Sidebar

Thứ Hai
13.05.2024

Dominique Wolton: “Điều Đức Phanxicô muốn nhất là quay trở về với giá trị của Tin Mừng”

 

Chính trị và Xã hội, một cuộc đối thoại chưa từng có… mười hai cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô là quyển sách vừa xuất bản năm ngoái giữa Đức Phanxicô và nhà xã hội học Pháp Dominique Wolton. Tác giả theo dõi sát cơn khủng hoảng hiện nay. Chúng tôi có buổi phỏng vấn ông. 

Ông nhìn cơn khủng hoảng này như thế nào?

Để nói ngắn gọn trong vài chữ, đây là một chuyện thanh toán, Đức Phanxicô đứng trước sự tấn công chung của phía bảo thủ. Ngài ở trong tầm nhắm của những người ngay từ đầu không muốn ngài cải tổ giáo triều và tài chánh Vatican. Và nhất là những người nghi ngờ ngài về việc quay về các giá trị nền tảng của Tin Mừng. Đàng sau các vấn đề thiêng liêng, còn có các vấn đề chính trị. Chưa ai hiểu Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên của thời toàn cầu hóa. Ngài buộc phải hoàn vũ hóa Giáo hội. Khuôn mẫu Rôma đã lỗi thời… Dù ngài có gốc rễ Âu châu, nhưng căn bản Đức Phanxicô xuất thân từ Châu Mỹ La Tinh, và ngài muốn áp dụng Tin Mừng đứng trước các chất vấn chủ yếu hiện nay, từ vấn đề chiến tranh hay hòa bình cũng như các bất bình đẳng kinh tế và xã hội ngày càng tăng. Tất cả những điều này, Đức Phanxicô tái thiết lập với những gì ngài thấy và ngài đã sống: từ các chế độ độc tài ở châu lục của mình đến tác hại do việc làm của một số giám mục, sự tham nhũng của các xã hội.

Một cách nào đó người ta không hiểu ngài rõ?

Ngài nhắm đến một Giáo hội tái tân trang, nhưng ngài không có ảo tưởng. Và vì thế ngài đi gặp các cộng đoàn nhỏ, thậm chí là thiểu số, hơn là có thêm sự mến chuộng ở các nước lớn có truyền thống công giáo, những nơi mong đón tiếp ngài. Sự phân tích của ngài ở trong chiều toàn cầu hóa. Dĩ nhiên điều này không thể được hiểu ở mọi cấp bậc. Điều cần thiết phải chỉnh đốn, Mutatis mutandis, chúng ta nghĩ đến Liên hiệp Âu châu mà 28 thành viên đồng ý trên tất cả và cũng chẳng đồng ý trên cái gì. Ở đây cũng vậy, cần có một cuộc thảo luận thật sự. Đức Phanxicô phải thành công để hoàn vũ hóa chẳng hạn giải quyết các hồ sơ nóng bỏng như hồ sơ tín hữu Trung Đông, hồ sơ Trung quốc.

Không ai trách Đức Phanxicô đã không biết giao tiếp…

Họ hiểu lầm ngài. dù sao Giáo hội là một thể chế không giống các thể chế khác. Không phải vì Giáo hội góp mặt trong địa hạt quần chúng mà chúng ta phân tích Giáo hội như một công ty hay một đảng phái chính trị. Đúng là bây giờ Giáo hội phải thích ứng vào cách giao tiếp hiện đại như tất cả mọi người… Trở lại với câu trả lời về đồng tính của ngài khi ngài trở về từ Dubin, câu trả lời này được nhìn với các lăng kính mang tính tây phương nhất. Người Argentina bỏ nhiều thì giờ của họ để đi tham vấn với các tâm lý gia. Trong các buổi trao đổi với ngài, ngài thổ lộ đã từng đi tham vấn với nhà phân tâm và theo tôi, tôi thấy ngài thật can đảm. Để tôn trọng đời sống riêng tư của ngài, tôi không muốn nói nhiều hơn. Khi ngài khuyên các cha mẹ đi gặp tâm lý gia, là vì ngài thấy không có gì tệ hơn là sự im lặng trong gia đình. Trong ý nghĩ của ngài, đó là để giúp đỡ họ. Và ngay lập tức, tất cả các người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới (LGBT) trên hành tinh tấn công ngài, dù ngài đã là và vẫn là giáo hoàng cởi mở nhất, tôn trọng người đồng tính nhất. Tôi cũng muốn nói thêm, lên chương trình một cuộc họp báo sau chuyến đi dài và mệt mỏi là chuyện phi lý.  Như thế để nói lên, Đức Phanxicô nói những gì ngài nghĩ và mặc cho lời nói này có ở trong đường lối suy nghĩ giống mọi người hay không. Ngài luôn phẫn nộ với các bất bình đẳng mà ngài đã từng sống ở Argentina. Ngài đã có thể trở nên bảo thủ như một số lớn các bạn của ngài, nhưng ngài vẫn giữ cái nhìn của mình.

Theo ông, đó là một sức mạnh?

Đúng, ngài trung thành với các xác tín của mình. Như hồng y Tauran nói với tôi, ngay từ đầu Đức Phanxicô đã chống tất cả mọi bất công. Hồng y Tauran đã quen biết ngài trước đây ở Pháp.

Ông thấy hồi kết của cơn khủng hoảng này như thế nào?

Đức Phanxicô sẽ thành công thoát ra. Suy nghĩ của ngài là thành quả của hàng ngàn giờ suy nghĩ trên nền tảng các trạng huống ngài đã sống. Ngài đã gieo một làn gió tự do và ý nghĩa phê phán cho hai mươi năm sắp tới. Ngài ở trong truyền thống lâu dài nhưng ngài ý thức sự khẩn cấp phải chiến đấu cho hòa bình và giữ gìn trái đất. Ngài nhận thức rõ thế giới này đã hủy bỏ các luật lệ chỉ quá giống với thế giới đã dẫn đến các thảm họa của ngày hôm qua.

Đó là ngôn sứ của thời chúng ta?

Ngài áp dụng triệt để Tin Mừng và muốn đưa Giáo hội về các lời giáo huấn nền tảng của Tin Mừng. Đó là ý nghĩa cho cuộc chiến chống chủ nghĩa giáo quyền của ngài. Chúng ta đọc lại các bài phát biểu của ngài với giáo triều trong những năm 2015, 2016 và cả năm 2017… Ngài cũng tập trung về sự cần thiết phải chống nạn đạo đức giả và sa lầy trong miếng mồi ngon là quyền lực.

Nhưng ngài có dấn thân đủ trong các vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ không?

Có một áp lực quần chúng rất mạnh ở đây, họ muốn trừng phạt nhanh chóng. Ngược lại, Đức Phanxicô muốn đi đến cùng với các cuộc điều tra. Điều này trái với bối cảnh chính trị và truyền thông hiện nay, muốn có kết quả ngay lập tức…  Đôi khi bị rơi vào bẫy làm tức thì, hạ bệ nhiều người sau các phán xét sai lầm, để rồi sau đó hối tiếc.

Marta An Nguyễn dịch

430    15-09-2018