Sidebar

Thứ Năm
09.05.2024

Astrid Kaptijn: “Đức Giáo hoàng nhạy cảm với các mong chờ của nạn nhân bị lạm dụng”

 

Ngày 19 tháng 12 – 2019, Đức Phanxicô dỡ bỏ bí mật giáo hoàng trong trường hợp lạm dụng tình dục trên trẻ em, đây là một hành động biểu tượng đối với các nạn nhân. Để tìm hiểu ý nghĩa cụ thể về việc này, báo Công giáo Thụy Sĩ gặp giáo sư giáo luật Astrid Kaptijn, bà dạy ở phân khoa thần học Đại học Fribourg từ năm 2010.

Để hiểu rõ phạm vi pháp lý của việc dỡ bỏ này, chúng ta cần biết nguồn gốc và định nghĩa của bí mật giáo hoàng.

Định nghĩa hiện nay có từ năm 1974 do Phủ Quốc Vụ Khanh đưa ra. Lãnh vực này rất rộng, trước hết bao gồm nhân viên của giáo triều, họ phải giữ bí mật trong công việc của mình. Bí mật này cũng ảnh hưởng đến thủ tục bổ nhiệm giám mục và các sứ thần. Trong tất cả các lãnh vực, bí mật vẫn còn hiệu lực.

“Các nạn nhân có quyền được thông báo về phiên tòa và hình phạt. Đó là điều mới.”

Chỉ dụ của Đức Phanxicô ngày 19 tháng 12 – 2019 dỡ bỏ kỷ luật có trước đó, và chỉ trên một điểm duy nhất, rằng các đơn tố cáo, các vụ xử và các quyết định trong trường hợp lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên hay nơi những người dễ bị tổn thương cũng như trong các trường hợp ấu dâm-khiêu dâm do linh mục hay một nam nữ tu sĩ làm, sẽ không được bảo vệ bởi bí mật giáo hoàng. Nhưng bản văn không cung cấp thêm chi tiết.

Ở điểm nào biện pháp này là một thay đổi quan trọng?

Nó quan trọng trong nghĩa giáo hoàng tỏ ra rất nhạy cảm với các đòi hỏi thông tin và sự minh bạch đặc biệt với các nạn nhân. Họ sẽ có quyền được thông báo về phiên tòa và hình phạt. Đó là điểm mới.

Ai được hưởng lợi và ai bị ảnh hưởng?

Tất cả những người trực tiếp liên hệ được quyền xem hồ sơ, đặc biệt là các nạn nhân và luật sư của họ và cả luật sư của các linh mục bị cáo. Điều này mở ra một cánh cửa nhưng cơ quan thẩm quyền không bắt buộc phải tự động cung cấp thông tin ngay. Dĩ nhiên truy cập dữ liệu không ở trong tầm tay của quần chúng.

Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng với luật hình sự. Giáo luật không cung cấp cho nạn nhân khả năng đưa ra một vụ kiện dân sự. Phiên tòa và bản án vẫn là công việc giữa thẩm quyền giáo hội và người phạm tội. Chánh án, tương đương với công tố viên, hành động để bảo vệ cho Giáo hội bị tác hại do hành động phạm pháp, nhưng nạn nhân không phải là phần tử tham dự vào phiên tòa.

Cho đến nay chưa có tiêu chuẩn áp dụng.

Các tiêu chuẩn này đến từ Phủ Quốc Vụ Khanh hoặc Bộ Tín Lý. Bộ giáo luật có một số chỉ dẫn về thủ tục nhưng không có gì về bí mật giáo hoàng.

Đức Phanxicô đã ra lệnh biện pháp này có hiệu lực ngay lập tức.

Điều này có nghĩa việc dỡ bỏ bí mật giáo hoàng liên quan đến các vụ đang tiến hành. Cơ quan có trách nhiệm không còn có thể từ chối thông tin viện cớ phải giữ bí mật này. Tuy nhiên theo tôi lệnh này không có tính cách hồi tố các trường hợp đã được xử và tài liệu đã ở trong thư khố.

Tấm bảng được dựng lên để tưởng nhớ các nạn nhân lạm dụng tình dục trong Giáo hội tại nhà thờ St-Nicolas ở Fribourg | ©  Maurice Page 

Vì không còn cần phải cầu viện đến giáo hoàng, ai có thể cấp quyền truy cập vào thông tin này?

