Sidebar

Thứ Bảy
11.05.2024

Chia sẻ của Đức TGM.Giuse Ngô Quang Kiệt về Đức cha cố Vinhsơn Phaolô Phạm Văn Dụ - tt

Đau khổ do bệnh tật. 

Ngoài những đau khổ vì đoàn chiên, vì việc chung, ngài còn phải chịu đau khổ do bệnh tật. Thật oái oăm. Khi còn sức họat động thì không thể họat động. Khi có thể họat động, ngài lại bị chứng bệnh ngặt nghèo. Sau khi được công nhận, ngài bị tai biến mạch máu não. Tuổi mới ngoài 60, giáo phận đang thiếu thốn, mục tử còn ít ỏi, vừa được công nhận để làm việc, ngài lại bị bệnh phải ngồi yên một chỗ. Còn đau đớn nào hơn. Bị bệnh, ngồi nhìn những diễn biến trái ý chung quanh mà không còn sức để can thiệp, chỉnh đốn, lòng ngài buồn biết bao. Những năm 90, xã hội đang trên đà đổi mới, khắp nơi xây dựng, phát triển. Lạng sơn còn bao nhiêu nhà thờ đổ nát đến lúc cần xây dựng và được xây dựng. Nhưng Đức Cha đau bệnh phải nằm một chỗ. Chắc chắn tâm hồn ngài đau khổ vì phải đành ngồi nhìn giáo phận đổ nát mà không thể làm gì hơn.

Hiện diện trong yêu thương. 

Dù âm thầm, dù đau khổ, ngài vẫn yêu thương.  

Yêu thương nên không bao giờ oán trách. 

Có thể nói ngài là vị giám mục gặp nhiều trắc trở nhất, nhưng ngài không bao giờ oán trách hoàn cảnh. Ngài đón nhận những hoàn cảnh nghiệt ngã vì biết rằng đó là ý Chúa. Ngài không bao giờ oán trách con người. Có lẽ ngài hiểu rằng con người cũng chỉ là những nạn nhân. Bị cuốn vào vòng xoáy của lịch sử, con người không được chọn lựa, không thể thóat ra. Con người cần được thông cảm. Ngài càng không oán trách bệnh tật. Cùng lắm, như thánh Gióp, ngài chỉ thắc mắc đi tìm thánh ý Chúa và lúc nào cũng sẵn sàng vâng theo ý Chúa. 

Yêu thương nên chấp nhận tất cả. 

Dù hoàn cảnh khắc nghiệt, Đức Cha Vinhsơn Phaolô thản nhiên tự tại, vui vẻ chấp nhận. Ngài hòa mình vào với công việc của người dân. Ngài sống tròn đầy phút giây hiện tại. Có khi lên rừng đốn củi. Có khi bổ củi gánh nước. Có khi cùng thanh niên đi xe đạp trên những con đường quanh co đầy ổ gà gập ghềnh của vùng rừng núi. Ngài đón nhận mọi người. Hiểu rằng trong những lúc khó khăn, con người bị nhiều áp lực không thể làm điều mình muốn, Đức Cha thông cảm với tất cả nên đón nhận mọi người, kể cả những người vì hoàn cảnh mà phải thay đổi thái độ đối với ngài. Tất cả đều là những con chiên trong cùng một đoàn chiên. Con nào càng đau yếu càng được yêu thương chăm sóc hơn. Khi về Lạng sơn, ngài rất gần gũi với ông Tiền, nguyên giám đốc Công an Lạng sơn. Hai người đồng bệnh cao huyết áp nên thường trao đổi về bệnh tật, thuốc men và cách phòng ngừa, chữa trị. Đồng bệnh tương lân, hai người truyện trò rất tâm đắc. Thật là một cảnh tượng hiếm thấy.

Yêu thương nên quan tâm đến mọi người. 

Cuộc sống khó khăn dường như càng khiến ngài gần gũi với mọi người hơn, đặc biệt đối với những người nghèo khổ, túng thiếu, họan nạn. Ngài thường xuyên thăm viếng gia đình giáo dân trong xứ. Hiểu biết hoàn cảnh từng người. Chia sẻ với từng người bằng cách an ủi, hòa giải, cho lời khuyên, hoặc trách mắng khi lỗi phạm. Mỗi khi có dịp, ngài đều giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, nhất là khi ngài đã có nhiều phương tiện hơn. Khi thì giúp một thanh niên nghèo khó đi học nghề. Lúc thì giúp  một gia đình túng thiếu có chút ít vốn để xoay sở làm ăn. 

