ngài nhìn em và nói:

- Nầy em, hôm qua em đón tiếp anh tử tế quá.

Nhưng ma quỷ đã rỉ tai Bô-lết-lao và làm cho lòng hắn ra hư hỏng. Hắn rút kiếm ra và trả lời với Ven-sết-lao rằng:

- Bây giờ em muốn đón tiếp anh cách tử tế hơn nữa.

Nói rồi, hắn dùng kiếm chém đầu ngài.

Ven-sết-lao quay về phía hắn và nói:

- Em âm mưu gì đó?

Rồi nắm lấy hắn, ngài đánh hắn ngã xuống đất. Nhưng một trong những cố vấn của Bô-lết-lao đã chạy lại đánh thẳng vào tay ngài. Ngài bị thương nơi tay, nên phải buông đứa em ra và chạy vào nhà thờ. Một người thứ ba chạy đến lấy kiếm đâm vào hông ngài. Ven-sết-lao tắt thở sau khi thốt ra:

- "Lạy Chúa, con dâng hồn con trong tay Chúa"

Thế là thánh nhân chết ngày 28 tháng 9 năm 927. Ngài được dân chúng tôn kính như một vị thánh tử đạo.

* Quyết tâm

Càng làm lớn, càng thương người nghèo khổ khốn khó, càng nâng đỡ bênh vực những kẻ cô thế cô thân vì lòng mến Chúa yêu người, theo gương thánh Ven-sết-lao.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho thánh Ven-sết-lao biết can đảm lựa chọn: thà làm dân Nước Trời hơn làm vua trần thế. Vì lời chuyển cầu của thánh nhân, xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình, mà hết lòng gắn bó cùng Chúa. Chúng con cầu xin...

Ngày 29 tháng 9
TỔNG LÃNH THIÊN THẦN
MI-CA-EN, GÁP-RI-EN VÀ RA-PHA-EN

* Gương Thánh nhân

Hôm nay Hội thánh mầng kính ba tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en.

Theo Thánh Kinh, có rất nhiều thiên thần và chia thành nhiều phẩm trật. Các ngài là "những thần khí chuyên lo phục vụ, được sai đi giúp ích những người sẽ thừa hưởng phần rỗi. Các ngài lập thành một thế giới huyền nhiệm ở ngoài lãnh vực tri giác thông thường của chúng ta".

Theo Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng, "thiên sứ là tên gọi do chức vụ, chứ không do bản tính. Bởi lẽ các vị thần linh thánh thiện ở trên quê trời bao giờ cũng là thần linh, nhưng không phải bao giờ cũng được gọi là thiên sứ; còn vị nào loan báo điều trọng đại thì gọi là Tổng lãnh Thiên sứ. "Chính vì vậy, vị được sai đến cùng Đức Trinh nữ Ma-ri-a không là một thiên sứ nào đó, mà là Tổng lãnh thiên thần Gáp-ri-en: bởi vì việc loan báo một điều trọng đại như thế cần đến một thiên sứ trọng đại xứng đáng".

"Một số vị lại có tên riêng, lấy theo danh từ chỉ công việc của các ngài... Mi-ca-en có nghĩa là "ai bằng Thiên Chúa?"; "Gáp-ri-en là Sức mạnh của Thiên Chúa"; Ra-pha-en là "Linh dược của Thiên Chúa".

"Mỗi khi cần biểu dương sức mạnh diệu kỳ, Mi-ca-en liền được phái đến, ngỏ hầu nhờ công việc và tên gọi của ngài, người ta hiểu rằng: không ai có thể làm nổi những công việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Do đó, tên địch thủ xa xưa, kiêu căng đòi đồng hàng với Thiên Chúa, đã nói rằng: Ta sẽ lên trời cao. Ta sẽ nâng bệ ta lên các vì sao, Ta sẽ nên giống Đấng Tối cao, thì vào lúc tận thế, trước khi bị cực hình đời đời, hắn sẽ bị bỏ rơi đơn thương độc mã mà giao chiến với Tổng lãnh thiên sứ Mi-ca-en, như thánh Gioan đã viết: "Đã xảy ra trận chiến với Tổng lãnh Mi-ca-en".

"Cũng vậy, Gáp-ri-en được sai đến với Đức Ma-ri-a; ngài được gọi là sức mạnh của Thiên Chúa" : bởi lẽ ngài đến loan báo Đấng thương xót xuất hiện trong thân phận khiêm tốn, để phá tan sức mạnh ma quỷ. Do đó phải nhờ "Sức mạnh của Thiên Chúa" đến loan báo Đấng sẽ đến là Cứu Chúa uy hùng và mạnh mẽ trong chiến trận.

Ra-pha-en, như chúng ta đã nói, được gọi là "Linh dược của Thiên Chúa". Được gọi như thế, vì ngài đã phá tan bóng tối mù lòa của Tô-bia, khi đụng đến đôi mắt nhỏ để đóng vai một y sĩ, do đó Đấng được phái đến đã chữa lành, thật đáng gọi là "Linh dược của Thiên Chúa" vậy"

* Quyết tâm

Hằng ngày kêu xin các thiên thần, nhất là thiên thần hộ thủ, các tổng lãnh thiên sứ Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en trợ giúp phần hồn phần xác.

