Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Cách tiếp cận của một triết gia thời trung cổ với trí tuệ nhân tạo

llull1
 Shutterstock


Khái niệm về trí tuệ của Chân phước Ramon Llull khác với khái niệm về AI thời hiện đại về một số phương diện quan trọng. Nhưng bằng cách nào đó nó đã có từ trước.

Thuật ngữ “nhân tạo” (artificial), ít nhất là trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI - artificial intelligence), được sử dụng để phân biệt nó với trí tuệ “tự nhiên”. Trí tuệ tự nhiên (một lần nữa, trong bối cảnh này) thay vào đó đề cập đến khả năng nhận thức của các sinh vật sống - con người và động vật, nhưng đặc biệt là con người. Từ “nhân tạo” có nghĩa là AI không xảy ra một cách tự nhiên: Các hệ thống AI được con người thiết kế, phát triển và lập trình để thực hiện các nhiệm vụ thường yêu cầu đến trí tuệ của con người, chẳng hạn như giải quyết vấn đề, ra quyết định, học hỏi và hiểu biết ngôn ngữ tự nhiên.

Giờ đây, để hiểu điều gì làm cho trí tuệ nhân tạo trở thành nhân tạo, cần khám phá quan điểm của Chân phước Ramon Llull, một triết gia, nhà truyền giáo, nhà logic học, nhà thần học và nhà thần bí thời trung cổ sống vào thế kỷ XIII và thuộc Dòng Ba Phanxicô - trên thực tế, ông được chôn cất tại Tu viện Thánh Phanxicô tại quê hương ông ở Palma de Mallorca. Khái niệm về trí tuệ của ông khác với khái niệm về AI thời hiện đại về một số phương diện quan trọng - nhưng cũng bằng cách nào đó nó đã có từ trước.

Sự hiểu biết của Châ phước Llull về trí tuệ bắt nguồn từ một khuôn khổ triết học và thần học chủ yếu được truyền cảm hứng từ các tu sĩ Fòng Phanxicô là Roger Bacon và Thánh Bonaventura. Ông đề xuất một hệ thống được gọi là Ars Magna Generalis (Nghệ thuật Phổ quát Vĩ đại). Nó nhằm mục đích tạo ra kiến ​​thức thông qua một quá trình logic kết hợp. Thật thú vị, logic tổ hợp (combinatory logic) thực sự được sử dụng như một mô hình tính toán đơn giản hóa trong lý thuyết tính toán, lý thuyết bằng chứng và (đáng ngạc nhiên là) khoa học máy tính - do đó khiến Llull trở thành một nhà khoa học máy tính tiên phong. Theo Llull, quá trình liên quan đến việc kết hợp các khái niệm theo cách thức có trật tự là để để tạo ra những hiểu biết mới và khám phá chân lý. Ông tin rằng bằng cách sắp xếp lại một cách có hệ thống những yếu tố này, người ta có thể khám phá ra những chân lý khoa học phổ quát - và thậm chí cả sự thấu hiểu về tâm linh.

 

cpllull
 Chân phước Ramon Llull, một triết gia, nhà truyền giáo, nhà logic học, nhà thần học và nhà thần bí thời trung cổ sống vào thế kỷ XIII và thuộc Dòng Ba Phanxicô. Shutterstock


Mặc dù cách tiếp cận của Llull để tạo ra kiến thức có thể có một số điểm tương đồng với AI hiện đại, nhưng điều cần thiết là phải lưu ý những điểm khác biệt. Đầu tiên, hệ thống của Llull dựa vào trí tuệ và trực giác của con người như động lực thúc đẩy quá trình kết hợp. Khái niệm về trí tuệ của Llull đã gắn bó sâu sắc với ý thức con người - thậm chí còn hơn thế nữa, với tinh thần khao khát tri thức và chân lý của con người. Đó là một cách tiếp cận hữu cơ, lấy con người làm trung tâm để tiếp thu kiến thức và không nhất thiết phải được định hướng theo nhiệm vụ. Tóm lại, thứ mà Llull theo đuổi không phải là một công thức giải quyết vấn đề cơ bản nào đó. Đó là một cái gì đó sâu sắc hơn và do đó, nhân bản hơn nhiều: một nhu cầu cơ bản về chân lý.

Ngược lại, trí tuệ nhân tạo ngày nay đề cập đến sự phát triển của các hệ thống tính toán có thể mô phỏng và tự động hóa một số khía cạnh của trí tuệ con người. Nó tập trung vào việc tạo ra các thuật toán, mô hình và kiến trúc cho phép máy móc thực hiện các nhiệm vụ theo truyền thống liên quan đến trí tuệ con người - nghĩa là khi trí tuệ này được áp dụng cho các nhiệm vụ rất cụ thể. Việc đặt trọng tâm dựa trên sự phát triển các thuật toán có thể xử lý và phân tích một lượng lớn dữ liệu, học hỏi kinh nghiệm và đưa ra quyết định hoặc dự đoán dựa trên các kiểu mẫu và suy luận thống kê.

Không giống như khái niệm về trí tuệ của Llull, AI không thể bao gồm các khía cạnh thiêng liêng hoặc siêu hình trong các quy trình của nó. Nó chỉ nhấn mạnh các nguyên tắc toán học và tính toán để lập mô hình và tái tạo các quy trình nhận thức giống như con người - nhưng chúng chỉ là những quy trình dựa trên việc xử lý dữ liệu. Các hệ thống AI sử dụng các thuật toán, kỹ thuật thống kê và quy trình máy học để nhận dạng các mẫu, trích xuất thông tin và đưa ra quyết định phù hợp. Nó không thể dấn thân vào cuộc tìm kiếm chân lý hết sức “tự nhiên” của con người.

Tóm lại, thuật ngữ “nhân tạo” trong trí tuệ nhân tạo dùng để làm nổi bật bản chất nhân tạo của các hệ thống AI, phân biệt chúng với loại trí tuệ tự nhiên được thể hiện bởi các sinh vật sống và đặc biệt là động lực theo đuổi chân lý của con người. So sánh nó với khái niệm về trí tuệ của Ramon Llull cho thấy có sự thay đổi từ cách tiếp cận triết học lấy con người làm trung tâm để tạo ra tri thức sang một mô hình tính toán vận dụng các thuật toán và dữ liệu. 


Tác giả: Daniel Esparza - Nguồn: Aleteia (14/6/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

 

329    15-06-2023