Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

KHỐN CHO TÔI NẾU TÔI KHÔNG RAO GIẢNG TIN MỪNG

KHỐN CHO TÔI NẾU TÔI KHÔNG RAO GIẢNG TIN MỪNG

“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16) Đó không chỉ là tiếng kêu của thánh Phaolô mà còn là lời mợi gọi khẩn thiết được gởi đến mỗi người chúng ta, vì khi khoác trên mình chiếc áo Kitô hữu là chúng ta bước vào trong mối tương quan với Thiên Chúa, ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, nhờ  đó chúng ta có thể đến với mọi người mang theo vẻ đẹp của Thiên Chúa mà lấp đầy những cơn đói của kiếp người.

Qua câu đầu tiên của trang Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta điểm khởi đầu căn bản của mọi hoạt động truyền giáo: trước hết là nhận thức nhu cầu của anh chị em chung quanh, thứ hai là đưa nhu cầu đó vào trong lời cầu nguyện của chính mình và thứ ba là sẵn sàng để được sai và hăng say ra đi khi được trao phó cho sứ mạng. Chúng ta hãy tự vấn xem chính mình đã có những tư tưởng căn bản này chưa? Những quan tâm truyền giáo làm chứng cho Chúa có được chúng ta đưa vào trong lời cầu nguyện của chính mình chưa? Trong cuộc đối thoại giữa mình với Thiên Chúa chưa?

Khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, Chúa muốn các ông phải là những sứ giả bình an. Lời đầu tiên Chúa truyền cho các ông phải nói là lời chúc bình an. Lời chúc bình an được gửi đến một cách vô điều kiện, không phải là kết quả của những cuộc thương thuyết lâu dài; cũng không tuỳ thuộc ở hoàn cảnh bên ngoài: người môn đệ vẫn nói lời bình an dù trong tư thế của “con chiên ở giữa bầy sói”. Dù lời chúc bình an có được đón nhận hay không, trước hết sự bình an ấy vẫn “quay về với người môn đệ” và tồn tại nơi họ, và như thế biến họ thành những nhân tố xây dựng một “môi trường hoà bình”. Tuyên ngôn Tám Mối Phúc Thật gọi đó là đặc điểm nhận biết người môn đệ đích thực của Chúa Kitô: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9).

          ‘Thầy sai các con như chiên ở giữa soi rừng’. Lại một nghịch lý khác! Chiên vào giữa sói rừng mà không bị sói ăn thịt mới là lạ. Đi mà lại không có hành trang: ‘đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép’ thì càng lạ hơn. Chính những nét khác thường này kéo chúng ta trở lại với nguyên tắc đầu tiên: ‘hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người’.

Như vậy, ông chủ mới là nhân vật chính của mùa gặt chứ không phải thợ gặt. Ai được ông sai vào cánh đồng của ông là một vinh dự. Vì ông đã lo liệu mọi nhu cầu cho người đó đến độ không phải mang theo cái gì cho bản thân. Công việc có nguy hiểm như chiên vào giữa sói rừng đi nữa thì cũng an tâm, vì đã có ông bảo vệ. Vì thế chúng ta hãy xin ông nhìn đến ta, nhận ta vào làm thợ gặt cho ông, để ông sai ta vào cánh đồng lúa đã chín vàng.

Được Chúa chọn để sai vào cánh đồng truyền giáo của Người thật là một vinh dự. Thánh Luca đã được chung phần vinh dự này mà hôm nay Giáo Hội mừng kính. Ai không được vinh dự này thì đúng là mối họa như thánh Phaolô nói: ‘khốn cho tôi, nêu tôi không rao giảng Tin mừng’. Thánh Luca đã đồng hành với thánh Phaolô trong nhiều chặng đường truyền giáo, và nhất là trong giai đoạn cuối đời, lúc mà nhiều người rời bỏ thánh Phaolô thì thánh Luca vẫn ở lại với Ngài (2Tm 4, 9-17).

Dù là làm thợ thì đáng được trà công nhưng người môn đệ trung tín của Đấng chịu đóng đinh không thể là một kẻ say mê thế tục, tìm sự dễ dãi mà cần ý thức mình là người được Chúa sai đi, sai đi để làm “thơ gặt” chứ không phải để “nghỉ mát”, đi để “phục vụ” chứ không phải để “được phục vụ”. Ngài muốn môn đệ của Ngài noi gương Ngài đi ra tìm và cứu kẻ hư mất, chứ không phải xây dựng trung tâm nào đó và chờ mong người chưa được cứu đến với mình. Ngài muốn môn đệ của Ngài cầu nguyện để có nhiều người ra đi đến với người ngoại chứ không phải cầu nguyện để người ngoại kéo đến nhà thờ.

Những lời dặn dò trên của Chúa Giêsu thật là cặn kẽ, cụ thể, với những chi tiết hết sức thực tế. Dĩ nhiên, tinh thần phải có khi thực hiện những việc làm trên là điều quan trọng hơn. Thời đại đã thay đổi, thời chúng ta đang sống khác với thời của Chúa Giêsu.

Những hành động cụ thể của một thời đã thay đổi, chẳng hạn như ngày xưa đi bộ, cầm gậy thì ngày nay đã có các phương tiện giao thông liên lạc khác, nhưng tinh thần của những hành động cụ thể mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ có không bao giờ thay đổi. Trong những giây phút ngắn ngủi suy niệm này chúng ta không thê nào suy niệm tất cả mọi khía cạnh của tinh thần truyền giáo nơi môn đệ của Chúa.

Ta hãy nhớ lại những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói trong đoạn Phúc Âm hôm nay: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người, các con hãy ra đi".

Hơn bao giờ hết, trong thời đại của chúng ta, Lời Chúa Giêsu thôi thúc: ‘lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa Người’. Việc quan trọng nhất và ưu tiên hàng đầu là cầu nguyện cho việc truyền giáo. ‘Việc xin chủ ruộng’ nằm trong tầm tay của mọi thành phần dân Chúa. Như Teresa Hài Đồng Giêsu ở trong Dòng kín mà được kể là quan thầy của các xứ truyền giáo vì chị đã tích cực cầu nguyện cho công việc truyền giáo. Không chỉ là lời cầu nguyện suông, nhưng là những lễ vật hy sinh, hãm mình với tình yêu lớn lao dành cho các nhà truyền giáo cũng như những linh hồn đang khao khát tìm biết Chúa. 

 

Xin Chúa đốt lên trong ta ngọn lửa của “khát vọng truyền giáo”, khát vọng giới thiệu Chúa cho mọi người với một con tim tươi trẻ, con tim tư do không bị lợi lộc trần thế làm cho mù quáng, con tim quả cảm dám đương đầu với những thách đố của thời đại, dám xả thân lo việc truyền giáo. Xin Chúa đồng hành với ta và chúc lành cho những “khát vọng” của ta.

2598    15-10-2016 20:52:09