Sidebar

Chúa Nhật

08.12.2024

Chiến thuật làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử đạt điểm cao

Để đạt điểm cao môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, thí sinh không nên chỉ chú trọng vào việc học thuộc lòng.

 

Trong chương trình Chinh phục kỳ thi THPT quốc gia 2017 phát sóng trên VTV7, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng cho rằng thí sinh phải cố gắng nắm kiến thức môn Lịch sử một cách toàn diện và thấu hiểu được bản chất của vấn đề mới có khả năng đạt điểm cao.

Từ các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, có thể thấy kiến thức trong đề thi trắc nghiệm rải đều các phần, các chương của chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 hiện hành. Số lượng kiến thức của phần lịch sử thế giới là 30% và lịch sử Việt Nam là 70%.

Phần thứ nhất gồm 24 câu đầu, nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản ở mức "nhận biết" và "thông hiểu" chiếm khoảng 60% tổng số câu trong đề thi. 

Phần thứ hai gồm 16 câu còn lại là những câu hỏi có tính phân loại, đòi hỏi khả năng "vận dụng" và "vận dụng cao" phục vụ cho việc xét tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng.

Những câu vận dụng cao chỉ chiếm tỷ trọng 10% (4 câu), tương đương 1/10 điểm. Như vậy, một học sinh khá có thể đạt được điểm tối đa là 9/10. Một điểm còn lại sẽ dành cho học sinh giỏi.

Lần đầu tiên, Lịch sử trở thành môn thi theo hình thức trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Vì vậy, thí sinh cần trang bị cho mình những phương pháp, kỹ năng ôn luyện phù hợp, tránh tình trạng "học tủ" một cách bài bản.

Vận dụng công thức 5W Và 2H

Theo thầy Nguyễn Mạnh Hưởng, với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh nên vận dụng công thức 5W và 2H, không phải thuộc lòng quá nhiều mà quan trọng là phải tư duy, hiểu rõ bản chất của từng mốc lịch sử.

Theo đó, thí sinh sẽ trả lời lần lượt: What - Sự kiện lịch sử gì đã diễn ra?, When - Diễn ra khi nào?, Where - Diễn ra ở đâu?, Who - Gắn liền với nhân vật lịch sử nào?, Why - Vì sao lại xảy ra?, How: Đánh giá, bình luận, liên hệ.

Theo phương pháp này, học sinh sẽ nắm được các nội dung trọng tâm trong chương trình, nắm vững kiến thức cơ bản, ghi nhớ và hiểu những sự kiện cốt yếu gắn với thời gian, địa danh, nhân vật lịch sử.

Lời khuyên:

Chỉ có 50 phút để làm bài thi, học sinh không nên để mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi nào đó, vì thời gian trung bình mỗi câu chỉ khoảng 1,25 phút. Không cần làm theo thứ tự câu hỏi, với những câu dễ thí sinh hãy làm trước, khoảng thời gian còn lại sẽ "chiến đấu" với những câu khó sau.

Nếu thí sinh không nhớ chính xác phương án trả lời một số câu hỏi thì không nên đoán mò hoặc làm theo kiểu "phủ xanh đất trống" một cách may rủi mà cần dùng phương pháp loại trừ.

Hơn nữa, thay vì đi tìm đáp án đúng, học sinh hãy thử tìm phương án sai cũng là cách hay và loại trừ càng nhiều phương án càng tốt.

 

( Trích Zing.net )

2024    31-05-2017