Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Đừng để tiền bạc lôi kéo

 

          Trang Tin Mừng này nằm trong phần III của Tin Mừng Maccô nói về Mầu Nhiệm Con Người và con đường của Con Người đi là Thập Giá, là chọn lựa và hy sinh. Chủ đề chính của đoạn Tin Mừng Mc 10,17-27 nói về của cải. Một sự so sánh giữa Thiên Chúa và của cải, tiền bạc, dẫn đến sự hy sinh : nếu theo Chúa sẽ phải khước từ sự vinh quang, giàu có. Nói đúng hơn, nếu chọn Thiên Chúa làm chủ cuộc đời, thì không thể sống lệ thuộc vào tiền bạc mà đánh mất lương tri vì Chúa Giêsu đã nói : “Không ai vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của” ( x. Mt 6,24)

          Mở đầu đoạn Tin Mừng này là lời tha thiết nài xin của một người giàu có khao khát được đạt tới sự sống đời đời “ Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì  để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (c.17). Anh là một con người đi tìm chân lý, tìm hạnh phúc mai sau. Từ câu xưng hô của anh ta mà Chúa Giêsu dạy cho anh một sự thật về Thiên Chúa, Ngài là Đấng nhân lành. “Không có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa” (c.18).

Ý Chúa Giêsu muốn  tỏ lộ thần tính của Ngài cho anh : nếu anh gọi Ta là nhân lành, thì anh đã biết về Thần Tính của Ta rồi đó. Nhưng có lẽ giờ của Ngài chưa đến, nên Ngài không thể nói “ huỵch toẹt” ra cho anh được và Ngài trả lời anh qua luật Môsê về các điều răn : Chớ ....(c19).

Những điều răn này là những luật cấm qua từ “ Chớ”, nghĩa là chớ làm những điều xấu đó cho người đồng bào. Nếu để ý kỹ, chúng ta thấy đây là những điều răn nói về cách cư xử đối với con người. Anh ta trả lời rằng : Những điều ấy anh đã sống tốt ngay từ thuở nhỏ ( có lẽ anh được thừa hưởng một nền gia phong, lễ nghĩa, được nuôi nấng dạy dỗ tỉ mỉ).

         Câu 21, chúng ta thấy Thánh Sử niêu tả hành động của Chúa Giêsu. Có lẽ đây là một trong những trang Tin Mừng đẹp nhất nói về tình cảm của Người : “ đưa mắt nhìn, đem lòng yêu mến...” đối với một con người quá ư dễ mến, dễ thương, hiền lành. Đạo đức như thế. Chúa Giêsu đi thêm một bước nữa, mời gọi anh đi sâu vào tương quan với Thiên Chúa, chứ không chỉ sống tốt trong tương quan với người khác. Người bảo : “ .......Hãy đi bán...... rồi đến theo Ta”(c 21). Ngài đã đưa ra “ chiêu đòn” cuối cùng và thật là lợi hại, chiêu đòn ấy đã đánh trúng nhược điểm của anh ta, khiến anh ta sa sầm nét mặt, buồn rầu và bỏ đi. Thánh Sử nói rõ lý do : vì  anh ta có nhiều của cải (c 22).

Ta thường nghĩ Tin Mừng này là trang thất bại của Chúa Giêsu trên con đường truyền giáo. Ngài kêu mời một con người “ tốt lành” cộng tác, nhưng họ đã chối từ. Thế mới biết mạnh lực của tiền bạc mạnh mẽ là dường nào. Ngày nay, chúng ta thấy không thiếu những người thanh niên như vậy. Họ sẵn sàng đi làm công việc bác ái : giúp đỡ người nghèo, bệnh tật trong các làng phong hủi. Trại mồ côi, trường khiếm thị, khiếm thính hay đem ánh sáng văn hoá đến các trẻ em vùng sâu vùng xa...