Văn bản dùng thuật ngữ chung của cơ quan có thẩm quyền. Nếu tố cáo nhắm vào linh mục địa phận thì người có thẩm quyền là giám mục. Nếu là một nam nữ tu sĩ thì người có thẩm quyền là bề trên của họ. Khi có đơn tố cáo, giám mục phải mở cuộc điều tra sơ bộ. Kể từ năm 2010, khi bằng chứng đã đủ thì giám mục buộc phải báo cáo với Bộ Tín Lý, bộ sẽ quyết định cần thiết mở phiên tòa hay không. Khi đó Bộ sẽ quyết định, chính Bộ tiến hành phiên tòa hay giao về cho giám mục địa phận, hoặc một giám mục khác.

Giáo luật quy định hai loại thủ tục: phiên tòa hình sự trước tòa án dẫn đến bản án hay phiên tòa bằng nghị định ngoài-tòa. Trong trường hợp sau, giám mục với hai giám định viên sẽ tuyên bố quyết định bằng sắc lệnh.

Hội đồng giám mục quốc gia có vai trò gì?

Hội đồng giám mục quốc gia có thể ấn định các chuẩn mực của luật cụ thể. Các vấn đề liên quan đến công lý dân sự khác nhau tùy từng nước. Rôma đề nghị các nguyên tắc và khuôn khổ nhưng không thể đưa ra mọi chi tiết.

Giáo hội duy trì ý tưởng rằng đương sự có thể phạm “sai lầm” nhưng cũng có thể “tự sửa mình.”

Khi bí mật giáo hoàng được dỡ bỏ, nhiều tiếng nói đã nói lên quyền các cộng đoàn phải được thông báo.

Đây là một lãnh vực còn phải khai phá. Tôi nghĩ cũng có thể có nghĩa vụ phải thông báo. Từ nhiều năm nay khi đương đầu với các vụ án lạm dụng, sự chú ý đầu tiên tập trung vào các thủ phạm, sau đó dần dần mới qua nạn nhân, và cuối cùng là các cộng đồng cũng bị tổn thương do các hành động này. Cũng đã có một vài vụ tự tử của các linh mục bị buộc tội lạm dụng làm vết thương bị nặng thêm. Đây là cả một vấn đề mặc cảm tội lỗi, sửa chữa và hòa giải trong cộng đồng. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, ý thức vấn đề vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong các nhà cầm quyền giáo hội.

Ở Bắc Mỹ, việc công bố danh sách tên các linh mục lạm dụng là phổ biến. Có nên thực hiện rộng rãi hơn không?

Điều này rất tế nhị. Nhất là trong Giáo hội khi chúng ta vẫn còn nghĩ đương sự có thể phạm “sai lầm” nhưng cũng có thể “tự sửa mình.” Mục đích của phiên tòa giáo luật không chỉ là sửa chữa vụ tai tiếng và thiết lập công lý, nhưng còn là kêu gọi thủ phạm ăn năn và tu tỉnh lại. Điều này trở nên phức tạp khi công bố danh sách, vì vụ việc sẽ đi theo người đó suốt đời. Dù sao cũng phải xem lại việc công bố mang lại gì cho nạn nhân và cộng đoàn và cũng để tránh tái phát.

Các linh mục lạm dụng những người yếu đuối nhất làm cho chúng ta nghĩ đến hành động gây chia rẽ của ma quỷ | Maurice Page

Và nó cũng liên quan đến một câu hỏi khó có câu trả lời. Một người ấu dâm có thể lành chứng tật của họ không? Tôi rất ngạc nhiên khi biết linh mục phạm tội ấu dâm Bernard Preynat tuyên bố đã ngừng các hành vi phạm tội này một thời gian. Điều này có vẻ đúng, trong chừng mực không còn tố cáo nào nữa sau khi ngừng. Ông cho biết đó là nhờ cố gắng cá nhân. Tôi khá ngạc nhiên trước quy mô tội phạm của linh mục và sức mạnh của xung năng.

Việc dỡ bỏ bí mật giáo hoàng cũng quy định sự hợp tác rộng rãi hơn với chính quyền dân sự.

