Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Đừng cay nghiệt với người tốt

Thứ Tư tuần II TN

Mc 3,1-6

ĐỪNG CAY NGHIỆT VỚI NGƯỜI TỐT

 

Trang Tin Mừng hôm nay là một trong 5 cuộc tranh luận gay gắt giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về việc giữ luật trong ngày Sabát. Khởi đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ngài đã gặp những cuộc phản ứng chống đối bằng những hành vi và lời nói công khai của nhóm Pharisêu, đại diện cho tầng lớp những người sống “vị luật” thời bấy giờ. Trong ngày sa bát người không được làm bất cứ việc gì kể cả việc đi bộ cũng có giới hạn.

Chúa Giêsu hôm nay bị rơi vào tình trạng bị khước từ.

Dưới quan điểm của quần chúng thì Ngài là vị ngôn sứ cao cả, đúng hơn Ngài là hiện thân của Đấng Mêsia mà dân Do Thái đang mong chờ. Nhưng trong lòng người Pharisieu, Ngài lại bị coi là kẻ phạm pháp, vì đã không dạy dỗ kỹ lưỡng các môn đệ mình khi các ông bứt lúa trong ngày Sabát. Ngài cũng là kẻ bị xem là ăn nói phạm thượng khi tự cho mình là ngang hàng với Thiên Chúa : "Con Người làm chủ ngày sabát". Chúng ta cùng bước vào trình thuật hôm nay như một vở tuồng đầy kịch tính và đó cũng là cuộc tranh luận cuối cùng của Chúa Giêsu với nhóm biệt phái với cường độ ngày càng gay gắt.

Trong cuộc tranh luận thứ 5 này, chúng ta sẽ nhận ra cao điểm của cuộc “chạm trán” ấy, như mở đầu con đường Thập giá mà Chúa Giêsu sẽ đi qua.

“Chúa Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay”. Trong câu 1, Thánh sử Máccô đã giới thiệu nơi chốn và nội dung của sự kiện. Một ngày như mọi ngày, Chúa Giêsu vào hội đường để đọc hoặc để nghe và giải thích Sách Thánh.

Chúa Giêsu cho thấy Ngài là người biết rõ ý định của họ. Ý định đó là gì? Thánh Máccô chỉ rõ: “họ rình xem Chúa Giêsu có chữa người bị bại tay vào ngày Sabát không”, vì người ấy cũng đang có mặt ở Hội Đường. Trước đó – trong câu chuyện “các môn đệ bứt lúa” – Chúa Giêsu đã khẳng định với họ về ngày Sabát: ngày đó “được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát” (Mc 2, 27).

Có lẽ vì thấu rõ lòng chai dạ đá của họ mà Chúa Giêsu đã muốn cho anh bại tay ra đứng giữa họ để cật vấn họ: "Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?". Câu hỏi của Chúa Giêsu đạt họ vào tình trạng suy nghĩ để thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày Sabát, nhưng “họ làm thinh không trả lời”.

Đó là thói quen tốt lành của người Do Thái ngoan đạo. Vậy mà, nơi “được rao giảng” việc sống đạo lại chính là nơi “hành đạo” không được thực hiện. Tại hội đường, cũng có những người Do Thái, họ vào hội đường với mục đích khác, đó là để “rình và tố cáo” Chúa Giêsu (x. c.2). Họ đã biến việc nghe và sống Lời Chúa thành việc sẵn sàng “ khử trừ” những ai diễn giải Lời Chúa khác với quan điểm của họ.

Trong cái nhìn của Chúa Giêsu, người bại tay làm cho Ngài động lòng trắc ẩn nên tìm cách chữa lành cho anh; trong khi những người Pharisiêu chỉ thấy những khoản luật và dễ dàng lên án. Những điều luật này không những phủ lấp trái tim khô cằn của họ, khiến họ không nhìn ra nỗi khổ đau của tha nhân, mà còn coi đó là cơ hội để bắt bẻ và lên án Chúa Giêsu.

Khi Chúa chữa lành cho người anh em trong cùng Hội Đường được khỏi bệnh thì họ không vui mừng, nhưng cảm thấy tức tối và tìm cách hại ngài luôn luôn. Một tác giả cho rằng đây là cuộc tranh luận thứ năm trong các cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài.

Và câu chuyện cho thấy: trong cùng trong một sự kiện, lại có hai cái nhìn ngược nhau. Cái nhìn của Chúa Giêsu xuất phát từ tấm lòng yêu thương, nhân hậu, trong khi cái nhìn của các đối thủ thì cứng cỏi và chai đá biết là dường nào. Sự thù ghét Chúa Giêsu càng đưa họ đến thái độ cấu kết với những người thuộc phe Hêrôđê - vốn là nhóm xấu xa mà trước đây họ không thích - để chống đối và tìm cách hại Ngài như tác giả thuật lại: “Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Ðức Giêsu”.