Yêu thương nên tha thiết xây dựng giáo phận 

Bắt đầu từ năm 1990, khi hoàn cảnh đã cho phép, ngài hăng hái bắt tay vào việc xây dựng giáo phận. Về mặt nhân sự ngài chuẩn bị cho người đi chủng viện, mời các dòng ra cộng tác và kiến nghị với chính quyền cho các linh mục gốc Lạng sơn cũng như các linh mục cháu chắt của ngài trở về làm việc. Về cơ sở, ngài cho tu sửa, xây mới các nhà thờ đã bị tàn phá hoặc xuống cấp. Mọi người còn nhắc đến việc xây dựng nhà thờ Bó Tờ. Giáo dân khắp nơi tuốn về giúp xứ đạo người dân tộc Nùng. Kẻ tải gạo, người rau quả, kẻ búa kìm. Tất cả túm vào xây dựng nhà thờ mà cả giáo phận đều coi là nhà của chung. Thật vui tươi, thánh thiện và cảm động. Tại Bó Tờ, vùng đất giáp ranh với Trung quốc, người ta trồng được loại khoai sọ rất ngon gọi là khoai sọ Lệ Phố. Những người từ các xứ đến làm nhà thờ đều tán thưởng món khoai đặc sản này, nên đã có lời truyền tụng : “Đi thời nhớ vợ cùng con. Về nhà lại nhớ khoai môn Bó Tờ”. Điều ngài quan tâm nhất là xây dựng ngôi nhà thờ chính tòa, trái tim của giáo phận. Ngài tích lũy tiền bạc, chuẩn bị vật liệu, tìm kỹ sư thiết kế, tìm mẫu mã. Dành hết tâm lực cho ngôi nhà thờ mẹ này, ngài đã phải giảm bớt chi tiêu ăn uống rất nhiều. Món ăn thường xuyên của ngài là canh cua và cà muối. Mỗi dịp lễ, phải cho giáo dân liên hoan, ngài thường nói đùa : Hôm nay các ông các bà ăn hết cả một cái cột nhà thờ rồi đấy. Tiếc rằng ngài đã sớm ra đi khi chưa thể xây được ngôi nhà thờ chính tòa như lòng mong ước.

Khi về Lạng sơn, tôi mới hiểu được hết những tình cảm sâu nặng giáo dân dành cho ngài. Đi đâu cũng thấy mọi người nhắc đến ngài với những tâm tình thương mến, kính phục. Chỗ nào cũng nghe trích dẫn những lời ngài đã dậy dỗ, khuyên bảo. Anh hưởng của ngài thật lớn lao, rộng rãi và sâu xa. Hình ảnh ngài bàng bạc khắp nơi. Giáo dân thấy ngài trong những hiện tượng thiên nhiên. Khi an táng ngài, trời mưa như trút đến nỗi các Đức Giám mục và các linh mục không thể bước ra phần mộ. Tại phần mộ, dù người ta đã che bạt, nước vẫn chảy xuống như thác. Giáo dân càng thương nhớ ngài hơn. Ngày giỗ đầu được bình an. Giỗ năm thứ hai, trời mưa như trút đến nỗi không thể dâng lễ ngoài trời, dù đã che rạp. Mưa trĩu nước trên bạt che làm sập khung sắt. Rạp đổ xuống làm vỡ cả tượng thánh Giuse. Giáo dân càng thương nhớ ngài tha thiết. Giỗ mãn tang trời mưa lớn hơn. Nước dâng lên ngập lụt làm mọi người vừa tan lễ phải chạy vội về thu dọn đồ đạc. Đoàn Thất khê dự lễ về phải bỏ xe, đi bè qua chỗ nước lụt. Đoàn Cao bằng phải vòng qua ngả Thái nguyên để về cho kịp lễ ngày Chủ nhật. Giáo dân cho đó là tiếng ngài nhắc nhở chúng ta rằng đời sống chưa hết đau khổ, chưa hết chiến đấu. Giỗ năm thứ 4, mưa bão đánh gẫy cành nhãn lớn nhất, nơi treo quả chuông. Quả chuông vốn đã nứt nẻ lại  rơi xuống một lần nữa, may mà không vỡ thêm. Tất cả những việc ấy làm người dân càng nhớ đến ngài. Mọi người đều ứa lệ khi nhớ đến những đoạn đời đau khổ ngài đã trải qua. Tượng Đức Mẹ để dưới cây nhãn tuy cũ kỹ, nhưng giáo dân vẫn muốn giữ lại, vẫn thích cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cũ, vì tượng cũ làm họ nhớ đến Đức Cha Vinhsơn Phaolô. Đã bao lần ngài đứng trước tượng Đức Mẹ này, cầu nguyện với cả đau đớn và nước mắt. Quả thật sự hiện diện càng âm thầm lại càng có sức lan tỏa rộng lớn, càng đau đớn lại càng đi sâu vào lòng người. Vì tình yêu càng âm thầm, càng đau khổ lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Lúc ấy tôi mới hiểu hết lời Chúa nói với thánh Phaolô : “Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trong sự yếu đuối”, và thánh Phaolô cảm nhận : “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”(2Cr 12, 9-10). Vì khi tôi yếu, chính Chúa làm việc. 

+ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kiệt

Trích sách "Ai Lên Xứ Lạng" - NXB.Tôn GIáo 2009
Ảnh: WGP.Lạng Sơn Cao Bằng

 

 

VinhsonPhaoloPhamVanDu-01.jpg VinhsonPhaoloPhamVanDu-02.jpg

704    03-09-2018