Chỉ dụ của giáo hoàng nói một cách khá tóm tắt về việc tôn trọng các chuẩn mực đã được luật pháp quốc gia thiết lập.

Điều này không chỉ liên quan đến việc thực hiện các yêu cầu từ các cơ quan tư pháp, ví dụ để chia sẻ thông tin, mà đặc biệt là nghĩa vụ báo cáo, vốn đang bị đe dọa trong vụ kiện hồng y Barbarin ở Pháp. Tổng giáo phận Paris và các giáo phận khác đã thiết lập các thỏa thuận với hệ thống tư pháp.

Tuy nhiên, tôi vẫn phần nào lo âu. Tôi hiểu phải tôn trọng nghĩa vụ của luật dân sự. Giáo hội không thể thoát khỏi nó. Nhưng đồng thời Giáo hội có hệ thống luật pháp riêng. Chúng ta phải cố gắng tôn trọng cả hai.

Hợp tác phải hai chiều.

Đúng, thường Giáo hội không có phương tiện để tiến hành điều tra. Do đó, trong một số trường hợp, Giáo hội muốn chờ công lý dân sự làm công việc của họ, trước khi chính mình tuyên bố lệnh trừng phạt.

Cuối cùng chỉ có Giáo hội mới có thể phán xét những gì liên quan đến mình. Chẳng hạn, chỉ một mình Giáo hội mới có thể tuyên bố bỏ chức tư tế, ngưng sứ vụ hay ngưng cử hành các bí tích. Giáo hội cũng có thể xử phạt hành vi không bị phạt với luật hình sự như ban bí tích cho các trường hợp đồng tính hay phá thai. Mỗi bên giữ quyền hạn của mình.

“Khái niệm bị chi phối khó xác định về mặt pháp lý”

 Và còn pháp chế?

Đây cũng là một vấn đề. Pháp chế không được công bố. Và không thể truy cập. Điều này phải được thay đổi vì nó giúp để hiểu các sự việc tốt hơn. Các luật sư cũng cần. Chúng ta lấy ví dụ trường hợp lạm dụng dưới tác dụng của rượu. Làm sao biết được đến mức độ nào nó có thể được cho là một tình huống giảm nhẹ? Có thể so sánh các trường hợp là điều rất hữu ích cho sự tiến bộ của pháp luật.

Việc tiết lộ các lạm dụng trên nữ tu cũng gây phẫn nộ mạnh mẽ. Có thể nào xem họ là những người dễ bị tổn thương không?

Có, nhưng trong trường hợp này phải chứng minh người này thực sự dễ bị tổn thương trong thời điểm đó. Nó có liên quan đến khái niệm ‘bị chi phối’, do đó cũng khó xác định về mặt pháp lý. Luật cần có các định nghĩa rõ ràng. Cần phải kiểm chứng tình trạng lệ thuộc và đương sự không thể nói “không” trong bối cảnh đặc biệt. Khi nghe các chứng từ loại này, phản ứng đầu tiên thường nghe là: “Làm sao họ lại có thể chấp nhận một chuyện như vậy được?” Vấn đề chính xác là ở đó. Lại càng tế nhị hơn khi người lạm dụng dựa vào Kinh Thánh bằng cách dùng một bản văn huyền bí và về địa vị linh mục của mình.

Hàng ngàn người bị lạm dụng trong Giáo hội Úc (Hình minh họa: Pixabay.com)

Trong quyển sách gần đây có tựa đề Ngộp thở (Ettouffée) tác giả Sophie Ducrey kể sự khó khăn của mình trong thời gian đầu để chấp nhận linh mục đã không có ý tốt với bà. Khi hiểu ra, bà vẫn tiếp tục tin tưởng ở cấp trên, bà chờ có sự trừng phạt. Không có, nhưng bà vẫn duy trì lòng tin tưởng của mình vào nhà cầm quyền Giáo hội. Bà tự nhủ, “nếu cấp trên không phản ứng thì giám mục sẽ can thiệp.” Con đường giải thoát của bà thật dài và khó khăn. 

Các vụ án xử các làm lạm dụng đặt ra vấn đề sự tách biệt các quyền hành pháp và tư pháp trong Giáo hội.