Nhưng khi chúng ta đề nghị họ dấn thân vì Tin Mừng trong các ơn gọi tu trì, thì  họ lắc đầu, ngao ngán. Họ sẵn sàng cho những gì ở ngoài họ như anh thanh niên vậy : tôi không đụng đến ai, thì đừng ai chạm được vào cái gì là tôi. Họ không dám hay nói đúng hơn là họ giữ lại “ cái tôi” cho mình. Thiên Chúa không muốn những cái gì  không phải là của ta vì Ngài có thể dùng uy quyền mà làm nên chúng. Ngài không muốn cái “ ta có”, nhưng muốn cái  “ta là”. Và vì  Ngài  đã ban tự do cho chúng ta, nên bây giờ Ngài chờ đợi sự đáp trả “ rất tự do” của mỗi người.

          Đứng trước sự từ chối của anh thanh niên, Chúa Giêsu rảo mắt nhìn các môn đệ và nói : “Người  giàu có khó vào Nước Thiên Chúa (c23). Ở đây Ngài không nói người giàu có không được vào Nước Thiên Chúa nhưng la khó vào. Và Ngài đưa ra hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim. Có người giải thích, lỗ kim là một cái lỗ  cửa thấp nơi tường thành cổ Jêrusalem.

Thật vậy, đây là lối nói ngoa ngữ theo kiểu phương đông về lỗ kim may. Ý nói : Sự khó khăn để vào  Nước Trời của người giàu, tựa như con lạc đà và cái lỗ xâu kim chỉ may vậy. Nghe sự so sánh này, các tông đồ quá sửng sốt : Vậy thì ai được cứu ? Nếu Thiên Chúa quá khắt khe như vậy, thì chúng ta chắc không được hưởng ơn cứu độ. Chúa Giêsu hiểu sự lo lắng của các ông nên Ngài nói : “ Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được” ( c27). Nghe câu này chúng ta cũng thở phào nhẹ nhõm, vì ơn cứu độ là một ơn ban nhưng không, chứ không do công trạng của con người. Thiên Chúa cứu độ chúng ta vì Ngài yêu chúng ta, chứ không phải vì chúng ta xứng đáng để được hưởng ơn cứu độ ấy, để không ai vênh vang, tự mãn về công lao của mình. Đây là sức con người, nhưng là ân huệ của Thiên Chúa ( x Ep 2,8-9), chỉ cần chúng ta mở rộng đôi bàn tay ra đón nhận.

Trang Tin Mừng hôm nay măc khải cho thấy “giá trị” tuyệt đối của Thiên Chúa, không ai và không gì có thể sánh ví, và tương quan “tin-cậy-mến” đối với Ngài, qua Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời làm người của Ngài là vấn đề “sống” (sự sống theo nghĩa thuộc linh và vĩnh hằng”) hay “chết”, còn hay mất, Hạnh phúc hay Bất hạnh của con người, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mc 10, 17-27 : ở đây, trước đỏi hỏi tuyệt đối và triệt để của Đức Giêsu [“Đức Giêsu bảo anh ta : ‘Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi’.” (10, 21)], người thanh niên đã không vượt qua được cửa ải nầy và đã bỏ đi [“Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (10, 22)]…

          Trong thế giới thực dụng ngày nay, con người đang mãi mê chạy theo danh vọng, tiền bạc mà đánh mất cả lương tri. Tệ hại thay, những người Kitô hữu cũng bị cuốn theo dòng chảy đó, đến độ người ta đã nói : Tin đạo, chứ không tin người có đạo.

Vô tình, ta đã làm méo mó gương mặt của Chúa, khiến những anh chị em của chúng con không muốn theo Chúa nữa. Xin cho ta ơn hoán cải trở về với Chúa mỗi ngày trong từng công việc, hành vi của ta khi đối xử với anh chị em đồng loại.

Xin Chúa cho ta  biết nói tiếng “ không” trước những cám dỗ của tiền tài, danh vọng, khi chúng lôi kéo ta xa Chúa, phủ nhận sự hiện hữu  của Chúa trong cuộc sống, khi chúng đẩy ta có những hành vi mất hết lương tâm, không tình bác ái cảm thông với những anh chị em, nhất là những con người cùng khổ cả về tinh thần lẫn thể xác.

 

 

1236    27-02-2017