* Lời nguyện

Lạy Chúa là Đấng thương xót vô song, Chúa đã muốn cho thiên thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ. Xin cho các thiên thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất. Chúng con cầu xin...

Ngày 30 tháng 9
THÁNH GHÊ-RÔ-NI-MÔ Linh Mục Tiến Sĩ

* Gương Thánh nhân

Thánh Ghê-rô-ni-mô sinh năm trong một gia đình giàu có ở Tri-đông. Ngài là vị giáo phụ nổi tiếng nhất trong Hội thánh.

Năm lên 15 tuổi, cha mẹ đã gởi Ghê-rô-ni-mô đến Rô-ma học ngôn ngữ và triết học. Cậu chuyên cần học tập; và nhờ trí thông minh, chẳng bao lâu cậu trở nên nhân tài xuất sắc, rạng danh khắp thế giới sau nầy. Nhưng với tuổi thanh xuân bồng bột, cậu không sao tránh khỏi những quyến rũ xa hoa của kinh thành Rô-ma. Như bao nhiêu thanh niên khác, cậu cũng chạy theo những thú vui vật chất mà về sau phải ân hận suốt đời.

Năm 373, Giê-rô-ni-mô sang Đông phương. Nhưng dọc đường bị ngã bệnh, cậu phải nằm bệnh viện ở An-ti-ô-ki-a. Trong thời gian chữa bệnh, cậu được Chúa kêu gọi trở lại với Chúa. Cậu đã mạnh mẽ nghe theo tiếng Chúa gọi, vào sa mạc sống đời khổ hạnh, ăn chay cầu nguyện, ngày ngày hãm mình ép xác đền bù tội lỗi đã phạm. Nhưng ma quỷ vẫn không buông tha ngài; ngày đêm chúng hằng cám dỗ ngài, đến nỗi ngài phải thú nhận: "Những hình ảnh vui chơi trụy lạc luôn ám ảnh tâm trí tôi. Khiến nhiều lần nhiều lúc tôi không thể cầu nguyện với Chúa được."

Nhưng thánh nhân vẫn cương quyết chống trả các chước cám dỗ. Và để lướt thắng ma quỷ, ngài tăng cường việc hãm mình ép xác, ăn chay đánh tội, đồng thời ngày đêm miệt mài học hỏi Kinh Thánh và dịch sang tiếng La-tinh. Đó là bản dịch Thánh Kinh bằng La ngữ nổi tiếng nhất ngài để lại cho Hội thánh, gọi là bản phổ thông. Ngoài ra, ngài còn viết sách dẫn giải Sách Thánh. Ngài nói: Tôi trả nợ tôi đã mắc, khi vâng lệnh Đức Ki-tô, Đấng đã nói: Hãy nghiên cứu Kinh Thánh; và hãy tìm thì các con sẽ gặp; kẻo tôi bị Chúa trách như đã trách dân Do-thái: Các ngươi lầm lạc, vì không biết đến Kinh Thánh cũng không biết uy lực của Thiên Chúa. Vậy nếu theo thánh Phao-lô. Đức Ki-tô là uy lực và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, và nếu ai không biết Kinh Thánh là không biết uy lực và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô..."

"Đừng ai nghĩ rằng tôi có tham vọng tóm tắt toàn bộ của nội dung sách nầy, vì quyển Kinh Thánh ấy bao gồm mọi mầu nhiệm của Chúa. Từ việc Đấng Em-ma-nu-en được trinh nữ sinh ra, đến việc Đấng ấy làm nên nhiều dấu kỳ phép lạ, rồi chịu chết và mai táng, để sau đó phục sinh từ cõi âm ty và trở thành Đấng Cứu chuộc của toàn thể nhân loại, tất cả đều được sách ấy nói tới".

Đời sống thánh thiện và công cuộc truyền bá Kinh Thánh của Thánh nhân đã được Đức Giáo Hoàng biết đến. Ngài được mời tham dự thánh Công Đồng Công-tăn-ti-nốp, và làm bí thư cho Đức Thánh Cha Đa-ma-sô ở Rô-ma.

Vì tuổi già sức yếu, thánh nhân rời Rô-ma đến trú ngụ ở Bê-lem, và qua đời tại đây ngày 30 tháng 9 năm 420.

* Quyết tâm

Noi gương thánh Giê-rô-ni-mô, tôi mến mộ và chuyên cần học hỏi Kinh Thánh, để biết Chúa Ki-tô, và để lướt thắng mọi chước cám dỗ của ma quỷ, xác thịt, thế gian.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Linh mục Giê-rô-ni-mô trí thông hiểu và lòng mến yêu Kinh Thánh. Xin cho chúng con hằng thiết tha tìm đến Lời Chúa, là nguồn mạch ban sức sống dồi dào. Chúng con cầu xin...

2305    17-01-2011 21:36:59