Giám mục hay bề trên dòng có trách nhiệm điều tra sơ bộ về linh mục phạm tội mà họ là “cha” theo nghĩa thiêng liêng. Một vài người nói: Tôi không thể làm điều này. Tôi không thể giữ hai vai trò. Người mà tôi phải áp dụng các biện pháp trừng phạt vẫn là đồng hữu của tôi trong chức tư tế, trong cộng đoàn. Tình huống mơ hồ này làm cho chúng ta phải suy nghĩ đến một hình thức tách biệt các quyền. Tôi ghi nhận Giáo hội ngày càng nhận thức hơn về sự hữu ích phải nhờ đến các chuyên gia thế tục trong các vấn đề này. Nó cũng cho thấy việc điều tra hoặc phiên tòa có thể được thực hiện một cách độc lập.

“Đối với nhiều người, đây có thể là những bước nhỏ. Nhưng mỗi bước nhỏ là mỗi bước đáng kể.”

Một vài nhà giáo luật đề nghị một con đường, đó là thành lập các tòa án đặc biệt gồm các giáo dân ở cấp bậc vùng hay quốc gia.

Giám mục có thể ủy quyền công việc này nhưng vẫn canh chừng kỹ. Nhưng cho đến giờ phút này, theo tôi, các giám mục gần như còn chống lại ý tưởng này. Các biện pháp như biện pháp Đức Phanxicô thể hiện năm 2019 mở một số chức năng tư pháp cho giáo dân trong các Tòa Ân giải Tối cao, đây là một bước uyển chuyển chưa từng có trước đây. 

Nhìn chung, không thể nói Giáo hội không coi trọng chuyện này.

Một loạt các bản văn và tài liệu những năm gần đây đã chứng tỏ cho thấy. Tất cả chưa là lý tưởng, vẫn còn nhiều chuyện phải làm. Đối với nhiều người, đây có thể là những bước nhỏ. Nhưng mỗi bước nhỏ là mỗi bước đáng kể. 

Giáo sư Astrid Kaptijn

Giáo sư Astrid Kaptijn  sinh năm 1962, ở Heemstede, Hà Lan, lập gia đình và có hai người con. Bà học thần học ở Amsterdam, giáo luật la-tinh ở  Strasbourg và ở Học viện công giáo Paris. Bà có bằng giáo luật các Giáo hội Đông phương ở Giáo hoàng Học viện Đông phương Rôma. Bà giảng dạy ở Paris, Louvain, Bỉ và ở Yaoundé, Cameroun.

Bà là thành viên của Uỷ ban độc lập về các lạm dụng tình dục trong Giáo hội (CIASE) được Hội đồng giám mục và Hội đồng các tu sĩ nam nữ Pháp thành lập năm 2019. Bà cho biết: “Tôi được ông Jean-Marc Sauvé, chủ tịch Ủy ban mời làm việc. Ông tìm một giáo sư giáo luật nhưng không phải là linh mục và ở Pháp thì không có ai.”

Ủy ban Độc lập về lạm dụng tình dục trong Giáo hội có ba nhiệm vụ chính: Thống kê các trường hợp lạm dụng từ năm 1950 đến năm 2018; nghiên cứu các trường hợp lạm dụng đã được xử lý như thế nào, xem các chuẩn mực được áp dụng như thế nào; và cuối cùng là thiết lập các đề xuất cho Giáo hội Pháp.

Ủy ban gồm nhiều chuyên gia trong mọi lãnh vực: luật, bảo vệ trẻ em, y khoa, sức khỏe, giáo dục, công việc xã hội, lịch sử, xã hội học, thần học, giáo luật và họp mỗi tháng một lần để thảo luận các vấn đề. Ủy ban có nhiều nhóm làm việc theo từng chủ đề, thần học, quản trị trong Giáo hội, sự kết nối giữa giáo luật và luật quốc gia, tâm lý học về các người đi lạm dụng..v.v. có một nhóm dành riêng để nghe nạn nhân.

Ủy ban đã làm việc được một năm. Trên nguyên tắc hợp đồng làm việc hai năm, nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Sau khi kết thúc, Ủy ban sẽ công bố một báo cáo và đưa ra các khuyến nghị.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

430    03-02-2020