Chúa Giêsu gọi anh bại tay ra giữa đứng ( x. c.3). Ngài muốn người Do Thái nhìn thẳng và nhận ra vấn đề vì thế Ngài hỏi họ: “Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ?” ( c.4). Câu hỏi của Ngài như một lời chất vấn lương tâm, dẫn họ lần bước trở về tính thiện ban đầu mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn con người.

Tác giả mô tả tình trạng của họ : “làm thinh”. Họ làm thinh có lẽ không dám trả lời trái với lẽ lương tâm, nhưng cũng là cách phản đối, từ chối con đường yêu thương mà Chúa Giêsu đặt ra trong ngày sa bát giữa “ lành – dữ; cứu mạng – giết đi”. Thánh sử nói rõ : lòng họ đã chai lì trước lời mời lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu vì thời đó, người Do Thái quan niệm bệnh tật là do ma quỉ và tội lỗi gây ra nên Chúa Giêsu muốn trải rộng nguyên tắc đem lại sự sống giải phóng con người khỏi ách nô lệ của Satan là ngày được cứu người, được phép làm điều tốt điều lành. Đó là ngày Thiên Chúa thi ân giáng phúc cho dân Người, nhất là những người nghèo.

Với sự lặng thinh cứng lòng của người Do Thái, chúng ta thấy thái độ của Chúa Giêsu “giận dữ rao mắt nhìn và buồn khổ”. Đây là tấm lòng của một Thiên Chúa yêu thương gần như bất lực trước tự do của con người. Khi thấy họ cố “bịt mắt bưng tai” trước lời mời cứu độ và hành vi yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đón nhận thái độ ấy trong sự cương quyết bày tỏ tình yêu Cứu độ : Người bảo anh bại tay “giơ tay ra!” ( x.c.5) và tay anh được chữa lành.

Khi Tình Yêu được bày tỏ thì quyền lực chống lại nó cũng lộ ra “Người Pharisêu bàn tính với phe Hêrôđê để tìm cách giết Chúa Giêsu” (c.6).

Con người hợp nhau để chống lại Thiên Chúa. Cái ác đồng lòng phá đổ sự thiện tội lỗi hợp lực, bóng đen bao trùm để dập tắt ánh sáng. Nhưng khi tội ác lên đến đỉnh điểm là Thập Giá thì Tình Yêu Thiên Chúa  cũng được mở ra cho nhân loại qua trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên đồi Can vê.

Trong cuộc sống hàng ngày đôi lúc chúng ta cũng có thái độ như người Do Thái khi đến nhà thờ hoặc khi làm những công việc đạo đức. Lúc đó thay vì chúng ta tìm ý Chúa, chúng ta lại dò xét và bình phẩm lẫn nhau. Thay vì kết tình thân ái giữa mọi người, chúng ta lại gây chia rẽ bằng việc “xuyên tạc” lời nói và hành vi của người khác. Thay vì để tâm suy gẫm Lời Chúa, để Lời Chúa thấm vào tâm hồn, thì chúng ta lại âm mưu toan tính sao cho mình có lý hoặc luôn tìm phần thắng, phần lợi về cho mình. Chúng ta hãy xem thái độ của Chúa Giêsu như thế nào trước tâm địa độc ác của họ.

Và cũng rrong cuộc sống hằng ngày chúng ta cũng thường gặp những trường hợp có những người có trái tim quảng đại, tốt lành, thánh thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khác hơn là giữ luật vì luật luật thì cũng bị những kẻ xấu chơi khăm, lên án và tìm cách loại trừ ra khỏi sân chơi. Họ còn xấu đến nỗi cấu kết với những người khác để cố tình tẩy chay, gây hại cho đối phương chỉ vì sự ganh tị, ghen tương, bất đồng…

Xin cho mỗi người chúng ta biết xét mình hằng ngày để hối lỗi về những điều xấu, hơn nữa xin cho chúng ta biết sống tinh thần cốt lõi của Ki-tô giáo, để cuộc sống này bớt đi những bóng tối hận thù, ghen ghét, chia rẽ … và thắp lên đốm lửa yêu thương, tha thứ, hiệp nhất, hầu mọi người nhận ra khuôn mặt của Chúa trong cuộc sống đời thường của chúng ta.

 

 

1814    13-01-2018